Vài diễn viên từng đóng vai Dolly trên Broadway, trong đó có Mary Martin (góc trên, phải) đã mở màn tại Sài Gòn tháng 10 năm 1965. (nguồn: DSM)

Có lẽ đây là vở nhạc kịch Broadway đầu tiên được mang đến Việt Nam trong một chuyến lưu diễn Á Châu của USO (United Services Organization) để giúp vui cho quân đội Mỹ, diễn tại Sài Gòn vào tháng 10 năm 1965.

Ra đời năm 1964, vở nhạc kịch hài hước kinh điển này đã ngay lập tức đoạt 10 giải Tony, một kỷ lục đứng vững 37 năm. ‘Hello, Dolly!’ đã diễn tất cả 2844 xuất, đến 1970 mới ngưng. Năm 1967 vở này còn được dựng trên Broadway với toàn bộ kịch đoàn là người da đen, với bà Pearl Bailey trong vai Dolly. Từ đó đến nay nhạc kịch này đã được tái dựng lần này là lần thứ tư, lần trước vào năm 1995.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1965, nhân vật Dolly được thủ diễn bởi chính Mary Martin, người đã từng thắng giải Tony đồng thời là người đầu tiên đóng vai Maria trong nhạc kịch ‘Sound of Music’ trên Broadway. Không biết dân Sài Gòn thuở ấy bao nhiêu người có diễm phúc được xem một sản phẩm nghệ thuật đẳng cấp như vầy; và không biết họ đã nghĩ gì về bộ môn nghệ thuật xa lạ và cầu kỳ này?

Betty Buckley với bài hát chủ lực “Hello, Dolly!” (ảnh: Julieta Cervantes)

Chuyến lưu diễn năm nay vai Dolly được giao cho bà Betty Buckley, cũng từng thắng giải Tony cho nhạc kịch ‘Cats’ năm 1982. Giống như Mary Martin là người sanh trưởng tại Weatherford gần Ft. Worth, bà Buckley cũng là dân Texas chính hiệu, từng học tại đại học Texas Christian University ở Ft. Worth. Sau khi ra trường TCU năm 1968, bà được USO mời tham gia đoàn nghệ sĩ sang Việt Nam giúp vui cho binh sĩ. Nhưng vào giờ chót kịch đoàn đã phải đổi lộ trình vì, theo lời bà Buckley kể, tình hình chiến sự năm 1968 quá căng thẳng và đã có vài nghệ sĩ bị thiệt mạng trước đó. Tuy không đến được Việt Nam như dự tính, nhưng bà đã đi theo đoàn đến các quân y viện tại Nhật và Đại Hàn để uỷ lạo thương binh.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Trẻ Dallas, bà kể rằng tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh trên thân thể con người đã thay đổi hoàn toàn thái độ của bà về cuộc chiến cũng như cách bà nhìn đời. Và mặc dù Bố bà từng là sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ, bà và ông đã bất đồng ý kiến về sự có mặt của Hoa Kỳ tại Việt Nam; năm ấy bà mới 21 tuổi. Trở về Mỹ, bà làm phóng viên một thời gian cho báo Fort Worth trước khi bỏ nghề báo để lên New York theo đuổi “Giấc Mơ Mỹ”. Ngay năm đầu ở New York bà đã được chọn đóng vai Martha Jefferson trong vở nhạc kịch ‘1776’.

Bà Betty Buckley tại Dallas Summer Musicals. (ảnh: ianbui/Trẻ

Bà tâm sự: “Làm phụ nữ trong show biz không dễ. Tuy bản thân tôi khá may mắn nhờ tài năng mình được phát hiện sớm, nhưng không có nghĩa là những chướng ngại không có ở đó. Chúng tôi phải chấp nhận một thực tế là show biz do người đàn ông nắm và làm chủ. Muốn sống còn, chúng tôi phải biết len lỏi để vượt qua, đồng thời vạch rõ những lằn ranh để tự bảo vệ mình.”

Năm nay đã 72 tuổi, bà nói bí quyết để vẫn có thể diễn xuất mỗi đêm là biết cách dưỡng sức. “Những diễn viên trẻ, họ như thể tháo gia Thế Vận Hội. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như mình đang đóng trong một đoàn xiếc Cirque de Soleil. Họ là những người chuyên đu dây, nhào lộn, nhảy múa v.v. Còn tôi giống như thằng hề, lâu lâu xuất hiện một tí để giúp vui, cho mấy người kia có thì giờ thở hoặc thay áo.” (cười)

Xem thêm:   Lê Văn Khoa đại náo Dallas

Thật ra đó chỉ là lối nói khiêm nhường của một nghệ sĩ thật sự yêu nghề và biết chính xác chỗ đứng của mình trong bức tranh tổng thể. Trong ‘Dolly!’ hầu như màn nào cũng có mặt bà. Lắm lúc ta không tin nổi mắt mình khi thấy bà xuất hiện khắp nơi, đi lại múa hát như người chưa đầy 50. Trong câu chuyện, nhân vật Dolly Gallagher là một bà mai ở New York thời cuối thế kỷ 19, quen biết nhiều, hơi nhiều chuyện, nhưng lành và lanh. Cốt truyện lấy từ vở hài kịch ‘The Matchmaker’ (Bà Mai) của Thornton Wilder (1954). Bản thân vở kịch này đến từ một vở kịch khác Wilder soạn năm 1938, lấy ý từ một câu chuyện hài xứ Áo năm 1842 có nguồn gốc từ một câu chuyện khác bên Anh năm 1835.

Những bộ trang phục rực rỡ trong bài “Put on your Sunday clothes!” (ảnh: Julieta Cervantes)

Tuy có một lý lịch dài dòng như vậy, nhưng cái hay của ‘Dolly!’ là sự đơn giản hoá đến mức tối đa các tình tiết cũng như lời thoại, lời nhạc. Bù lại, cách dàn dựng sân khấu, trang phục, vũ đạo… nhất nhất đều được chăm chút từng chi tiết. Và dĩ nhiên các bài nhạc đều rất hay. Đạo diễn Jerry Zaks (Tony Award) giải thích: “Ánh sáng được thiết kế ăn khớp với sân khấu, sân khấu ăn khớp với y trang, y trang ăn khớp với vũ đạo, và vũ đạo ăn khớp với âm nhạc. Hiếm khi có sự liền lạc như vậy giữa các bộ phận trong một vở nhạc kịch.” Có lẽ vì vậy mà từ đầu tới cuối người xem có cảm giác như được đưa trở về một thế giới xa xưa và muốn ở đó mãi, không muốn thoát ra.

Nhãn quan ta căng đầy màu sắc của những bộ quần áo sặc sỡ vô cùng bắt mắt của Santos Loquasto (Tony Award), trong khi tai thì đầy ắp âm thanh tuyệt vời đến từ ban orchestra mấy chục người với dàn kèn cực kỳ đã lỗ nhĩ. Những màn vũ được dàn dựng vô cùng khéo léo, không dư động tác nào cả, coi không chán mắt. Đẹp nhất là hai màn vũ chủ lực “The Waiters’ Gallop” tiếp liền theo bằng “Hello, Dolly”. Chưa kịp chấm dứt là khán giả đã vỗ tay hò hét muốn vỡ rạp.

Những tấm phông nền được vẽ bằng tay cực kỳ sắc nét. (ảnh: Julieta Cervantes)

Một trong những yếu tố quan trọng nữa là thiết kế sân khấu (Santos Loquasto) hoàn toàn không dùng những kỹ xảo tân kỳ như video hay digital graphics. Tất cả những tấm phông đều được vẽ bằng tay rất tỉ mỉ từng chi tiết, làm tăng vẻ cổ xưa của Nữu Ước năm 1889. Đạo diễn Jerry Zaks nói: “Đối với người nghệ sĩ, điều khó nhất là tạo nên một tác phẩm đơn giản nhưng đầy niềm hoan lạc. Làm chuyện rắc rối thì dễ, nhưng khiến khán giả cảm thấy khoan khoái với những thứ đơn sơ mới khó.”

Ngoài những thứ đó ra còn phải nói đến tài diễn xuất của kịch đoàn, nhất là của diễn viên chính là Betty Buckley. Mọi cử chỉ, nét mặt của bà đều điêu luyện đến mức khó ngờ – không dư không thiếu. Thảo nào bà đoạt giải Tony. Không mấy khi có một nhạc kịch tầm cỡ như vầy, với bao nhiêu đó tài năng, đến Dallas. Tuy biết dân ta không quen thuộc với nhạc kịch, nhưng nếu đó giờ bạn muốn nếm mùi Broadway mà không muốn phải lên tận New York để xem thì bạn sẽ không thất vọng với ‘Hello, Dolly!’

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Một người bạn Việt mới làm quen với nhạc kịch, không biết gì nhiều về vở này, sau khi đi xem về đã viết trên Facebook như sau: “Wow! Trang phục đẹp rực rỡ. Sân khấu thiết kế vô cùng sáng tạo. Diễn viên quá xuất sắc. Âm nhạc và các màn vũ đều tuyệt vời. Tận hưởng mỗi giây phút! Nếu bạn muốn xem thì đừng chần chừ gì nữa. Đi đi đi!”

IB
Dallas