Ðã hơn 12 năm nhà văn Sơn Nam tạ thế, hóa thành hạt bụi bay về nơi quê cha đất tổ.

Ông tên thật là Phạm Minh Tài, sinh năm 1926 tại Rạch Giá. Chữ Sơn trong bút danh Sơn Nam là một họ phổ biến của người Khmer, ông đã sử dụng chữ “Sơn” này để tưởng nhớ một người phụ nữ Khmer đã từng cho ông bú mớm thuở nhỏ, chữ “Nam” có nghĩa là phương Nam, vùng đất Nam Bộ mà ông đã sinh ra, lớn lên và luôn đau đáu nhớ về.

Cuộc đời Sơn Nam gắn liền với đời sống văn hóa Nam Bộ. Nhiều tác phẩm của ông xuất bản được đông đảo độc giả đón nhận, trong đó Hương Rừng Cà Mau là tác phẩm nổi bật đã đưa tên tuổi của ông lên một vị thế quan trọng trong nền văn học nước nhà.

Năm 1962, tuyển tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của ông được xuất bản lần đầu tiên bởi nhà xuất bản Phù Sa, lần lượt sau đó là nhà xuất bản Lá Bối năm 1967, nhà xuất bản Trí Ðăng năm 1972 .

Nhà văn Sơn Nam

Hương rừng Cà Mau là tuyển tập gồm 64 truyện ngắn viết về vùng đất Nam Bộ. Xuyên suốt cuốn sách là những mẩu chuyện về đời sống hằng ngày của người dân đã được Sơn Nam quan sát, góp nhặt lại thành cả kho tàng quý giá. Các truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau có thể được chia theo hai chủ đề chính, đó là chủ đề về con người Nam Bộ trong quá trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt và lối ăn ở của con người Nam Bộ, chủ đề thứ hai là bức tranh đời sống của cư dân Nam Bộ, mối quan hệ giữa người với người, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa được Sơn Nam thể hiện qua những truyện ngắn tiêu biểu như: Anh hùng rơm, Ăn to xài lớn, Bà đầm Phô-xi-đông, Bà vợ thứ 10, Bác vật xà bông, Bốn cái ngu, Bức tranh con heo, Cái vali bí mật, Cậu Bảy Tiểu, Cây Huê Xà, Con Bảy đưa đò, Con Trích Ré, Ðảng Cánh Buồm Ðen, Một kiểu anh hùng, Ngôi mộ chôn đứng, Tình nghĩa giáo khoa thư... Họ là những con người có tính tình hiệp nghĩa, sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác mà không cần nhận lại ân nghĩa.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Với Sơn Nam, thiên nhiên trong văn của ông không đơn thuần chỉ là phương tiện để miêu tả cái đẹp, cái tài trí của người cầm bút và con người Nam Bộ. Thiên nhiên ở Nam Bộ không chỉ đẹp về hoa thơm, cỏ lạ một cách nhẹ nhàng mà nó lại như một cô gái bí hiểm, thông minh và sắc sảo, “cô gái Nam Bộ” này sẵn sàng nuốt chửng những người bội bạc, quên lời thề ân nghĩa với mình một chút không thương tiếc bằng rất nhiều cách khác nhau.

Bìa sách Hương Rừng Cà Mau  

Trong truyện ngắn ‘Bắt sấu rừng U Minh Hạ’, Sơn Nam cho thấy con người đã phải nỗ lực vươn lên chống chọi với thiên nhiên hung tợn, đánh đổi cả mạng sống của mình trên con đường khai hoang lập địa. Số người bị sấu bắt nhiều không biết bao nhiêu mà kể xiết. Ðau đớn nhất là trong Con sấu cuối cùng, cô dâu trong ngày vu quy lại bị sấu bắt, thân thể dần chìm xuống lòng sông bởi con ác thú. Mảnh đất hùm tha sấu bắt này độc địa như vậy, ấy mà con người ta lại thương, không nỡ rời bỏ nó, nói như chú Tư Lập trong Hương rừng: “Hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến ở thì vui, Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được”

Trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, ông không chỉ nói về chuyện con người ta xui rủi làm mồi cho sấu, cho hùm beo vì đơn thuần sấu hay hùm beo cũng chỉ là những loài động vật ăn thịt dữ tợn, đó là bản năng của chúng, mặc dù viết nhiều về việc con người ta đã bỏ mạng vì thú dữ nhưng ông có nói “Tuy thích ăn thịt người, loài sấu vẫn tìm cá làm nguồn thức ăn chính”. Thiên nhiên tuy khắc nghiệt nhưng vẫn rất hiền hòa, vẫn không quên ban thưởng cho những con người xứng đáng. “ Nếu trúng mùa dưa thì 1 lời 10, họ tha hồ ăn xài hết tháng Giêng, cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai cho đến tháng 3 sa mưa”. Cuộc sống thoải mái cho phép người Nam Bộ có quyền tận hưởng thành quả của mình sau những tháng ngày lao động mệt mỏi, họ ngồi lại bên nhau, cùng nhâm nhi vài ba ly rượu đế, thưởng thức những con cá lóc nướng trui đang nằm trên lá chuối tươi mởn hay con cá sặc rằn to bằng cả bàn tay, xòa tươm mỡ. Xong xuôi rồi con người ta lại kể cho nhau nghe về chuyện đời xưa. Vùng đất màu mỡ như thế, nhưng không phải tất cả mọi người đều có ý thức trách nhiệm bảo vệ những gì mẹ thiên nhiên ban tặng.

Nhà văn Sơn Nam năm 1995

Một trong đặc điểm trong các tác phẩm nói về sinh thái, đó là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người cũng được nhà văn lồng ghép một cách khéo léo qua các truyện ngắn trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Với phong cách ngôn ngữ  chân chất và giản dị, đúng với phong cách của con người Nam Bộ. Sơn Nam đã kể về chuyện bẫy chim, bắt cá, nuôi ong… một cách khá nhiều kinh nghiệm và thú vị. Sơn Nam đã từng nói: “Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn kéo dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng, Bạc Liêu, và đến tận Cà Mau. Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách vào năm 1955 trên văn đàn Sài Gòn, để từ đó có Mùa Len Trâu, Hương rừng Cà Mau được viết ra từ những ký ức quê nhà không bao giờ phai nhạt.”

Trên mục này, chúng tôi đã một lần trích đăng truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư chân chất, mộc mạc của Sơn Nam. Sau đây là bài thơ tác giả dùng Thay Lời Tựa cuốn Hương Rừng Cà Mau.

Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Điệu thơ Lục Vân Tiên

Với câu chữ:

“Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”

Tới Cà Mau – Rạch Giá

Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng

Muỗi vắt nhiều hơn cỏ

Chướng khí mù như sương

Thân không là lính thú

Sao chưa về cố hương?

Chiều chiều nghe vượn hú

Hoa lá rụng buồn buồn

Tiễn đưa về cửa biển

Những giọt nước lìa nguồn

Đôi tâm hồn cô tịch

Nghe lắng sầu cô thôn

Dưới trời mây heo hút

Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút

Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hòa

Năm tháng đã trôi qua

Ray rứt mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

NGUYỄN & BẠN HỮU

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Tổng hợp