Hà Thúc Sinh: tên thật: Phạm Vĩnh Xuân, sinh ngày 7.7.1943 tại Thanh Hóa.
Cựu sĩ quan Hải quân QLVNCH, từ 1975 – 1980 : Học tập cải tạo
Năm 1981: Tới định cư tại Hoa Kỳ. Hiện cư ngụ tại Houston.
Hà Thúc Sinh là tác giả được biết đến trên nhiều lãnh vực: thơ, văn, nhạc … Trước 1975, ông có tập thơ Dạo Núi Mình Ta nổi tiếng. Sau 1975, đi tù CS về, định cư ở Mỹ ông cho ra đời cuốn Đại Học Máu dày hơn 800 trang ghi lại những đoạn đời gian khổ của ông và bạn bè trong Trại Cải Tạo.
Cũng như các bạn bè khác, Hà Thúc Sinh đã trải qua gian lao của cuộc chiến và những nỗi cùng khổ của kiếp nhân sinh.
Theo nhà văn MẶC LÂM viết trên trang web RFA: 10 năm sau khi Đại Học Máu ra đời ông lại cho ra mắt một số bài thơ khác trong tập Ngàn Lời Thơ. Tập sách mỏng được ông chia sẻ với người đọc trong không gian của các bài thơ viết về thời ông ở tù cũng như khi được trả về với đời sống thường ngày như mọi người. Qua mỗi bài thơ người đọc cảm nhận được như đang nhìn sự việc xảy ra nhưng hơn thế, cùng với sự việc là cảm xúc làm cho hình ảnh sự việc ấy sinh động và lôi kéo họ vào với thế giới của Hà Thúc Sinh, nhà thơ…

Hà Thúc Sinh
Hà Thúc Sinh lật lên từng trang viết âm ỉ trong lòng ông… Ông tha thiết nhớ từng ngày tù cùng những kỷ niệm buồn với cái chết, lao động, đói khổ. Ngày về cực nhọc, ám ảnh trong những giấc mơ ngắn và đầy tiếng ú ớ … Ông quan sát cuộc sống và tìm thấy hình ảnh mình trong đó dị dạng và khó nhận ra.
Nhà thơ THẬN NHIÊN từng ghi nhận: “Ngày xưa, trong những chiều chạng vạng, ở cuộc rượu vỉa hè Sài Gòn, thỉnh thoảng có người đọc thơ của Hà Thúc Sinh. Họ thường đọc những bài thơ hào sảng dưới đây, bên nồi lẩu dê và rượu thuốc. Có khi hết mồi hết rượu hết tiền, mà không ai hào sảng móc cái seiko ra, đành phải giải tán, hậm hực ra về, thì tôi càng yêu thích thơ của ông lắm lắm…”
VÕ PHIẾN từng ghi lại những nỗi đời qua thơ văn Hà Thúc Sinh:
Lão nho giả Quỷ xướng văn
Sau câu chuyện về Henry Miller, xin nhắc lại câu chuyện của Hà Thúc Sinh, chắc chắn cũng là của đa số anh chị em văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975. Hà quân là sĩ quan lại là thi sĩ, sau 30-4-75 bị cộng sản bắt. Một lần trong cuộc thẩm cung ông bị họ dùng khúc cây vẫn căng đầu giường bố của quân đội Mỹ ngày trước mà quật tới tấp vào người vì ông không chịu nhận là CIA. Tên công an cộng sản tức giận điên người: “Tuổi anh mới 30, đã có hàng chục cuốn sách xuất bản. Nhất định phải nằm trong guồng máy CIA (…) Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngay những nhà văn hàng đầu mà mỗi 3 năm mới được in một quyển sách; mà là sách phải đạt yêu cầu của hội nhà văn đấy nhé. Anh làm gì mà mới 30 tuổi ngụy quyền nó cho anh in nhiều sách thế? (…) Bây giờ hỏi tiếp: Thủ trưởng CIA của mày bây giờ ở đâu? (…) Tao bảo thật. Bọn vừa là sĩ quan vừa viết văn như chúng mày không CIA cũng là CIB.” Hà Thúc Sinh bảo: “Vĩnh buồn trong bụng quá. Giải thích chưa xong vụ in sách, bây giờ lại được đội thêm cái mũ CIA nữa!”
Thôi, Phạm quân, đã đến nước này còn buồn trong bụng mà chi. Muộn mất rồi. Hàng triệu người đã chết cho cái ý muốn được vừa là sĩ quan vừa viết văn mà không bắt buộc phải làm CIA, làm công an gì ráo, mà có thể “dạo núi mình ta” tự do, muốn dạo kiểu nào thì dạo; nhưng rốt cuộc rồi thất bại. Người công an Miền Bắc đeo cứng lấy cái quan niệm viết văn phải theo đường lối của thủ trưởng CIA, nhất định không chịu hiểu cái chuyện phi lý, dị thường ở Miền Nam. Bỏ qua cho hắn. Lớn lên trong một xã hội như thế, hắn đã là một kẻ bạc phước rồi.
Như vậy người văn nghệ sĩ trong xã hội mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Ngay đồng bào cùng một nước với nhau mà kẻ Bắc người Nam, kẻ già người trẻ đã có cái nhìn khác nhau đối với người văn nghệ. Vậy trước khi nói về các hoạt động văn nghệ, trước khi nói về chuyện các văn nghệ sĩ họ đã làm gì, xin hãy thử tìm hiểu xem họ là cái gì trong xã hội bấy giờ. (…trích “Văn Học Miền Nam” – Võ Phiến )
Nguyễn được gặp lại Hà Thúc Sinh trong tang lễ Phan Xuân Sinh ở Houston ngày 4 tháng 3, 2024. Ông bạn thân thương của chúng ta hầu như đã mất thị giác.
Sau đây là ghi nhận của TÔ THẨM HUY.

Hàng đứng: Thanh Hằng. Lữ Quỳnh. Phan Xuân Sinh. Phạm Văn Nhàn. Tô Thẩm Huy. Hàng ngồi: Thiên Nga. Cái Trọng Ty. Lương Thư Trung. Lữ Kiều. Hà Thúc Sinh.
Người mù viết văn
Sáng Chủ Nhật vừa rồi như đã thưa với chư vị, tôi đã đến thăm ông mù Hà Thúc Sinh. Anh không mù đến độ chỉ có một màn đen trước mặt, mắt vẫn trông thấy mọi vật nhưng lờ mờ, không rõ hình sắc. Và không cảm nhận được gần xa, depth of field. Tôi đứng trước mặt, đưa anh ly cafe mà hai tay anh khua qua khua lại như đang chạy trên phím piano một lúc mới chụp được. Và màu sắc thì trắng hay xanh cũng là như nhau: Ngồi cạnh nhau ở ghế salon sau nhà, nhìn xuống chân anh bảo: “Mình có đôi giầy giống nhau. Mới mua đấy.” Đôi của anh màu trắng hơi có ánh nâu vàng, của tôi thì màu xanh thẫm. Để hôm nào hỏi anh xem thế gian có muôn màu sắc hay chỉ đen với trắng? Anh già sọm đi so với mấy năm trước nhưng vẫn nhanh nhẹn, vẫn chống gậy đi tung tăng đường phố, vẫn té lên té xuống. Chân anh bước nhanh, như vội vã, lại có dáng lảo đảo như kẻ say rượu đang lao đầu về phía trước.
Anh đưa cho tôi một xấp giấy viết tay, chữ lớn, nhảy cách dòng, bản thảo chuyện “Người Mù” anh mới viết xong mấy hôm trước, lúc còn ở N. Carolina, nhờ tôi tìm giúp người đánh máy. Tôi hỏi: “Anh viết bằng cách? Làm sao thấy nét mực mà viết chữ?” Anh chỉ lên khóe mắt trái: “Tôi phải nhìn nghiêng, từ cái góc mắt này, dùng kính lúp, rồi lần tay theo mép giấy mà viết. Tôi mới bắt đầu viết được gần đây, tập mãi rồi thì viết cũng được được. Tôi đang viết thêm mấy truyện ngắn. Vui lắm. Chứ không thì cứ não người ra, cả ngày từ sáng đến tối cứ ở nhà trong rừng N.C. một mình buồn lắm. Về đây tôi sẽ viết thêm nữa. Có mấy anh ở gần vui lắm. Lại có con cháu quây quần, hết hẳn cơn trầm cảm.”
Ngồi uống cafe, ăn miếng bánh croissant, tôi kể anh nghe chuyện bạn bè cũ của anh gửi lời thăm hỏi, các anh Hoàng Thụy Hưng, Hoàng Xuân Sơn, chuyện anh Ng Lu nhắc lại việc anh đấm vỡ mặt viên Trung tá cố vấn Mỹ, chuyện nhiều người đọc sách, nghe nhạc của anh hỏi thăm về anh. Anh đặc biệt vui khi tôi bật điện thoại cho anh nghe chị Nhật Tân hát bài Mộng Về của anh, và hỏi thăm tôi chị là ai mà cất giọng hát hay quá. Tôi nói đôi lời tôi biết về cặp uyên ương Nguyễn Khôi Việt và Nhật Tân, tức nhà văn Nhật Nguyễn ở Slidell gần New Orleans. Anh nói có dịp đi New Orleans gặp “ca sĩ” Nhật Tân cho anh đi với. Tôi cũng đọc cho anh nghe bài thơ CHIỀU MƯA SAY RƯỢU TRÊN PHỐ TÂN BÌNH, CÙNG BẠN ĐI CHƠI XÓM mà anh Ng Lu mới đăng trên FB. Anh bảo đúng rồi, Nguyễn Lệ Uyên là Đoàn Việt Hùng. Và cười sung sướng.
Tôi ra về, để lại sau lưng một buổi sáng vui. Anh vói theo, bảo tôi nói với mọi người là cho tôi xin lỗi không liên lạc với ai được, nhắn với Hoàng Thụy Hưng là đánh máy xong tôi sẽ nhờ gửi bài về cho Hưng. TTH
N&BH