Lễ hội vốn là một sinh hoạt mang tính văn hoá lâu đời trong đời sống tinh thần người Việt. Thống kê cho biết VN hiện có hơn 13,000 lễ hội lớn nhỏ, bao gồm 8,008 lễ hội truyền thống, 2,748 lễ hội tôn giáo, 1,755 lễ hội lịch sử, gần 500 các lễ hội văn hóa thể thao, lễ hội ngành nghề, lễ hội du nhập từ nước ngoài…Tính trung bình người Việt có 35 lễ hội/ngày, diễn ra tại khắp các địa phương 3 miền Trung, Nam, Bắc và kéo dài quanh năm từ tháng Giêng tới tận tháng Chạp!

Hội khai ấn đền Trần, Nam Định     

Cùng với một số lễ hội mang yếu tố gắn kết cộng đồng, hướng đến những giá trị tốt đẹp của người Việt như lễ hội đền Trần, lễ hội đền Hùng, lễ hội Phủ Giày, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Hương… lại còn có không ít các lễ hội biến tướng theo chiều hướng cực đoan, phản văn hóa, đầy màu sắc máu me, dã man như hành hạ súc vật, cướp lộc thánh, cướp ấn, cướp người, cướp vợ, bắt chồng, cướp trầu cau… Rõ ràng đây là sự lợi dụng truyền thống nhằm thoả mãn lòng tham và sự cuồng vọng cá nhân nhưng được giả danh văn hoá!

Hội rước “của quý” ở Ná Nhèm Lạng Sơn

Còn nhớ ở các lễ hội truyền thống xưa, người Việt thường cùng nhau tổ chức những trò chơi dân gian “đặc sản” của từng miền để tôn vinh sự khéo léo, tài trí, tinh thần thượng võ…Ví dụ các trò thi thả chim, thả diều, thi nấu cơm, đua thuyền, đua bò, đánh vật, đánh cờ, hát hò đối đáp… Song hiện nay những trò chơi dân gian này không còn nhiều mà thay vào đó là những hình thức mang tính đỏ đen như cò quay, thảy vòng vịt, lắc bầu cua, tài xỉu, bốc số lô-tô…

Lên đồng gọi cốt

Mục đích chính của “đi lễ hội” cốt nhằm cầu an nhưng quan niệm của nhiều người bây giờ chỉ nhằm cầu…danh, cầu tài, cầu lợi cho mình là chính. Người ta mang quan niệm “trần sao âm vậy” cũng như tâm lý đưa hối lộ, xin-cho ở cuộc sống thực tại vào thế giới tâm linh khiến nhiều lễ hội nhuốm đầy màu vật chất. Có người cho rằng cứ lễ vật càng lớn bổng lộc thu lại sẽ càng nhiều bèn thi nhau đốt vàng mã, sắm mâm cao cỗ đầy, nhét tiền vào tay tượng thần, Phật…Vậy mới có chuyện nhiều người tìm về đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) để cầu lô đề, buôn bán hàng lậu, chen chúc tới đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) mong “vay trước trả sau”, quyết bằng mọi cách lấy được ấn đền Trần (Nam Ðịnh) nhằm rộng đường quan lộ…Và khi những quan niệm lệch lạc, những hành vi biến tướng này được nhân rộng cũng là lúc hiện tượng trục lợi từ tâm linh xuất hiện. Không ít cơ sở thờ tự, chùa chiền đã biến thành nơi buôn thần bán thánh với sự xuất hiện của hàng loạt các dịch vụ như cúng thuê, khấn thuê, lấy ấn thuê, lên đồng lên cốt, bắt vong gọi hồn, bốc quẻ, sên bùa, cầu cơ, sờ mu rùa đoán tướng số vận mạng…

Cờ bạc thay cho các trò chơi dân gian xưa

…Những ngày Xuân Quý Mão vừa qua, chúng tôi có dịp đi hành hương miền Bắc và trực tiếp chứng kiến không ít hình ảnh từ các lễ hội biến tướng. Chẳng hạn tại lễ “dâng sao giải hạn” chùa Phúc Khánh (Hà Nội) luôn có hàng nghìn người ngồi bệt dưới lòng đường chờ đến lượt. Trong khi theo quan điểm Phật giáo, “cúng sao giải hạn” chỉ là hoạt động mê tín bởi “nếu cho rằng các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của mỗi con người, đó là suy nghĩ sai lầm. Thậm chí các chùa cũng không có tập tục dâng sao giải hạn, đó là việc làm không đúng với Phật giáo! Tương tự là việc “dâng sớ” ở các đền, phủ cũng rơi vào tình trạng thể hiện tín ngưỡng mù quáng. Tại các đền như Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Tây Hồ (Hà Nội)… xuất hiện rất nhiều “ông đồ” già trẻ đủ loại, áo the khăn xếp chào mời khách viết sớ (dĩ nhiên phải trả thù lao). Vì mục đích kiếm tiền, nhiều “ông đồ” không hiểu biết nhiều chữ Hán Nôm cũng đứng ra nhận…viết sớ.

Hội chém lợn Ném Thượng Bắc Ninh

Ở một số lễ hội khác còn có biến tướng theo xu hướng máu me, giết chóc, bạo lực. Chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước việc nhiều người chen lấn, xô đẩy tranh nhau cướp lộc, cướp hoa tre tại Hội Gióng Phù Ðổng (Hà Nội), rồi cảnh ẩu đả vô tội vạ tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), đám đông giẫm đạp giành cướp lộc ở Ðền Trần (Nam Ðịnh)… Ðó là chưa kể có những lễ hội khiến người xem rùng mình rợn tóc gáy như hội chém ngang lưng con lợn đang còn sống ở Ném Thượng (Bắc Ninh), dùng búa đập đầu trâu ở lễ Cầu Trâu (Phú Thọ), hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) hoặc các lễ hội đâm trâu vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Ðắk-Lắk, Kon-Tum)… Kịch bản sau cùng của các lễ hội này là các “ông ỉn”, “ông trâu” sau đó bị xẻ thịt “hành quyết” ngay trước giữa đám đông hoan hỉ hò reo (?). Những cổ tục hiến sinh, đâm chém, máu me be bét, cổ xúy cho cái ác kiểu này ngày nay rõ ràng không còn phù hợp, hoàn toàn phản tác dụng mặc dù ngày xưa có thể nó là giá trị phù hợp với thời…Trung cổ!

Sau hội chọi trâu Hải Lựu Vĩnh Phúc, trâu “vô địch” bị xẻ thịt bán ngay tại sàn đấu với giá 5 triệu VNĐ/kg.

NS