Tài Liệu Văn Học đã có dịp giới thiệu Hà Thúc Sinh. Khởi từ những năm chiến tranh ở quê nhà sang đến Mỹ, Hà Thúc Sinh đã có nhiều đóng góp và hoạt động văn nghệ được ghi nhận. Anh là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và là người sáng lập Phong Trào Hưng Ca. Khoảng đầu năm 2000, nhân dịp Nhà Xuân Thu ở Cali cho ấn hành tác phẩm Tống Biệt Hai Mươi của Hà Thúc Sinh, Nguyễn lúc bấy giờ chủ biên tờ Phố Văn đã có cuộc nói chuyện với tác giả.
Chúng tôi đăng lại bài nói chuyện vì nhận thấy còn có đôi điểm bổ ích để hiểu thêm các tác giả và văn học VN thời chiến tranh và sau này CS chiếm toàn đất nước buộc chúng ta phải ra đi.
– Xin chào anh Hà Thúc Sinh. Tạp chí Phố Văn rất hân hạnh được nói chuyện với anh, một nhà văn được xem là tiêu biểu, hiện ở ngoài đất nước. Vậy trước hết, xin anh cho biết cuộc sống của anh hiện nay?
– Thưa anh, hiện tại tôi sống và làm việc ở một thành phố nhỏ phía Bắc Los Angeles, đồng thời tiếp tục làm những công việc khác của mình trong những lúc nhàn rỗi – đó là viết văn.
– Thưa anh Hà Thúc Sinh, trải qua những đổi dời ghê gớm, rất mừng là chúng ta còn được dịp nói chuyện với nhau như thế này. Nhà văn là kẻ sống sót, hình như Thanh Tâm Tuyền đã nói như thế.Và có phải chúng ta là những người được lịch sử cho qua. Tiếc rằng lịch sử đã không dành cho chúng ta những số phận khác, như anh Khoa Hữu bên nhà đã nói. Anh nghĩ như thế nào?
– Thưa anh, tôi đồng ý với quan điểm đó của anh. Và nếu hiểu câu nói của anh Thanh Tâm Tuyền theo nghĩa đen, tôi xin thêm một tí, là nếu chúng ta là những kẻ sống sót thì chúng ta lại càng phải làm một cái gì để nói lên những kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua trong việc sống sót đó. Đó là cái điều mà chúng tôi đã làm trong những tháng ngày qua. Và nếu như anh nói, lịch sử đã không dành cho chúng ta một số phận tốt hơn, điều đó thiết nghĩ cũng không ảnh hưởng gì tới những công việc của chúng ta làm. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Và cho tới ngày hôm nay tôi vẫn giữ cái tôn chỉ như vậy.

Hà Thúc Sinh
– Như vậy là, trong lãnh vực văn nghệ, anh vẫn tiếp tục sáng tác, mặc dù hoàn cảnh có ít nhiều khó khăn.
– Nếu nói khó khăn e rằng không được công bằng. Chúng ta hiện có những điều kiện rất tốt cho việc viết lách. Nếu nói khó khăn thì tôi nghĩ phải dành phần đó cho những anh em chúng ta bên nhà. Bạn bè của chúng ta trong 25 năm qua không được viết, không có một điều kiện tối thiểu nào để tiếp tục cầm bút trở lại. Cái đó mới là khó khăn. Còn chúng ta có những điều kiện thuận lợi hơn, có một cuộc sống tương đối đầy đủ hơn, thì không thể nói khó khăn được.
– Đọc tác phẩm của anh, những truyện ngắn, những bài thơ viết sau này, tôi thấy dường như anh là người đã đạt. Đã đạt, đã buông bỏ nhiều điều. Đã thấy được ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Cho nên nhìn đời bao dung hơn, thông cảm và tha thứ hơn…. Có phải vậy không, thưa anh Hà Thúc Sinh?
– Thưa anh, chúng ta lại phải phân ra một chút cho rõ ràng: Quả là những năm sau này, có lẽ ai cũng thế thôi, tới một lúc nào đó thì lòng mình cũng lắng xuống nhiều hơn, và lắng tai nghe lại tâm hồn mình nhiều hơn. Chúng ta đều đã lớn tuổi hết rồi, và đều ở vào cái vị trí đôn quân hết rồi. Chấp nhất, tranh hơn tranh kém rốt cuộc làm khổ lòng chính mình trước hết. Dẹp bớt được điều đó, chúng ta sẽ thấy có nhiều điều kiện để thông cảm nhau hơn. Và trừ kẻ thù và kẻ phản bội, còn thì nghĩ cho cùng có gì mà không xí xoá cho nhau được.
– Anh vừa nói: chúng ta đang ở vào cái thế đôn quân. Xin anh nói rõ hơn.
– Đúng là chúng ta đang ở vào cái thế đôn quân. Nghĩa là chúng ta ở vào cái tuổi của những người đi trước chúng ta, và họ đã đi qua. Bây giờ chúng ta cũng đang đi về hướng đó. Có thể vài năm nữa đây, đùng một cái, chúng ta chẳng còn gặp nhau. Như anh thấy đấy, những năm gần đây, bạn bè chúng ta đột ngột ra đi khá nhiều… Tuy nhiên, như anh đã nói, đối với những vấn đề chung của đất nước, cuộc sống, con người… thì lòng tôi vẫn chưa nguội được, và tôi sẽ còn viết để nói lên những tâm tình thiết tha ấy.
– Bây giờ, trở lại từ khởi điểm, điều mà lẽ ra phải hỏi anh ngay từ đầu. Vậy xin anh cho biết sơ qua một vài nét tiểu sử.
– Thưa anh, nói tới tiểu sử là nói tới cái tôi, tôi cũng thấy ngại lắm (cười). Mà thực ra có gì đâu, những năm của thập niên 60 tôi khởi sự viết, văn nghệ học sinh ấy mà. Rồi từ từ, như anh thấy những cuốn sách tôi đã in ra từ 1967 đến giờ…
– Được biết, trước 1975 lúc còn ở trong nước, anh đã in tới 10 tác phẩm, trong đó gồm 4 cuốn thơ, số còn lại là dịch văn.
– Vâng. Tôi bắt đầu công việc sáng tác bằng việc làm thơ. Tôi nghĩ có lẽ ai cũng vậy, khởi đầu một cuộc đời là yêu, mà bản chất của yêu là thơ, mà đã là thơ thì tất nhiên nó phải đòi người đang yêu phải viết nó ra. Lại nhớ cái thủa ban đầu làm thơ ấy của tôi nó kém cỏi lắm. Thật đấy, những bài thơ tôi làm thủa 17, 18, nó ngây ngô lắm, thảng hoặc có anh bạn nào còn nhớ đem ra đọc, muốn độn thổ thôi. Còn dịch thuật, ở thời ấy, với tôi, là một hoạt động để kiếm thêm tiền sinh sống, chi tiêu trong gia đình…
– Hồi đó anh thường viết cho những tạp chí nào?
– Tôi nhớ lại bài thơ đầu tiên của tôi đăng năm 1964 trên tờ báo không nổi tiếng lắm là tờ Tiểu Thuyết Thứ Năm.
– Tiểu Thuyết Thứ Năm? Đúng là tờ không nổi tiếng lắm, tôi cũng không biết là có đọc nó hay không.
– Vâng, sau đó, tôi đến với các tạp chí văn nghệ như Văn, Văn Học, Vấn Đề, Nghiên Cứu Văn Học … và một số báo khác. Và từ từ rồi tôi cũng được anh em chấp nhận cho đứng trong hàng. Chính nhờ vậy mà tôi có những dây liên hệ thân tình với anh em văn nghệ sĩ… cho tới bây giờ.
– Đó là những hoạt động văn nghệ. Còn việc phục vụ trong quân ngũ, hồi đó anh ở binh chủng nào?
– Năm Mậu Thân khi cuộc chiến sôi động, cũng như mọi thanh niên khác thời bấy giờ, tôi được gọi nhập ngũ. Ở trường Bộ Binh Thủ Đức ra, tôi được về phục vụ ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi trực tiếp tham dự cuộc chiến chỉ trong một thời gian ngắn là khi ở một đơn vị tuần thám, và ở đó cho tới 1975. Như vậy, thưa anh, đời quân ngũ của tôi ngắn thôi, chưa đóng góp xương máu gì nhiều cho đất nước, nhưng cũng cho tôi đủ đau thương chứng kiến những cảnh bạn bè đã ngã xuống. Cộng thêm vào đó là 5 năm trong tù Cộng Sản. Những giai đoạn như thế này trong cuộc đời cho chúng ta nhiều kinh nghiệm hơn, làm chúng ta lớn dậy hơn, hiểu sâu hơn về cuộc đời, về chế độ này chế độ nọ để có thể so sánh và vui hơn thấy mình đứng đúng phía.
– Bây giờ nhìn lại quãng thời gian ở trong quân ngũ, anh có suy nghĩ gì không?
– Nhìn lại những năm tháng đó, quãng đời đó thì phải nói rằng đó là thời gian chúng ta sung sức nhất, hăng hái nhất, lý tưởng nhất, và chúng ta sẵn sàng làm tất cả những gì mà chúng ta thấy cần làm cho lý tưởng của mình. Nhưng tiếc rằng nó ngắn ngủi. Tiếp theo đó là những năm đi tù dưới chế độ Cộng Sản. Nói đúng ra, quãng thời gian này, đối với tôi, cũng có một ý nghĩa. Thế hệ chúng tôi nối tiếp thế hệ di cư vào Nam năm 1954, chúng tôi thừa hưởng ở họ những kinh nghiệm Cộng Sản qua những lời bàn thảo, những câu chuyện kể lại. Nhưng rồi Cộng Sản vào, chúng ta mới thấy những điều cha anh đã kể, đã viết trước kia đều không thấm vào đâu so với thực tại bày ra mỗi ngày trên đất nước. Sống trong chế độ Cộng Sản, tôi mới thấy rằng chủ nghĩa đó quả là mầm họa của loài người.
N&BH