Sáng 29/7/2022, ông D (50 tuổi) ngụ Ba Tri (Bến Tre), tổ chức nhậu tại nhà cùng hai người bạn là N và T. Ðến 21 giờ cùng ngày, 2 ông bạn kia đều có biểu hiện khó thở, được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cuối cùng tử vong. Trường hợp khác xảy ra đúng 3 hôm sau: Tối 1/8/2022, ông T (cũng ở Ba Tri) bày tiệc nhậu với mấy người bạn cùng xóm, sau đó đi ngủ nhưng đến giữa khuya ông đau bụng, nôn ói dữ dội. Người nhà đưa đi bệnh viện nhưng ông không qua khỏi. Mẫu rượu uống mang kiểm nghiệm có kết quả hàm lượng methanol vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Tương tự tại Thủ Ðức (Sài Gòn), tối 3/8/2022, nhóm 8 thanh niên nam nữ tuổi từ 19-23 tổ chức cuộc nhậu. Nhóm này lấy 5 lít rượu trắng pha với nước ngọt Sting dâu và uống hết. Sáng hôm sau tất cả đều nôn ói nhiều, có người tím tái nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên 2 trong số 8 bạn trẻ này tử vong. Bác sĩ chẩn đoán các em đều ngộ độc do rượu, với nồng độ methanol trong máu rất cao. Chưa hết, con số thống kê của Ban An toàn Thực phẩm Sài Gòn trong năm 2021, địa phương này xảy ra ít nhất 9 vụ ngộ độc do rượu tại các quận 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh với 56 người tham gia ăn uống, khiến 21 người chết! Liên tục những vụ ngộ độc rượu chết người xảy ra cho thấy rượu, các chất uống có cồn không rõ nguồn gốc và tình trạng lạm dụng chúng đang gióng lên hồi chuông báo động tại Việt Nam.

Người VN xếp thứ 2 khu vực ASEAN về… bia rượu (năm 2021). Ảnh: tác giả cung cấp. 

Như đã nói, những trường hợp ngộ độc rượu nêu trên có căn nguyên khi các “bợm nhậu” sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Trong khi một thực tế ở VN hiện nay mọi người dễ nhìn thấy là việc nấu, bày bán rượu kiểu thủ công thường được thực hiện một cách công khai ở khắp nơi. Ðể biết thêm điều này, mọi người có thể biết về cách nấu rượu của dân gian: gạo, nếp sau khi nấu chín được mang đi ủ men từ 7 – 10 ngày, sau đó đem nấu thành rượu. Với 50 kg gạo, nếp nguyên liệu, người ta nấu được khoảng 45 – 50 lít rượu. Mẻ này gồm 2/3 rượu “gốc” loại 35 độ và 1/3 loại rượu “ngọn” 30 độ. Hai thứ này pha với nhau cho ra loại rượu nồng độ vừa phải được bán cho người dùng với giá 25 – 30 nghìn VNÐ/lít (giá sỉ). Như vậy, sau khi trừ tiền gạo nếp, củi lửa, công cán (khoảng 650 nghìn VNÐ/50kg), người nấu lời chừng 600-800 ngàn VNÐ. Song trước nhu cầu uống rượu như uống…nước lã của “bợm nhậu” nên người nấu và người bán cứ “vô tư” pha thêm các hóa chất linh tinh vào rượu. Một chủ lò rượu ở Gò Vấp tiết lộ: hiện nay hầu hết các lò rượu đều cho cồn công nghiệp vào cơm và men để tăng tốc độ lên men rượu. Nấu xong, người ta tiếp tục pha số  rượu này với nước lã, thêm chút cồn công nghiệp là thành rượu “nguyên chất”. Khi mang bỏ mối các điểm bán lẻ, chủ quán tiếp tục pha thêm một lượng cồn và nước vào rượu “nguyên chất” này rồi bán cho người dùng. Như vậy, khi vào ruột gan “ẩm khách”, xem ra người ta đã bỏ thêm vài ba lần chất cồn vào rượu “thật” (?).

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Nấu và pha chế rượu theo kiểu “thủ công”. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một chủ quán nhậu khác ở Thủ Ðức (ông này từng là chủ lò rượu), kể: Thay vì đem gạo, nếp kết hợp với men để nấu rượu, có khi người ta còn lấy cồn công nghiệp pha thẳng với nước lã để có… rượu đế nhiều cấp độ rồi mang bỏ mối cho các quán, với giá khoảng 15 – 18 nghìn VNÐ/lít. Ví dụ muốn có 10 lít rượu đế 29-30 độ, cứ lấy một cái thau, mang đổ vào chừng 8 lít nước lã, pha thêm 2 lít cồn và chục viên men khử mùi cồn, khuấy đều, 5 phút sau ta có rượu thành phẩm, uống cũng “ngon” như thường (?). Thứ rượu này bán ra vô cùng…lời vì giá thành không tới 8 nghìn VNÐ đồng/lít. Men khử mùi cồn tìm mua ngoài chợ An Ðông, Kim Biên, Bình Tây…Ðó là một dạng viên, loại túi 100 viên màu trắng giá chỉ 15-20 nghìn VNÐ. Cồn cũng mua ngoài đó, loại cồn 70 – 96 độ giá 15 -22 nghìn VNÐ/lít dùng pha tỷ lệ 1 cồn, 3-4 nước tùy cấp độ mong muốn.

Nhiều bạn trẻ VN hiện nay luôn sa đà với bia rượu. Ảnh: tác giả cung cấp.

Vẫn theo ông này, muốn rượu có màu như rượu thuốc cũng đơn giản, chỉ việc cho thêm nước màu đường (loại dùng làm màu kho cá) và ít thuốc bắc (gồm những loại rễ, củ, hoa, lá ngâm uống vô thưởng vô phạt), thế là thành các “danh tửu” (cần trang trí thêm “vật cảnh” cho bình rượu) như “bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực”. Còn muốn có rượu nếp thơm, người ta dùng cồn thơm thay cho cồn thường để tạo cảm giác… thơm miệng cho dân nhậu, tiếp theo cho thêm vào mớ hạt gạo nếp đã lên men cho nó lắng xuống đáy chai, rồi nói là rượu nếp nguyên chất. Nói chung, nấu rượu theo cách chưng cất thông thường là lấy công làm lời, nhưng với cách pha chế trên rõ ràng “một vốn năm – bảy lời”! Lưu ý rằng những loại rượu chứa quá nhiều thành phần methanol, chỉ cần một, hai xị là đủ đe dọa tính mạng một người khỏe mạnh bình thường, thậm chí rượu chứa nhiều aldehyt còn tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, có khả năng gây hôn mê sâu…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 14 tháng 3 năm 2024

Nhiều loại rượu độc được pha chế từ cồn công nghiệp. Ảnh: tác giả cung cấp.

Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng VN phối hợp Tổ chức HealthBridge (Canada) cho biết mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người VN trên 15 tuổi hiện là 8.3 lít (tương đương 170 lít bia/năm). Thống kê còn chỉ ra năm 2021 Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực ASEAN, xếp thứ 3 Châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/đầu người. Rõ ràng đây không phải là chuyện để một số người Việt cảm thấy “tự hào, ngạo nghễ” và cho rằng uống rượu bia cũng là một thứ “văn hóa” (?). Bởi đây chỉ là số ít người muốn cổ súy bảo vệ cho loại sản phẩm gây bệnh tật và những hệ lụy xã hội nặng nề. Với một đất nước mà đi đâu cũng thấy quán nhậu và người say xỉn chắc chắn đất nước đó sẽ khó lòng phát triển…

Sử dụng rượu không rõ nguồn gốc dễ gây tử vong. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS