Đêm Giáng sinh ở Sài Gòn, rất nhiều con đường, nhiều khu phố (nhất là các xóm đạo) luôn sáng rực đèn hoa, tấp nập xe cộ, người qua kẻ lại đón chào ngày lễ lớn. Song giữa không khí lễ hội, tràn ngập sự nô nức, náo nhiệt ấy lại có không ít người chẳng hề biết niềm vui Giáng Sinh là gì! Với họ, Noel cũng như ngày thường. Khi những bước chân rong ruổi, vội vã và những giọt mồ hôi, họ phải luôn vật lộn cùng cuộc sống để mưu sinh, tất bật lo toan miếng cơm, manh áo…

Hòa vào không khí nhộn nhịp của những đêm cận Giáng sinh, từng dòng người kéo nhau về hướng nhà thờ Tam Hà (Thủ Ðức) rực rỡ ánh đèn. Chủ quán “Bún cá Châu Ðốc” gần đó, anh Cao Văn Hùng (38 tuổi, quê An Giang), cho biết: “Khu này là xóm đạo, từ đầu tháng 12, người ta đã giăng đèn sáng trưng nên người đi chơi khuya nhiều hơn. Tôi là người ở quê lên, sống một thân một mình, thuê phòng trọ tại đây, bày bán vỉa hè. Thường mỗi ngày bán 40-50 tô bún xem như đủ sở hụi, kiếm được 200 – 250 ngàn tiền lời. Mùa Giáng sinh năm nào tôi cũng mở bán suốt đêm, có khi tới 3 giờ sáng mới dẹp ngủ. Nói chung kiếm được đồng nào hay đồng ấy, bù trừ những khi mưa gió ế ẩm và dành tiền phụ giúp tía má già yếu ở quê”.

Cùng cảnh xa quê về Sài Gòn mưu sinh, hai chị em song sinh Trần Thị Giang và Trần Thị Hà (24 tuổi, quê Ðồng Tháp) cùng thuê một căn phòng trọ nhỏ ở đường Man Thiện (quận 9). Cứ tầm 18 giờ tối trở đi, chị em Giang – Hà lại hì hục đẩy xe cá viên chiên, gỏi cuốn đi bán dạo, quanh quẩn mấy quán nhậu khu vực này. Ngày bán đắt kiếm hơn 300 ngàn đồng, ngày bán ế thu nhập chỉ chừng 100 ngàn. Những ngày tháng cuối năm thời tiết càng trở lạnh, cô chị tên Giang tâm sự: “Trời lạnh kiểu này lao động chân tay như bọn cháu vất vả lắm nhưng vẫn gắng kiếm tiền. Mình dân nhà nghèo không có trình độ văn hóa, cũng không nghề nghiệp, sắc vóc cũng không được xinh đẹp như người ta thì biết làm gì? Bọn cháu ở quận 9 này năm nay là năm thứ 2. Ðêm Noel năm ngoái, bọn cháu đi bán suốt tới hơn 4 giờ sáng. Nhờ mấy ông nhậu ủng hộ, bán hết hàng, kiếm được đêm ấy gần cả triệu đồng. Hy vọng năm nay cũng thế!”

Những thân phận bọt bèo vật lộn cùng cuộc sống trong đêm Noel. Ảnh do tác giả cung cấp

Ở khu ngã tư cầu vượt Bình Triệu, cách nhà thờ Fatima Bình Thạnh 300 mét có “bác tài” xe ôm Bùi Hoàng Tấn (26 tuổi) “đóng đô” đón khách hơn 3 năm qua. Tấn quê Bình Ðịnh, đã có vợ và con nhỏ, dắt díu nhau vào Sài Gòn thuê phòng trọ mưu sinh từ năm 2017. Trước đây vợ Tấn đi làm tạp vụ cho một công ty ở Thủ Ðức nhưng không may trượt ngã cầu thang bị gãy chân nên mấy tháng qua chỉ nằm nhà. Kinh tế gia đình quá eo hẹp hơn nên gần đây Tấn quyết định “trực chiến đêm” suốt ngày này qua tháng khác. Tấn cho biết: “Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của mọi người nhiều hơn nên mỗi ngày tôi cũng “bỏ túi” được 250 – 300 ngàn đồng, đủ lo cho gia đình. Ngoài khách vãng lai, tôi còn có “mối” quen gọi giao hàng thuê ở nhiều nơi trong thành phố. Có khi gặp khách “sộp” họ còn “boa” thêm 10, 20 ngàn nữa, sướng lắm!”. Hỏi đi đêm có sợ gặp phải khách gian manh giữa đường đe dọa cướp xe? Tấn cười đáp: “Cũng sợ lắm nhưng vì kiếm sống, vì vợ con thì mình phải liều mạng thôi chú ạ!” (?)

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Cũng những ngày cuối năm, dịp gần Noel xem ra cũng là thời điểm mọi người chi xài thoải mái hơn nên nhu cầu mua vé số đón tài lộc cũng nhiều hơn. Và trên nhiều ngả đường, không mấy khó khăn để nhìn thấy những người bán vé số dạo. Tại khu vực nhà thờ Tân Ðịnh (quận 1), chúng tôi gặp bà Trần Ngọc Quế (52 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang cầm trên tay xấp vé số mời bán vào lúc đã gần 23 giờ khuya. Trời lúc này có nhiều sương, khá lạnh nhưng bà chỉ mặc độc chiếc áo bà ba mỏng và đội chiếc nón lá sùm sụp trên đầu. Bà Quế nói: “Mấy ngày gần Giáng sinh bán được khá hơn ngày thường nên tôi không nghỉ ngơi gì hết. Lãnh bao nhiêu vé là cố bán hết bấy nhiêu chứ không trả lại cho đại lý. Ngày bình thường, tôi bán được khoảng 80 tờ, riêng dịp Noel người ta đi chơi khuya nhiều bán được từ 100 – 110 tờ. Mỗi tờ kiếm được 1,200 đồng. Có bữa, tôi ráng nhịn ăn giữ lại 1-2 tờ cầu may, chẳng mong trúng độc đắc, chỉ cần trúng vài chục triệu để lo cho thằng con trai năm nay 34 tuổi nhưng bị bệnh tâm thần suốt đời chỉ biết loanh quanh, lủi thủi ở nhà là được!”.

Những thân phận bọt bèo vật lộn cùng cuộc sống trong đêm Noel. Ảnh do tác giả cung cấp

Còn tại ngã ba Cây Lơn (Ðông Hòa, Dĩ An) thuộc tỉnh Bình Dương, giáp ranh Sài Gòn, cũng là một xóm đạo, chúng tôi tìm thấy ít nhất 2 điểm karaoke cùng 5 quán nhậu có “ôm” đang ì xèo hoạt động dù lúc này đã là hơn 23 giờ khuya. Tại quán karaoke T.M nằm trên Quốc lộ 1K, chúng tôi gặp hai cô gái xưng tên Bích Loan và Thu Thảo đều ở tuổi 25. Hai cô cho biết: “Bọn em cùng quê Bình Minh, Vĩnh Long, lên đây làm phục vụ cho quán này đã gần 2 năm rồi. Mùa Giáng sinh năm nào bọn em cũng ở lại “cày” cho tới khi hết khách thì thôi. Dịp này mấy anh, mấy chú đi ăn chơi nhiều lắm! “Bo” cũng đậm hơn những ngày bình thường! Mỗi hôm mỗi đứa em cũng kiếm được không dưới 700-800 ngàn đồng!”. Thử hỏi thu nhập khá như vậy, tối khuya Giáng sinh có đi chơi với “bồ bịch” hay ăn tiệc Réveillon gì không? Cả hai cô gái cùng bật cười, đáp: “Nói thật với các anh, bọn em đều có chồng, có con ở dưới quê rồi! Vì hoàn cảnh gia đình mới lên đây kiếm tiền nuôi con. Sau giờ làm ở đây, thỉnh thoảng bọn em cũng đi “over-night” với khách, kiếm thêm “tí đỉnh” nữa, có thời gian đâu mà rề vây ông chứ!”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

…Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay cả thời khắc Giáng sinh, trên các con phố của Sài Gòn vẫn còn nhiều lắm những con người đang phải chạy đua từng phút một với “cơm áo gạo tiền”. Ðó là những người bán vé số, bán bắp nướng, bán tăm, bán kẹo kéo, kẹo bông, người thu gom ve chai, người quét rác, xe ôm, shipper và cả những cô gái buôn hương, bán phấn…. Dĩ nhiên chúng ta cũng thừa hiểu họ rất mong về nhà, rất mong được thu mình trong chă‌n ấm, nệm êm nơi “mái ấm nhỏ bé” của mình nhưng phải chă‌ng cuộc sống đã không ch‌o phép họ có được cái thú vui chơi đêm Giáng sinh như bao nhiêu người rủng rỉnh tiền bạc?

Còn giờ đây, dù là thời khắc năm cũ sắp qua, chuẩn bị đón chào năm mới đến, những con người ấy cứ phải miệt mài lau vội giọt mồ hôi để tiếp tục chặng đường mưu sinh mù mịt ở phía trước…

Những cô gái quán nhậu, karaoke “có ôm” sẵn sàng “over-night” bất kể ngày Giáng sinh. Ảnh do tác giả cung cấp

NS