Tân Sơn Nhất từng mệnh danh là phi trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, với thiết kế ban đầu 25 triệu hành khách/năm nhưng hiện đang đón khoảng 42 triệu hành khách/năm. Những dịp lễ, Tết, lúc đỉnh điểm có hơn 150,000 hành khách/ngày qua lại phi trường này. Hành khách đến/đi Tân Sơn Nhất bằng các phương tiện như xe cá nhân, xe công nghệ, taxi và xe buýt. Riêng taxi là phương tiện di chuyển nhanh và tiện lợi được nhiều người lựa chọn.
Cũng tại Tân Sơn Nhất, ngay cửa ra của sảnh lớn phi trường có thể tìm thấy taxi của các hãng Mai Linh, Airport Taxi, Sài Gòn Taxi, Be, VinaSun… Hầu hết xe taxi này đều có đồng hồ hiển thị số km và số tiền. Tuy nhiên chúng chỉ hoạt động đến 22 giờ hàng ngày và cũng không bảo đảm luôn có xe và đây là kẽ hở để các loại taxi tự phát, tự gắn logo, không giấy phép kinh doanh, đồng hồ tính tiền thường bị tháo kẹp chì kể cả xe taxi “thật” nhưng cố tình chạy “dù”… mặc sức chen chân.
Giá cả tính theo … mặt khách hàng
Theo Cục Hàng Không Việt Nam, tình trạng xe taxi hoạt động loạn xạ đang diễn ra khá phức tạp tại Tân Sơn Nhất, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phẩm chất phục vụ tại phi trường cũng như quyền lợi hành khách nhưng nhiều năm qua vẫn tồn tại. Ông Nhân (ngụ Bình Tân) cho biết ông đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn mất gần 2 giờ, nhưng để đón được taxi từ phi trường về nhà ông buộc phải chờ đợi với khoảng thời gian tương đương. Ông kể: “Ban đầu tôi đặt taxi Mai Linh, chờ lâu quá, tôi bèn chuyển qua đặt trên Be và VinaSun nhưng cũng không tài xế nào chịu nhận cuốc xe hoặc họ chủ động hủy bỏ với lý do kẹt xe. Thường, từ phi trường về nhà tôi khoảng 220 nghìn VNĐ tiền taxi, vậy mà hàng chục tài xế taxi đứng sẵn trong sảnh chờ của phi trường cứ hét giá 500 nghìn VNĐ sẽ có xe đi liền. Tôi không chịu, đành mang vác hành lý ra ngoài đường Trường Sơn đón taxi công cộng thì kết quả phải đợi thêm hơn tiếng đồng hồ mới có xe về nhà!”.
Một ngày giữa tháng 6/2024, trong vai một hành khách vừa xuống chuyến bay tại làn C đón taxi ở ga quốc nội Tân Sơn Nhất, tôi gặp một người tự xưng là nhân viên điều phối của hãng Cheap Taxi mời đi xe. Tôi giả vờ là người mới đến Sài Gòn lần đầu, không rành đường và nhìn thấy anh tài xế đã tắt đồng hồ tính tiền. Căn cứ theo Google Maps, quãng đường từ điểm đón taxi ga quốc nội về đến nhà một người quen ở Bình Thạnh là 13.2 Km. Theo bảng giá niêm yết của Cheap Taxi, giá mở cửa xe là 11 nghìn VNĐ, từ kilomet tiếp theo đến kilomet thứ 25 là 16.5 nghìn VNĐ. Như vậy với quãng đường di chuyển liên tục 13.2 km số tiền phải trả khoảng 220 nghìn VNĐ. Trong khi tài xế taxi đòi lấy theo giá cao hơn giá niêm yết 130 nghìn VNĐ
Hôm khác, vẫn trong vai một hành khách, tôi đặt xe taxi mang nhãn hiệu hãng SaigonTourist từ phi trường Tân Sơn Nhất về đường Hoàng Diệu, Thủ Đức. Trên đường đi đồng hồ tính tiền nhảy số loạn xạ, không nhìn rõ số kilomet và số tiền. Với quãng đường khoảng 23 kilomet, tài xế yêu cầu trả 490 nghìn VNĐ dù đồng hồ không nhìn rõ chữ số. Theo giá niêm yết dán trên xe là 16.5 nghìn VNĐ/km thì số tiền tôi phải trả khoảng 380 nghìn VNĐ nhưng tài xế nhất định đòi tính giá theo…đồng hồ. Tôi bèn dọa gọi điện thoại cho công an phường ở gần đó anh ta mới đồng ý nhận 390 nghìn VNĐ.
Đủ chiêu trò… thổi giá!
Cũng ở Tân Sơn Nhất, không khó để mọi người nhìn thấy hình ảnh mỗi lần hành khách vừa “hạ cánh” và di chuyển ra sảnh đến cửa phi trường lại có rất nhiều tài xế taxi cứ xúm lại chèo kéo. Tiếp đó sẽ khá đen đủi cho những ai mang vác quá nhiều vali, hành lý bởi các tài xế taxi luôn hét giá gấp đôi với dạng khách này. Tìm hiểu cách thức chung để các tài xế bắt khách với giá đắt là họ thường lợi dụng việc nhiều người chưa cài App taxi công nghệ vào điện thoại cá nhân hoặc không rành đường Sài Gòn… Rồi hàng loạt lý do khác như lệ phí phi trường, lệ phí bãi đậu, lệ phí ra vào cổng, lệ phí cầu đường, lệ phí chiết khấu, quãng đường nhiều ổ gà, ổ trâu, thường xuyên ngập lụt là cách để họ bao biện khi khách hàng thắc mắc giá cả. Không chỉ vậy, một số tài xế taxi còn cố ý lắp thêm công tắc phụ ở phía dưới cần số để “can thiệp” đồng hồ tính tiền, làm tăng giá cước đi xe của khách hoặc không chịu bật App lái xe trong suốt cuộc hành trình. Lý giải việc này, một tài xế taxi tôi có quen của hãng Xanh SM cho biết sau khi khách đồng ý lên xe, một số tài xế tự tắt App để đỡ tốn chi phí chiết khấu cho hãng rồi lấy số tiền ấy bù vào tiền xăng (?).
Trong khi đó, theo thông tin báo chí, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân và góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải (Sài Gòn) có nhiều lần đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam, cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kịp thời sắp xếp linh hoạt các loại chuyên chở hành khách, yêu cầu các hãng phải cung cấp đầy đủ số lượng taxi để tránh tình trạng khách phải chờ đợi quá lâu. Tuy “chỉ đạo” là vậy nhưng suốt nhiều năm qua tình trạng hành khách mòn mỏi chờ xe, taxi hoạt động bát nháo ở Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra. Thật khó tưởng tượng tại cửa ngõ Sài Gòn vẫn còn cảnh nhiều hành khách khệ nệ kéo, mang vác hành lý vì không thể đón xe bên trong phi trường mà phải cuốc bộ một quãng đường khá xa đến đường Trường Sơn cách đó 700-800 mét với hy vọng tìm xe taxi khác với mức giá phù hợp. Tuy vậy ở bên ngoài hành khách cũng chưa chắc dễ dàng tìm được một xe taxi nào có giá cả minh bạch!
Bài và hình NS