Cuộc chiến giành độc lập của người Mỹ xém chút nữa đã thất bại, không phải vì tinh thần chiến đấu họ thấp hay vì thiếu vũ khí đạn dược, mà vì một bệnh dịch hiểm nghèo – bệnh đậu mùa.

BS Jenner chích vaccine đậu mùa lần đầu tiên năm 1796, tranh của John Trumbull. nguồn: wikimedia   

Tiếng Anh gọi là smallpox, bệnh đậu mùa do dịch khuẩn tên variola gây ra. Nó đã có mặt trên trái đất ít nhất nhiều ngàn năm. Một trong những dấu tích xưa nhất của bệnh này được tìm thấy trong xác ướp ở Ai Cập. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại nó đã giết chết vô số người, gây biết bao tang tóc, phá vỡ bao đoàn quân thiện chiến, đánh gục bao đế chế từ Á sang Âu.

Không ai rõ đậu mùa xuất phát từ đâu, nhưng ta biết là từ xa xưa người Tàu đã phát hiện ra biện pháp phòng bệnh. Họ lấy vảy ghẻ khô từ người bệnh, nghiền ra thành bột rồi thổi vào mũi người khoẻ mạnh. Cách này dĩ nhiên có nhiều rủi ro vì nó có thể làm người đó mắc bệnh và chết luôn. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ người chết vì được “phòng bệnh” kiểu này có thể lên đến 2-3 phần trăm. Nhưng nó vẫn thấp hơn tỉ lệ tử vong có khi lên đến 40-50 phần trăm.

Ðến thế kỷ 18 phương pháp này đã lan qua Ấn Ðộ, Phi Châu và Âu Châu. Nhưng thay vì thổi vào lỗ mũi thì người ta lấy mủ ghẻ từ người bị đậu mùa để cấy vào dưới da người chưa mắc bệnh. Năm 1717, Lady Mary Montagu, vợ đại sứ Anh ở Constantinople  (Istanbul, Turkey ngày nay) học được cách chủng ngừa này và mang nó về nước. Năm 1721, bà cùng Công chúa Wales thử nghiệm cách này trên một số tù binh và trẻ em vô gia đình và thấy nó hiệu nghiệm. Họ bèn áp dụng cho thành viên của Hoàng gia. Người Anh gọi phương pháp này là “variolation” — đến từ dịch khuẩn variola.

Trước khi người Âu Châu sang Mỹ Châu, thổ dân ở Bắc và Nam Mỹ không hề có bệnh này. Vì vậy khi bị lây đậu mùa từ người da trắng họ chết như rạ bởi cơ thể chưa có đề kháng. Ðế quốc Maya ở Mexico bị người Tây Ban Nha đánh bại phần lớn cũng vì quân binh của họ bị đậu mùa giết gần sạch. Ở Bắc Mỹ người da trắng cũng học được cách chủng bệnh từ dân nô lệ Phi Châu. Tại Salem, Massachusetts, một người nô lệ tên Onesimus đã dạy cho Mục sư Cotton Mather cách phòng bệnh này. Ông ta liền dùng nó để chủng ngừa cho dân chúng trong cơn đại dịch đậu mùa ở Boston năm 1721. Từ đó người Mỹ cũng biết đến variolation.

Xác ướp vua Ramesses V của Ai Cập mang dấu vết đậu mùa. nguồn: wikipedia

Khi George Washington (1732-1799) còn là thanh niên, ông bị mắc bệnh đậu mùa trong lúc du hành trên đảo Barbados với người anh. Lúc ấy ông mới 19 tuổi. Sau mấy tháng trời vật lộn với cơn bệnh hiểm nghèo, cuối cùng George Washington cũng khỏi bệnh. Nhưng như nhiều bệnh nhân khác, mặt ông mang những vết sẹo rỗ đến mãn đời. Kinh nghiệm bản thân đau đớn vì bệnh này đã ảnh hưởng sâu đậm đến cách Washington dụng binh trong cuộc chiến giành độc lập cho nước Mỹ nhiều năm sau đó.

Xem thêm:   Mất mạng

Mùa Hè năm 1775, khi Washington nhận chức Tư lệnh Quân đội Lục địa (Continental Army), một trận dịch lớn bắt đầu càn quét vùng Ðông Bắc, kéo dài bảy năm. Mùa Thu 1775 hai đạo quân gần 10 ngàn người được lệnh Bắc tiến đánh Québec, một mặt để kiếm hậu thuẫn từ những người gốc Pháp chống vua Anh, mặt khác kêu gọi họ gia nhập vào nước Mỹ. Nhưng việc đã không thành. Quân đội Lục địa thua xiểng niểng, phần vì thời tiết xấu, phần vì lính tráng mắc bệnh quá nhiều. Sang đến mùa Xuân 1776 số lính Mỹ bị đậu mùa đã lên đến gần nửa. John Adams viết: “Ðậu mùa xem ra đáng sợ gấp mười lần quân đội Anh, Canada và Da đỏ gộp lại. Ðến những con tim chai đá nhất cũng phải quặn thắt khi nhìn thấy cảnh tượng này.”

Trong khi đó lính Anh, nhờ có kháng thể trong người từ mấy đời trước bên Âu Châu, không hề hấn gì mấy. Thất bại ê chề trong trận đánh lớn đầu tiên này khiến Washington nghĩ đến việc chủng ngừa binh lính của mình. Ngặt một nỗi lúc ấy Nghị Hội Lục địa (Continental Congress) có luật cấm. Washington đi đến một quyết định táo bạo. Bất kể luật lệ, ông ra lệnh tất cả mọi tân binh phải được cấy khuẩn đậu mùa. Ít lâu sau đó lệnh này được ban ra cho toàn thể Quân đội Lục địa. Suốt mùa Thu và mùa Ðông năm 1776, khoảng 40,000 binh lính Mỹ đã được cấy dịch khuẩn vào người. Việc này xảy ra trong bí mật vì Washington không muốn  quân Anh tấn công trong lúc lính mình cần thời gian hồi phục.

“Temple of Vaccia”, căn chòi ở Berkeley, UK, nơi BS Jenner chủng vaccine miễn phí cho người dân trong vùng, nay là viện bảo tàng. nguồn: wikimedia

Rất may cho nước Mỹ (trong đó có chúng ta ngày hôm nay), cú cá cược đầy rủi ro của Washington đã thắng lớn; tỉ lệ binh lính bị nhiễm bệnh đang từ 17% rơi xuống còn có 1%. Thấy vậy, Nghị hội Lục địa bèn đổi luật, không cấm “variolation” nữa. Sang mùa Xuân 1777, với đầy đủ thực lực và không còn phải đối phó với dịch bệnh, Washington bắt đầu phản công.  Và như  ta biết, cuối cùng ông đã giành được độc lập cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ từ tay King George III. Tưởng cũng nên nói thêm, bản thân nhà vua Anh có hai người con trai được cho “chích ngừa” kiểu này khi mới vài tuổi, không may cả hai đều qua đời vì bệnh khiến nhà vua buồn rầu đến độ nổi điên.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Thuở ấy người ta để ý thấy có một nhóm người gần như không bao giờ dính bệnh đậu mùa; đó là các bà các cô làm nghề vắt sữa bò (milkmaid). Họ thường bị mắc một thứ bệnh đậu nhẹ hơn, gọi là cowpox, đến từ bò. Vi khuẩn gây bệnh mang tên vaccia, từ chữ vacca trong tiếng La-tinh nghĩa là con bò. Tháng 5, 1796 một vị bác sĩ vườn ở Anh tên Edward Jenner nghĩ ra cách thử nghiệm với dịch khuẩn vaccia lấy từ một cô milkmaid tên Sarah Nelmes, chích cho một thằng bé 8 tuổi tên James Phipps, con của người làm vườn. Vài tuần lễ sau, vào ngày 1 tháng 7, bác sĩ Jenner lại chích thêm dịch khuẩn đậu mùa variola vào cậu bé để … thử!

Như một phép lạ, James Phipps không mắc bệnh đậu mùa mặc dù trong người cậu có dịch khuẩn variola luân lưu. Do đến từ tên virus tên vaccia, phương pháp chủng ngừa này được gọi là vaccination và lan truyền còn nhanh hơn vaccia virus. Bác sĩ Jenner nghiễm nhiên trở thành cha đẻ của ngành dịch tễ học. Ngày nay ta dùng chữ “vaccine” để gọi tất cả các loại thuốc phòng ngừa đủ thứ dịch khuẩn, không nhất thiết phải đến từ bò nữa.

Bé gái 2 tuổi Rahima Banu tại Bangladesh là người cuối cùng nhiễm bệnh đậu mùa trên thế giới (1975). nguồn: CDC

Từ thời BS Jenner đến nay y học đã tiến bộ khá xa; nhân loại đã tìm ra đủ cách để kềm chế, kiểm soát hoặc kháng kích các dịch khuẩn gây bệnh cho con người như bệnh sởi, bệnh lao, polio, HIV v.v. Tuy nhiên đậu mùa là dịch bệnh duy nhất được khống chế và tiêu diệt hoàn toàn — vào năm 1980, nhờ các chương trình chủng ngừa toàn cầu trong nhiều thập niên liên tục. Hiện tại chỉ còn hai trung tâm nghiên cứu trên thế giới còn lưu trữ dịch khuẩn variola này phòng khi cần đến, và có đề nghị nên tiêu hủy nó luôn để tránh trường hợp virus bị “xổng chuồng” bất tử.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Giờ đây loài người đang phải đối diện một loại virus hoàn toàn mới thuộc dòng họ corona. Các viện nghiên cứu đang ráo riết tìm vaccine để trị nó. Theo lời Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu ở Mỹ, việc tìm ra vaccine “chỉ là vấn đề thời gian, sớm nhất có thể là cuối năm nay.” Tuy nhiên, không ai biết sẽ phải mất bao nhiêu năm nữa ta mới triệt tiêu được COVID-19 như ta đã triệt tiêu bệnh đậu mùa.

Dầu gì ta cũng phải cảm ơn quyết định sáng suốt nhưng liều lĩnh của George Washington đã cho ta ngày Lễ Ðộc Lập này; nhưng ta cũng đừng mải lo ăn mừng mà lơ là bất cẩn với Cô Vi!

IB