Từ khi dịch bệnh Covid-19 ở Sài Gòn diễn biến ngày càng tăng và phức tạp, người dân bị cấm ra khỏi nhà, phố xá vắng vẻ, việc di chuyển, mua sắm ảnh hưởng nhiều. Để đối phó, người ta phải thay đổi thói quen, chuyển sang đặt hàng online và shipper đưa hàng tận nhà.

Shipper vất vả trăm bề để kiếm đồng tiền mùa ôn dịch. Ảnh: tác giả cung cấp 

Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng hiện có không dưới 50 công ty, đơn vị chuyên giao nhận hàng. Một số công ty như Bưu điện VNPost, ViettelPost hay các dịch vụ Lazada, Shopee, GHN, Now, Be, J&T Express Việt Nam, Ahamove, Giao hàng Tiết kiệm, Best Express, 247 Express, Ninja Van, Proship, Ship Antoan, Ecotrans, HeyU… Ðó là chưa kể các siêu thị lớn cũng thực hiện khoản này như CoopMart, MegaMarket, VinMart, Aeon… Các mặt hàng ký gửi, giao nhận thường là thượng vàng hạ cám, từ thịt cá, trái cây, đồ hộp, hàng thời trang, hóa mỹ phẩm, vật dụng gia đình… cho tới thức ăn nhanh, cơm hộp, rượu bia, chè cháo, thuốc ngừa thai, bao cao su…

Ðáng chú ý, trong “mùa ôn dịch” hiện tại (kéo dài từ tháng 5/2021 tới nay) khi cả Sài Gòn buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, tất cả quán xá, cửa hàng, chợ búa đóng cửa toàn bộ; nhiều khu vực, phường xã bị rào chắn, bao vây phong tỏa kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến không ít người giảm thu nhập, thất nghiệp thì các anh chị em hành nghề shipper (giao hàng) trở nên bận rộn nhiều hơn.

Một ngõ vào khu nhà các “quan” chặn không cho shipper tự ý xâm nhập. Ảnh: tác giả cung cấp

Gặp chúng tôi khi đang giao hàng trên đường Bác Ái (Thủ Ðức), anh Bạch Văn Hòa, nhân viên GHN, chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, công việc của tôi càng bận rộn. Tôi phải thức dậy từ 6 giờ sáng để lên công ty nhận đơn hàng giao cho khách đến tối mịt mới về nhà. Trung bình mỗi ngày, tôi nhận 40 – 50 đơn hàng, cứ mỗi đơn hàng được trích hoa hồng 10-15 nghìn đồng tùy xa gần, riêng khoản xăng xe mình tự chịu”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Long, 65 tuổi – thương binh VNCH hạng nhẹ – trước làm nghề bán vé số gần chợ Vườn Chuối (quận 3), được người quen giúp đỡ hành nghề shipper cho công ty 247 Express chừng hơn tháng qua, tâm sự: “Hàng ngày cứ 7 giờ sáng, tôi chạy qua công ty nhận hàng rồi chuyển đến các địa chỉ giao hàng cho khách. Một ngày tôi ra vào kho của công ty lấy hàng 5-6 lần. Vất vả là thế nhưng có thu nhập tạm ổn nuôi sống được mình trong mùa ôn dịch này cũng vui lắm rồi”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Còn chị Hồ Hương Thu, ngụ Phú Nhuận, trước làm tạp vụ cho một điểm karaoke để lo cho ông chồng đột quỵ nằm một chỗ gần 2 năm qua cùng đứa con trai ăn học. Dịch bệnh Covid-19 khiến gia đình chị hết sức lao đao do mất thu nhập. Sẵn nhà có chiếc xe máy và được người bạn cùng xóm rủ rê, chị cũng hành nghề shipper. Chị cho biết: “Ngoài việc nhận đơn ship hàng online, tôi còn nhận mua hộ đồ ăn vặt, đi chợ giúp cho mấy nhà quen biết có yêu cầu. Nếu chăm chỉ làm tính ra cũng kiếm được 300-350 ngàn đồng một ngày… Coi vậy chứ cực lắm! Chạy xe máy giữa thời ôn dịch, lúc trời nắng chang chang, lúc mưa gió tầm tã khiến tôi rất mệt, chưa kể thời gian đứng chờ khách ra lấy hàng, rồi chuyện đôi khi có người cố tình phá phách đặt hàng xong rồi “bom” không nhận nữa…”.

Cảnh sát chặn xe các shipper kiểm tra “giấy âm tính” hoặc “có phải chở hàng hóa thiết yếu hay không”. Ảnh: tác giả cung cấp

Tương tự, cô gái trẻ Minh Ngọc, năm nay mới 22 tuổi, quê Vĩnh Long, theo bạn bè lên Sài Gòn từ đầu năm 2020, làm tiếp viên cho một quán bar ở Gò Vấp. Dịch bệnh kéo dài liên miên nên quán bar đóng cửa nghỉ suốt mấy tháng qua. Ðể “tự cứu mình trước khi trời cứu”, Minh Ngọc đi làm shipper để có thu nhập trang trải cuộc sống cũng như dành dụm chút ít gửi về phụ giúp gia đình. Cô nói: “Mặc dù kiếm được tiền và không phải chịu cảnh thất nghiệp trong mùa ôn dịch nhưng nghề giao hàng tận nơi như thế này luôn phải đối mặt với không ít rủi ro. Trước hết là dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi, shipper bọn cháu phải tới công ty nhận hàng rồi mang chuyển phát cho người nhận ở khắp ngõ ngách. Phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người mà chả biết ai trong số họ đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Nhưng biết sao được? Trời kêu ai nấy dạ thôi! Bởi có được công việc làm và thu nhập thời điểm này với bọn cháu là tốt lắm rồi.”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Lại hỏi về những chuyện buồn vui trong lúc giao hàng cho khách, các anh chị em shipper tâm sự: Trong đợt dịch bệnh này khi đi giao hàng cũng có nhiều chuyện khó quên. Chị Hương Thu nói: “Mình là nữ, làm shipper đã cực, vậy mà nhiều chỗ còn muốn “hành xác” người ta mới vừa lòng. Một số khu vực khi đến giao hàng, nhất là những nơi có nhà của các ông bà cán bộ chức quyền, dù không phải khu đang phong tỏa họ cũng xét hỏi mình có giấy xác nhận “âm tính” hay không. Có chỗ còn tự ý lập rào, giăng dây không cho shipper chạy xe vào mà bắt để xe máy bên ngoài rồi tự mang thùng hàng vào giao cho khách, con hẻm có khi dài 300-400 mét. Khách dễ tính còn chịu đi ra nhận giùm, gặp khách khó tính hoặc người bận chăm sóc con nhỏ thì mình phải mang đến tận nơi, có khi phải leo mấy chục bậc cầu thang bộ. Chưa hết đâu! Ở Nhà Bè có hôm họ còn chặn không cho bất cứ shipper nào được vào giao hàng, vậy là vừa mất công đèo hàng đi giao, lại phải đèo trở về trả lại công ty”.

Dân phòng tấn công shipper vì “bất tuân thượng lệnh”. Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Hòa kể với giọng điệu bực mình: “Thời ôn dịch, qua đó lòi ra không ít ông cán bộ vừa cửa quyền, vừa ngu dốt. Ở Nha Trang có chuyện ông phó chủ tịch phường cho rằng bánh mì không phải hàng hóa thiết yếu (?). Còn Sài Gòn có mấy ông nói sữa cũng không phải hàng hóa thiết yếu nên không cần giao ngay. Ðã có trường hợp shipper ở quận 1 bị cảnh sát phạt 2 triệu đồng khi chở tủ lạnh đi giao cho khách vì họ cho rằng tủ lạnh cũng không phải hàng thiết yếu”. Cô Minh Ngọc kể thêm: “Mới đây có anh bạn làm chung bên chỗ cháu đi giao hàng bên chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh gặp ngay chốt phong tỏa có mấy ông dân phòng khó chịu. Chỉ vì chưa kịp để xe máy đúng theo sự hướng dẫn của các ông ấy vậy mà họ liền nổi máu côn đồ, hung hăng xông vào bợp tai anh shipper. Cộng đồng mạng xã hội biết chuyện xúm vào lên tiếng, họ mới chịu nói dăm ba câu xin lỗi rồi thôi! Ðúng là thời ôn dịch toàn gặp lũ người… mắc dịch!”.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

NS