Nhà văn Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa (quê ngoại làng Dương Liễu), huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, trung học, Chu Văn An, viết đoản văn, tùy bút cho báo trường và các báo có phụ trang văn nghệ học sinh. 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau ra Nha Trang, hè 1957 vào sống hẳn Sài Gòn.

Từ 1957 trở đi viết nhiều: tạp văn, tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Tiểu thuyết đầu tay Đầy tuổi tôi đăng trên tạp chí Văn Nghệ từ số 2, tháng 3/1961 (sau in thành sách đổi tên là Tuổi nước độc, Văn, 1966), truyện ngắn Cũng đành in lần đầu trên báo Tân Phong của Trương Bảo Sơn; truyện ngắn Rượu chưa đủ, trên Sáng Tạo (bộ cũ, số 28-29 tháng 1-2/1959) đã xác định phong cách văn chương Dương Nghiễm Mậu. Từ 1962, làm tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Tin Sáng, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm, Chính Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Sóng Thần… Tập truyện ngắn đầu tay Cũng đành do tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1963. Truyện dài Gia tài người mẹ (Văn Nghệ, 1964), được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (miền Nam), 1966.

1966 nhập ngũ. Từ 1967 làm phóng viên quân đội đến 30/4/1975. Lập gia đình năm 1971, với Hồ Thị Ngọc Trang, giảng viên Anh ngữ. Sau 30/4/1975 bị bắt giam. 1977 được tạm tha. Từ 1977, học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn. Dương Nghiễm Mậu qua đời ngày 2 tháng 8 năm 2016 (nhằm ngày 30 tháng 6 năm Bính Thân) tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi

Dương Nghiễm Mậu ra đi để lại một sự nghiệp văn học lớn lao, gồm những tác phẩm giá trị, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Cho đến ngày hôm nay và cả mai sau, nhiều người vẫn còn tìm đọc. Sau đây mời độc giả theo dõi bài viết mới nhất của Đặng Thế Kiệt nhân đọc Ngày Đốn Cây Vú Sữa của Dương Nghiễm Mậu.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

NGUYỄN & BẠN HỮU

Đặng Thế Kiệt

Tối hôm qua, chậm rãi đọc truyện ngắn “Ngày đốn cây vú sữa” (*1) theo link trên trang Facebook Hồ Thị Ngọc Trang (*2), sáng thức dậy, lòng mãi bùi ngùi.

Dòng cuối truyện ngắn ghi năm viết: 1969, một năm sau khi tôi đi du học nước ngoài, cho đến năm nay 2023, vẫn biền biệt chưa về.

Vài năm trước ngày ra đi, thời học trung học ở Sài Gòn, tôi nhớ có đọc qua vài cuốn sách của tác giả Dương Nghiễm Mậu (*3) trên báo Văn, – Con sâu, Tuổi nước độc v.v. nhưng bây giờ không nhớ gì nữa cả.

Truyện kể diễn ra vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam bắt đầu trở nên khốc liệt, ở đâu đó một miệt vườn miền Nam. Tôi liên tưởng đến ngay vùng Củ Chi, là quê quán của nhà tôi. Những nhân vật và tình tiết trong truyện rất gần với những lời nhà tôi kể cho nghe từ gần một đời chung sống.

Dương Nghiễm Mậu lấy lời một người già sống ở khu làng đó, với một người vợ nhà quê, có hai đứa con trai, đứa lớn sống ở quận lỵ, đứa em vô bưng theo phe “cách mạng”. Câu chuyện gần như chỉ là những mẩu đối thoại giữa những người dân mộc mạc miền Nam, sống lay lắt trong bối cảnh chiến tranh xâu xé, — một bên là quân đội, dân vệ… Việt Nam Cộng Hòa, một bên là quân du kích “cách mạng giải phóng”. Ðồng thời với sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, với những hậu quả trong đời sống và ảnh hưởng về môi trường thiên nhiên (thuốc khai quang).

Ông già, nhân vật chính trong suốt câu chuyện, chỉ lo lắng tìm đường yên sống qua ngày, cho hai vợ chồng mình, cho hai đứa con trai và gia đình họ. Ban ngày, người của quận xã chính phủ lại dò la tung tích đứa con thứ hai, làm áp lực tìm cách «chiêu hồi» nó về với chính quyền. Ban đêm, cán bộ cộng sản lại dọa nạt người cha chớ có «lôi thôi dụ dỗ» con trai về «phe nguỵ», mà chịu khốn với «quân cách mạng».

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Thế rồi, đúng ngày ông già quyết định đốn cây vú sữa, — vì từ nhiều tháng qua, lá nó úa vàng, rơi rụng dần dần, vô phương cứu sống —, người trong làng đến báo tin có người bị bắn chết bỏ xác bên một bờ rạch. Ông già ra đến nơi, lật miếng khăn che mặt xác chết, nhận ra đứa con trai thứ hai của mình.

Trên trang Facebook, Hồ Thị Ngọc Trang đặt câu hỏi (đối với người đọc bản dịch sang tiếng Anh):

Với cách đặt tên của người miền Nam: ‘thằng hai, thằng ba , thằng tư,’ Dương Nghiễm Mậu cố tình không viết hoa ‘hai, ba, tư’ vì họ không còn là những cá nhân có xác định cụ thể nữa, mà có thể là bất cứ thanh niên nào trong thời điểm đó. Dịch giả rất tinh nhạy khi dùng ‘Our eldest son’ cho thằng hai, ‘the other son’, ‘my youngest son’ cho đứa con kia. Chẳng biết cái không khí chiến tranh trong truyện có đến với người đọc nước ngoài chăng mà thôi.

Xa nhà đã gần cả đời người, có lẽ cũng trở thành như một người nước ngoài thôi, nhưng tôi có thể khẳng định rằng: không khí chiến tranh ép bức người đọc từ câu đầu đến câu cuối.

Ðọc xong, tôi miên man nghĩ đến những chứng tích lịch sử chiến tranh trong văn chương Việt Nam:

Nhã Ca: Giải khăn sô cho Huế; Tình ca cho Huế đổ nát

Hồ Đình Nam: Hoàng Phủ Ngọc Tường và vụ thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968. https://www.facebook.com/gioohaingoai

Nguyễn Thị Thái Hòa: Nhân chứng sống trong đợt thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Có khủng khiếp không: cảnh Hoàng Phủ Ngọc Phan (em Hoàng Phủ Ngọc Tường) trong một ngày chạy khắp thành phố Huế lùng bắt và giết cho bằng được gần trọn một gia đình (người quen cũ của ông ta) – từ hai ba người con, người bạn sinh viên Văn Khoa của một trong những người con này, cho tới ông nội 70 tuổi của nhân chứng Nguyễn Thị Thái Hòa. Tất cả những người bị bắn đều bị đem vứt xuống một hố chôn tập thể đào ở trong vườn nhà các nạn nhân.

Không khỏi kinh hoàng khi ôn lại cảm tưởng lúc đọc xong cuốn tiểu thuyết “Giờ thứ hai mươi lăm”, xuất bản năm 1949, của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992), thời Thế chiến thứ hai, ở Ðông Âu: những nông dân chất phác, những nhà trí thức nhân bản… bị đày đọa, tra khảo, giết chết, đưa từ nhà tù này đến nhà tù khác (thuộc về tất cả những phe phái tham chiến: Ðức Quốc Xã, Liên Xô và cả quân đội Mỹ đến giải cứu Âu Châu); những người vợ hiền lành, những cô gái ngây thơ… bị quân Liên Xô hãm hiếp ngày đêm như súc vật.

Gần nửa thế kỷ sau biến cố 30 tháng Tư 1975, người Việt Nam vẫn còn phải gom góp tiếp tục viết nên một bộ Kinh Khổ Lụy – cho một thời kỳ lịch sử đen tối nhất.

Truyện ngắn này của Dương Nghiễm Mậu là một viên gạch tiêu biểu cho công trình viết lịch sử Việt Nam thời chinh chiến.

Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu (Alan Paton, 1903-1988).

ĐTK – 2023-08-1

*1) Ngày Đốn Cây Vú Sữa, https://www.facebook.com/nghiemtr.ho – Truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu – Võ Đình Mai chuyển sang Anh ngữ. Đăng trong War and Exile, A Vietnamese Anthology, Vietnamese PEN Aboard, East Coast U.S.A., 1989. THE DAY THE MILK-BREAST TREE WAS CUT DOWN

Nguyên bản tiếng Việt. https://thantrinhomhue.com/2021/12/13/ngay-don-cay-vu-sua-duong-nghiem-mau/

(*2) Hồ Thị Ngọc Trang là vợ của nhà văn Dương Nghiễm Mậu.

(*3) Dương Nghiễm Mậu (1936-2016). https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Nghiễm_Mậu