Đêm nhạc Trịnh Công Sơn lần thứ ba tại Austin, mang tên “Chiếc Lá Thu Phai”, đã diễn ra tại Studio Hill hôm 12/10/2024. Chương trình do anh Trịnh Hoàng Hải và Teresa Mai (nghệ danh Sangeeta Kaur) đứng ra tổ chức. Trong thư mời anh viết: “Chiếc Lá Thu Phai vừa là một bản tình ca, vừa là một bài thân-phận-ca cho một kiếp người”. Hôm ấy trời vừa chớm Thu, khí hậu vô cùng mát mẻ, thật tuyệt vời cho một buổi picnic và âm nhạc ngoài trời với gần 400 vị khách mời.
Một lần nữa, anh Cao Lập đã từ Nam Cali bay sang Austin để điều khiển việc dàn dựng sân khấu cũng như thiết kế mảnh sân rộng hơn 2 mẫu, biến nó thành một khu âm nhạc và ẩm thực tương tự như hội quán Bình Quới ở Sài Gòn lúc trước. Anh Lập kể khoảng đầu thiên niên kỷ, khi anh được Saigon Tourist giao 4 mẫu đất bỏ hoang để “vực nó dậy”, anh đã ngỏ ý với Trịnh Công Sơn làm nơi cho nhạc sĩ gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và người hâm mộ. Chính Trịnh Công Sơn đã chọn góc vườn lý tưởng nhất để xây hội quán, và còn đặt tên cho nó là Hội Quán Hội Ngộ. Rất tiếc nhạc sĩ đã qua đời trước khi hội quán được khánh thành.
Cô Châu Trần ở Austin đã một lần nữa điều phối nhân sự cho buổi picnic. Một cựu nhân viên của anh Cao Lập, chị Liên Tăng, qua Mỹ sau này, đã một lần nữa cung cấp phần ẩm thực. Đội ngũ của chị Liên đã rời Dallas từ khuya đêm trước để xuống Austin kịp cho việc nấu nướng hàng chục món ăn mặn ngọt đủ kiểu. Trời nóng nên quầy nước mát và thạch được thiên hạ chiếu cố khá tận tình. Đã vậy sau khi chương trình chấm dứt ban nhạc và thân hữu còn được đãi một nồi cháo khuya “ngon tàn canh gió lặng.” Anh Hải kể rằng cả đám đã “úp luôn nồi cháo!”
Cũng như hai lần trước, hãng Rượu đế Suti đã cung cấp cho quan khách những món cocktail pha chế từ rượu đế Ông Già, Sư Tử 45, Bolero whiskey và Dzô, sản phẩm mới nhất của nhà làm rượu gạo người Việt đầu tiên (và duy nhất) tại hải ngoại. Khỏi phải nói, cái bar của Suti là chốn nhộn nhịp nhất trong khuôn viên và cũng là nơi nhiều người có dịp giao lưu, gặp gỡ, hàn huyên, thử những thứ rượu mới. Hai vợ chồng chủ hãng, Suý Đinh và Trang-Anh, và các anh chị em trong ban “ẩm” đã làm việc không ngơi nghỉ mấy tiếng đồng hồ liền. Đã vậy, sau khi ăn xong tô cháo ấm bụng, các nghệ sĩ còn tấp vào SuTi Bar để nhậu và tán dóc tới gần 2 giờ sáng mới chịu lui ghe.
Giám sát phần âm thanh cho đêm nhạc không ai khác hơn kỹ sư Gerhard Joost, người đã giúp Teresa Mai thắng giải Grammy năm 2022, hiện đang sống và làm việc ngay trong Studio Hill. Khi được hỏi làm cách nào để điều chỉnh âm thanh cho nhạc Việt Nam, Gerhard nói nó cũng không khác gì khi anh làm âm thanh cho nhạc Ý hay nhạc Đức. Điều quan trọng nhất là cảm xúc – feelings. Và để tạo được cảm xúc, anh luôn đọc trước lời nhạc hay bản dịch để hiểu bối cảnh và tâm tình của tác giả và tác phẩm. Ngoài ra, khung cảnh và địa điểm ngoài trời của đêm nhạc cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến việc thiết kế âm thanh, sắp xếp micro và dàn loa sao cho hợp lý. Có thể nói âm thanh và ánh sáng đêm đó đã đóng một vai trò cực kỳ lớn cho sự thành công của chương trình.
Chương trình năm nay khá dài, với 26 bài nhạc cả thảy. Ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ thượng thặng đến từ Cali, và có cả anh Nguyễn Thanh Huy, trưởng bộ môn guitar tại Nhạc Viện Thành Phố từ Sài Gòn sang.
Gây ấn tượng nhất đối với người viết có lẽ là 2 bài về biển do anh Hoàng Hải trình bày – “Biển Nghìn Thu Ở Lại” và “Muôn Trùng Biển Ơi”. Anh Hải kể rằng đối với một kẻ từ nhỏ lớn lên bên bờ biển Long Hải và chứng kiến những mùa gió Bấc bão sóng triền miên, 2 bản nhạc này nói lên tâm tư một người đang gặp khó khăn hay thất vọng, tìm đến biển để kiếm câu trả lời. Biển khuyên anh ta hãy cố sống cho qua cơn gió bão rồi cũng sẽ đến ngày biển êm sóng lặng.
Thành phần ca sĩ năm nay hùng hậu không kém gì năm ngoái. Đến từ Việt Nam có ca sĩ Tấn Sơn và Nam Khánh. Ngoài ra còn có các ca sĩ Hoàng Lan, Bảo Châu, Phong Lưu, Tạ Hùng Cường, Trịnh Hoàng Lý… Giám đốc âm nhạc là pianist Hoàng Công Luận. Với phong cách hoà âm phối khí hiện đại, anh đã thổi một luồng gió lạ và độc đáo vào những ca khúc tưởng đã sáo mòn, quen thuộc. Các nhạc sĩ gồm có: Duy Trần (piano); Tường Vũ (guitar); Vũ Việt Chương (violin); Phạm Tuấn Hùng (keys/sax); Nestor Nunez (bass); và Peter Pfiefer (trống). Ngoài ra còn có màn classical guitar của các anh Nguyễn Thanh Huy và Trần Hoài Phương từ Việt Nam, và Bill Young từ Cali. Đại Dương và Uyển Diễm từ Cali lo phần MC.
Đặc biệt trong số khán giả đêm ấy còn có sự hiện diện của chị Trịnh Hoàng Diệu, em cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến từ Sài Gòn. Chắc chắn chị đã rất vui được thưởng thức những bản nhạc của anh mình trong một không khí thân mật như vầy. Mọi người ra về trong tâm trạng được một vị khán giả mô tả là “vô cùng hạnh phúc”. Đêm hội ngộ Austin tại Studio Hill, như lời ngỏ trong bức thư mời của anh Hải, là “chốn hẹn hò của những tâm hồn đồng điệu, nơi mà âm nhạc, tình thân sẽ xoá nhoà biên giới giữa nghệ sĩ và khán giả, giữa ngày và đêm, giữa trời và đất, giữa đời thực và giấc mơ. Đó là cõi tình cho chúng ta bước vào khu địa đàng âm nhạc Trịnh Công Sơn.” Mong rằng tại khu vườn địa đàng ấy sẽ còn nhiều cuộc hội ngộ tuyệt vời nữa trong tương lai.
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.