Thời gian gần đây, nhiều cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam nở rộ “như nấm sau mưa”, gây ra tình trạng bát nháo, hỗn loạn. Gần như tháng nào trong năm, Việt Nam cũng có thêm ít nhất một cuộc thi hoa hậu mới.

Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2022, VN có gần 20 cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Còn từ nay đến cuối năm sẽ có thêm các cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam (khai mạc 12/8), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand VN (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia VN (22/10), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (15/12), Hoa hậu Trái đất VN (30/12)… Thậm chí, người ta còn định tổ chức Hoa hậu… thiếu niên VN nhưng bị chính quyền gạt bỏ sau nhiều ý kiến bàn ra nói vào. Nhiều người cho rằng bây giờ hễ bước chân ra đường lại gặp… hoa hậu hoặc không nhớ tên hoa hậu ấy hay danh hiệu cô ta đạt được là gì? Câu hỏi đặt ra ở đây là số lượng hoa hậu nhiều như vậy để làm gì, liệu có mang lại giá trị nào cho cộng đồng xã hội hay không?

Xin lưu ý, Việt Nam là một trong những quốc gia Châu Á có lượng khán giả quan tâm đến các cuộc hoa hậu trong nước và trên thế giới khá lớn. Thống kê của Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong Top 10 số lượng khán giả thường xuyên tham gia các hoạt động trên trang web của họ. Riêng tại VN, nhiều đơn vị cũng không bỏ qua cơ hội, nhanh chóng đứng ra tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Dù phần lớn các cuộc thi hoa hậu xưa nay thường mang danh nghĩa về tinh thần nhưng thực tế là những mục tiêu về kinh tế và những thứ khán giả nhìn thấy trước mắt đôi khi chỉ là bề nổi.

Các cuộc thi hoa hậu luôn thu hút nhiều cô gái đẹp tham gia. Ảnh: tác giả cung cấp

Cứ nhìn vào các cuộc thi hoa hậu quốc gia hoặc địa phương, ngành nghề cái dễ đập vào mắt chúng ta đầu tiên không gì khác là hình ảnh, logo thương hiệu của các nhà tài trợ (thường là những doanh nghiệp lớn). Ðặc biệt những cuộc thi mang danh nghĩa quốc tế thì số lượng nhà tài trợ rót vốn không dưới con số hàng chục. Ví dụ, theo một nguồn tin chúng tôi biết được, cách nay 3 năm, tại cuộc thi hoa hậu ở tỉnh lẻ nhưng ban tổ chức đã nhận được khoản “tài trợ kim cương” của một công ty liên doanh nước ngoài với số tiền gần 7 tỷ VNÐ. Ngoài ra, còn có 2 nhà “tài trợ vàng” với mức chi khoảng 3 tỷ VNÐ/đơn vị và chưa tính đến những nhà tài trợ “cò con” khác. Tính ra chỉ với một cuộc thi hoa hậu tổ chức trong chừng tháng rưỡi, ban tổ chức đã thu hơn 20 tỷ VNÐ. Với những tài trợ rất mạnh tay này đã biến nhiều cuộc thi hoa hậu trở thành chương trình quảng cáo dài kỳ cho các doanh nghiệp. Ở một số cuộc thi hoa hậu, người đẹp khác, từng có không ít người cố tình lợi dụng tổ chức như cách “kiếm tiền không khó” mà chẳng mấy tập trung vào mục đích tôn vinh cái đẹp.

Nơi nơi tổ chức thi hoa hậu, người người đi thi hoa hậu. Ảnh: tác giả cung cấp

Về phía người tham gia, chúng tôi có dịp tiếp cận một số thí sinh của vài cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở nhiều địa phương khác nhau và ghi nhận nhiều ý kiến nghe qua hơi buồn cười nhưng lại là thực tế. Một cô gái (tham gia cuộc thi Hoa hậu Thể thao VN) nói: “Em cho rằng các cuộc thi sắc đẹp chỉ là sinh hoạt giải trí. Người ta tổ chức theo cách giải trí để thu hút khán giả. Bản thân em tham gia thi cũng nhằm có cơ hội… đổi đời. Cho dù mình không đạt giải gì, nhưng chỉ cần lọt vào top ABC nào đó là có ngay cái danh. Thế là cuộc đời liền bước sang trang mới”. Một thành viên ban giám khảo (giấu tên) tâm sự: “Tôi biết có những cô gái đi thi với mục đích được danh hiệu để dễ kiếm… chồng đại gia. Thậm chí từng có những cô gái dựa vào danh hiệu để ra giá đi khách sau này (!). Thực sự không nhiều hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người đẹp khẳng định tài năng, trí tuệ của mình hoặc có ảnh hưởng tích cực, đóng góp cho cộng đồng. Ðó là chưa kể còn có những ồn ào quanh chuyện mua bán giải, cứ đâm đơn kiện tụng nhau ở một số cuộc thi khiến cho giá trị của chiếc vương miện càng lệch lạc, méo mó”.

Bích chương của một trong nhiều cuộc thi hoa hậu ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp

Còn có một thực tế rõ ràng nữa là nhiều cô gái sau khi giành danh hiệu cao ở các cuộc thi nhan sắc đã khiến mọi người chung quanh choáng ngợp khi họ nhanh chóng có cuộc sống “sang chảnh”, xa hoa. Người ta thắc mắc không biết từ đâu các cô có ngay được cuộc sống như vậy khi trước đó họ chỉ sinh trưởng trong một gia đình bình thường. Ðây có lẽ là câu trả lời: Cách nay ít lâu, khi kiểm tra hành chính 2 khách sạn ở quận 1, Sài Gòn, cảnh sát bắt quả tang 4 cặp nam nữ đang mua bán dâm. 2 trong số 4 cô gái này là á hậu T.D và người đẹp C.V đều cùng chung đường dây mua bán dâm do “tú ông” K.Ð.V điều hành. Qua khai nhận, hai cô gái cho biết họ bán dâm cho khách với giá từ 1,500- 7,000 USD/lần và nếu thấp nhất cũng từ 600- 800 USD/lần. Sau đó vài tháng, nhà chức trách tiếp tục bắt quả tang đường dây bán dâm với ít nhất 3 người đẹp từng tham gia các cuộc thi hoa hậu với giá 18,000 – 30,000 USD/lần tại một khách sạn cũng ở quận 1 và những cô gái này đều nằm dưới trướng một ông trùm vốn là người mẫu tên L.T.V. Trước đó, vào đầu năm 2020, cảnh sát phát hiện đường dây mua bán dâm do hoa hậu N.T.H điều hành tại Hà Nội. Hầu hết đây là các hotgirl từng tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp và mức giá các cô từ 3,000 – 7,000 USD/lần. Cả 3 đường dây này còn kinh doanh những dịch vụ với mức giá kinh khủng như sex tour với giá cao gấp 3-10 lần mức giá nêu trên.

Các hotgirl bị bắt quả tang trong một vụ mua bán dâm có dính líu tới thí sinh thi hoa hậu. Ảnh: tác giả cung cấp

NS