Nhớ năm 1965, tui học lớp Đệ ngũ 5 trường Petrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn (học Petrus thời đó là ‘le’ lắm nhe!). Cô Phạm Thị Ngọc Dung, người quê Mỹ Tho, cho bài tập làm văn về nhà: ‘Hãy tả làng em’. Bài của tui, cô Ngọc Dung cho 10 điểm trên 20. Lý do tui không chịu tuân theo dàn bài hướng dẫn của cô. Nhưng ngạc nhiên thiếu điều té ghế khi cô bắt một thằng khác đọc bài của tui cho cả lớp nghe. Xong, cô nói sẽ đem bài nầy đi đăng báo.
Trong bài, địa danh ‘Mỷ Tho’ tui viết với dấu hỏi. Viết vậy là trật lỗi chánh tả, cô sửa lại là Mỹ Tho. Tui nhớ tới già. Nhớ vì hai lẽ: một cô Phạm Thị Ngọc Dung năm ấy mới ra trường còn trẻ. Trẻ nên rất đẹp. Hai là cô rất nữ tính dịu dàng nên học trò trai nó thương, nó nhớ dai vậy thôi! Tui cũng không là ngoại lệ.
Xuân Hồ, người đẹp gốc Mỹ Tho, út cưng của ông bà chủ hãng nước mắm đường đi Gò Công thuộc làng Tân Mỹ Chánh, hiện ở Little Saigon, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Cô nương đăng lên mạng một tấm hình trải dài hơn 50 năm. Tấm hình trước chợ Mỹ Tho đó gợi lại trong lòng tui biết bao nhiêu là kỷ niệm!
Từ mặt tiền nhà lồng chợ Mỹ Tho đi về phía đầu đường Nguyễn Huệ, (đầu đường là tính từ trung tâm tỉnh lỵ ra ngoài rìa ngoại ô) là Hí viện Vĩnh Lợi nằm trên đường Lý Công Uẩn.
Sỡ dĩ tui giữ nguyên tên ‘Hí viện Vĩnh Lợi’ của nó mà không dám tự tiện chuyển qua ‘Rạp Vĩnh Lợi”. Vì tui nghĩ làm vậy là vô phép, tui sợ Hí viện Vĩnh Lợi nó buồn. Nhưng ngoài bưng cẳng không lội vô, VC nó quốc hữu hóa nghĩa là cướp tài sản của dân. Chúng xóa luôn cái tên Hí viện Vĩnh Lợi. Làm khai sanh lại chúng đặt là ‘Rạp hát Tiền Giang’.
Lịch sử có chép lại biết bao hành động giết người, cướp của khi kẻ địch yếu thế. Như Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy quân Xiêm theo chưn Nguyễn Ánh vào cướp phá Mỹ Tho. VC cũng lập lại y chang hành động cướp bóc hãng xưởng, tiền bạc, vàng vòng của dân Miền Nam dưới cái tên là đánh tư sản mại bản và đổi tiền tới 3 lần sau tháng Tư năm 1975.
Năm 1956 khi thay tên đường tiếng Tây, mấy viên chức phụ trách ở Mỹ Tho lại rất ưu ái Nguyễn Ánh (cho dù ông đã dựa vào ngoại bang để giành lại ngai vàng). Ưu ái bằng cách đặt tên một con đường lớn dọc bờ sông Mỹ Tho từ Cầu Bắc cũ tới Vườn hoa Lạc Hồng là Đại lộ Gia Long. Tại sao vậy? Tui ngờ rằng mấy ông này xu nịnh Tổng thống Đệ nhứt Cộng hòa Ngô Đình Diệm để kiếm chút cháo bào ngư? Vì ông Ngô Đình Diệm từng làm Thượng thư Bộ Lại triều Bảo Đại, vị vua thứ 13, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, Gia Long.
Còn lại, mấy ông nầy cứ giở sách sử ký ra, chọn tên thật của mấy vị vua mà đặt. Không biết tên thật đành chịu phải đặt theo tước hiệu như Đại lộ Hùng Vương. Còn nếu biết, thì dùng tên thật như: Trưng Trắc (bỏ bớt người em gái tên Trưng Nhị) thay vì Hai Bà Trưng như ở Quận Nhứt Sài Gòn hoặc Trưng Nữ Vương ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng. Các vì vua khác thay vì lấy Ngô Vương thì lấy tên thật là Ngô Quyền. Lý Thái Tổ thì lấy tên thật là Lý Công Uẩn. Đinh Tiên Hoàng như Sài Gòn lại lấy tên thật là Đinh Bộ Lĩnh. Lê Thái Tổ thì lấy tên thật là Lê Lợi. Quang Trung thì lấy tên thật là Nguyễn Huệ. Hành động này, thời phong kiến, phải mang tội khi quân. Bị tru di tam tộc, chém đầu cả 3 họ. Không ai còn có chỗ để đội nón.
Trong hình phía bên tay trái có cái nhà lầu hai tầng là tiệm thuốc Bắc Thọ Nam Đường mặt tiền quay ra đường Võ Tánh. Thân phụ của cô Bảy Mỹ Tho, khuê danh Nguyễn Thị Mai Anh, là thầy Thưởng làm nghề Đông Y bốc thuốc cho tiệm Thọ Nam Đường ở Cửa Nam nhà lồng chợ Mỹ Tho. (Tưởng cũng cần nên nhắc khúc đường nầy Mỹ Tho có tới hai cái chợ: Chợ Mỹ Tho và Chợ Hàng Bông)
Chắc do thầy Thưởng làm nghề cứu nhân độ thế tích đức nên con gái của ông là cô Nguyễn Thị Mai Anh kết duyên với Trung uý Nguyễn Văn Thiệu. Trung úy Nguyễn Văn Thiệu sau lên Trung tướng Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia. Rồi sau đó, ông làm Tổng thống của Đệ nhị Cộng hoà tới ngày 21 tháng Tư năm 1975. Bà Nguyễn Thị Mai Anh đương nhiên là Đệ nhứt Phu Nhân.
Tui nhớ Mỹ Tho. Tui nhớ Má tui. Tui nhớ anh tui. Anh tui đã tử trận trên núi Ba Hồ Quảng Trị ngày 13 tháng 8 năm 1971. Má và anh tui còn nằm trên đất cúng, ở ngã ba Hòa Tịnh, Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Đất cúng là đất của mấy ông điền chủ cúng cho dân làng làm chòm mả. Chòm mả là nơi đất cao, để không bị ngập nước. Ông nhà thơ Kiên Giang gọi là đất nghĩa. Thế nên chửi mấy ông điền chủ Miền Tây ác độc theo kiểu đấu tố địa chủ ở ngoài Bắc là chửi tầm bậy.
Bà con mình ở Miền Tây nhìn dạng cái mả tròn hay dài có thể đoán được người chết quê Quảng Đông, Triều Châu hay Phúc Kiến. Mỹ Tho đại phố có nghĩa địa của cả ba sắc dân nầy. Người Tàu tảo mộ khác ngày với người Việt. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Thanh minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.
Vào những ngày giáp Tết, Chòm mả của bà con mình là nơi đất cao, để không bị ngập nước. Con cháu mang nhang, bánh trái, dao, xẻng, nếu mả đất. Mả xi măng thì mang vôi và chổi quét, đi tảo mộ.
“Tôi cũng có Mẹ già bên ấy. Mẹ tôi đã nằm dưới mộ sâu. Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ. Mẹ chắc nhớ con, nhớ để rầu. Hai lăm tháng chạp về tảo mộ. Hẹn lần, hẹn lữa, hẹn năm sau. Năm nào cũng vậy, tiền không có. Không tiền, không có vé máy bay! Ngày khánh tận mà tôi khánh kiệt. Chỉ biết tàng xe đến phi trường. Tôi nhớ Mẹ, rồi tôi cũng khóc”
Melbourne buồn, tôi lau lệ mình ên!
Má ơi chiều cuối năm nhớ Má. Ba mươi năm ly hương con không một lần về tảo mộ! Xin Má tha thứ cho con!
ĐXT