Lý Ðông A là một nhân vật lịch sử và huyền thoại. Người mà kẻ viết những dòng này ở thời tuổi trẻ đã có lúc say mê. Có thể nói trong lịch sử dân tộc Việt không có nhân vật nào như Lý Ðông A. Ông vừa thực lại vừa hư. Rực rỡ và huyền bí như vầng trăng trên khu rừng cháy. Như hoàng hôn trầm phẫn trên sóng nước Bạch Ðằng.

Không phải chỉ riêng kẻ này mê Lý Ðông A. Còn có Nguyễn Thị Khánh Minh, Thanh Hùng, Nguyễn Xuân Phước, Tôn Nữ Lệ Ba… và nhiều người nữa ngưỡng mộ cuộc đời của Thái Dịch và mê Chính Khí Việt của ông.

Lý Đông A

Vậy Lý Ðông A là con người như thế nào? Lịch sử xen lẫn huyền thoại ghi:

Lý Ðông A tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1920 tại làng Yên Ðổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông tốt nghiệp sơ học yếu lược Pháp và học chữ Nho với các thầy đồ và nhà sư học rộng trong vùng. Cha ông là ông Nguyễn Chi Phương. Theo một số tài liệu, từ nhỏ ông đã là một thần đồng, biết chữ vào năm ba tuổi.

Trong giai đoạn 1936, Nguyễn Hữu Thanh, khi đó 15 tuổi, là người thân cận với Phan Bội Châu khi cụ Phan bị chính quyền thực dân Pháp quản thúc ở Huế. Sau này, Nguyễn Hữu Thanh vào tu ở chùa Yên Tử, bắt đầu xây dựng học thuyết duy dân và lấy tên hiệu là Lý Ðông A, với ý nghĩa biểu tượng thời đại phục hưng dân tộc như thời triều Lý, triều Trần (Ðông A ghép lại là Trần). Ông tiếp xúc thường xuyên với các nhà cách mạng trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu.

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Năm 1940, Lý Ðông A làm ủy viên chính trị cho Phục quốc quân, cánh quân sự của Việt Nam Quang Phục Hội. Ông cùng với Ðoàn Kiểm Ðiểm và Trần Trung Lập chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn. Khởi nghĩa thất bại, Lý Ðông A chạy thoát sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Lý Ðông A tiếp tục liên lạc với nhà cách mạng Việt Nam thuộc nhiều phe phái, nhiều quan điểm chính trị khác nhau, bao gồm Nguyễn Hải Thần, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh… Trong thời gian này, Lý Ðông A cũng thường lui tới các thư viện ở Liễu Châu tìm kiếm các sách viết về triết học, lịch sử, xã hội, khoa học Tây Phương và Ðông Phương, nghiên cứu địa lý Trung Hoa, đồng thời khảo sát thêm về lịch sử và văn minh Việt. Tại đây, ông bắt đầu viết các sách thuộc bộ “Ðại Việt Duy Dân Ðại Cương Thảo Án Quốc Sách Toàn Pho”, tức là các sách thuộc chủ thuyết Duy Dân Nhân Chủ. Sách Ông viết rất nhiều (khoảng 30 bộ) nhưng phần lớn không được phổ biến vì nhiều lý do, và một số bị thất lạc.

Ngày 1 tháng 1 năm 1943, Lý Ðông A thành lập và làm tổng thư ký Ðại Việt Duy Dân Cách mệnh Ðảng đấu tranh chống Pháp. Trong thời gian quân Tưởng vào miền Bắc, Ðại Việt Duy Dân tìm cách thâm nhập gây cơ sở ở Hòa Bình, xây dựng Hòa Bình thành căn cứ. Ðại Việt Duy Dân liên kết với một số lang đạo chống chính quyền, lôi kéo một số lang đạo có thái độ hai mặt trong bộ máy chính quyền các cấp và được số này che chở. Vì vậy, cơ sở Ðại Việt Duy Dân phát triển khá nhanh bao gồm một số huyện của tỉnh Hà Ðông (cũ), Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình. Ðảng Ðại Việt Duy Dân chọn Mường Diềm làm căn cứ chính ở Hòa Bình. Ðược các lang đạo giúp đỡ, Ðại Việt Duy Dân đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang bằng cách đưa thành viên từ miền xuôi lên, tập hợp thành viên ở địa phương, thành lập được một số đơn vị, mở một vài lớp huấn luyện quân sự,…

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Có được một vài đơn vị vũ trang trong tay, Ðại Việt Duy Dân dự định đánh chiếm Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ, Suối Rút rồi tiến lên đánh chiếm thị xã Hòa Bình, làm chủ toàn bộ tỉnh Hòa Bình. Lấy Hòa Bình làm bàn đạp chiếm Sơn La, xây dựng Hòa Bình – Sơn La thành một căn cứ rộng lớn ở miền núi rừng Tây Bắc để chống lại chính quyền do Việt Minh lãnh đạo.Nhưng kế hoạch của Ðại Việt Duy Dân bị phát giác.

Do nắm được kế hoạch của Ðảng Ðại Việt Duy Dân nên Việt Minh hành động trước ra tay tiêu diệt các toán vũ trang của Ðại Việt ở Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Lương Sơn, thị xã Hòa Bình. Ðể tiêu diệt căn cứ của Lý Ðông A tại vùng Mường Diềm, Ban cán sự Ðảng tỉnh đã dùng mưu dụ toán vũ trang của Ðại Việt Duy Dân ra khỏi căn cứ. Lực lượng chiến đấu của Ban cán sự Ðảng tỉnh Hòa Bình đã tiêu diệt và bắt sống đại bộ phận lãnh đạo và lực lượng vũ trang của Ðại Việt Duy Dân tại Bến Chương. Ðảng trưởng Lý Ðông A chết tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương – Mai Ðà. Một mặt trời vừa lặn tắt.

Qua những trang huyền sử vừa trích dẫn, ta thấy Lý Ðông A là một nhà tư tưởng có óc chiến lược đã lập thuyết Duy Dân xây dựng cơ sở nền tảng triết học cho cách mạng Việt Nam và nhân loại, lấy con người làm tiền đề triết học và cứu cánh của cách mạng. Theo Nguyễn Xuân Phước,  tư tưởng nhân bản của Lý Ðông A đã ảnh hưởng trên thuyết Nhân Vị của ông Ngô Ðình Nhu, tư tưởng dân tộc của Linh Mục Kim Ðịnh, trên giới trí thức như Nghiêm Xuân Hồng, Thái Lăng Nghiêm, Vũ Khắc Khoan, trên các vị lãnh đạo Phật Giáo như thầy Thích Quảng Ðộ, thầy Thích Ðức Nhuận và nhiều tầng lớp thanh niên miền Nam sau năm 1954.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, các tác phẩm của Lý Ðông A bị cấm lưu hành tại miền Bắc. Riêng tại miền Nam, các tác phẩm sau đây được nhà xuất bản Gió Ðáy in lại và phát hành rộng rãi năm 1969 tại Sài Gòn, quan trọng hơn hết phải kể Huyết hoa, Ðạo trường ngâm, Việt sử thông luận…

Thời gian lớp lớp trôi qua. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Hình bóng của nhân vật Lý Ðông A vẫn sáng rỡ, và được nhiều người ngưỡng mộ. Ngày nay trước sự lấn chiếm và âm mưu dùng binh lực thôn tính Việt Nam, chúng ta buộc phải đứng lên chống lại. Trong cao trào lịch sử ấy, màu áo trắng khói sương của Lý Ðông A và những vần thơ chính khí của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta tiến bước.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Kỳ tới: Chính khí Việt