Theo Kirin Holdings (một công ty bia và đồ uống của Nhật Bản), năm 2020 Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về tiêu thụ bia rượu với hơn 4 tỷ lít, chiếm 2.2% toàn cầu, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 3 Châu Á về mức tiêu thụ rượu bia. Tuy nhiên hiện nay với tình trạng người tiêu dùng ngán ngại sử dụng bia rượu do tác động từ “chính sách zero độ cồn” (có hiệu lực từ 1-1-2025) đã và đang làm sụt giảm doanh thu của các công ty bia rượu!

Dây chuyền sản xuất của một hãng bia trong nước   

Doanh số lao dốc

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, sự sụt giảm liên tục khiến doanh thu năm 2023 của các công ty ngành bia nói riêng và bia – rượu nói chung đã giảm xuống dưới 45,000 tỷ VNĐ (từ mức trên 55,000 tỷ VNĐ năm 2022). Lợi nhuận sau thuế còn lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, chỉ còn 5,100 tỷ VNĐ. Đáng chú ý, một trong những đơn vị sụt giảm nhiều nhất là Tổng Công ty Bia – Rượu Sài Gòn (Sabeco), khi doanh thu giảm từ 35.2 nghìn tỷ VNĐ năm 2022 xuống còn 30.7 nghìn tỷ VNĐ năm 2023. Tương tự, Tổng Công ty Bia – Rượu Hà Nội (Habeco) chỉ đạt doanh thu 7,757 tỷ VNĐ và lợi nhuận sau thuế 356 tỷ VNĐ năm 2023, giảm lần lượt 8% và 30% so cùng kỳ năm 2022. Cũng theo ước tính của Bảo Việt, doanh thu của Heineken VN trong 6 tháng đầu năm 2024 sụt giảm chừng 12%.

Xem thêm:   Big Red Bash Lễ hội âm nhạc giữa lòng sa mạc!

Nhìn nhận về tổng quan, ông Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát VN (VBA) cho biết thị trường tiêu thụ bia rượu trong nước hiện đã giảm 20% – 30%. Trong 5 năm trở lại đây, chỉ có 2019 là năm đỉnh cao của ngành này. Từ 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5%-6%/năm, song từ 2021 đến 2023 ngành bia lần lượt giảm thêm mỗi năm từ 5%-7%. Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo thị trường bia rượu vẫn còn rất ảm đạm!.

Báo cáo khác của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho hay, năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm không phanh của hầu hết các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các công ty bia rượu. Báo cáo có đoạn viết: “90% thị phần tiêu thụ bia tại VN hiện nay thuộc các hãng lớn là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg. Song các công ty này hiện phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả của nhiều nguyên liệu, chi phí có xu hướng tăng cao, khoảng 30-40% so với mức giá bình quân của năm 2022 ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận”.

Người uống bia rượu bị đo nồng độ cồn khi đi đường

Chưa tìm thấy lối ra?

Tháng 6/2024, Công ty Bia Heineken VN chính thức có văn bản gửi chính quyền Quảng Nam báo cáo về việc họ quyết định tạm dừng hoạt động Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam (Nhà máy này đặt tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc từ năm 2007 và cũng là nhà máy có quy mô nhỏ nhất trong số 6 nhà máy bia cũng của Heineken VN được đặt tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Nam). Trước đại dịch COVID-19 ở VN, bình quân mỗi năm Heineken Quảng Nam đóng góp ngân sách tỉnh này từ 1,000 – 1,200 tỷ VNĐ, thuộc diện nộp ngân sách lớn thứ 2 của địa phương. Còn trong 3 tháng đầu năm 2024, đóng góp từ Heineken Quảng Nam cho ngân sách địa phương cũng đạt khoảng 20 tỷ VNĐ. Lý do Heineken VN cho đóng cửa nhà máy ở Quảng Nam là “đã có nhiều thay đổi trong hành vi và thói quen của người tiêu dùng VN, đặc biệt liên quan đến quy định “zero nồng độ cồn”.

Xem thêm:   JO Paris 2024 một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Công ty đầu tư nước ngoài tại VN (VAFIE) cho biết: “Heineken VN thông báo tạm dừng hoạt động một trong các nhà máy của họ là điều tất yếu của thị trường, khi công ty kinh doanh kém thì họ buộc phải thu gọn quy mô. Song tác động đầu tiên khi Heineken cắt giảm một lượng lớn công nhân sẽ gây nạn thất nghiệp, tạo hệ luỵ đến xã hội. Với các địa phương khác, những nhà máy này có thể đóng góp hàng trăm, hàng nghìn tỷ VNĐ vào ngân sách hàng năm nên việc công ty đóng cửa sẽ khiến kinh tế của địa phương ấy bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng thời gian tới ngành bia rượu không chỉ gặp khó bởi quy định “zero độ cồn khi lái xe” mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ Nghị định 100 về thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi ngành bia rượu chưa tìm thấy lối ra Nhà nước lại ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh tăng thuế suất với rượu và bia khiến giá sản phẩm có xu hướng tăng thêm thì tình hình của các công ty bia rượu càng gặp khó! Tôi đã nghe rất nhiều ý kiến phản hồi từ các công ty việc tăng thuế này không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài mà ảnh hưởng cả đến một loạt nhà máy của công ty trong nước. Điều này sẽ gây lợi bất cập hại khi Nhà nước không thể thu ngân sách được nhiều và hoạt động của ngành bia rượu sẽ còn thu hẹp hơn nữa…”.

Nhiều nhà hàng, quán xá vắng vẻ vì không có khách uống bia

Bài va hình NS