Dương Nghiễm Mậu là nhà văn tên tuổi của Miền Nam, nổi tiếng về cả tài năng và nhân cách.

Tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại phủ Hoài Đức, Hà Đông, Hà Nội – ông được biết đến từ những đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo.

Từ 1957, ông viết nhiều đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Chủ trương nhà xuất bản Văn Xã, và tạp chí Văn Nghệ, đồng thời cộng tác với một số báo khác. Dương Nghiễm Mậu đã xuất bản13 tập truyện ngắn, 8 tập truyện dài.

Năm 2007, bốn tập truyện ngắn của ông đã được tái bản: Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út Nhan sắc.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét về bốn cuốn sách: “Đọc nó, độc giả sẽ được phát hiện một nhà văn xuất sắc với một lối viết hiện đại, thấm đầy chất hiện sinh, đi sâu vào thân phận con người, phơi bày những cảnh ngộ làm người trong một thế giới nhiều bất trắc, phi lý. Do đó đọc ông không thể đọc theo kiểu ngoại quan mà phải bằng con mắt nội quan.”

Sau năm 1975, Dương Nghiễm Mậu chuyển sang vẽ tranh sơn mài để sinh sống. Ông làm lại các tranh theo mẫu tác phẩm của các danh họa, nhưng chuyển thể sang sơn mài, tranh phong cảnh… Dương Nghiễm Mậu có loạt tranh làm theo đề tài mặt nạ tuồng, nhằm mô tả các tính cách, sắc thái khác nhau của con người như hỉ, nộ, ái, ố, sang, hèn… Dù có tay nghề về sơn mài, nhưng ông chỉ nhận mình là một nhà văn làm thợ sơn mài.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Dương Nghiễm Mậu qua đời ngày 2 tháng 8 năm 2016. Văn giới nhiều người thương tiếc ông. Trong số có nhà thơ trẻ Trần Tiến Dũng có bài viết tưởng niệm Dương Nghiễm Mậu ngày ông qua đời. Chúng tôi xin ghi lại bài viết ấy sau đây. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trần Tiến Dũng

Ngày trước, đôi ba lần tôi đến nhà thăm anh Dương Nghiễm Mậu, lần gần nhất, tôi đi với anh Trịnh Cung. Lần nào thăm anh Mậu, tôi cũng có ý ít nói để được lắng nghe hai vị đàn anh.

Câu chuyện giữa một nhà văn lớn và một họa sĩ nổi danh từ thế hệ đáng kính trọng đều mở cho tôi thấy không gian-bất tử của nền văn học nghệ thuật- ý thức miền Nam Việt Nam dưới chính thể VNCH.

Trong ngôi nhà cư xá của gia đình anh Mậu, phòng khách bài trí giản dị.

Tôi ưng ngồi vừa nghe chuyện vừa ngắm vài bức tranh sơn mài của anh. Thật ra anh cho biết mấy bức sơn mài nhỏ đó chỉ là tranh anh làm để bán ở chợ tranh.

Sau biến cố 1975, sau mãn hạn tù cải tạo, qua hàng thập niên dưới chế độ cộng sản, nghề mưu sinh của anh là làm tranh sơn mài.

Anh thích người dưng gọi mình là ông thợ sơn mài.

Lần đầu tôi đến nhà anh, nhìn tấm tranh sơn mài chân dung Ðức Chúa Jesus treo trên tường, gần với bàn tiếp khách, tôi ngồi ngó hoài, ngó để tránh thất lễ vì tôi luôn muốn nhìn anh để được cuốn hút vào đôi mắt rất sáng và rất sắc của anh.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Dương Nghiễm Mậu

Tên thật Phí Ích Nghiễm, sinh tại làng Mậu Hòa, Ðan Phượng, phủ Hoài Ðức, Hà Ðông.

Di cư vào Nam năm 1954. Nhà văn, phóng viên quân đội VNCH, họa sĩ sơn mài sau 1975.

Tác phẩm: Cũng Đành (1963), Đêm, Đôi Mắt Trên Trời, Sợi Tóc Tìm Thấy, Nhan Sắc, Kinh Cầu Nguyện, Địa Ngục Có Thật, Ngã Đạn, Quê Người, Trong Hoang Vu, Tên Bất Lực…

Truyện dài: Gia Tài Người Mẹ, Đêm Tóc Rối, Tuổi Nước Độc, Phấn Đấu, Gào Thét, Ngày Lạ Mặt, Con Sâu, Sống Đã Chết.

Tôi không có câu chuyện gì để kể về anh, chưa tặng anh tập thơ nào cũng như anh chưa từng muốn để lại trong tôi vài câu chuyện văn và nghiệp văn chương của anh.

Những gì tôi biết về anh đều qua việc đọc các tác phẩm đã in của anh.

Dương Nghiễm Mậu – tranh Đinh Trường Chinh

Tôi không muốn đi quá vị trí của một độc giả thế hệ văn nghệ sau biến cố 1975; tôi muốn gìn giữ trạng thái cảm xúc trước một nhà văn lớn đáng kính trọng, rồi thu mình lại giữ ranh giới giữa độc giả và nhà văn.

Có lần đến thăm anh khi anh vừa qua khỏi cơn đột quỵ nhẹ.

Tôi nghe anh Trịnh Cung hỏi. “Sao toa không viết hồi ký?” Anh cười; đó là lần đầu tôi thấy từ đôi mắt thấu thị của nhà văn ánh nhìn thanh thản.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Anh nói: “ Lâu nay moa là thợ tranh, hồi ký cái gì!”

Lần nào ghé thăm anh, tiễn tôi ra về, anh đều nói:

“Cậu thỉnh thoảng ghé tôi chơi, có gì mới đem cho tôi đọc.”

Hôm nay, tôi ngồi đụt mưa trong quán cà phê, nhận tin nhắn cho biết anh mất đêm qua.

Sài Gòn mấy ngày nay mưa mù trời, mù người. Bỗng nhiên hình ảnh của anh hiển hiện khiến tôi nhớ bài hài cú của thiền sư Ba-Sô.

“Lữ khách!

Xin gọi tôi là thế

Cơn mưa thu này.”

Tác phẩm Dương Nghiễm Mậu

TTD

3/8/2016