Đây là một trang viết của Trần Hoài Thư về tùy bút của Mai Thảo. Trần Hoài Thư thì ai cũng biết. Anh là người khôi phục lại cái hồn, những con chữ và diện mạo của nền Văn Học Miền Nam. Tuổi đã lớn, với mái tóc và diện mạo của Kim Mao Sư Vương, lại thêm phải săn sóc vợ bệnh nặng nằm ở nursing home… vậy mà Trần Hoài Thư đã phục hồi gần như toàn bộ Văn Học Miền Nam trên Thư Quán Bản Thảo và những bộ sách Thư Ấn Quán. Một mình Trần Hoài Thư lo kiếm bài, viết bài, layout, in ấn, cắt xén, gởi sách báo cho độc giả và bạn bè. Chưa hết, gần đây Kim Mao Sư Vương còn thực hiện flipbook làm sống lại các tạp chí trước 1975 như Nghệ Thuật, Sáng Tạo, trong đó có cả 18 bài viết của Mai Thảo trên báo chí. Sau đây là tự tình của Trần Hoài Thư. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trần Hoài Thư

Suốt cả một tuần nay tôi miệt mài gõ những trang ghi nhận của nhà văn Mai Thảo về văn nghệ và cuộc sống mà ông đăng trên tuần báo Nghệ thuật kể từ số 34. Tôi có cảm giác say mê gõ như đã một lần gõ những sáng tác của Triều Sơn trước đây.

Tôi cảm thấy tôi là người được may mắn, may mắn toàn vẹn khi thưởng ngoạn văn MT, nhất là qua thể loại tùy bút. Bởi, chẳng những mắt được đọc, mà ngón tay được biến những con chữ vô tri, từ lâu bị lãng quên trong phần mộ oan nghiệt của lịch sử, thành những chữ sống. Tôi đã tận dụng tối đa những gì mà khoa học hiện đại đã ban cho loài người hôm nay qua kỹ thuật digital. Chỉ một cái click là chữ chết thành chữ sống. Những trang scan lạnh lẽo, mờ nhạt có khi ố vàng, được mặc lại bằng chiếc áo digital, sau một cuộc biến đổi Google OCR.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ðể từ đây, tôi bắt đầu đọc từng chữ, từng hàng, đối chiếu, và sửa chữa lại. OCR chỉ tốt cho những trang chữ in sau 1980, khi mà điện toán đã bắt đầu thịnh hành, còn những trang trước 1975, bị mối ăn, bị ẩm mục, giấy thì như bị mục nát, làm sao mà có đạt thành quả tốt dù chỉ là 30 % ?

Mai Thảo

Vậy mà tôi làm. Sửa từng chữ. Chữ sai nhiều. Nhưng mỗi lần đọc nó, thấy chữ không còn là những ký hiệu của abc mà trái lại là chữ sống. Từ chữ sống ấy, ta mới thấy được ý nghĩa của chữ và càng ngưỡng mộ người đã viết nên những hàng chữ ấy. Như đoạn văn sau đây, của Mai Thảo, với cái câu tôi phải lạnh mình: Ði một mình trong buổi chiều mình.

Tại sao lại là buổi chiều mình? Tôi  đang hỏi. Chắc bạn cũng đang hỏi. Vâng, buổi chiều là một mẫu số chung. Nhưng mỗi người có những buổi chiều riêng trên vòng quay của quả đất. Buổi chiều anh ở bên này đất Mỹ. Buổi chiều em ở bên kia Việt Nam. Buổi chiều anh ở Mỹ một mình. Buổi chiều em ở Việt Nam nồi cơm bốc khói. Thèm lắm em ơn nồi canh chua cá lóc. Em còn nhớ anh xin bỏ nhiều ớt cho cay.

Có phải ?

Bắt đầu trích

….Mỗi buổi sáng gỡ một tờ lịch, sao thấy cử chỉ mình lạnh lẽo hư vô. Cúi đầu xuống. Kéo cao cổ áo lên, mà sống. Ði một mình trong buổi chiều mình. Chiều cao vút mây. Ði một mình trên con đường nhỏ. Ðường lang thang thôi đi về đâu. Ði một mình trong im lặng lớn. Im lặng lớn hơn mọi tiếng động đời. Ði một mình trong mưa bay. Mưa hết tháng năm, mưa chiều mưa đêm và tôi sống với thời gian tới, thiếu lắm những tấm áo ngự hàn mầu nắng. (Nghệ thuật số 45)

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

THT

Viết tiếp THT: Đi một mình. Đoạn văn trên trích từ trang web Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư. Đi một mình. Trong đời ai không có lúc đi một mình. Càng cao tuổi càng đi một mình nhiều hơn. Như Nguyễn lúc này đang đi một mình trong im lặng mênh mông, cũng như Mai Thảo năm nào. N&BH

Tác phẩm của Mai Thảo