Lừa đảo tình – tiền qua mạng xã hội là chiêu trò xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên từ hơn chục năm trước. Tuy vậy đến nay hình thức này tiếp tục gia tăng với những thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, chuyên nghiệp khiến không ít người “sụp bẫy”.
Phương pháp điển hình cách thức lừa đảo này diễn ra như sau:
– Bước đầu, kẻ lừa đảo tạo cho mình một ngoại hình đẹp, là người nước ngoài (sĩ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự, là phi công, chủ hãng ô-tô, giám đốc công ty dầu khí, người làm từ thiện nhưng đang mắc bệnh hiểm nghèo…) xin làm quen kết bạn thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, WhatsApp, Telegram, LINE, Skype…
– Sau khi được đồng ý kết bạn, kẻ này sẽ liên tục nhắn tin, trò chuyện nhằm dụ dỗ, lấy cảm tình của nạn nhân.
– Khi “con mồi” bắt đầu “cắn câu”, kẻ lừa đảo sẽ đề nghị tặng quà cho nạn nhân hoặc nhờ làm trung gian để gửi quà từ nước ngoài về VN. Những món quà này đều là những thứ giá trị như USD, vàng, đồng hồ, quần áo, túi giỏ hàng hiệu, trang sức đắt tiền…
Nếu suy nghĩ kỹ và không bị lòng tham chi phối, sẽ rất dễ nhận ra dấu hiệu bất thường ở đây là 2 người lạ mặt chưa từng gặp nhau không thể quá tin tưởng để gửi những thứ quà giá trị nêu trên. Tuy nhiên do bị dụ dỗ với những lời hứa hẹn ngon ngọt, nhiều người vẫn bất chấp nghe theo.

Tin nhắn của kẻ lừa đảo gửi “làm quen” và kích thích lòng tham
– Khi khai thác được thông tin nạn nhân về điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng… kẻ lừa đảo sẽ lấy danh nghĩa của công ty giao hàng, nhân viên hải quan hoặc sân bay gọi điện thoại yêu cầu nộp lệ phí vận chuyển, thuế hải quan hay nộp phạt vì một lý do nào đó. Trường hợp nạn nhân sụp bẫy và chịu chuyển khoản tiền vào số tài khoản lạ. bọn lừa đảo lập tức “bốc hơi” khỏi mạng xã hội.
Tháng 12/2022, chị Uyên (45 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang) bị lừa mất 20 triệu VNÐ cho biết: Qua Facebook, chị được một người tên Leon Herring gửi lời mời kết bạn và nhắn tin thông qua phần mềm Google dịch tự động. Người này cho biết là phi công, đang làm việc cho quân đội Mỹ nhưng được điều sang làm việc tại Afghanistan. Hơn tuần sau, Leon tiết lộ nhóm của anh ta tình cờ tìm thấy một hầm kho cũ của “địch” và thu được hơn 20 triệu USD chia chác nhau và anh ta nhờ chị nhận hộ tại VN để tránh thuế, hứa sẽ trả công hậu hĩ. Tiếp đó Uyên nhanh chóng cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Hai hôm sau, Leon nói đã chuyển một số quà tặng và tiền thông qua một công ty chuyển phát nhanh, hẹn 2 ngày nữa sẽ có người liên lạc để nhận. Quả nhiên sau đó Uyên nhận được cuộc gọi của một người tự xưng nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu chị chuyển 20 triệu VNÐ đóng thuế hải quan. Do tin tưởng nên Uyên đồng ý chuyển số tiền trên. Sau khi nhận được tiền, “nhân viên sân bay” tiếp tục gọi điện yêu cầu Uyên nộp phạt 40 triệu VNÐ nữa do phát hiện trong gói hàng có nhiều tiền USD. Uyên nghi ngờ mình bị lừa đã tìm cảnh sát trình báo.

Những bó tiền USD kèm quà tặng được chụp ảnh gửi cho nạn nhân
Tương tự, anh Vinh (38 tuổi, Thủ Ðức) nhận lời mời kết bạn của một phụ nữ qua WhatsApp. Người này xưng tên Thumar Razanaz (quốc tịch Indonesia), cho biết có chồng là người Iraq, hiện đang sống tại Anh. Hai người không có con, chồng bà thường xuyên làm từ thiện nhưng qua đời năm 2016 do tai nạn xe hơi và bản thân bà bị chứng ung thư tụy, bác sĩ chẩn đoán chỉ sống thêm vài tháng. Trước khi chết, chồng bà để lại 6,7 triệu bảng Anh. Bà cho biết đã gửi 2 triệu bảng về Indonesia và 700 ngàn bảng cho bệnh viện để trả viện phí, số còn lại bà muốn chuyển hết cho Vinh để làm từ thiện tại VN theo nguyện vọng của chồng mình trước khi qua đời. Cũng theo bà, Vinh có thể sử dụng 30% số tiền cho mục đích cá nhân. Ðể làm tin, bà này gửi cho Vinh rất nhiều hình ảnh đang nằm trên giường bệnh, được nhân viên y tế chăm sóc. Sau đó, bà đề nghị Vinh gửi thông tin cá nhân để trợ lý của bà làm thủ tục chuyển tiền về VN. Vài hôm sau, bà tiếp tục nhắn tin, gửi hình ảnh những bó tiền USD được bỏ trong thùng carton, ghi rõ tên bà và người nhận là anh Vinh ở VN. Cũng như trường hợp chị Uyên, vài hôm sau Vinh nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng nhân viên sân bay Nội Bài (Hà Nội), yêu cầu chuyển gấp số tiền 25 triệu VNÐ trả lệ phí thông quan sẽ được nhận hàng tại nhà. Vinh vờ trả lời rằng anh hiện đang đi công tác ở Hà Nội, yêu cầu cho địa chỉ để đến đóng lệ phí trực tiếp thì người này…tắt máy!

“Giấy biên nhận” (giả) cho biết quà tặng và tiền bạc đã gửi cho công ty vận chuyển chuẩn bị đưa về VN
Số liệu từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin VN (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn) cho biết, trong năm 2022 họ ghi nhận hơn 12,935 trường hợp lừa đảo trực tuyến và riêng 6 tháng đầu năm 2023 là gần 8,000 trường hợp. Hơn 65% trường hợp lừa đảo được kẻ gian sử dụng là cái bẫy “tình – tiền” nêu trên. Trong khi nhiều nạn nhân đang mờ mắt vì lòng tham, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ về pháp luật thì kẻ lừa đảo tỏ ra rất chuyên nghiệp, bài bản.
Có một hình thức còn cao tay hơn gần đây là chúng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video làm giả người trò chuyện, thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nạn nhân có thể nhận biết bởi thời gian những cuộc gọi này rất ngắn chỉ vài chục giây, chất lượng video kém, chập chờn, hình ảnh méo mó không trung thực…Nói chung để phòng ngừa, người dùng mạng xã hội tốt nhất tuyệt đối không chia sẻ, không cung cấp thông tin cá nhân của mình, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không bao giờ chuyển tiền cho người không quen biết khi chưa từng gặp mặt hay chưa được xác thực…

Một số tên lừa đảo bị bắt, có cả người nước ngoài
NS