Hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam ở nhiều nơi (nhất là các khu đô thị, địa phương sắp “nâng cấp” làm thành phố) đang nóng dần. Lợi dụng tình trạng này, một số tổ chức, cá nhân bày trò dàn dựng cảnh mua bán nhà đất “sốt ảo” để trục lợi hoặc lừa đảo. Chúng thường nhắm vào tâm lý hám của rẻ của một số người, kể cả bà con Việt kiều có nhu cầu mua nhà đất ở VN nhưng không rành các phương thức, phải nhờ người thân trong nước (cũng kém hiểu biết về thị trường bất động sản) tìm mua giùm.

Trong lĩnh vực này, chiêu thức dễ thấy của kẻ gian là “treo đầu dê, bán thịt chó” bằng cách ghi địa chỉ nhà đất không đúng, giá rẻ thấp hơn giá thị trường từ 15-20% (biện minh với lý do người bán đang nợ ngân hàng hoặc chuẩn bị xuất cảnh). Tuy nhiên hình ảnh quảng cáo là của căn nhà, miếng đất khác, ghi không đúng diện tích, quảng cáo rôm rả nhưng khi khách đến xem thì bảo “đã bán rồi”, nhà đất đang có tranh chấp, vướng quy hoạch hoặc đã bán cùng lúc cho nhiều người khác nhau. Ðôi khi có trường hợp dùng giấy tờ nhà đất giả để lừa người mua còn sổ hồng, sổ đỏ thật mang đi cầm cố nơi khác.

Quảng cáo bán nhà đất giá rẻ tràn lan trên mọi nẻo đường. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một chiêu thức nữa mà bọn lừa đảo mua bán nhà đất hay làm là dàn cảnh, thuê mướn nhiều người đóng giả làm khách (chim mồi) đi xem “hàng” rồi cũng lao vào tranh “chốt đơn”. Nhiều trường hợp khách (thật) được “cò đất” giới thiệu những nền đất, căn nhà ở Sài Gòn với giá thật rẻ, nhưng đến xem lại bị chúng tìm cách đưa tới các mảnh đất, ngôi nhà khác tận…Ðồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… Và khi khách tới những nơi này, “cò” tiếp tục “tụng ca” về những tiện ích tương lai như gần chợ, gần trường học, trung tâm hành chính, bệnh viện, ngân hàng, chùa, nhà thờ… cho khách bùi tai, dễ rơi vào bẫy. Khi tham gia các buổi mời chào bán nhà đất dạng này, nhiều khách dễ bị cuốn vào tâm lý đám đông, cứ tưởng là “sốt” nhà đất thật.

Đưa khách lên xe đi xem nhà đất. Ảnh: tác giả cung cấp.

Hôm nọ, tôi thử để lại số điện thoại của mình sau khi xem mẫu quảng cáo trên… cột đèn đường: “Bán gấp nhà mặt tiền Quốc lộ 13 (Bình Thạnh), diện tích 72 m2 giá 4.2 tỉ đồng”. Lập tức một người tên Dũng gọi lại cho tôi. Anh này cho hay căn nhà đang được ngân hàng thanh lý và đề nghị Thứ Bảy cuối tuần đến văn phòng công ty tại khu đô thị Vạn Phúc (Thủ Ðức) để đi xem nhà. Tuy nhiên khi tôi tới nơi thì không ai dẫn tới căn nhà trong quảng cáo mà được mấy nhân viên môi giới bảo lên xe 16 chỗ (trên xe có sẵn mấy người ngồi, ngoài ra còn có 4 chiếc tương tự khác cũng có khách ngồi) để cùng đi xem một dự án khu dân cư ở… Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) rồi lúc nữa quay về xem nhà Quốc lộ 13 sau (?). Trên đường đi, các nhân viên tư vấn liên tục vẽ ra viễn cảnh dự án mới mở của họ nay mai sẽ là tâm điểm kết nối với Sài Gòn, bao quanh bởi 2 khu công nghiệp lớn, đang chuẩn bị xây một đại siêu thị bên cạnh với tiềm năng sinh lời rất cao.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Lúc tới Chơn Thành, tôi quan sát thấy thực tế “dự án” đang là một khu đất trống khoảng 7-8 nghìn m2, nghe đâu được quy hoạch đất ở nông thôn. Tiếp đó khách được đưa vào khu vực “sân khấu”, bao quanh bởi các nhân viên tư vấn dồn dập mời chào, thúc ép khách nhanh tay đặt cọc.

Hôm khác, tôi liên lạc với số hotline quảng cáo trên một fanpage Facebook mua bán nhà với nội dung “Ngân hàng thanh lý nhà trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10), diện tích 48m2, giá 5 tỷ VNÐ. Một cô gái tên Oanh giới thiệu đây là sản phẩm phát mãi và hẹn đến công ty, địa chỉ trên đường Bạch Ðằng (Bình Thạnh) để xem giấy tờ và trực tiếp xem nhà. Khi đến địa chỉ này thì tôi không thấy trụ sở công ty nào mà chỉ là một ngôi nhà bình thường. Sau đó tôi và nhiều người nữa cũng được đưa lên xe 16 chỗ đến dự án khu dân cư thuộc huyện Trảng Bom (Ðồng Nai). Mấy nhân viên tư vấn xúm lại giới thiệu khu đất này được chia thành 200 lô, mỗi lô diện tích 86-120 m2, đã có sổ hồng riêng, với viễn cảnh 6 tháng sau sẽ sinh lời thấp nhất 500 triệu đồng, sau 1 năm sinh lời thấp nhất 1.2 tỷ VNÐ. Nếu sau thời gian này muốn bán lại công ty sẽ thu mua với giá…gấp rưỡi giá đầu tư ban đầu. Cứ 2 – 3 nhân viên môi giới bu quanh một khách hàng để tư vấn, thúc giục đặt cọc. Khi tôi đề nghị được xem giấy tờ thì nhân viên môi giới cho biết phải đặt cọc 2 triệu VNÐ mới được xem giấy tờ ở…công ty vào ngày mai! Lúc này tôi vờ bực mình giận dữ, hỏi tại sao ghi bán nhà ở trung tâm Sài Gòn mà đưa ra tuốt ngoài này làm mất thời gian thì mấy cô cậu môi giới mới huỵch toẹt “Dạ! Bọn con phải ghi vậy để dễ tìm khách chú ơi!” (?).

Các nhân viên tư vấn kè sát khách hàng với đủ lời ngon ngọt mong khách nhanh tay tiền đặt cọc. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nói chung, những người có nhu cầu mua nhà, đất trước hết phải cẩn trọng trước những lời quảng cáo đường mật. Ðể xác minh nhà đất “chính chủ” hay không, đầu tiên bạn hãy yêu cầu xem qua bản gốc sổ đỏ hoặc sổ hồng. Sau đó tiếp tục kiểm tra về tính hợp pháp, quy hoạch của nhà đất đó từ chính quyền địa phương, đồng thời nên yêu cầu bên bán cung cấp căn cước công dân. Nếu người đứng tên trên sổ đỏ, sổ hồng có thông tin trùng khớp với thông tin căn cước công dân mới giao tiền đặt cọc. Tốt nhất người mua nên giao dịch tiền trực tiếp với chủ nhà đất ấy, không nên thông qua đám môi giới nhằm tránh tối đa các nguy cơ rủi ro. Hãy nhớ rằng chính người đi mua nhà đất mới là những người quyết định các chiêu lừa đảo của chúng còn đất sống hay không. Bởi nếu mọi người đều tỉnh táo, tuyệt đối không tham gia các buổi mua bán nhà đất kiểu chợ trời sẽ rất khó ai bị rơi vào bẫy…

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

NS