Tính đến ngày 25/8/2021, Việt Nam có gần 400 ngàn ca nhiễm virus cúm Vũ Hán với hơn 9,000 người chết. Riêng Sài Gòn cùng thời điểm có trên 200 ngàn trường hợp nhiễm bệnh với gần 8 ngàn người chết và là tâm dịch Covid-19 lớn nhất nước. Một thời gian dài vừa qua, chính quyền liên tục ban hành nhiều văn bản, quy định đối phó đại dịch. Song, tất cả càng chứng tỏ sự bối rối của nhà cầm quyền khiến cái vòng lẩn quẩn sai – sửa – sửa – sai lặp đi lặp lại mãi đến nay chưa tìm được lối thoát…

Các khu phố Sài Gòn bị rào chắn cách ly nhau. Ảnh: tác giả cung cấp 

Cuối ngày 22-8-2021, chính quyền Sài Gòn thông báo: “Từ 23-8-2021, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, nhà cách ly nhà, tổ cách ly tổ, khu phố cách ly khu phố…”. Theo lịnh này, người dân không được tự do đi lại, ai ở đâu yên đó, thực phẩm có người mua giúp. Tính ra để đối phó dịch cúm Vũ Hán, Sài Gòn ít nhất đã 3 lần ban lịnh giãn cách, phong toả kiểu như vậy với phương thức ngày càng gắt gao hơn.

Lần thứ nhất từ 0 giờ ngày 9-7-2021 cùng việc buộc đóng cửa 3 chợ đầu mối lớn của Sài Gòn (Hóc Môn, Bình Ðiền, Thủ Ðức) khiến dân tình hoang mang dẫn đến chuyện ai nấy đổ xô mua hàng hóa tích trữ. Lần hai từ 0 giờ ngày 15-7-2021, gây hậu quả tức thì: lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị tăng đột ngột. Dân chúng lao đao vì việc khan hiếm giả tạo các loại thực phẩm, lương thực. Lần ba, trước thông tin Sài Gòn siết chặt giãn cách trong 2 tuần lễ từ 0 giờ ngày 23-8-2021, người dân một lần nữa chen lấn đi chợ.

Các điểm test nhanh kháng nguyên tập trung đông người dễ tạo ra nguy cơ lây nhiễm lẫn nhau. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Nguyễn Thành Danh, người dân Bình Thạnh nói: “Mục tiêu gọi là giãn cách nhưng cách làm của chính quyền vô tình đẩy người dân vào thế tập trung. Từ chuyện dẹp chợ lùa dân vào siêu thị đến xét nghiệm, chích ngừa. Chẳng hạn trước đó, thay vì sắp xếp cho thoáng, tạo độ giãn cách cao hơn và kiểm soát chuyện này thì liền “trảm” chợ vỉa hè, khách bị dồn vào chợ truyền thống có nhà lồng kín. Tiếp theo, chợ truyền thống cũng đóng cửa, người dân lại dồn vào các siêu thị kín kẽ với máy lạnh bật 24/24. Thoạt đầu người dân vào siêu thị cũng khai báo y tế, đo thân nhiệt, sau chỉ cần xếp hàng. Một khi đã vào trong rồi thì khách cứ đi lung tung, khoảng cách 2 mét là chuyện trên lý thuyết. Trước tình hình này, chính quyền bèn xoay qua khẳng định: “Sẽ không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”. (?) Sau đó là hàng loạt văn bản, chỉ thị nối nhau ra đời, mỗi văn bản mỗi khác, cứ lẩn quẩn, mâu thuẫn nhau. Có lắm văn bản, người dân không theo kịp nên cứ ngẩn ngơ không biết đối phó thế nào. Sài Gòn có lúc như ngôi nhà không nóc mà gặp biến, ai cũng có thể ra lịnh, ai cũng có quyền chỉ thị, yêu cầu cứ xoay như chong chóng, còn người dân nhốn nháo chẳng biết đường nào mà lần!”.

Xem thêm:   Nhà hát đất Thủ

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những thông tin kiểu như trên thực ra, bây giờ người dân Sài Gòn tỏ ra thờ ơ. Lý do: vì họ đã có hơn 3 tháng ròng quá quen với chuyện giãn cách, với những dây giăng, hàng rào kẽm gai, các chốt chặn và vô số thứ văn bản, chỉ thị. Phần lớn người dân giờ chỉ quan tâm chuyện phải sống ra sao, kiếm cơm thế nào, làm sao đừng vướng bệnh, thân nhân gia đình ổn không? Khi nào có vaccine và nên chích vaccine loại nào? Còn chuyện nhà nước ra chỉ thị, ban lịnh thế nào, họ không còn mấy quan tâm, cứ phó mặc cho rào chắn, giăng dây, hạn chế ra đường, xét nghiệm vùng xanh, vàng, đỏ… Ðiều mà nhiều người dân chờ đợi là một giải pháp hữu hiệu như tiêm chủng vaccine đầy đủ, công bằng cùng những gói hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng địa điểm.

Người dân rồng rắn đi mua hàng siêu thị khi nghe tin thành phố sắp sửa “thiết quân luật”. Ảnh: tác giả cung cấp

Tiếp đó có thông tin lực lượng quân đội từ Bắc vào Nam chi viện cùng lực lượng tại chỗ tăng cường, chủ yếu vẫn tại Sài Gòn. Bộ Quốc phòng cho biết sẽ huy động khoảng 35 ngàn dân quân tự vệ cùng hàng ngàn quân chủ lực “tham gia chống dịch”. Từ sáng 23/8/2021, người Sài Gòn đã nhìn thấy những người lính trang bị súng ống có mặt khắp ngả đường, tạo cảm giác như thời chiến tranh căng thẳng. Sự có mặt của quân đội khiến tình trạng người ra đường giảm xuống. Bởi dù sao, quân đội vẫn kỷ luật hơn đám nhân viên cấp phường hoặc dân phòng. Song việc “đi chợ giúp dân của quân đội” trước đó dù được giới truyền thông quảng bá rầm rộ nhưng chưa phát huy mấy hiệu quả. Lý do bởi với những “combo” mua hàng quy định, nhiều người dân cho rằng giá cả hơi cao hơn lúc bình thường và nhiều hộ nghèo, thất nghiệp không có đủ tiền mua… Thế là thêm một vòng lẩn quẩn.

Xem thêm:   Nạn xâm hại tình dục trẻ em

Quay lại chuyện Covid-19, cũng ở Sài Gòn, bác sĩ T.V.D (trước 1975 làm việc ở Bệnh viện Chợ Quán), nhận xét: “Trong quá trình kềm chế dịch bệnh, tôi cho rằng chính quyền đã mắc nhiều sai lầm ngay những ngày dịch mới bùng phát. Bắt đầu từ Gò Vấp ở nhóm tín đồ Phục Hưng, con số chỉ mấy chục người. Khi này chính quyền đã tỏ ra lúng túng, bèn cho lập khu cách ly tập trung, tổ chức xét nghiệm hàng ngàn người ở sân bóng Phú Thọ rồi chợ Bình Ðiền. Nhiều người trở thành dương tính khi đi test do nhân viên y tế sử dụng găng tay không sát trùng và tổ chức địa điểm thiếu khoa học. Rồi những ai “dương tính” là đưa hết vào bệnh viện hay các khu cách ly. Thế là con số lây nhiễm chéo từ các khu cách ly tăng lên. Lúc đấy chính quyền mới lo chuyện vaccine xem ra đã trễ. Ðến khi quá tải lại đồng ý cho người nhiễm về cách ly tại nhà. Mới đây nghe chính quyền tiến hành xét nghiệm toàn thành phố. Những bài học trước ở sân Phú Thọ, chợ Bình Ðiền còn sờ sờ đấy mà các ngài vẫn chưa rút kinh nghiệm? Tôi không biết người ta cứ gấp rút thực hiện bóc tách F0 trong cộng đồng rồi sẽ đưa số người này vào đâu? Ðừng nên đi quanh quẩn nữa mà nên tập trung vào vũ khí hữu hiệu nhất trong cuộc chiến này là tiêm phủ vaccine cho tất cả mọi người!”

Bộ đội có mặt để kiếm soát người dân đi lại trên đường. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Phạm Thắng, cựu bác sĩ quân y nói thêm: “Tôi tham khảo nhiều y văn, thấy trên thế giới, người ta thường chỉ xét nghiệm các khu vực trọng điểm, những đối tượng ngẫu nhiên để tìm ra con số lây nhiễm. Không ai đưa ra mục tiêu vét sạch, bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Bởi đây là việc vô ích tốn kém tiền bạc và công sức. Nên lưu ý một trong các phương pháp căn bản của y học dự phòng là xét nghiệm khu vực trọng điểm. Việc xét nghiệm tất cả chỉ làm lợi cho các tập đoàn mua bán thiết bị xét nghiệm mà thôi. Tất cả những điều này chứng tỏ những người có trách nhiệm không hoạch định trước hay có một kế hoạch rõ ràng. Họ cũng lập ra “ban tư vấn” thì toàn những ông người đầy bằng cấp nhưng chẳng có chuyên môn. Các ông cứ dự đoán và vạch kế hoạch kiểu thầy bói xem voi, ăn ốc nói mò càng làm mọi thứ thêm rối tung lên. Hãy khoan đổ lỗi người dân thiếu ý thức mà tôi cho rằng chính quyền mới là kẻ đang lúng túng, cứ đi mà chẳng biết mình sẽ về đâu!”.

Những ca bệnh nặng trong các khu cách ly. Ảnh: tác giả cung cấp

NS