Với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, cuộc sống phần lớn người dân (nhất là thành phần công nhân nghèo, lao động tự do) luôn bị ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng. Không ít người lâm cảnh khốn đốn do không thể mưu sinh, kiếm sống giữa thời đại dịch. Thành phố Sài Gòn – một trong những đô thị lớn nhất Việt Nam – thời gian này cũng không ngoại lệ

Phố Tây ba-lô quận 1 đìu hiu, vắng vẻ. Ảnh: tác giả cung cấp  

Một buổi tối đầu tháng 5-2021, sau khi lệnh giãn cách của chính quyền ban hành, chúng tôi đi rảo một vòng quan sát. Tại khu phố Tây ba-lô quận 1 (khu vực các con đường Phạm Ngũ Lão, Ðề Thám, Bùi Viện, Ðỗ Quang Ðẩu) xưa nay vốn nổi tiếng tập trung đông đảo du khách nước ngoài nhưng hiện tại rất vắng, không còn thấy cảnh đi lại, ăn uống, la hét, cười đùa ồn ào, nhộn nhịp như trước.

Chị Ngọc Hân, chủ một quán nhậu ở đây cho biết: “Từ sau Tết Nguyên Ðán 2021 đến giờ, lượng du khách đến đây vui chơi giảm rất nhiều, đặc biệt khi có những cảnh báo về việc lây nhiễm Covid-19 ở Sài Gòn đang mức cao. Ðầu tháng 5-2021, một lần nữa các quán xá bị buộc phải đóng cửa, mọi người không được phép tụ tập nên càng vắng vẻ. Riêng quán của tôi thuê mặt bằng, tuy nhỏ (khoảng hơn 20 mét vuông) nhưng hàng tháng phải trả hơn 80 triệu đồng. Ðóng cửa hoài kiểu này, không có thu nhập, chắc nay mai đành trả quán, dẹp tiệm luôn!”

Ông Tường bán vé số ế ẩm. Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Quốc Thanh, chủ nhà hàng Las Casa trên đường Bùi Viện than thở: “Mỗi lần dịch Covid bùng lên, các nhà hàng, karaoke, vũ trường, quán bar… là những nơi phải đóng cửa đầu tiên. Nhà hàng chúng tôi cũng vậy. Nếu tình hình dịch bệnh không thuyên giảm (khả năng này rất có thể xảy ra), chắc chúng tôi phá sản lúc nào chẳng hay!”. Cách khu vực này một quãng không xa, chúng tôi tình cờ gặp ông Fabrice, một người Pháp, 49 tuổi. Ông Fabrice cho biết sang Việt Nam theo diện “du lịch bụi” từ cuối năm 2019. Tuy nhiên do tiền bạc mang theo không nhiều, dịch bệnh Covid-19 xảy ra bất ngờ nên ông “dính” luôn ở đất Sài Gòn từ dạo ấy đến nay.  Ðể tạm kiếm sống, nghe theo lời người ta, ông mua một chiếc xe đẩy nhỏ tìm ra một góc vỉa hè tại giao lộ đường Trần Ðình Xu – Nguyễn Cư Trinh rồi tự mình chiên chuối và đứng bán. Bình quân mỗi ngày ông Fabrice bán được khoảng 80-100 miếng bánh chuối chiên (giá 10 nghìn đồng/miếng). Song ông Fabrice cũng “rên rỉ”: “Ðó là số bánh chuối bán lúc không có lệnh giãn cách. Tuy là chấp hành “bán mang về” nhưng hiện nay do dịch bệnh bùng phát ở Sài Gòn nên cũng ít ai ra đường lắm. Ngày nào bán nhiều nhất cũng chỉ được 1/3 số lượng như trước thôi!”

Ở góc đường Bến Vân Ðồn (quận 4), chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tường, 65 tuổi, vốn là thương phế binh VNCH ngày trước, hiện sống trọ tại đường Vĩnh Khánh, quận 4. Ông Tường hành nghề bán vé số từ hơn 4 năm qua. Khi được hỏi cuộc sống hiện tại, ông buồn bã nói: “Vợ tôi mất gần chục năm nay, chúng tôi cũng không con cái. Có thời gian tôi thường đi theo các chủ thầu xây dựng làm phụ hồ ăn công hàng ngày. Sau này tuổi già sức yếu không làm nổi nữa bèn xoay qua bán vé số, ngày bán 100-120 vé cũng kiếm được chừng 120-150 ngàn. Hiện nay Sài Gòn đang giãn cách xã hội, đường phố vắng hoe, quán tiệm đóng cửa, người đi lại cũng ít nên kiếm sống rất khó. Có ngày đi “rảo cẳng” hơn chục cây số cũng bán được không tới 30 tờ. Vậy là chỉ biết mua ổ bánh mì không ăn đỡ đói trừ bữa!”

Các quán ăn bị buộc đóng cửa phòng Covid-19. Ảnh: tác giả cung cấp

Quay về thành phố Thủ Ðức (bao gồm các quận Thủ Ðức, quận 9, quận 2 cũ), chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ vốn có hơn 200 công nhân thuê ở nằm phía bên con đường lộ đối diện Khu Chế xuất Linh Trung 1 (Thủ Ðức). Khi này đã hơn 18 giờ chiều, trước đây anh chị em công nhân đang lúc tan tầm, cùng nhau quay về chuẩn bị cơm tối thì nay khung cảnh khá đìu hiu bởi số phòng trọ có người ở chỉ còn non nửa do nhiều người mất việc đã quay trở về quê từ trước. Cô Phương – công nhân một công ty tại Khu Chế xuất này tâm sự: “Khi chưa đến 28 tuổi tôi đã ly hôn có đứa con nhỏ đang gửi nhờ ông bà ngoại. Thời gian giãn cách xã hội, hầu như tôi đều phải ở nhà công ty tạm ngưng hoạt động. Với tình hình dịch bệnh thế này tôi rất vất vả và không biết tiền lương có đủ để chi trả cho tiền phòng trọ, tiền ăn ở, sinh hoạt hay không…”. Tương tự, trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Sài Gòn, bạn Thùy Linh (sinh viên năm thứ 3 Trường Ðại học Ngân hàng), thường đi làm thêm nghề chỉnh nhạc DJ vào những buổi tối. Công việc DJ tương đối cũng khá nhẹ nhàng, mức “cát-sê” cũng tương đối song sau khi dịch bệnh xuất hiện, hầu hết các chuỗi nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, các đám cưới, đám tiệc, sự kiện event đều bị dừng lại nên công việc của Thùy Linh cũng bị ảnh hưởng. Cô nói: “Ðể có tiền chi phí cho sinh hoạt hằng ngày, em đã xin làm công việc tạp vụ cho một quán nem nướng cũng ở gần nhà trường. Do quán này bán cho khách mua mang về, nên mùa dịch cũng có chút đỉnh thu nhập. Dù ít ỏi cũng còn tốt hơn không!”.

Ông Tây Fabrice bán chuối chiên lề đường. Ảnh: tác giả cung cấp

Tại một khu nhà trọ khác ở Linh Xuân (Thủ Ðức), qua một người bạn quen – chúng tôi tiếp xúc được nhóm các cô gái trẻ gồm Thu Hằng, Minh Tuyết và Hoa Phượng đều ở lứa tuổi 22-25 và cũng quê quán Trà Ôn (Vĩnh Long). Ðược biết những cô gái này trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đều làm nghề tiếp viên cho các điểm mát-xa, karaoke “ôm” trên đường Hoàng Diệu 2. Và khi những tụ điểm này bị buộc đóng cửa thì họ đều biến thành những kẻ…thất nghiệp. Thu Hằng tâm sự: “Bọn em làm tiếp viên mát-xa, karaoke chỉ ăn vài đồng lương “tượng trưng” chủ. Thu nhập chính chủ yếu đều do khách “bo” nên chỗ làm đóng cửa là “thất thu 100%”. Lúc làm ở tụ điểm gặp mấy ông khách “ham vui”, rủ đi “tăng hai” bên ngoài có hôm cũng kiếm kha khá. Còn bây giờ dịch bệnh tùm lum, khách đâu có dám đi chơi nhiều như trước!”. Ngay lúc này, cô gái tên Hoa Phượng cũng chen vào nói: Bọn em ngày nào cũng lấy điện thoại tra theo số gọi cũ của mấy người khách quen mặt rủ họ đi chơi cho đỡ buồn nhưng ít ông chịu OK lắm. Họa hoằn mới có vài ông đồng ý, dù tụi em sẵn sàng sale off hết mức luôn! Ví dụ như trước kia đi mỗi giờ 500-700 ngàn đồng thì hiện giờ 300 ngàn đồng/giờ bọn em cũng chấp nhận! Bởi vì dù mình không ăn xài nhiều cũng cần có tiền trả phòng trọ, điện nước, rồi gửi chút đỉnh về phụ giúp ba mẹ, em út dưới quê nữa…”

… Như đã nói, khi dịch bệnh kéo dài thì những người nghèo, người làm nghề lao động tự do là những đối tượng thiệt thòi, vất vả nhất bởi gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Ðây cũng là những người rất mong sớm được nhận sự trợ giúp từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên có một thực tế không phải ai cũng được nhận nhất là các thành phần nhập cư, thậm chí có những người không hề đăng ký tạm trú, tạm vắng khi tìm lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Và điều mà họ có thể làm được lúc này là “phải tự cứu lấy mình trước khi…Trời cứu!”

Các cô gái sẵn sàng “sale off” kiếm sống. Ảnh: tác giả cung cấp

NS