Hiện nay mỗi ngày Việt Nam thải ra môi trường khoảng 65-70 nghìn tấn rác sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Gần 70% lượng rác này được giải quyết bằng phương pháp chôn lấp nhưng chỉ hơn 30% được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người.

Rác xâm hại môi trường sống

Tại Sài Gòn, mỗi ngày khoảng 8,000 – 8,500 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Nhiều năm qua, chính quyền đã kêu gọi các nhà đầu tư giải quyết rác thải nhưng chủ yếu dùng phương pháp chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp ở Sài Gòn hiện đều sắp quá tải và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng như bãi Đa Phước (Bình Chánh), khu Tây Bắc (Củ Chi). Không chỉ Sài Gòn, nhiều thành phố lớn khác đều gặp khó về việc giải quyết rác. Tại Cần Thơ có nhà máy đốt rác phát điện công suất 400 tấn/ngày nhưng đang gặp vấn đề về khí thải. Phú Quốc là hòn đảo du lịch khá nổi tiếng của VN nhưng hiện nó còn là một hòn đảo rác. Nhiều di tích, thắng cảnh khác của VN cũng bị rác tấn công, làm cho chúng trở thành dơ bẩn, xấu xí …

Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước VN phát sinh thêm khoảng 25,000 tấn rác thải sinh hoạt, tương đương 10% – 15%. Đó là chưa kể hàng năm còn có khoảng 1.8 triệu tấn rác nhựa bị thải bỏ với hơn 30 tỷ chiếc túi nylon (mỗi gia đình VN sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng). Hơn 80% con số này bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Trong khi ấy tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị cả nước chỉ đạt bình quân 70% – 85% và con số tương tự các vùng nông thôn khoảng 55%.

Rác tràn ngập ở nơi gắn biển cấm đổ… rác

Phương pháp giải quyết rác chính hiện nay của VN là chôn lấp với những kỹ thuật đơn giản. Thực tế cũng cho thấy các phương pháp giải quyết rác thải tại nước ngoài đưa về áp dụng cho VN gần đây đều kém hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Số lượng rác đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm khoảng 70%, số rác còn lại được người ta mang vứt bừa ở các bờ sông, ao hồ, kênh rạch thậm chí tại ven đường còn ở nông thôn tình trạng này còn tồi tệ hơn.

Xem thêm:   Cây cầu $6.5 tỉ

Cả nước VN hiện có hơn 100 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt công cộng, tuy nhiên chỉ hơn 30% số bãi này được đánh giá hợp vệ sinh. Nhiều bãi chôn lấp kém vệ sinh gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và đặc biệt là nước thải rỉ rác. Trong khi ở nhiều nước tiên tiến, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, người ta thường đem rác thải ủ phân compost, không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải mà còn mang lại lợi ích kinh tế.

Rác vứt bừa bãi ven đường

Làm gì trước vấn nạn rác?

Cũng ở VN, nơi nào có đám đông tụ tập là có rác, đám đông càng lớn thì rác càng nhiều. Chẳng hạn như sau các chương trình liên hoan, tiệc tùng, đại nhạc hội, những dịp bắn pháo bông … Khi cả biển người rời khỏi các điểm vui chơi quay về nhà sẽ để lại một không gian đầy rác. Nguyên nhân do những người có ý thức không xả rác quá ít, còn những kẻ sẵn sàng xả rác đông gấp ngàn lần. Ở VN ít thấy ai bị xử phạt vì xả rác hoặc nếu có chỉ cá biệt. Thỉnh thoảng nhà nước “chỉ đạo” các ban ngành đứng ra phát động “phong trào sạch đẹp đường phố” chừng vài hôm với diễn văn, trống giong cờ mở nhưng sau đó lại đi vào quên lãng

Ở nhiều nước, người ta có xu hướng xử phạt nặng hành vi xả rác bậy. Người dân các nước này không dám xả rác do e ngại bị cộng đồng lên án, khinh bỉ, coi đó là hành vi hạ đẳng, lâu dần hình thành nếp văn hóa giữ vệ sinh chung. Nói chung tất cả do giáo dục và luật pháp kín kẽ. Tại nhiều nước, không chỉ những nước giàu có và văn minh không thấy nạn xả rác. Không cần nhắc tới Singapore, ngay cả Lào cũng là một đất nước khá sạch sẽ, ít có tình trạng xả rác bừa bãi. Riêng VN dường như ở đâu cũng dễ nhìn thấy những khẩu hiệu Cấm xả rác, Cấm khạc nhổ, Cấm tiểu tiện… và có lẽ chẳng nước nào có những khẩu hiệu kiểu như vậy!

Rác tràn ngập kênh rạch

Tiến sĩ Đoàn Công thuộc Viện khoa học INSA Lyon (Pháp) nhận xét: “Đã đến lúc mỗi người VN không thể thờ ơ trước nạn xả rác. Rác thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay là vấn đề nhức nhối, xâm hại trực tiếp sức khỏe, cuộc sống mọi người. Do vậy việc khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học, xây dựng phương án giải quyết, ứng phó cụ thể phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn về nhận thức: Cần phổ biến, giải thích, thuyết phục trên tất cả các kênh và giáo dục học đường để tác động, nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rác thải với môi trường sống và sự tồn tại của chính chúng ta, để từ đó mọi người có ý thức bảo vệ môi trường và cộng đồng thông qua các việc như chủ động phân loại rác từ nguồn, sử dụng sản phẩm đóng gói thân thiện môi trường, nói không với túi nylon, tự giác giữ vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định ở nhà và nơi công cộng. Về pháp lý: Nhà nước phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế xanh, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, phân loại và tái chế các sản phẩm thải loại sau khi bán ra thị trường. Chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi xả thải không đúng nơi quy định. Về kế hoạch, phương pháp: Xây dựng mô hình kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào việc giải quyết, tái chế rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Giám sát, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng giảm sử dụng các dạng nguyên liệu độc hại, khó phân hủy và khó tái chế…”

Xem thêm:   Mưu sinh từ… rác

Bài và hình NS