Ăn chặn tiền từ thiện của người nghèo đã là hành vi khó tha thứ, nhưng chưa dừng ở đó, hiện nay bọn lừa đảo ở Việt Nam còn bày ra nhiều trò ma mãnh. Hình thức khá phổ biến là ăn cắp thông tin người nghèo gặp hoạn nạn, những bệnh nhân không có khả năng điều trị, người chết không có tiền mai táng thậm chí những thông tin không có thật rồi dàn dựng, cắt ghép, sau đó tự lập ra những tài khoản giả trùng khớp với nhân vật chính nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, vật chất của người hảo tâm trong nước lẫn ngoài nước ủng hộ …
Những mánh lới thường thấy
Tình trạng lừa đảo bằng thủ đoạn kêu gọi quyên góp, ủng hộ trên mạng xã hội xuất hiện đã khá lâu. Theo đó, kẻ gian sẽ lập ra các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) rồi tự “sáng tác” ra những câu chuyện đau lòng về những hoàn cảnh đáng thương nào đó cần sự giúp đỡ như những bệnh nhi ung thư, người có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm, bị tai nạn hiểm nghèo hoặc kêu gọi chi phí mai táng cho người neo đơn khó khăn, các thai nhi xấu số bị bỏ rơi…
Một số trường hợp là có thật và đã được các báo đăng từ rất lâu. Chúng lấy lại thông tin này và đăng lên mạng xã hội, kèm thêm những hình ảnh mới về bệnh nhân, giấy nhập viện, giấy báo phẫu thuật, giấy báo tử (hầu hết là photoshop). Điểm mấu chốt là bên cạnh bài viết sẽ có số tài khoản ngân hàng và số điện thoại mà chúng cho rằng “của người nhà bệnh nhân”, nhưng thực sự đều là do chúng làm giả giấy tờ để tạo ra, kêu gọi từ thiện và đề nghị nhà hảo tâm chuyển tiền thẳng vào các tài khoản này khiến không ít người sa bẫy bọn lừa đảo.
Những hoàn cảnh éo le … bịa đặt
Ngày 14/4/2024, tài khoản Facebook “Thu Quế Lê” đăng bài viết trên group “Hội gia sư dạy kèm Bình Dương” có gần 7,000 thành viên với nội dung “cầu cứu” mọi người quyên góp ủng hộ cho một trẻ sơ sinh gặp bệnh hiểm nghèo (nhưng không ghi rõ địa chỉ). Trong bài viết, tác giả ghi số tài khoản ngân hàng của Vũ Thị Ngọc Anh (26 tuổi, được cho là mẹ đứa bé) để nhận quyên góp. Tuy nhiên thông qua công cụ tìm kiếm Google, chúng tôi phát hiện một bài viết khác có nội dung, hình ảnh tương tự đăng cách đó vài ngày trên group “Hiệp hội xà lan Việt Nam”. Đáng chú ý ở bài viết này, người được cho là mẹ đứa bé có tên Nguyễn Thị Bích Thanh (26 tuổi) và số tài khoản ngân hàng để nhận quyên góp cũng mang tên Nguyễn Thị Bích Thanh (?). Tương tự gần đây, một group Facebook khác đăng bài viết, hình ảnh một đứa trẻ sơ sinh có vết thương kéo dài theo cột sống lưng với nội dung kêu gọi giúp đỡ, chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản ngân hàng. Qua tìm kiếm trên mạng, chúng tôi biết vào năm 2022, từng có nhiều tài khoản cá nhân, hội, nhóm Facebook, Instagram…đã đăng tải, chia sẻ hình ảnh đứa trẻ sơ sinh nêu trên nhưng không vì mục đích kêu gọi giúp đỡ, chuyển tiền ủng hộ.
Trước đó ít lâu, vào cuối tháng 3/2024, em Trần Thị Hồng 20 tuổi, đang học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bức xúc cho biết: Hình ảnh, thông tin về em và gia đình bị một số fanpage Facebook tự ý đăng tải để kêu gọi hỗ trợ qua tài khoản của một người nào đó mà em lẫn gia đình không hề biết. Em Hồng chia sẻ: Cách nay 4 năm, em không may bị tai nạn giao thông, mất 87% sức khỏe, phải cưa bỏ một chân. Thời điểm ấy, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, em và gia đình đã vượt qua khó khăn ban đầu, song sau đó gia đình em không còn kêu gọi hay nhờ cá nhân, tổ chức nào khác đứng ra kêu gọi, vận động giúp đỡ thêm nữa. Song gần đây qua lời mách của bạn bè cho biết hình ảnh, thông tin về em tại thời điểm bị tai nạn năm 2020 bị kẻ xấu đăng lên fanpage “Phật Tại Tâm – Ni Sư Phúc Lành” và một số trang mạng khác với mục đích kêu gọi quyên góp tiền bạc hỗ trợ. Em Hồng khẳng định đây hoàn toàn là hành vi lừa đảo.
Trước khi “móc ví” cần tỉnh táo
Người dân Việt xưa nay nổi tiếng với tấm lòng nhân văn và bao dung. Không ít người ở trong nước lẫn nước ngoài luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bà con ở quê nhà đang gặp hoàn cảnh éo le, khó khăn. Tuy vậy song song đó luôn có những kẻ xấu cố tình lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm nhằm trục lợi. Chính vì thế, để tránh đặt lòng tốt của mình nhầm chỗ, mọi người cần tỉnh táo, cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện, nhất là qua các trang mạng xã hội, không nên tuyệt đối tin tưởng vào chúng. Trước khi “móc ví” cần thận trọng tìm hiểu, xác minh kỹ nội dung thông tin đăng tải, bởi hiện nay có không ít cá nhân tự phát làm từ thiện dẫn đến thật giả lẫn lộn, không thể kiểm chứng. Đã từng có những nhà hảo tâm tự bỏ thời gian công sức tìm đến tận địa phương người cần giúp đỡ đang sinh sống hoặc bệnh viện nơi họ tạm thời lưu trú để tìm hiểu rõ ràng sự việc, minh bạch, chính xác thông tin. Bởi chỉ vậy họ mới có thể gặp gỡ trực tiếp các hoàn cảnh “người thật, chuyện thật” cần giúp đỡ và quyên góp tiền bạc, vật chất ủng hộ nếu có. Hành động này luôn có ý nghĩa rất tích cực, khiến cho những kẻ chuyên lợi dụng lòng tốt để trục lợi, lừa đảo qua mạng không còn đất sống.
NS