Năm 2014, sau khi hãng xe công nghệ Grab chính thức gia nhập thị trường Việt Nam thì thị trường này từ đây trở đi trở nên sôi động với hàng loạt cái tên như GoViet, Bee, FastGo, Vato, Aber, MyGo, MLV, Goixe…Song chỉ được vài năm, nhiều cái tên trong số này mờ nhạt hoặc biến mất… Đến nay các công ty xe ôm công nghệ hoạt động mạnh nhất ở VN có thể kể như Grab, GoViet, Bee và mới nhất có xe máy điện xanh SM Bike vừa ra đời.

Sinh viên đại học “khởi nghiệp” bằng…nghề xe ôm    

Báo cáo từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực cho biết, tổng nhu cầu nhân lực quý I/2023 của các doanh nghiệp tại Sài Gòn chỉ có hơn 22% cần trình độ đại học trở lên, còn lại là nhân lực trình độ thấp như cao đẳng (18%), trung cấp (25%), sơ cấp (32%)… Tuy nhiên trong số người có nhu cầu tìm việc hiện tại ở các doanh nghiệp, những bạn trẻ trình độ đại học trở lên chiếm trên 60%. Trong khi vài năm trở lại đây tình trạng cắt giảm lao động ở VN đang có chiều hướng gia tăng do kinh tế suy thoái khiến nhiều công nhân, người lao động bị mất việc làm. Nhiều sinh viên mới ra trường với tấm bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ…cũng khó tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành, và vì nhiều lý do đã “bén duyên” với nghề xe ôm. Một thống kê cuối năm 2022 cho thấy riêng Sài Gòn hiện có hơn 12 nghìn tài xế xe ôm công nghệ, trong đó gần 30% trình độ tốt nghiệp cao đẳng trở lên.

Nhiều hãng xe ôm công nghệ luôn thu hút các bạn trẻ

Quê Ðồng Tháp, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm từ cuối năm 2021, Dũng (23 tuổi) quyết định ở lại Sài Gòn chạy xe ôm công nghệ kiếm tiền trả nợ học phí. Nguyện vọng của ba má Dũng muốn anh trở về địa phương, xin làm giáo viên ở một trường học nào đó gần nhà với mức lương khoảng 6 triệu VNÐ/tháng. Sau 15 ngày làm xe ôm công nghệ, Dũng kiếm hơn 5 triệu VNÐ nên bỏ luôn ý định về quê. Dũng nói: “Chỉ cần chiếc xe máy, smartphone và thỏa thuận với tỷ lệ ăn chia của công ty mình xin đầu quân (thường ở mức 7/3) là ai cũng có thể trở thành tài xế xe công nghệ. So với làm giáo viên cấp 2 lương vài triệu VNÐ/ tháng thì mức lương xe ôm công nghệ cũng sống được!”.

Xe ôm công nghệ ở mọi lúc mọi nơi

Tương tự, đang dựng xe chờ khách gần bệnh viện quận Thủ Ðức, Quang (24 tuổi, quê Long An) chia sẻ câu chuyện của mình: “Năm 2020 tốt nghiệp trường Ðại học kinh tế, cháu cũng có ý định về quê xin việc vì nghĩ rằng ở quê chỉ cần có bằng cấp, chuyên môn tốt sẽ được nhận. Nhưng thực tế không phải vậy. Gia đình cháu đi hỏi han khắp nơi thậm chí mất tiền xin việc nhưng cũng chỉ gặp toàn những… con ma nhà họ Hứa. Chờ thêm mấy tháng, cháu quay lại Sài Gòn kiếm việc thì được bạn bè giới thiệu chạy xe ôm công nghệ”. Quang cho biết thêm cậu ta mới chạy xe hơn năm nay, mỗi ngày chạy khoảng 20-25 chuyến. Trừ các chi phí, Quang kiếm được hơn 10 triệu VNÐ/tháng. Số tiền này không ít so với những người làm công việc tự do nhưng được thoải mái về thời gian, thậm chí gấp 3 lần lương công chức văn phòng thử việc.

Xem thêm:   Hôn nhân của người J'rai

Như đã nói, hiện nay các bạn trẻ chạy xe ôm công nghệ rất nhiều. Từ các phố xá thênh thang cho tới khắp hang cùng ngõ hẻm dễ nhìn thấy xe ôm công nghệ mọi lúc mọi nơi. Long (28 tuổi, ngụ quận 9) cho biết một ngày trung bình chạy xe kiếm ít nhất cũng 200 – 250 nghìn VNÐ và con số này cũng đủ hấp dẫn nhiều người chọn nghề này, dù công việc buộc các bạn phải chấp nhận không ít cực khổ. Chẳng hạn như thời tiết mưa nắng thất thường, đường sá ổ gà lầy lội, ngập nước hay những “cuốc” xe đến những địa bàn hoang vắng nguy hiểm nhất là vào đêm khuya. Nhưng thật ra không phải ai cũng dễ kiếm được số tiền từ trên 10 triệu VNÐ/ tháng ở thời điểm hiện tại khi rất nhiều người (đông nhất vẫn là các bạn trẻ) cùng nhau chọn nghề xe ôm làm chiếc cần câu cơm. Mật ít ruồi nhiều và miếng bánh vì thế ngày càng phải chia nhỏ dần. Một bác tài xe ôm công nghệ ở bến xe Miền Ðông (Bình Thạnh) than vãn: “Bọn tôi chạy theo số cuốc, mỗi ngày phải “nổ” được từ 25-30 cuốc xe mới đủ tiền sống. Bây giờ xe ôm công nghệ ra nhiều, cạnh tranh rất gắt. Mình làm lơ mơ cả ngày có khi chưa đủ tiền… húp cháo”

Mỏi mòn chờ khách “nổ” cuốc xe

Câu chuyện nhiều trí thức hành nghề xe ôm khiến nhiều người cảm thấy chua xót. Một giảng viên trường ÐH Sài Gòn (không muốn nêu tên) nói: Ðây quả là sự lãng phí lớn về thời gian và tuổi trẻ. Thực tế ngày nay, hàng chục nghìn cử nhân không kiếm được việc làm, trong khi ở nhiều địa phương, nhiều người dân vẫn còn tâm lý thích con mình sau này phải là ông nọ bà kia, là kỹ sư, bác sĩ… không cần biết sau này ra trường có xin được đúng việc không. Tâm lý đó dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ diễn ra ở VN cả mấy chục năm nay. Chưa kể không ít người tốt nghiệp đại học nhưng trình độ chưa đạt mức “thầy”, không đáp ứng được công việc của một lao động tri thức thực thụ. Tuổi trẻ là lứa tuổi học tập, sáng tạo và cống hiến, nhưng bao người đang phải hao mòn tuổi thanh xuân của mình để làm những việc của người học lớp 3, lớp 7 cũng làm được? Thời đại kỹ thuật số, người lao động tìm việc làm vô cùng khó, trong lúc nền giáo dục VN đang rơi vào tình trạng lý thuyết là  chính. Các công ty, doanh nghiệp khi tuyển nhân viên luôn yêu cầu khả năng và kinh nghiệm mà nhiều sinh viên chưa thể đáp ứng. Các bạn hiểu rằng chỉ cần một vài năm bỏ qua, không sử dụng kiến thức nó sẽ có lỗ hổng, sau này muốn đi làm cũng khó hòa nhập, nhà tuyển dụng sau đó cũng không chấp nhận.

Xem thêm:   Bong bóng đất

Cứ thử hình dung cả triệu lao động chạy xe ôm, không ít trong số đó là sinh viên đại học, vậy tương lai đất nước này rồi sẽ đi về đâu?

NS