‘Tàu Đêm’ là một trong những bài thơ đặc sắc của Tô Thùy Yên. Nguyễn được đọc bài thơ vì ở cùng trại với Tô Thùy Yên ở Cẩm Nhân Yên Bái và Thanh Chương Nghệ Tĩnh. Đọc và thuộc lòng gần hết bởi Nguyễn cũng có mặt trên chuyến tàu cùng với nhiều người nữa như Hà Thượng Nhân, Huy Phương… Và trong thơ của Nguyễn cũng có những câu nhắc đến chuyến tàu: Kẻ thù nhốt chúng ta trong toa súc vật / trời thu. bít tiếng kêu… Có thể gọi đây là chuyến tàu lịch sử bởi trên đó có mặt cả mấy trăm sĩ quan Miền Nam và là một chuyến tàu đặc biệt. Những toa tầu không đèn đóm, không chỗ ỉa đái, thiếu cả không khí để thở, có người đã chết ngộp. Tàu đi như một cơn điên đảo / Sắt thép kinh hoàng va đập nhau / Ta tưởng chừng nghe thời đại động / Xô đi ầm ĩ một cơn đau… Khởi từ ga Hạ Lý ở Hải Phòng một buổi chiều, tàu đi xuyên đêm, đến sáng thì tới ga Yên Bái. Tù xuống tàu, chia làm hai nhóm lên molotova, một qua Sông Hồng, một tới Thác Bà về trại Cẩm Nhân và các trại khác trong rừng. Nguyễn gặp lại Tô Thùy Yên, Huy Phương ở đây. Ôi, chuyến tàu đêm đi cùng lịch sử. Làm sao một bài thơ dài như thế tới được tay bạn đọc. Đây, mời các bạn theo dõi bài viết của Nguyễn Thanh Châu thuật lại những diễn biến của câu chuyện. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Thanh Châu

Giữa năm 1979 tôi và các bạn tù phải di chuyển từ Phước Bình về Trại Z.30C, Căn cứ 6, Hàm Tân. Bắt đầu từ đây chúng tôi được giao cho Công an đặc trách, không còn thuộc Quân quản nữa. Trại này gồm 2 khu: A và B cách nhau một con suối. Tôi được đưa vào khu A. Có lẽ là cấp bậc nhỏ và không thuộc diện “ác ôn” nên tôi được vào đội làm việc bên ngoài như đốn củi, chặt tre… tương đối được nới lỏng.

Mỗi buổi sáng phải ra khỏi phòng tập trung tại sân trại để phân việc làm lúc 7:30 và mỗi chiều trở về trại lúc 4:30. Trước khi về trại sẽ được tới suối tập trung tắm rửa. Kiếp tù cứ lặng lẽ trôi qua .

Ðến tháng 8 năm 1980 chúng tôi được nghe sẽ có các toán tù từ miền Bắc đến đây, được bố trí ở khu B bên kia suối. Rồi một ngày giữa tháng 8 tôi được anh phụ trách thư viện trong trại, một người cháu của thi sĩ BÙI GIÁNG cho biết đoàn tù từ miền Bắc chuyển đến có thi sĩ TÔ THÙY YÊN trong đó.

Rồi đến một buổi chiều sau giờ lao động, được đến suối tắm tôi len lỏi đến đội của những người tù từ miền Bắc chuyển đến cũng đang tại suối tắm rửa để hỏi tìm Anh TÔ THÙY YÊN. Khi đến hỏi thăm, một anh trả lời: Tiên nào, Tiên thi sĩ hả? (tên thật của thi sĩ là ÐINH THÀNH TIÊN ). Anh ta bảo tôi chờ, rồi bỏ đi không lâu trở lại với một người nữa, tôi đoán là thi sĩ TÔ THÙY YÊN hay đúng hơn là người tù cải tạo, thiếu tá ÐINH THÀNH TIÊN của Quân Lực VNCH. Anh có dáng dấp trung bình, gầy nhom như mọi người tù sĩ quan miền Nam. Anh nhìn thẳng và cất tiếng hỏi: Cậu tìm tôi? Tôi có trả lời là người hâm mộ thơ anh từ lâu nay, nghe có anh trong đoàn tù từ miền Bắc chuyển về nên muốn gặp. Chúng tôi trò chuyện và làm thân nhau thật mau. Từ buổi chiều đó, tôi thường gặp anh nơi bãi suối sau giờ lao động để trò chuyện về sinh hoạt hiện thời cũng như được anh chia sẻ kinh nghiệm về sáng tác. Vì tôi đi lao động bên ngoài nên thường gom được cành khô từ những cây phải đốn mỗi ngày hoặc những sóng lá buông làm củi để mỗi Chủ Nhật có cái làm bếp nấu trà hoặc thức ăn do gia đình thăm nuôi. Do đó một hai bữa tôi đưa cho anh một ít để sử dụng vì lao động bên trong trại làm sao có cây, cành khô làm củi.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Cuộc sống trong trại tù cứ tiếp tục diễn ra một cách nhàm chán và khó khăn. Ðiều mong mỏi nhất là được đọc tên thả về mỗi sáng tập họp tại sân trước khi đi lao động. Rồi một buổi sáng thứ sáu ngày 7 tháng 11 năm 1980 trong khi chờ phân công tác lao động, khi đọc danh sách những người tù cải tạo được thả có tên tôi trong đó. Buổi chiều hôm đó tại bãi suối tôi báo tin cho anh để cùng chia sẻ niềm vui…

Chiều hôm sau như thường lệ tôi cũng gặp anh ở bãi suối. Lần này anh đưa cho tôi một tờ giấy và cẩn thận nói: Ðây là bài thơ mới viết, cậu có thể đem về cho gia đình tôi để giữ. Anh cũng cho tôi địa chỉ nhà ở GÒ VẤP gần ngay Cầu Hang. Khi trở về phòng tôi cẩn thận lấy tờ giấy do anh đưa, đó là tờ giấy dầu màu vàng thường để gói đồ cho khách hàng ở các tiệm tạp hóa hay ở ngoài chợ, đã chi chit chữ viết bài thơ bảy chữ TÀU ÐÊM. Tôi hứng thú đọc. Sau đó nghĩ cách giấu và làm sao đem ra khỏi trại giam khi được thả về. Ban đầu tôi tính nhét giữa mặt sau ba lô tự chế bằng bao cát loại ny long có màu xanh áo lính của quân đội. Nhưng qua một đêm suy tính tôi quyết định đọc cho thuộc bài thơ rồi đốt bỏ tờ giấy đi vì vẫn sợ bị khám xét khi ra trại. Nếu bị khám phá thì rắc rối lớn. Cuối cùng, sáng ngày 15 tháng 11 năm 1980 lúc 9: 30 sáng tôi được phép rời trại để về nhà. Dù ra khỏi trại, tôi vẫn mặc chiếc áo tù màu xanh lam chứ không thay đồ dân sự mang theo khi trình diện đi “học tập cải tạo“. Tôi đi bộ dọc theo đường để đón xe đò về gần ngã ba Ông Ðồn. Khi lên xe, tài xế cũng như lơ xe đều không lấy tiền, chắc hẳn biết chúng tôi là tù cải tạo. Về tới Sài Gòn lúc 2:00 giờ chiều. Tôi vẫn mang cái ba lô làm bằng bao cát đi bộ từ bến xe về nhà cũng khá xa. Nhà tôi trước đây là hãng sữa nhập cảng NESTLÉ số 35-37 đường Công Lý bấy giờ đã bị trưng dụng làm Sở Ăn Uống Thành Phố. Gia đình tôi ở tầng 3, nhưng phải đi lên bằng cầu thang trôn ốc phía sau vì mặt trước, tầng trệt, tầng 1 và tầng 2 đã bị chiếm dụng. Bước vào nhà, mẹ tôi đã ôm tôi khóc. Tôi đã về nhà sau 5 năm 5 tháng 10 ngày từ những trại tù CS Trảng Lớn, Phước Bình và Hàm Tân. Sau khi ăn buổi cơm chiều sum họp cùng gia đình, tôi vào phòng nghỉ ngơi. Trong đêm tôi lấy giấy viết ghi lại bài thơ thành hai bản vì sợ để lâu sẽ quên. Sáng hôm sau tôi lên phường công an trình diện. Xong, tôi lấy xe đạp tìm nhà anh tại Gò Vấp, gần Cầu Hang. Ðây là một căn nhà trệt có bề ngang rộng, có một hồ bonsai nhỏ có trồng vài loại cây trong đó có cây bông sứ (nếu trí nhớ tôi còn thấp thoáng) trước, xung quanh sân. Lúc tôi đến, trong nhà chỉ có Chị Bích, vợ anh hiện diện. Tôi trình bày cùng chị sự quen thân với anh từ trại tù Z.30C, Căn cứ 6 Hàm Tân và những lời dặn dò riêng tư của anh trong đợt thăm nuôi sắp đến và cẩn thận trao lại bài thơ TÀU ÐÊM của anh. Tôi không ở lại lâu vì không tiện với tình hình khá nhạy cảm của chúng tôi. Khi về tôi có hẹn sẽ đến sau một vài ngày nữa để trò chuyện nhiều hơn…

Xem thêm:   Cung Tích Biền. trong phòng đợi lịch sử

Dưới đây là bản chép tay đầu tiên của bài thơ TÀU ÐÊM mà tôi còn giữ và chép lại. Chúng ta sẽ thấy trong bản này có vài chữ chưa chỉnh sửa và một vài đoạn đã bỏ đi khi chính thức ấn hành thành sách như hiện nay đang phổ biến.

Tàu đêm

 

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi

Lúc đó, sao trời đã ngủ mê

Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy

Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi

 

Thức dậy, những ai còn sống đó

Nhìn ra nhớ lấy phút giây này

Tàu đi như một cơn giông lửa

Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

 

Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm

Dàn ra một ảo tượng im lìm

Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt

Sáng ít làm đêm tối tối thêm

 

Bến cảng, nhà kho, những dạng cây…

Chưa quen mà đã giã từ ngay

Dẫu sao cũng một lần tan hợp

Chớ tiếc nhau vài cái vẫy tay

 

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc

Ðèn bão mờ soi chẳng rõ ai

Ta gọi bàng hoàng ta thất lạc

Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

 

Người bạn đường kia chắc chẳng ngủ

Thành tàu sao chẳng vỗ mà ca?

Mai này xô dạt về đâu nữa?

Ðất lạ ơi, đừng hắt hủi ta!

 

Ðất lạ, người ta sống thế nào?

Trong lòng có sáng những trăng sao

Có buồn bã lúc mùa trăn trở

Có xót thương người qua biển dâu?

Tàu đi như một cơn điên đảo

Sắt thép kinh hoàng va đập nhau

Ta tưởng chừng nghe thời đại động

Xô đi ầm ĩ một cơn đau

Ta nghe rêm nhức thân tàn rạc

Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau

Nghe cả hồn ta bị cán nghiến

Trên đường lịch sử sắt tuôn mau

Tàu đi những chấn động hung hãn

Búa bổ đầu ta đau dại ngây

Có lúc dường như ta khóc ngất

Ôi đời đã kiệt sức buông tay

Ta nhớ dăm ba hình ảnh cũ

Lờ mờ như nhớ lại tiền thân

Ðời ta khi trước vui vầy thế

Bỗng thảm thương nghìn nỗi ngói tan

Ðem thân làm gã tù lưu xứ

Xí xóa đời ta với đất trời

Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu

Ðau lòng khi chợt thấy mây trôi

Làm sao chợp mắt được đêm nay

Khi cả đời ta rộn chuyển dời

Khi cả hồn ta vang tiếng hú

Tàu ơi có kéo hết bi ai

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi

Trong chuyển dời xung xát bạo tàn

Ta trở thành than, thành súc vật

Tiếng người e cũng đã quên ngang

Hình như ta chợt khóc đau đớn

Lệ nóng cường toan cháy ruột gan

Lệ chảy không ra ngoài mí mắt

Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

Giá ta có được một hơi thuốc

Dẫu chỉ là hơi thuốc mốc thôi

Ðể phả cho hồn ấm tỉnh lại

Ðể nghe còn sự sống trên môi

Ðã mấy năm nay quằn quại đói

Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo

Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại

Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu

Thèm ơi một bữa cơm đầm ấm

Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con

Chia sẻ chút tình cay mặn cũ

Miếng không ngon cũng lấy làm ngon

Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép

Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa

Lịch sử dường như rất vội vã

Tàu không đỗ lại các ga qua

Ô, những nhà ga rất cổ xưa

Dường như ta đã thấy bao giờ

Ðến nay, người giữ ga còn đứng

Ðèn bão đong đưa chút sáng mờ

Tàu qua những ruộng đồng châu thổ

Hiu hắt làng xa mấy chấm đèn

Ðêm ở nơi đây buồn lặng lặng

Cái buồn trải nặng mặt bằng đen

Hỡi cô con gái trăng mười bốn

Ðêm có nằm mơ những hội xuân

Ðời có chăng lần cam dối mẹ

Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?

Có lúc tàu qua những chiếc cầu

Sầm sầm những nhịp động đều nhau

Dưới kia con nước còn thao thức

Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu

Có lúc tàu qua những thị trấn

Mà đêm đã gói lại im lìm

Tàu qua, âu cũng là thông lệ

Nên chẳng ai buồn hé cửa xem

Ôi những nỗi sầu vô dạng ấy

Gọi ta về với những đêm vui…

Ở đâu đèn sáng như châu ngọc

Thành phố người chen vỡ nói cười

Vườn ai mộng ảo đèn hoa kết

Yến tiệc bày trong những khóm cây

Ta rót mừng em ly rượu đỏ…

Mà thôi… chớ nhớ nữa, lòng ơi

Mà thôi, hãy nuốt lệ còn đọng

Tỉnh thức, lòng ơi, nhìn tận tường

Thời đại đang đi từng mảng lớn

Rào rào những cụm khói miên man

Người bạn đường kia chắc vẫn thức

Mong tàu đi đến chỗ đêm tan

Có nghe lịch sử mài thê thiết

Cho sáng lên đời đã rỉ han

Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục

Cho tiếng rền vang dậy địa cầu

Lay động những tầng mê sảng tối…

Loài người, xin hãy thức cùng nhau

N TC – Nguồn: Facebook NTC