Bạo lực học đường là chuyện không mới ở Việt Nam nhưng thời gian gần đây nó có chiều hướng gia tăng phức tạp, trở thành nỗi lo âu của toàn xã hội.

Hàng loạt vụ bạo hành ở bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên các ngôi trường xảy ra khắp nơi trong nước cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, với nguyên nhân hầu hết xuất phát từ những mâu thuẫn đôi khi rất nhỏ nhặt nhưng sau đó để lại những hậu quả đau lòng cho nhiều người.

Chiều 7/4/2023, Quốc (16 tuổi, học lớp 9, Trường cấp 2 Krông Klang) đi cùng 4 học sinh khác bằng xe máy từ Krông Klang hướng về Trường cấp 2 Ba Lòng (Ðakrông, Quảng Trị). Tới nơi, Quốc vào trường tìm Quân (15 tuổi, học lớp 9, Trường Ba Lòng) rồi bất ngờ dùng mũ bảo hiểm ném vào người Quân. Quân tránh được, liền dùng dao Thái Lan thủ sẵn trong người đâm mạnh một nhát vào ngực trái Quốc khiến em này tử vong. Trước đó, ngày 26/12/2022, nam sinh Dũng, học lớp 10 Trường cấp 3 Tây Thụy Anh (Thái Bình) cũng dùng kéo đâm vào ngực của nam sinh Kiệt (16 tuổi, cùng trường) khiến nạn nhân trọng thương nguy kịch. Theo đó, giữa 2 nam sinh này tuy không học cùng lớp nhưng có quan hệ họ hàng và trước đó hai em có mâu thuẫn xảy ra do…chửi nhau trên mạng xã hội.

Sáng 7/9/2022, thầy giáo Giáp (38 tuổi, ngụ Rạch Giá, Kiên Giang) dùng dao Thái Lan đâm thẳng vào ngực một đồng nghiệp là thầy Tuấn (40 tuổi, cùng ngụ Rạch Giá). Mặc dù thầy Tuấn được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu ngay nhưng đã tử vong do sốc mất máu nhiều, thủng tim. Theo lời khai của Giáp, trong quá trình giảng dạy tại Trường cấp 2 Nguyễn Du, Giáp nghi ngờ Tuấn thường tìm cách chia phe nói xấu để cô lập anh ta cũng như cho rằng người này từng dùng dao lam rạch hỏng yên xe Honda SH của mình.

Xem thêm:   Cá heo

Tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng gia tăng

Thống kê từ ngành Công an, mỗi tháng ở VN hiện nay có thêm hơn 1,000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây những kẻ tội phạm các loại độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm đa số. Còn bây giờ số người này giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (riêng độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm 17%). Một thống kê khác do Bộ Giáo dục Ðào tạo VN thực hiện cho biết mỗi năm nước này đã xảy ra gần 1,600 vụ bạo lực học đường ở bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên nhà trường. Trung bình, cứ 5,200 học sinh lại có 1 vụ các em đánh nhau, cứ 9 trường học lại có 1 trường có học sinh đánh nhau. Ðáng chú ý mức độ phạm tội trong môi trường giáo dục diễn biến ngày càng thêm nghiêm trọng. Các hành vi bạo lực có hình thái ngày càng đa dạng, không chỉ diễn ra bằng cách “động tay, động chân” với nhau mà còn có hành vi tấn công về mặt tinh thần như chửi bới, đe dọa, bêu xấu nhau trên mạng xã hội…Các sự việc học sinh đánh nhau thường được chính các em quay lại clip bằng smartphone rồi đăng tải trên các trang mạng, thu hút khá nhiều lượt like, view và comment. Không đơn thuần giữa các học sinh nam đánh nhau mà nhiều em học sinh nữ (nhất là lứa học sinh cấp 2, cấp 3) cũng đánh nhau không thua kém. Nhiều em học sinh nữ đánh nhau còn tỏ ra tàn nhẫn hơn khi cố ý lột sạch áo quần của đối phương rồi hả hê xỉ vả, cười nói! Cũng trong các clip này, không chỉ 2 em học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn mà có khi một nhóm học sinh xông vào đánh đấm, giẫm đạp hoặc dùng hung khí tấn công một bạn khác hết sức tàn bạo. Cùng khi đó nhiều bạn bè của các em đứng vây chung quanh nhưng không ai có hành động gì can ngăn, thậm chí còn vỗ tay hò reo, cổ vũ.

Nhiều em dửng dưng quay clip bạn bị đánh rồi tung lên mạng câu view

Ðáng chú ý – như đã nói – các hành vi bạo lực học đường chủ yếu bắt nguồn từ những xô xát rất nhỏ nhặt nhưng từ đó trở thành nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ở vài cá nhân, vài trường hợp mà còn lan rộng đến môi trường của nhiều trường học và ở mọi nơi khắp từ thành thị tới nông thôn. Về thành phần học sinh gây bạo lực học đường cũng khá đa dạng và phức tạp, diễn ra ở hầu hết các cấp từ bậc mầm non, trung tiểu học đến đại học. Nó không chỉ xảy ra giữa các em học sinh đánh nhau mà còn có tình trạng bạo lực giữa học sinh với giáo viên, giữa phụ huynh học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với những người khác bên ngoài xã hội…

Xem thêm:   Việt Nam tích cực làm ăn với Mỹ

Giáo sư Peck Cho đến từ Trường ÐH Korea, chuyên gia từng góp phần đào tạo hơn 11,000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc, đồng thời là cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc và là người thiết kế chương trình “Thầy cô chúng ta phải thay đổi” cho biết: “Bạo lực học đường hiện nay là một vấn nạn rất nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực học đường ở VN nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật, Mỹ hay Châu Âu chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu và tôi nghĩ những năm tiếp theo nó càng tồi tệ hơn. Về nguyên nhân, tôi cho rằng vấn nạn bạo lực học đường xuất phát từ những tổn thương các em vô tình đã mang nó đến trường. Ðặc biệt với những đứa trẻ trong thời gian phát triển không thể kết nối được với cha mẹ hoặc bị mất kết nối sâu sắc, mất niềm tin, hoang mang lo lắng…Và khi chúng lớn dần lên sẽ bắt đầu thể hiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tổn thương tâm lý. Tóm lại, bạo lực học đường thực ra không chỉ là vấn nạn, là vấn đề của riêng trường học nào mà nó còn là vấn đề quốc gia. Tất cả những nhà giáo dục cần có những kiến thức để thuyết phục được chính phủ hành động và tất cả mọi người trong xã hội chúng ta đều cần phải xem trọng vấn đề này để hành động, vì học sinh và bảo vệ học sinh…”..

Một nữ giáo viên nhập viện do bị phụ huynh hành hung

NS

Xem thêm:   Phố cổ McKinney

Ảnh chụp lại từ các clip