Tại Sài Gòn, ở phía sau hoặc bên cạnh những tòa nhà to đẹp, hiện đại cũng như những tòa cao ốc hoành tráng vẫn tồn tại vô số các căn nhà bé tí, siêu nhỏ, trông hết sức nhếch nhác, xập xệ. Cuộc sống người dân sống trong những căn nhà này vô cùng bất tiện nhưng họ buộc lòng phải cắn răng chịu đựng.

Sài Gòn “hoa lệ” nhan nhản những ngôi nhà siêu nhỏ    

Nhan nhản những ngôi nhà siêu nhỏ

Gần như khắp 24 quận huyện Sài Gòn hiện tại, không nơi nào không có những ngôi nhà siêu nhỏ, diện tích rất khiêm tốn với chiều rộng có nơi chỉ đo được hơn 1 mét, chiều dài 2-3 mét. Phần lớn những ngôi nhà này thường được chủ nhân cơi nới thêm tầng trên để lấy diện tích làm chỗ ở (có khi xây lên 3-4 tầng!), có nơi lại nhô ra ngoài mặt tiền đường tới cả mét. Chính vậy đã tạo ra những ngôi nhà với 1001 kiểu kiến trúc: có ngôi nhà hình thù mỏng dẹt như tấm ván hoặc giống chiếc hộp quẹt diêm để dựng đứng, có ngôi nhà vừa nhỏ vừa dài như cái ống trúc hoặc có hình tam giác, hình thang, bán nguyệt, hình mũi tên…Đúng nghĩa hơn đây là chỗ dành cho người ta có nơi chui ra, chui vào chứ không đáng được gọi là nhà.

Ngang qua “ngôi nhà” số 16/8 Nguyễn Thái Học (quận 1), hẳn không ai nghĩ được đây là nơi để ở, bởi hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là chiếc bồn cầu chình ình ngay trước cửa ra vào. Bà Lan – chủ nhà – nói: “Khoảng 30 năm trước, gia đình tôi tích góp được 2 chỉ vàng mua một nhà vệ sinh cạnh chợ Cầu Ông Lãnh. Theo giấy chuyển nhượng, miếng đất này dài 1.5m, rộng 1.5m. Nếu xây ra cũng không đủ chỗ cho một người ở nên gia đình xin phép chính quyền cho cơi nới để có tổng diện tích hơn 3m2. Cả nhà tôi sống bằng nghề buôn gánh bán bưng. Để có chỗ sinh hoạt, tôi cho xây căn bếp ngay trên nắp bồn cầu. Khi cần nấu ăn, tôi sẽ dỡ tấm ván gỗ đậy nắp bồn cầu ra rồi mang bếp gaz treo ở vách tường ra đặt lên sử dụng…”

Ngôi nhà siêu nhỏ chiều ngang đo được 1.2 mét ở Phú Nhuận

Tương tự tại “ngôi nhà” trên đường Hồ Biểu Chánh (Phú Nhuận), chiều dài 1.5 mét, ngang 4 mét, gác gỗ, nhưng có đến 6 nhân khẩu cùng chung sống. Một người trong nhà này nói: “Sống trong nhà bé tí, để xe đạp, xe máy, việc di chuyển ra vào cũng rất khó khăn. Vì đông người quá nên mọi vật dụng đều phải treo, móc bên hông nhà, còn muốn đi vệ sinh, tắm rửa thì xin ké nhà hàng xóm, mỗi tháng trả cho họ 1 triệu đồng. Nhưng dù vậy cũng tốt hơn những người… không có chỗ nào để ở!”

Xem thêm:   Xe đạp bike dần… bye bye!

Khu vực đường Lê Văn Sỹ và Trần Văn Đang (quận 3) cũng có những căn nhà siêu nhỏ như vậy. Rồi nguyên dãy nhà ở góc đường Trần Huy Liệu – Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận) mà mỗi căn chỉ có chiều sâu tối đa… 1 mét trở lại. Để san sẻ không gian sống, nghe rằng những người trú trong các ngôi nhà này sáng phải thức dậy sớm đi làm, hoặc ra kiếm chỗ ngồi tạm ngoài đường để người khác vào ngủ đến trưa. Tới trưa, những người này sẽ thức dậy, rời khỏi nhà để những ai thức sớm quay về nghỉ ngơi. Riêng những người làm việc buổi tối thì buổi chiều được ngủ trong nhà cho đến lúc đi làm.

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu điều kiện sống trong những ngôi nhà siêu nhỏ khi tìm tới một ngôi nhà trên đường Trường Chinh (Tân Bình). Đây là ngôi nhà được xây dựng lại sau khi bị nhà nước giải toả một phần lớn diện tích để nâng cấp đường giao thông và bây giờ diện tích sàn còn lại chừng 4 mét vuông. Vậy mà chủ nhân vẫn mạnh dạn xây lại và thiết kế với…3 tầng. Bà Mai, chủ căn nhà cho biết: “Khi giải tỏa, Nhà nước có chấp nhận đền bù và hứa bán đất cho dân tái định cư nhưng đến nay, không biết lý do gì mà gia đình vẫn chưa nhận được đất (?)”. Chúng tôi hỏi: “Còn lại rẻo đất nhỏ xíu này sao chị không bán luôn rồi tìm chỗ khác rộng rãi hơn để xây nhà định cư cho thuận tiện?”. Bà Mai đáp: “Tôi thấy trước nay mình ở đây sinh sống, mua bán hàng họ quen rồi. Giờ nếu phải dời đi nơi khác coi như mất mối, mất bạn hàng, nên đành xây lại để ở, dù biết nó quá nhỏ, quá chật chội!”.

Ngôi nhà siêu nhỏ với bề ngang hơn 1 mét được cơi nới thành nhiều tầng (đường Vĩnh Viễn, quận 10)

Chưa có cách giải quyết khả thi?

Xem thêm:   Chợ Sài Gòn

Theo báo cáo của Sở Xây Dựng, Sài Gòn hiện có trên 1,000 căn nhà siêu nhỏ, tập trung nhiều ở các quận nội thành. Vài ví dụ: khu vực đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) có hơn 30 căn, đường Tân Hóa – Lò Gốm (quận 6) gần 40 căn; đường Cách Mạng Tháng Tám (trải dài dọc theo các quận 3, quận 10, quận Tân Bình) có gần 100 căn, khu vực Mã Lạng (quận 1) có gần 160 căn…

Ông Trần Kha (Đại học Kiến trúc Sài Gòn) cho biết: “Những ngôi nhà siêu nhỏ này hình thành một phần do việc chỉnh trang, mở rộng đường sá, phần nữa do người sở hữu nhà không đủ điều kiện kinh tế để có thể chọn lựa nơi ở khác khả dĩ hơn. Tôi cho rằng về lâu dài, cần nên giải tỏa những căn nhà kiểu này nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị cũng như mức sống của cư dân. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, đó là việc di dời cần tính đến sinh kế của người dân. Còn nhớ cách nay ít lâu, khi nhà nước quyết định cho giải tỏa trắng khu dân cư Rạch Ụ Cây (quận 8), phần lớn cư dân ở đó được di dời đến chung cư Tân Mỹ (quận 7) nhưng tiếp một thời gian sau, rất nhiều người đã không thể tìm được việc làm và rơi vào cảnh khó khăn!” .

Dân số Sài Gòn nay đã gần 10 triệu người cộng thêm làn sóng di dân từ khắp các tỉnh, thành đổ về càng khiến thành phố này đã quá đông đúc lại càng đông thêm. Và trong hoàn cảnh ấy, có được một chỗ cố định không phải thuê mướn để trú ngụ hay đơn giản là nơi để ngả tấm lưng sau một ngày mưu sinh vất vả, mệt nhoài cho qua ngày rõ ràng cũng là niềm hạnh phúc quá lớn của những người nghèo thành thị…

Xem thêm:   Cây cầu $6.5 tỉ

Sinh hoạt trong các ngôi nhà siêu nhỏ rất khó khăn

Bài và hình NS