Ý, đất nước hình chiếc ủng co chưn đá đít Sicily, một hòn đảo xinh đẹp trong Ðịa Trung Hải. Từ năm 1282, Sicily có một tổ chức yêu nước mang tên ‘Morte Alla Francia, Italia Avanti’, nghĩa là: “đuổi quân Pháp ra khỏi Italy”. Cái tên dài thòng khó nhớ nên được viết tắt là: ‘Mafia’.
Nó cũng giống như, người Việt ở Miền Nam theo Cộng sản là Việt Cộng; Mỹ gọi tắt là ‘Vi Xi’.
Mafia và Vi Xi có nhiều điểm tương đồng. Mới đầu, Mafia tuyên truyền vì lợi ích của người nghèo chống lại sự áp bức của người Pháp. Còn ‘Vi Xi’ len lỏi vô hàng ngũ Việt Minh tuyên truyền (bố láo) vì độc lập cho nước Việt Nam chống lại sự cai trị của thực dân Pháp.
Sau nầy, Mafia hiện nguyên hình là một tổ tội phạm. Chúng chuyên đe dọa các cơ sở kinh doanh để thu tiền bảo kê. Chúng chuyên cho vay nặng lãi, khủng bố nếu con nợ không trả. Mafia buôn lậu, buôn ma túy, đánh bạc, mại dâm. Mà khét tiếng nhứt là dân Sicily định cư ở thành phố New York, Hoa Kỳ qua cuốn tiểu thuyết ‘The Godfather’ của Mario Puzo năm 1969. Dịch giả tài hoa của chúng ta Ngọc Thứ Lang dịch là “Bố Già”. Năm 1972, đạo diễn Francis Ford Coppola dựng phim cùng tên với các tài tử lừng danh: Marlon Brando, và Al Pacino…
Sau tháng Tư, năm 1975, đám ‘Vi Xi’ cướp chánh quyền, lập sân sau, cũng hành xử y chang như thế. Bọn đàn em của đảng là đại ca của xã hội đen, trùm băng đảng giang hồ Năm Cam, Sáu Quýt thầu hết cái vụ tứ đổ tường. Chịu hết xiết, bà con mình ùn ùn vượt biển.
Nhớ cách đây 30 năm, tui lơn tơn tới nhà con nhỏ em ở số 1 De Chene Parade, Coburg North, tá túc những ngày chân ướt chân ráo mới đặt chưn tới Úc. Coburg North cách thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Australia chừng 10 cây số. Nếu thằng Anh đặt tên thì tính từ chỉ hướng nằm phía trước như: East, West, North, South Melbourne (giống Ba Tàu). Nhưng Coburg North theo tên một thị trấn thuộc tiểu bang Bavaria bên Ðức thì từ chỉ hướng nằm phía sau (giống Việt Nam).
Ý dưới sự cai trị của tên độc tài phát xít Benito Mussolini (1883–1945) thua trận. Dân Ý bỏ nước qua Mỹ, qua Úc nhiều lắm. Vùng ngoại ô tên Ðức nhưng cư dân, đứa nào tên Tony, Anthony, cứ ‘I’ ngắn hoặc ‘Y’ dài đa phần dân gốc Ý, từ Sicily.
Tony tui quen, tía của ổng là dân Sicily đâm thuê chém mướn thứ thiệt. Tía là Mafia nhưng Tony hiền như cục đất (sét)!
Chuyện vầy nè: “Mới qua, tiếng Anh tui ẹ lắm. Mà tiếng Anh giọng Úc lại càng thấy ghê hơn. Nghe điếc; nói cà lăm. Chánh phủ Úc bao ăn ở; ngoài ra còn cho 510 giờ đi học tiếng Anh để chuẩn bị làm ‘cu li’ cho Úc. Sáng sáng băng qua công viên Coburg phía sau nhà, mùa Thu lá phong đỏ rơi đầy trên lối, tui co ro ra trạm cuối, đón xe tram Sydney Road, quay ngược ra ‘city’. Lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Tuần học 20 tiếng. Còn biết bao nhiêu thời giờ rảnh. Ở không, tui chỉ biết trước sân anh thơ thẩn / đăm đăm trông nhạn về / mây chiều còn phiêu bạt; lang thang trên đồi quê. Tui nhớ con vợ tui. Tui nhớ hai thằng cu, con tui, vẫn còn kẹt bên kia trời lận đận. Ðang lúc buồn ráo riết, buồn tha thiết, buồn hết biết không biết làm gì để khuây khỏa nỗi xa quê thì Tony xuất hiện. Tony Úc gốc Sicily bên Ý là chủ nhà cho em tui mướn. Tony lùn tịt, già háp, chỉ thua Tía tui năm, ba tuổi. Chiều thứ Bảy, thấy y từ phía rẫy sau nhà ôm vô mớ rau đặt trước cửa sau. Tui tưởng nó tốt chớ. Ai dè không phải. Em gái tui nói: bên nầy mình mướn nhà là kể luôn đất vườn, đất rẫy. Rau, trái mình được quyền ăn chớ không phải nó. Mình cho nó trồng rau đem về nhà là mình tốt. Nó để cho mình một mớ là công bằng. Kẻ có công; người có của đấy thôi.

Bảo Huân
Thấy tui ngồi trước cửa nhìn mùa Thu lá bay mặt rầu như ai ăn hết của, Tony hỏi: “You mới qua hả?” Tui trả lời lễ phép theo truyền thống của ông bà mình dạy bảo: ‘Yes sir!’ Tony có vẻ khoái tui.
Nó nói ở với em ‘you’ trước sau gì cũng gây lộn nên tốt hơn tìm đường dông trước để giữ tình cảm tốt đẹp anh em hồi chung nhà ba má. Nếu ‘you’ chịu ký ‘contract’ mướn nhà của ‘me’ 10 năm, ‘me’ sẽ cất một căn nữa cho ‘you’ mướn.
Patty, cô giáo kêu tui học tiếng Anh phải có người để mình tập nghe, tập nói mới được. Hay em Patty muốn hò hẹn với chàng? Tui mơ chăng? Tui sợ tui ngã lòng trước vẻ thiên kiều bá mị của em Tàu lai Mã; rồi phụ nghĩa tào khang với con vợ bên nhà; nên tui đành nuốt nước miếng nghe cái ực, chọn Tony làm người thay thế. Tui ầu ơ ví dầu! Dẫu tui không cắn câu, nhưng chiều thứ Bảy ra rẫy hái mớ rau về cho con vợ nó lùn xịt, mập lù như cái lu, Tony thường rủ tui về nhà nó cách 3 phút xe để uống beer chơi. Nhà sàn của Tony tường gạch giả, nằm trên sườn đồi thoai thoải. Tony chui dưới sàn lấy ra hai chia ‘beer’ nút khoén sét hết trơn. Tony nói: ‘me’ uống xưa giờ có chết thằng Ý nào đâu?
Rượu vô lời ra, Tony kể chuyện mấy chục năm về trước, hồi mới qua, tụ bè tụ đảng mùa Ðông đi chơi núi Tuyết. Ðến nơi mướn phòng qua đêm, mỗi thằng quất cạn mỗi đứa một chai Jack Daniels 1 lít cho ấm. Ðứa leo lên giường nằm thẳng cẳng. Còn ‘me’ dẫu xỉn quắc cần câu, lại xách cần câu đi câu cá! Ði một đỗi, khoan một lỗ trên mặt băng, ‘me’ nghe từ trên cao: “Không có cá ở dưới đó đâu!”. ‘Me’ đi thêm vài thước nữa và khoan một lỗ khác, ‘me’ lại nghe: “Không có cá ở dưới đó đâu!” Nghe vậy, ‘me’ đi xa khoảng 20 thước nữa và khoan một lỗ khác. Một lần nữa, giọng nói lại vang lên: “Không có cá ở dưới đó đâu!”
Vốn gốc Ý, nơi có Tòa Thánh Vatican; nên ‘me’ là con chiên ngoan đạo, ‘me’ hoảng hốt nhìn lên trời: “Oh My God!” Có phải là ‘Người’ đó hay không?”
“Không! Ðồ ngốc!” “Tao là thằng quản lý sân trượt băng đây!”
Tui nhớ Tony!
ĐXT