Thảo Dân là bút hiệu khác của nhà thơ Nguyễn Duy. Cù Mai Công, sinh ra và lớn lên tại Miền Nam, Điểm cần ghi nhận ở đây là cả Nguyễn Duy và Cù Mai Công đều đặc biệt yêu thương vùng đất Sài Gòn và Gia Định. Xin mời các bạn đọc bài viết sau đây của Cù Mai Công qua giới thiệu của Thảo Dân để cùng chia sẻ tình yêu gởi cho Sài Gòn và Gia Định của chúng ta. NGUYỄN & BẠN HỮU

Thảo Dân

Có 2 địa danh trên đất nước Việt Nam mà tôi mang tình cảm đặc biệt mến thương: Huế và Sài Gòn. Tôi yêu Huế từ một con người cá nhân. Yêu người nên thương đất. Tình yêu dành cho đất thần kinh là những thứ hiển hiện rõ ràng. Ngôi giáo đường nhỏ, làng cát cố hương, những con đường Thành Nội, mảng tường rêu, khúc sông Hương, quán cơm cũ, góc cafe xưa, thậm chí, cả đến một gốc cổ thụ còn đó từ thời tao loạn.

Sài Gòn thì khác. Không từ một con người nào cụ thể, dù đó là nơi tôi có những tiền bối đáng kính và những người bạn thiết. Tôi yêu Sài Gòn bởi đó từng là “thủ đô văn hoá” lẫy lừng của Việt Nam, tụ họp các bậc tinh anh khắp Bắc, Trung, Nam để dựng lên một thời kỳ rực rỡ của văn chương- nghệ thuật, bởi đó từng là thủ đô của một nền Cộng hòa non trẻ, một mảnh đất vừa in đậm dấu ấn của chủ nghĩa thực dân, mặt khác, lại tiếp nhận trọn vẹn văn minh Tây phương được người Pháp đưa sang và sau này hấp thụ tư tưởng tự do đa nguyên từ Hoa Kỳ nên đã kịp sản sinh vài thế hệ nhân sĩ, trí thức tài năng, là minh chứng, nếu được thụ hưởng nền giáo dục khai phóng, nhân bản, người Việt không thua kém bất kỳ sắc dân ưu tú nào của nhân loại, thế hệ nhân tài có thể kiến tạo một Quốc gia Cộng hoà hùng cường ở châu Á, nếu như không có những biến động thời cuộc.

Tôi yêu Sài Gòn qua thơ Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tô Thuỳ Yên, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư …

Xem thêm:   Nhìn lại con đường với Hà Thúc Sinh

Tôi yêu Sài Gòn qua nhạc của Phạm Duy, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An …

Tác giả Cù Mai Công và tác phẩm

Tôi yêu Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông” qua những bộ ảnh phóng sự của Brian Wickham, William S. Fabianic, Wilbur E.Garrett, Nick DeWolf, Raymond Depardon …

Tôi thương Sài Gòn qua bao dòng bi sử, dân sử hiện đại từ những người ra khỏi cuộc chiến bằng máu lệ của chính mình, của chính gia đình, dòng tộc mình … Để rồi, nửa thế kỷ trôi qua mà nỗi đau, nỗi u uất ngày càng thêm thấm thía. Tôi đọc sách của thế hệ đường biên- thế hệ thanh niên Sài Gòn lớn lên giữa gạch nối của tháng Tư đứt gãy: Phạm Công Luận, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Lê Đình Phương  … Đã yêu lại thêm thương một tâm hồn Sài Gòn tài hoa, mẫn cảm, “vận khứ anh hùng ẩm hận đa…”.

Tôi yêu Sài Gòn cực đoan đến mức, sau rất nhiều chần chừ, nhiều lời khích lệ mới dám đặt chân tới Sài Gòn vì sợ mất đi ký ức (trong thế giới thi ca nhạc hoạ). Sài Gòn trong tôi, xa mà không lạ.

Bởi những lẽ trên, dễ hiểu khi tôi tìm đọc 4 tập sách về Sài Gòn của nhà văn, nhà báo Cù Mai Công. Đọc xong 2 tập “Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương”, tôi thực sự choáng ngợp. Cuốn sách để đọc chậm, và hơn cả, để làm tư liệu chứ không phải kiểu sách đọc xong một lần rồi bỏ. Có lẽ, để viết được 2 tập sách mà mỗi cuốn có độ dày khiêm tốn dưới 300 trang, anh đã phải bỏ hàng chục năm sưu tầm, tra cứu tài liệu mới có thể viết ra công trình ngồn ngộn tính báo chí và tính lịch sử như vậy. Hai tập sách cho độc giả cái nhìn vừa bao quát, vừa cụ thể về một Sài Gòn- Gia Định trong quá khứ và hiện tại (một hiện tại thay đổi vùn vụt về hạ tầng vật chất nhưng vẫn thấp thoáng ánh sáng chói loà của ngôi sao băng vụt qua dù chỉ đúng 21 năm ngắn ngủi).

Xem thêm:   Lư đã về lại Phá Tam Giang

Dù Gia Định là tên gọi từ ngày đầu tiên đi mở đất, nhưng Cù Mai Công lại viết về Sài Gòn trước. Có phải, dù danh từ địa chính Sài Gòn đã ở thời dĩ vãng, nhưng bất kể bể dâu thời thế, thì thực thể Sài Gòn vẫn tồn tại, vẫn phập phồng đập trong trái tim người Sài Gòn, vẫn ở lại trong văn hoá, nếp sống và ký ức mỗi người dân? Vẫn sống? Nên thương. Còn Gia Định phủ đã mất đi gần hết dấu vết, mất thành Phiên An, lũy Bán Bích không còn, chỉ để lại những dấu tích, và những đường nét của thuở sơ khai, nên mới “nhớ”- tựa nỗi nhớ của Bà Huyện Thanh Quan khi viết “Thăng Long thành hoài cổ”?

Tập thứ nhất, tác giả viết về dư địa chí, về những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn, (nhưng không chắc nhiều người đã biết), về văn hoá, ẩm thực của người Sài Gòn (thói quen đọc báo, đặc trưng trong cách pha chế, cách uống cafe, sở thích ăn bánh mì…), viết về nhân sĩ Sài Gòn thời Pháp thuộc, (cha con cụ Nguyễn An Khương, Nguyễn An Ninh và Chiêu Nam Lầu, nơi lui tới, nơi tá túc của những nhà cách mạng tên tuổi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường Để, nơi nhóm họp của những điền chủ yêu nước miền Nam, cơ sở kinh tài cho các du học sinh Nam bộ tham gia phong trào Đông Du: Bùi Quang Chiêu, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến…những con đường và “khung trời Đại học” đi vào thi ca và nỗi nhớ của người Sài Gòn mãi tới bây giờ. Tập sách cũng tái hiện lại lịch sử thành Gia Định và dấu ấn của nó với Sài Gòn ngày đã qua và đương đại.

Tập 2 của “Gia Định là nhớ”… vẫn là sự kết nối giữa Gia Định- Sài Gòn trong lịch sử, nhưng phần lớn, anh dành trang viết của mình cho Sài Gòn thời VNCH. Có lẽ, vì đó là thời đại gắn bó, có nhiều ký ức sâu sắc với thế hệ của anh. Tập sách chủ yếu viết về những bậc thầy kiến trúc làm nên vóc dáng một Sài Gòn đầy năng động mà không kém phần tao nhã: Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc). Xem những tấm ảnh tư liệu đi kèm, về Khách sạn Caravelle, Ngân hàng Thương mại Quốc gia, Building SUFO, trụ sở Vinatexco, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, toà nhà IDECAF, trường La San Taberd… và nhiều nhà riêng, thấy vô cùng khâm phục viễn kiến, thẩm mỹ kiến trúc của họ. Những công trình kiến trúc cách nay hơn nửa thế kỷ, nhưng đường nét thanh thoát, hiện đại, khắc chế và tận dụng tối đa đặc điểm khí hậu nhiệt đới không khác gì trào lưu kiến trúc xanh bây giờ. Đọc phần viết về Gia Định, có nhiều sử liệu chưa có trong sách sử, xin không điểm lại, để dành sự hấp dẫn cho bạn đọc.

Xem thêm:   Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng

Qua 2 tập sách, tất cả những ai yêu Sài Gòn sẽ hiểu và yêu hơn mảnh đất chứa bao trầm tích văn hoá, nơi hào hiệp cưu mang mọi thân phận, nơi sản sinh và đào tạo mấy thế hệ nhân tài. Đọc sách mà như được cầm tay dắt đi, âm trầm nhắc nhớ mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi tuổi tên, mỗi còn và mỗi mất. Phải yêu, phải thương, phải gắn bó với Sài Gòn trong tận từng tế bào, từng hơi thở … thì Cù Mai Công mới có thể viết về Sài Gòn dung dị đến thế, nặng tình đến thế, chân thật và sâu sắc đến thế.

Nhiều năm trước, tôi một mình khoác ba lô lang thang xứ Huế, trên tay là chiếc smartphone chụp từng trang trong cuốn sách “Huế của một thời”, chương “Đường xưa Thành Nội” của Võ Hương An để tìm tên đất, tên người xưa cũ. Đọc xong 2 tập sách của Cù Mai Công, tôi lại ao ước một ngày nào đó, độc hành trên phố xá Sài Gòn, trên tay cầm “Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương”, đi theo những chỉ dẫn mà nhà văn, nhà báo, nhà sử học Cù Mai Công ghi dấu trên từng con chữ. Để lòng ngập tràn yêu và thương. Để Sài Gòn trong tôi không xa và cũng không lạ.

TD