Ai cũng biết July 4th là ngày người Mỹ ăn mừng Quốc Khánh. Nhưng bạn có biết Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời không phải vào ngày đó mà hai ngày trước đó?

Chuông Tự Do, đã từng được gióng lên để chào mừng bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Philadelphia. ảnh: ianbui/Trẻ

Ðể hiểu bối cảnh câu chuyện, ta cần đi ngược về năm 1774. Quốc Hội Anh (Parliament) vừa ra Ðạo Luật Khắt Khe (Intolerable Acts) để trừng phạt tiểu bang Massachusetts sau vụ tấn công một thương thuyền của British East India, đổ hết trà xuống biển ở Boston năm 1773 (Boston Tea Party) để phản đối thuế trà. Ðạo luật này đã gây phản ứng ngược, tạo nên làn sóng chống đối vương quyền Anh tại một số tiểu bang khác.

Tháng Tư, 1775 xung đột vũ lực xảy ra. Quân đội Anh và lính địa phương của tiểu bang Massachusetts đụng độ tại Concord; quân Anh rút về Boston cố thủ. Tháng 7, George Washington lên cầm quyền lãnh đạo Quân Ðội Lục Ðịa (Continental Army), tiếp tục bao vây Boston. Tháng 9, 1775, 12 trong số 13 tiểu bang gởi đại biểu đến Philadelphia tham dự Nghị Hội Lục Ðịa đầu tiên (First Continental Congress) để tìm cách tháo gỡ ngòi nổ.

Các đại biểu thuộc nhóm cấp tiến thì đề nghị nên tách hẳn ra khỏi vương quốc Anh và thành lập một quốc gia độc lập. Cánh bảo hoàng cực lực phản đối. Cuối cùng phe bảo thủ thắng thế; Nghị Hội bế mạc sau khi đa số thông qua một nghị quyết tẩy chay hàng hoá từ Anh để ép Quốc Hội Anh phải bãi bỏ Ðạo Luật Khắt Khe. Quốc Hội Anh không nhượng bộ mặc dù lượng hàng nhập cảng từ Anh giảm hơn 95%. Ðể tăng áp lực, Nghị Hội giới hạn cả hàng hoá được xuất cảng sang Anh.

Ngày 7 tháng 6, 1776, đại biểu của 13 tiểu bang nhóm họp Nghị Hội Lục Ðịa lần thứ nhì (2nd Continental Congress) cũng tại Philadelphia, trong căn nhà ngày nay được gọi là Independence Hall. Tại đây đại biểu Richard Henry Lee từ Virginia – sau này được nhắc đến như người khai mào cuộc đấu tranh giành độc lập, đưa ra một nghị quyết với lời lẽ khá đanh thép như sau:

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

“Xét Rằng: Các vùng đất thuộc địa này hiện là – và đương nhiên phải là, những tiểu bang tự do và tự trị, chúng ta không còn lệ thuộc vào vương triều Anh nữa. Do đó mọi liên hệ chính trị giữa ta và nước Anh coi như xoá bỏ hoàn toàn.”

Văn phòng Thư Ký Thượng Viện tại Toà Nhà Quốc Hội đầu tiên của nước Mỹ, Philadelphia. ảnh: ianbui/Trẻ

Nghị quyết này đã gây tranh cãi dữ dội, đến độ hội nghị phải tạm hoãn để mọi người có thì giờ “nguội bớt” và “suy nghĩ lại cho kỹ”. Nhưng trước khi giải tán họ đồng ý giao cho một Uỷ Ban Năm Người nhiệm vụ soạn một văn bản công bố lý do vì sao cần có độc lập. Năm nhân vật được chọn là: Benjamin Franklin (Pennsylvania); Robert Livingston (New York); John Adams (Massachusetts); Thomas Jefferson (Virginia); Roger Sherman (Connecticut). Thomas Jefferson là nhân vật chủ chốt trong việc biên soạn văn kiện bất hủ này.

Ngày 1 tháng 7, 1776, Nghị Hội Lục Ðịa Thứ Hai họp lần thứ nhì để bàn thảo và bỏ phiếu cho bản tuyên ngôn. Bởi Nghị Viện của tiểu bang New York chưa kịp thông qua văn bản này nên đại diện của New York không ký tên vào. Tuy nhiên, sự vắng mặt của New York không được xem như một lời phản đối. Do đó ngày hôm sau, 2 tháng 7, 1776 văn bản của Jefferson đã được Nghị Hội thông qua. Trong số 13 tiểu bang hiện diện có 9 tiểu bang bỏ phiếu thuận; Pennsylvania và South Carolina bỏ phiếu chống; Delaware bỏ phiếu trắng “undecided”; New York không bỏ phiếu. Ðược ủng hộ bởi đa số, Bản Tuyên Ngôn có hiệu lực ngay lập tức, đánh dấu sự ra đời của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ – tức The United States of America.

Nhưng vì văn bản của Jefferson có vài lỗi nhỏ cần chỉnh sửa nên phải đến ngày 4 tháng 7 phiên bản được hiệu đính mới chính thức ra mắt công chúng. Chủ tịch Nghị Hội, ông John Hancock (thống đốc Massachusetts) là người ký tên vào văn kiện lịch sử này. Theo lời kể, ông đã cố tình viết tên mình cho thật đẹp để “nhà vua dù không mang kính vẫn nhìn thấy.” Phải đến ngày 31 tháng 8 văn kiện này mới hội đủ các chữ ký. Dẫu vậy, chỉ vài ngày sau 4 tháng 7, các bản sao của Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập đã được gởi đi khắp 13 tiểu bang.

Thượng Nghị Viện đầu tiên của nước Mỹ tại Philadelphia. ảnh: ianbui/Trẻ

Tại Philadelphia (nơi Nghị Viện Pennsylvania từng bỏ phiếu chống), một buổi lễ long trọng được tổ chức để đánh dấu sự kiện quan trọng này. Bản tuyên ngôn được mang ra đọc trước bàn dân thiên hạ. Buổi lễ còn có pháo bông, âm nhạc, nhóm lửa v.v. Ðây chính là sáng kiến của John Adams, một thành viên trong uỷ ban soạn thảo. Trong lá thư gửi cho bà Abigail vợ mình, ông viết:

Xem thêm:   Oscar 2024

“2 tháng 7 sẽ là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ… Ngày sanh của bản tuyên ngôn cần được tưởng niệm hàng năm bằng các cuộc diễn hành, âm nhạc, trò chơi, giải trí, thể thao, bắn súng, rung chuông, đốt lửa – để cho ánh sáng được soi từ bờ này lục địa sang bờ bên kia…”

Mùa Hè năm đó một số địa phương còn tổ chức đám tang giả cho vua George III – chứng tỏ lòng dân lúc ấy đã chán ngán vương triều đến mức nào. Sang năm 1777, đúng vào ngày 4 tháng 7, Nghị Hội Thuộc Ðịa giải tán vì đã hoàn thành sứ mệnh. Một buổi lễ ăn mừng thật lớn được tổ chức, với 13 phát súng cà-nông đại diện cho 13 tiểu bang của tân quốc gia. Pháo bông nổ sáng rực bầu trời Philadelphia, thủ đô mới của Hiệp Chủng Quốc.

Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 7 dân chúng khắp các tiểu bang tổ chức tiệc tùng, mặc nhiên coi đó như ngày ra đời của nước Mỹ. Nhiều nơi người ta làm lễ thật lớn, có cả diễn hành, quân nhạc, dân nhạc, pháo bông… Ở làng quê thì dân chúng picnic, nhóm lửa, nướng thịt v.v. Ðại khái là … nhậu! Thậm chí vào mùa Hè năm 1778, dù chiến cuộc đang nóng bỏng, George Washington đã cho binh sĩ ăn mừng 4/7 bằng cách tăng gấp đôi khẩu phần … rượu Rum!

Independence Hall, Philadelphia, nơi đại biểu Nghị Hội Lục Địa bàn luận về tương lai Hiệp Chủng Quốc năm 1776. ảnh: ianbui/Trẻ

Các buổi lễ lạt này đều do dân Mỹ ở mỗi vùng tự phát, tự làm lấy. Mãi đến năm 1870 Quốc Hội mới ban hành một đạo luật tuyên bố một số ngày được chính thức xem là lễ quốc gia, cho phép trường học và công sở được đóng cửa. Những ngày đó là: Thanksgiving (thứ Năm tuần cuối tháng 11); Giáng Sinh (25/12); Tân Niên (1/1); Sinh nhật George Washington (17/2) và Lễ Ðộc Lập (4/7). Ðến đây thì ngày 2/7 coi như được xếp vào ngăn tủ bụi bặm của lịch sử, dành làm đề tài nghiên cứu cho đời sau. Tuy 4/7 được Quốc Hội ban hành là một ngày lễ quốc gia, nhưng phải đến năm 1941 nhân viên nhà nước mới được nghỉ phép có lương vào ngày này.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Về sau bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ đã trở thành khuôn mẫu cho hiến pháp nhiều quốc gia khác – từ Phi Châu cho đến Nam Mỹ, từ Á Châu cho đến Tân Tây Lan. Ðến như Việt Nam cũng có người từng “mượn” gần như nguyên xi câu văn bất hủ của Jefferson để hùng hồn tuyên bố trong một vụ “cướp chính quyền” năm 1945:

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình-đẳng. Tạo-hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm-phạm được. Trong số những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự-do, và quyền mưu-cầu hạnh-phúc… Ðó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Rất tiếc cho đến nay tại Việt Nam những “quyền bình đẳng” ấy vẫn chưa được nhà cầm quyền tôn trọng. Ở Mỹ, hàng năm đến ngày 4 (hoặc 2) tháng 7, khi bạn đi xem pháo bông hay ngồi nhà nhậu thịt nướng, hãy dành chút thì giờ tưởng nhớ đến những người vẫn còn đang miệt mài đấu tranh cho tự do dân tộc, những người đang bị các chế độ độc tài của thế kỷ 21 bỏ tù chỉ vì họ can đảm đòi hỏi điều mà cách đây gần 250 năm Thomas Jefferson gọi là “lẽ phải không ai chối cãi được.”

IB

Palmerston North, NZ