Miền Tây có nơi ruộng chỉ dùng cù nèo gom cỏ lại, dùng phảng phát cho sạch rồi cấy mạ, khỏi cày bừa mất công.

Anh bạn văn bút hiệu Cù Nèo là nhà phê bình không bằng cấp gì ráo, tự ên gom cỏ trong báo chí truyền thông CS. Anh Cù Nèo may mắn có duy nhứt một độc giả là tui trên bàn nhậu. Tui uống bia ảnh mua; gắp mồi của vợ ảnh. Bù lại tui cho anh Cù Nèo gom cỏ dại nhét đầy hai lỗ tai tui toàn là những chuyện tào lao.

Ðầu tuần, anh Cù Nèo email cho tui đọc trước; rồi cuối tuần, ảnh kêu tui tới nhậu để nghe ảnh bình luận một bài báo quốc doanh có cái tựa dài như cọng rau muống: “Buổi ra mắt sách ‘Ði và ghi nhớ’ và ‘Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ’ vừa ra mắt ở TP.HCM nhằm tưởng nhớ 15 năm ngày mất của ông.”

Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Tục lệ của mình không coi trọng sinh nhựt (theo dương lịch). Coi trọng ngày đám giỗ (theo âm lịch)”. Như vậy Ông Sơn Nam từ trần vào hồi 13 giờ, ngày 13 tháng 8 năm 2008. Âm lịch là 13 tháng 7 năm 2008 thì ngày giỗ năm nay của ông Sơn Nam là Thứ Hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 chưa tới. Nhưng bọn bồi bút quốc doanh áo thụng vái nhau, thấy sang bắt quàng làm họ, xưng là bạn bè thân hữu với ông Sơn Nam để sớm chường cái mặt mẹt của mình ra để quảng cáo bán sách!

Nói nào ngay xưng bạn văn (không kể tuổi) thì còn chấp nhận được? Chớ so với ông Sơn Nam, bọn chúng chỉ là ‘con nít ke’; thì bạn bè thân hữu cái gì? (Ðã bạn bè mà còn thân hữu nữa chớ? Dư chữ, ý cà lăm!)

Xem thêm:   Rạp Định Tường

Tay nầy nói: “Với tôi, Sơn Nam không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà văn hóa…” (?!) “Bộ nhà văn không phải là nhà văn hóa hay sao?

Tay kia lại nói: “Nhà văn Sơn Nam có khả năng quan sát tinh tế và tích lũy kiến thức tốt.”

“Cái quái gì cũng ‘tốt’ hết? Sao không nói là uyên bác?”

Phàm là ký giả, bán chữ mà ăn, thì phải tối thiểu có tay nghề, có kiến thức vững vàng về văn phạm. Viết câu đơn hay câu phức? Một câu phức có bao nhiêu mệnh đề? Mỗi mệnh đề ai làm chủ từ, động từ, túc từ? Rồi liên từ nào để kết nối các mệnh đề ra sao?

Chủ từ là: Sách ‘Ði và ghi nhớ’ và ‘Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ’.  Ðộng từ là: “ra mắt” thể thụ động. Trạng từ chỉ nơi chốn ở TP.HCM. Trạng từ chỉ nguyên do “15 năm ngày mất của ông” Câu cú rối rắm dài ngoằng như dây rút quần, thiết nghĩ ông nên viết lại là: “Hai cuốn sách ‘Ði và ghi nhớ’ và ‘Nhà văn Sơn Nam – Những góc đời riêng lạ’ vừa được ra mắt ở TP.HCM nhân 15 năm ngày mất của Sơn Nam” thì dễ cho tui hiểu hơn không? Vì tui vốn ngu lắm đó!

Rồi dân Miền Tây nói: ‘ăn cơm chực’ hoặc ‘ăn chực cơm’. Không ai nói ‘ăn cơm ké’ bao giờ? Ké là phải hùn phần của mình vô. Như ké tiền của mình vào một tụ bài nào đó đang hên.

Rồi “chuyến công tác điền dã” là cái giống gì?

Xem thêm:   Rau răm ở lại!

Là nhà báo tự do, Úc gọi là ‘a freelance journalist’, ông Sơn Nam không làm việc cho một tổ chức thông tin nào. Ông viết bút ký, biên khảo về văn hóa phong tục thuở khẩn hoang Miền Nam rồi gửi cho giới truyền thông hoặc bạn bè xuất bản. Ổng đâu có phải làm ‘công chức’ đâu mà đi ‘công tác’?

Rồi điền dã’? Theo từ điển, điền dã là đồng nội, nông thôn. Như: từ quan về sống nơi điền dã, vùng xa phố thị. Về quê, về ruộng, về vườn sao không xài mà xài chữ ‘điền dã’; từ Hán Việt xưa chi cho nó rối rắm? Quen cái thói khoe chữ trật lất hoài hè?

Rồi trong bài báo có đoạn: “Nổi bật là kỷ niệm thơ ấu của bà Hằng khi được cha cõng đi xay lúa, giã gạo và cùng ông ăn cơm ké trong xóm ?!). Những kỷ niệm của bà Ðào Thúy Hằng với ba mình là chuyện thiệt, bà kể cho độc giả nghe thì bả đâu có sáng tác ra mà gọi là “truyện ngắn”?

Bà Ðào Thúy Hằng gọi ông Sơn Nam là ba; ông ký giả nầy không thể thay “ba” bằng “cha” (theo tiếng Bắc) cho được?!

Phàm chuyên nghiệp, nhà báo Úc đi làm phóng sự là phải ghi âm. Về sắp xếp, có trích thì phải ngay chóc lời của người trả lời phỏng vấn. Ðâu viết ‘lung tung xèng’ theo ý mình như ông nội ký giả CS nầy được nè!

Bên Houston, Texas, Hoa Kỳ, nghe tui thuật lại lời bình luận của anh Cù Nèo, nhà văn Trần Bang Thạch có vẻ tán đồng và nhân tiện hỏi tui: “Lạ một cái con gái ông Sơn Nam sao lại họ Ðào?”

Xem thêm:   Bút hiệu Sơn Nam?

Họ Ðào là họ của Má. Tui rành chỗ nầy vì là bạn văn với ba tui, năm 1957, ông Sơn Nam dắt vợ và hai con về ở sát cạnh nhà tui. Tui với Ðào Thúy Hằng (tên ở nhà là Mỹ Linh) bằng tuổi và biết nhau từ thời thơ ấu cho tới bây giờ. Coi như tui rành ba câu trong sáu câu vọng cổ đi.

Nhà của bà Ðào Thị Phán, vợ ông Sơn Nam, xưa thuộc Ngã ba Ðạo Ngạn (một ấp) làng Ðạo Thạnh, ngang Chủng viện Chân Phước Liêm. Rồi mấy ‘ông cha’ cho Mỹ mướn nên bà con mình gọi nó là: “Thành Mỹ”. Lúc CS vào, cái Thành Mỹ nầy bị sung công làm Trường Văn Hóa 2 thuộc Bộ Công An. số 55, đường Ấp Bắc, Phường 5, thành phố Mỹ Tho dạy bổ túc văn hóa cho công an từ cấp thiếu uý trở lên nhưng học chưa hết tiểu học.

Ðường Nguyễn Tri Phương, sau VC kêu ông Nguyễn Tri Phương đi chỗ khác chơi; để chúng đặt lại tên đường là Ấp Bắc.

Năm 1970, tại địa điểm nầy, chánh quyền VNCH cho dựng cái Cổng Thị Xã trước khi vào nội ô Mỹ Tho?

Kết luận: Một bài báo không nhiều thông tin, chữ dùng lôm côm, câu nào cũng nổ ‘ì đùng’ như VC pháo kích chứng tỏ ông Ba Ke hai nút nầy đúng là dân tuyên huấn CS chuyên nghề khoác lác.

Thủ tướng CS Phạm Văn Ðồng của bọn chúng từng la làng chói lói là: “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Hành văn ẩu xị như ký giả CS nầy thì trong sáng cái giống gì hè?

ĐXT