LỜI MỞ: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi lớn của văn học Miền Nam. Ông tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. 1954 di cư vào Nam với gia đình, lúc đầu ở Huế, Nha Trang, từ năm 1957 sống hẳn ở Sài Gòn và bắt đầu viết nhiều: tạp văn, tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Tiểu thuyết đầu tay Đầy tuổi tôi đăng trên tạp chí Văn Nghệ từ số 2, tháng 3/1961 (sau in thành sách đổi tên là Tuổi nước độc, Văn, 1966).

Từ 1962, làm tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Tin Sáng, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm, Chính Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Sóng Thần… Tập truyện ngắn đầu tay Cũng đành do tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài Gia tài người mẹ (Văn Nghệ, 1964), được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (miền Nam), 1966.

1966 nhập ngũ. Từ 1967 làm phóng viên quân đội đến 30/4/1975. Sau 30/4/1975 bị bắt giam. 1977 được tạm tha. Từ 1977, nhà văn học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn. Ông qua đời ngày 2/8/2016 tại Sài Gòn sau một cơn nhồi máu cơ tim, cộng với một khối u lớn ở gan… Nghiễm ra đi để lại một gia sản văn học đồ sộ.

Dương Nghiễm Mậu đã ra đi. Những ai quen biết DNM và từng đọc văn của Nghiễm đều cảm phục nhân cách và tài năng anh. Nhiều người trẻ cũng ngưỡng mộ. Mời các bạn đọc bài viết sau đây của Nguyễn Viện, một cây bút thuộc thế hệ sau viết về Dương Nghiễm Mậu.

NGUYỄN & BẠN HỮU

NGUYỄN VIỆN

Khi mới học Trung học Đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), tôi đã có may mắn được tiếp cận với các tạp chí văn học như Bách Khoa, Sáng Tạo và đặc biệt là Văn Nghệ do ông anh họ (không nhớ vì lý do gì) đã quẳng lại nhà tôi cùng rất nhiều sách báo thời ấy, kể cả một tập thơ chép tay của anh. Qua đó, tôi biết đến tên nhà văn Dương Nghiễm Mậu, đồng sáng lập tạp chí Văn Nghệ với nhà văn Lý Hoàng Phong (anh ruột nhà thơ Quách Thoại). Cũng qua tạp chí này, tôi biết thêm một nhà văn khác rất cá biệt, nhưng viết không nhiều là Nguyễn Nghiệp Nhượng, mà đến tận sau này, tôi mới có dịp gặp nhân đến viếng đám tang anh Dương Nghiễm Mậu.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tôi thích văn Dương Nghiễm Mậu từ hồi ấy.

Không chỉ với lớp người cùng thời với tôi, nhiều thế hệ những người yêu văn chương khác có lẽ cũng nên biết ơn ông Nguyễn Đình Vượng của tạp chí Văn và những nhà sáng lập của các tạp chí tôi đã nêu trên. Họ đã tạo được một nền tảng cho cả một nền văn học nghệ thuật đáng để hậu thế trân trọng.

Đặc biệt với ông Nguyễn Đình Vượng, ngoài tạp chí Văn, ông còn chủ trương tủ sách Tân Văn chuyên in tác phẩm của những nhà văn đương thời với giá rẻ. Tôi đã được đọc những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh, Nguyễn Thị Hoàng… vừa với túi tiền học sinh của mình.

Thế hệ chúng tôi đã sống trong một bầu không khí chiến tranh ngột ngạt và hỗn loạn chính trị bởi các cuộc xuống đường liên miên, nhưng đồng thời cũng thấm đẫm cái lãng mạn phiêu linh từ đất lên trời của văn chương văn nghệ, thời ấy. Đi học hay đi café, lúc nào cũng kè kè theo một quyển sách hay tạp chí. Kể cả mấy ông sĩ quan trẻ cũng vậy.

Idol của tôi tất nhiên là Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền (cả thơ và văn). Ngoài ra, tôi cũng rất ngưỡng mộ cái phong cách lừng lững từng bước chắc nịch của ông Vũ Khắc Khoan nện trên sân trường Văn Khoa, “tuy không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”.

Mãi đến khoảng sau 2005, tôi mới có dịp gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Anh đến uống café với ông Trịnh Cung và tôi ở Highland chỗ tòa nhà Metropolitan. Anh hớt tóc cao, trẻ trung khỏe mạnh. Chả có gì là nghệ sĩ. Lúc đó anh kiếm sống bằng nghề làm tranh sơn mài mỹ nghệ. Khép kín. Anh từng bị bắt vì bị coi là “biệt kích văn nghệ” cùng với hầu hết các nhà văn thành danh trước 1975. Tôi cũng từng đi tù và vẽ tranh hàng chợ kiếm cơm, ở một thời thế mà số phận con người không còn tùy thuộc vào ý chí của mình, tôi thấu hiểu sự khép kín kia của một nỗi hẩm hiu cơm áo gạo tiền đã bi phẫn dường nào.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu – nguồn Việt Báo.com

Tôi dễ dàng trở nên gần gũi với anh Mậu. Thỉnh thoảng tôi đến nhà anh chơi bên khu cư xá Kiến Thiết cũ, Phú Nhuận. Cũng uống bia với anh ở đầu ngõ như cách anh vẫn tiếp bạn bè.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Có lần anh Mậu kể tôi nghe chuyện anh ra Bắc và tìm đến tận nơi được tin là chỗ nhà văn Khái Hưng bị dìm xuống sông. Tôi cảm nhận được sự “tò mò” ấy không chỉ là “nhân văn” như cách người ta hay nói bây giờ, mà anh Mậu muốn được sống cái cảm giác bị hủy diệt ấy.

Cũng có lần anh nhờ tôi chở đến thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi biết tôi có quen ông nhà văn quê ở tuốt Hải Phòng này. Tôi biết được một điều, anh Mậu yêu quý anh Bùi Ngọc Tấn không chỉ vì tài năng mà còn là nhân cách. Nói về nhân cách, tôi cũng quý anh Dương Nghiễm Mậu như thế, ngoài tài năng.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu từng làm cho đài phát thanh Mẹ Việt Nam khét tiếng chống Cộng và từng làm phóng viên chiến trường trước 1975, cũng như từng đi tù dưới chế độ Cộng sản và khiêm tốn kiếm cơm bằng nghề thợ vẽ.

Dương Nghiễm Mậu với con chủy thủ đã không vào đất Tần bất trắc như Kinh Kha, anh không làm chính trị cũng không làm dũng sĩ, nhưng con chủy thủ văn chương ấy của anh đã làm đổ máu con người để con người biết máu của mình cần phải đổ về đâu. May thay, cái mạnh mẽ của ý thức công dân trong văn chương Dương Nghiễm Mậu đã không hủy hoại cái quyến rũ của chữ nghĩa và cái đẹp của một tài hoa văn chương. Có thể coi Dương Nghiễm Mậu là một tượng đài của văn chương miền Nam một thuở.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Năm 2007 có 4 tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được in lại trong nước, nhưng với đường lối tuyên giáo của đảng cầm quyền, những tác phẩm ấy chẳng những không thể được hoan nghênh mà thậm chí còn bị dập vùi bởi quan điểm “địch – ta” vẫn còn rất phổ biến trong chính quyền cũng như các quan chức văn nghệ.

Và rồi anh đột ngột ra đi (2016). Cái chết đã khép lại một số phận bi tráng cả trong chiến tranh và hòa bình…

NV – 8/2023

TÁC PHẨM ĐÃ IN

Tập truyện ngắn, bút ký

– Cũng đành (Văn Nghệ, 1963; Văn Xã tái bản 1966)

– Đêm (Giao Điểm, 1965)

– Đôi mắt trên trời (Giao Điểm, 1966)

– Sợi tóc tìm thấy (Những tác phẩm hay, 1966)

– Nhan sắc (An Tiêm, 1966; Văn Xã tái bản 1969)

– Kinh cầu nguyện (Văn Xã, 1967)

– Địa ngục có thật (bút ký, Văn Xã 1969)

– Tiếng sáo người em út (in lần đầu: 196…?)

– Ngã đạn (Nguyệt san Tân Văn, 1970)

– Quê người (Văn Xã, 1970)

– Trong hoang vu (Nguyệt san Tân Văn, 1971)

– Cái chết của… (Văn Xã, 1971)

– Tên bất lực (Tạp chí Văn học, 1972)

– Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù (Tập truyện ngắn, Văn Mới, 2009)

– Trời Cao Đất Dày (Tập truyện ngắn, Văn Mới, 2009)

Truyện dài

– Gia tài người mẹ (Văn Nghệ, 1964; Văn Xã tái bản 1966)

– Đêm tóc rối (Thời Mới, 1965)

– Tuổi nước độc (Văn, 1966)

– Phấn đấu (Văn, 1966)

– Gào thét (Văn Uyển, 1968)

– Ngày lạ mặt (Giao Điểm, 1968)

– Con sâu (Văn, 1971)

– Sống đã chết (Giao điểm, 1972