Người Việt cựu trào chắc còn nhớ ngày lễ Quốc Khánh của nước Pháp mà hồi xưa dân ta hay đọc là cát-tót dzuy-dzê (Quatorze Juillet, tức 14 tháng 7). Còn được gọi là Bastille Day, nó và Lễ Độc Lập Mỹ có mối liên quan khá mật thiết.

Cảnh dân quân bao vây thành Bastille ngày 14/7, 1789. Họa sĩ: Ẩn danh. wikimedia

Hồi còn nhỏ, lần đầu tôi nghe tới Quatorze Juillet khi đi học trường Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng ở Quận 5. Thuở đó trường vừa được Tây giao lại cho Bộ Giáo Dục VNCH, nhưng chương trình học vẫn còn nửa Pháp nửa Việt. Một số cô giáo thầy giáo dạy Pháp Văn là dân Tây. Hàng năm tới ngày này lũ học sinh chúng tôi cũng được cho vẽ treo cờ Pháp, học hát những bài hùng ca v.v. Lúc đó còn con nít nên tôi cũng chẳng để ý lắm đến khía cạnh lịch sử của nó. Chỉ thấy mấy thầy Tây cô Tây làm ra vẻ lớn chuyện lắm. Nhưng khi cuộc chiến leo thang, người Mỹ vào Việt Nam ngày càng nhiều, văn hoá Mỹ bắt đầu lấn sân thì văn hoá Pháp cũng từ từ lép vế.
Sau 75 đương nhiên cả hai nền văn hoá này đều bị xếp xó, nhường chỗ cho “văn hoá cách mạng”. Dù cũng mang danh là cách mạng, nhưng so với hai cuộc cách mạng của Mỹ và Pháp thì cách mạng của CSVN không những chẳng mang đến tự do gì ráo mà còn tròng thêm cái gông vào cổ người dân và siết lại thiệt chặt. Nếu cách mạng Mỹ mở ra một hướng đi mới cho nhân loại về cơ chế tam quyền pháp trị thì cách mạng Pháp, xảy ra không lâu sau khi cách mạng Mỹ thành công, đã khai mào cho phong trào bãi bỏ chế độ phong kiến ở Âu Châu và đề cao các giá trị nhân bản, bình quyền, bình đẳng.
Pháp là đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập từ vua Anh. Một trong những nhân vật nổi tiếng từ Pháp là vị sĩ quan trẻ Marquis de Lafayette (1757-1834), đã giúp George Washington rất đắc lực trong nhiều trận đánh then chốt. Pháp còn là phe đứng ra “giảng hoà” giữa Mỹ và Anh, dẫn đến Hiệp định Paris ngày 3 tháng 9, 1783, có hiệu lực vào ngày 12 tháng 5, 1784, tức là ngày Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chính thức “lọt lòng mẹ” sau gần tám năm trời “mang nặng đẻ đau”, từ khi các nhà Quốc Phụ ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 4 tháng 7, 1776.

Gilbert du Motier, Marquis de Lafayette. Tranh Joseph-Désiré Court. Wikimedia

Suốt thời gian nước Pháp giúp Mỹ đánh Anh, dưới quyền vua Louis XVI, nền kinh tế cũng như nền chính trị của Pháp bị rơi vào khủng hoảng, không những vì chiến tranh tốn kém mà còn vì một hệ thống thuế má bất công. Tháng 5, 1789, vua Louis buộc phải triệu tập một cuộc Nghị Hội Toàn quốc (Estates General) gồm ba thành phần (Estate): 1) Giới tu sĩ; 2) Giới quý tộc; 3) Giới thường dân — để giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách. Ngày 17 tháng 6 nhóm Thường Dân tách ra và tự lập một Nghị Hội Toàn Quốc riêng. Louis XVI không đồng ý, nhưng không cản được vì nghị hội được sự hậu thuẫn của đông đảo dân chúng.
Mượn ý tưởng từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, Lafayette soạn Bản Tuyên Bố Nhân Quyền và Dân Quyền, với sự giúp đỡ của Thomas Jefferson. Ngày 9 tháng 7 nghị hội đổi tên thành “Hội đồng Lập hiến Quốc gia”, có trách nhiệm soạn thảo hiến chương mới. “Paris,” theo lời kể một nhà báo, “sôi sục trong cơn say dân chủ.” Cung điện Hoàng gia biến thành chỗ hội họp. Dân chúng được phép mở cửa nhà tù của cung điện để thả số vệ binh Hoàng gia bị bắt trước đây vì không tuân lệnh bắn vào dân chúng biểu tình.
Ngày 11 tháng 7 Louis XVI đột ngột bãi nhiệm Bộ trưởng tài chánh Jacques Necker và thay hết các nhân viên nòng cốt dưới quyền ông. Khi tin đến tai dân Paris ngày hôm sau, không khí trở nên căng thẳng. Người ta đồn đoán nhà vua sẽ đem lính đánh thuê từ Đức và Thuỵ Sĩ ra trấn áp các đoàn người biểu tình. Các quận của Paris tập hợp được một đạo dân quân khoảng 48,000 người. Trong khi đó thì đoàn vệ quân Hoàng gia bắt đầu nghiêng về phía người dân.

Xem thêm:   Chó...

Sáng ngày 14, biết thành Bastille có vài khẩu đại bác, một đoàn dân quân chừng 1000 người đến bao vây, yêu cầu giao súng cho họ. Bastille là nhà tù hạng sang, khi đó chỉ có bảy tù nhân, trong đó có Marquis de Sade khá nổi tiếng vì … điên!

Hai bên gởi người ra thương thuyết nhưng không thành. Sau một hồi chờ đợi sốt ruột, vài người dân nổ súng. Bên trong bắn trả. Nhờ được Vệ quân tiếp viện với hai khẩu thần công, dân quân hăng hái tiến đánh. Đến khoảng 5 giờ chiều, thấy không giữ nổi và để tránh đổ thêm máu, quan giữ thành Bernard de Launay đầu hàng. Lính trong thành chỉ có một người thiệt mạng; phía dân quân mấy chục người chết. Sau khi đầu hàng, De Launay bị đám đông đâm chết dã man; ba người sĩ quan cai tù cũng bị giết.
Tin Bastille bị vỡ đến tai nhà vua cũng như đến tai Nghị hội ở Versailles. Thấy lòng dân đã quyết, Louis XVI ra lệnh cho quân đội Hoàng gia buông súng. Lafayette, khi ấy mới 32 tuổi, được giao chức Tư lệnh Vệ binh Quốc gia. Cuộc nổi dậy trở thành cuộc cách mạng thay đổi hệ thống chính trị của nước Pháp. Giới quý tộc bảo thủ nhiều người bỏ trốn sang nước ngoài, vai trò chính trị của họ coi như chấm dứt. Năm 1790 Lafayette tặng Tổng thống Mỹ George Washington chiếc chìa khoá bằng sắt nặng nửa ký của ngục Bastille. Chìa khoá này vẫn còn được giữ tại nhà của George Washington ở Mount Vernon. (Thời đánh giặc ở Mỹ, Lafayette đặt tên con trai đầu lòng là Georges Washington.)

Lafayette và trưởng nam Georges Washington (áo đen) trong ngày “Fête de la Fédération” 1790 (Jacques Louis). wikimedia

Một năm sau ngày phá ngục Bastille, dân Pháp tổ chức một ngày lễ kỷ niệm gọi là “Fête de la Fédération” – lễ lập quốc, có diễn hành, quân nhạc, picnic, ăn uống v.v. Tướng Lafayette và nhà vua ra trước công chúng tuyên thệ tuân thủ tân hiến pháp. Khoảng 260,000 người dân Paris đổ ra đường. Nhưng rồi nhiều năm sau đó người Pháp không còn ăn mừng ngày lễ lớn này nữa, mãi đến đúng 100 năm sau, 1879, chính phủ mới muốn biến 14/7 thành ngày lễ Quốc Khánh chính thức. Nhưng ngặt một nỗi việc tấn công ngục Bastille năm 1789 là một hành động phi pháp. Không những vậy, nó mang nhiều tính chất bạo lực man rợ không ai muốn đề cao. Cuối cùng chính quyền tìm ra được giải pháp trung hoà, dùng 14/7 để kỷ niệm ngày “Fête de la Fédération” năm 1790 và ngày phá ngục Bastille năm 1779. Nghĩa là Quatorze Juillet là hai ngày lễ gom lại chứ không phải một.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Kể từ năm 1880 tới nay, hàng năm Pháp tổ chức 14/7 rất lớn, và người gốc Pháp trên thế giới cũng ăn mừng theo. Tại các nước như Bỉ, Anh, Canada đều có lễ hội. Riêng tại Mỹ, một số thành phố năm nào cũng mở tiệc mừng—Boston và Baltimore làm rất lớn vì có nhiều quan hệ lịch sử với Pháp từ thời lập quốc. Miền Nam thì có Miami, Dallas, New Orleans… cũng có nhiều mối liên hệ với Pháp. Quatorze Juillet ở New Orleans rất vui nhộn, các nhà hàng mở cuộc thi nấu món ăn Pháp, khu phố cổ French Quarter nhậu nhẹt tưng bừng. Dallas sinh ra từ một khu công xã mang tên Pháp là La Réunion, nên ngày nay ở khu South Dallas dân Dallas vẫn mừng 14/7. Minneapolis có cuộc thi làm bánh mì. Ở Milwaukee người ta dàn dựng cảnh phá ngục Bastille. Sacramento bắt chước New Orleans “đua bồi bàn”: các anh hầu bàn bưng khay đồ ăn có ly rượu đi đua; ai đến đích trước mà đổ ít rượu nhất thắng…

Các cô gái ở New Orleans chuẩn bị cuộc “đua hầu bàn” trong ngày lễ Quốc Khánh Pháp 14/7/2018. Eliot kamenitz/nola.com

Năm nay vì dịch Cô Vi đang lan tràn nên chắc nhiều thành phố sẽ không tổ chức 14/7 như mọi khi. Nhưng cho dù phải cách ly ở nhà, ta vẫn có thể ăn mừng bằng nhiều cách khác: học làm baguette, croissant, crêpe; ăn fromage và foie gras; nấu các món ăn Pháp; xem phim Pháp; nghe lại những bản nhạc Pháp từng một thời yêu thích, và dĩ nhiên phải … nhấp tí rượu Pháp!

Xem thêm:   75 tuổi NATO

IB