Vào Google tìm kiếm những từ khoá như “xe ngân”, “xe Lào, Cam” thậm chí “xe gian không giấy tờ”, mọi người sẽ thấy nó cho ra nhiều kết quả với vô số hội, nhóm chuyên quảng cáo, kinh doanh mặt hàng này. Điểm đặc biệt của những chiếc xe này (xe hơi, xe tải các loại) thường có giá bán rẻ giật mình so với mức giá của những chiếc xe cùng loại đang bán ngoài thị trường.

Mua bán xe gian công khai, rầm rộ trên các trang mạng xã hội  

Theo dấu xe… gian

Trước đây các loại xe hơi “nhập lậu” từ nước ngoài hoặc xe gian (xe trộm cắp hay không rõ nguồn gốc) được mua bán “sang tay” qua các đầu mối quen biết từ người nọ qua người khác nhằm lách luật, tránh né sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tuy nhiên vài năm gần đây, cùng sự phát triển của mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo … những nhóm người này dần dà chuyển nghề sang … mạng internet. Các hoạt động như đăng quảng cáo hình ảnh, rao bán, trả giá diễn ra công khai chẳng khác gì “sàn giao dịch” với nhiều nhóm quy tụ khá đông người như “Hội mua bán xe Ngân-Lào-Camuchia chính ngạch” với 52 nghìn thành viên, “Hội mua xe Ngân Lào Việt Nam” với 16,3 nghìn thành viên. Hàng ngày, các nhóm đăng hàng chục bài viết giới thiệu mua bán xe với mức giá siêu rẻ, đôi khi chỉ bằng 1/5 – 1/3 giá thị trường.

Theo chúng tôi tìm hiểu, có ít nhất 3 loại xe gian gồm xe “ngân” là loại chủ xe đã mang giấy tờ xe thế chấp tại các ngân hàng để vay mượn tiền nhưng sau đó tiếp tục mang xe đi cầm cố nơi khác (ở các tiệm cầm đồ) nhằm lấy thêm tiền và bỏ xe. Loại “Xe Lào, Cam” là những chiếc xe có nguồn gốc từ các nước lân cận Việt Nam như Lào hoặc Campuchia. Tuy nhiên theo quy định, dạng xe này vẫn phải đeo bảng kiểm soát của Lào hay Campuchia khi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam theo diện “tạm nhập, tái xuất” và chỉ được hoạt động tại VN không quá 30 ngày, sau đó phải đưa về nước hoặc đến cửa khẩu xin gia hạn nếu có nhu cầu ở lại.

Xem thêm:   Thăm chim cánh cụt ở Bắc Cực

Cũng thuộc nhóm xe gian còn có xe MBC (nghĩa là Mẹ bồng con). Loại xe này sử dụng chung giấy tờ, biển số, số khung, số máy với một chiếc xe khác, cũng có nguồn gốc là xe nhập lậu, không có chủ sở hữu hợp pháp hoặc xe đưa bán đấu giá theo lô… Do giấy tờ gốc của xe đã bị ngân hàng giữ (hoặc không có bất cứ thứ giấy tờ nào) nhưng nhằm tạo niềm tin cho “khách hàng”, bọn buôn xe gian sẽ cố tình đưa ra những lời cam kết như “xe đi kèm giấy tờ, đủ điều kiện giao thông, nhận giao xe tận nơi…”. Tất nhiên đây chỉ là những cái bẫy và nếu có giấy tờ cũng chỉ là loại giấy tờ giả!

Cà-vẹt (giấy đăng ký xe) làm giả như thật

Mua xe gian coi chừng … mất trắng

Có một thực tế là giá xe hơi ở VN luôn ở mức rất cao (gần gấp 2 lần so với Thái Lan, Indonésia và cao hơn nhiều so với giá xe ở Nhật Bản, Hoa Kỳ) xuất phát từ vấn đề thuế, phí. Theo quy định nhà nước, mỗi chiếc xe hơi muốn lăn bánh trên đường phố VN buộc phải “đeo” theo hàng loạt loại thuế, phí khác nhau như thuế nhập cảng (trừ dạng xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ … cùng các loại lệ phí như lệ phí đăng ký biển số, lệ phí kiểm định, lệ phí bảo trì đường bộ, lệ phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự … Do vậy khái niệm giá xe niêm yết và giá xe lăn bánh thường chênh lệch nhau cả chục triệu VNĐ, thậm chí có chiếc chênh lệch cả trăm triệu VNĐ hay hàng tỷ VNĐ. Trong khi đó cũng với chính sách thuế, lệ phí được nới lỏng, giá xe hơi ở một số nước khác lại rẻ hơn rất nhiều so với tại VN, nhất là các loại xe sang hoặc siêu xe nên rất nhiều trường hợp bằng cách này hay cách khác, những chiếc xe có nguồn gốc từ Lào, Campuchia vẫn ở lại VN mà không hề được “tái xuất” về nước! Một số người vì chuộng của rẻ, không nắm rõ các quy định hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả nhưng không biết vô tình trở thành người vi phạm pháp luật.

Xem thêm:   Tìm việc mùa Xuân

Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Phát, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc mua bán xe cũ ở Thủ Đức (Sài Gòn) nói: “Các xe Lào, xe Cam, xe MBC, xe ngân muốn giao thông ngoài đường thường phải nguỵ trang với bảng kiểm soát khác, có thể là bảng giả hoặc bảng số thật nhưng là của xe khác… để tránh bị phát hiện. Một thủ đoạn khác là bọn gian sẽ gửi hình ảnh các loại giấy tờ thật cho khách để tạo sự tin tưởng. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu khách chuyển một ít tiền cọc để làm tin và hình thức giao hàng là “ship cod” toàn quốc, khi khách nhận hàng sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại. Do không có giao dịch trực tiếp, đôi khi khách hàng lại “mắc mưu” kẻ gian ngay khi đã chuyển tiền đặt cọc xe!

Đã xảy ra nhiều trường hợp “tiền mất, tật mang” khi khách hàng chấp nhận rủi ro trong kiểu mua bán kể trên. Trường hợp anh Quang (49 tuổi, ngụ Gò Vấp) đã chuyển khoản trước số tiền đặt cọc 20 triệu đồng cho một chiếc “xe ngân” loại Toyota Camry đời 2009 với giá 150 triệu VNĐ (chỉ bằng 1/3 giá bán trên thị trường). Bọn gian manh tỏ ra rất cẩn thận đã chuyển cho anh hình chụp các thứ giấy tờ xe và cả clip hình ảnh chiếc xe đang được vận chuyển bằng xe tải loại lớn từ Nghệ An vào Sài Gòn cho “chủ mới”. Thế nhưng sau gần 10 ngày dài chờ đợi không thấy gì, Quang bèn gọi điện thoại cho “bên bán” định đòi lại số tiền cọc thì bị chúng chặn hết mọi liên lạc.”

Xem thêm:   Đông lạnh cơ thể để hồi sinh!

Vẫn theo lời anh Phát: “Kinh nghiệm của tôi là mọi người đừng vì quá ham của rẻ mà mua lấy những loại xe này. Bởi ngoài chuyện gặp khó khăn trong quá trình đăng kiểm, người mua còn có nguy cơ gặp phải sự tranh chấp và nhiều trường hợp dễ bị mất trắng chiếc xe, ví dụ như khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi hỏi thăm hoặc bất ngờ xảy ra tai nạn trên đường di chuyển!”

Khi bị công an “tuýt còi”, xe gian dễ bị tịch thu

NS