Bãi đậu xe khu công nghiệp Waterglade ở Grays phía Ðông thủ đô London nước Anh, lúc 1giờ 40 phút sáng, ngày 23, tháng Mười, năm 2019, các nhân viên cấp cứu đã tìm thấy thi thể của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ trong một ‘container’ dùng để chở hàng đông lạnh.

Khi mở cửa ‘container’, nhiệt độ xuống đến trừ 25 độ C, nhân viên cấp cứu thấy ‘hàng chục xác người nằm chồng chất lên nhau’. Những người bị nhốt trong container, có thể đã đập tay dữ dội vào cánh cửa muốn được thoát ra đã để lại những dấu tay đẫm máu.

Thi thể 39 người xấu số nầy được chuyển tới Broomfield Hospital ở Chelmsford để khám nghiệm hậu tử, xác định nhân thân và tìm ra nguyên nhân chết trong cái thảm kịch đã làm cả thế giới rúng động suốt cả tuần nay. Cảnh sát Anh cho biết tiến trình này phải mất khá nhiều thời gian nhưng rất quan trọng, nhằm bảo vệ danh dự của các nạn nhân và tôn trọng nỗi buồn đau của thân nhân những người đã khuất.

o O o

Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao nước Anh lại là miền đất hứa của những mảnh đời phiêu bạt?” Dân Anh (cũng như dân Úc) không có căn cước, chỉ cần có bằng lái xe xài trong nước; ra nước ngoài mới cần đến sổ thông hành! Và luật pháp nước Anh không buộc người dân phải mang bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi ra đường; nên sống bất hợp pháp cũng không phập phồng lo lắng như những nước khác thuộc khối Liên Âu.

Thường thường thì người tị nạn, người nhập cư, từ khắp nơi trên thế giới bằng nhiều cách khác nhau, đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais, nước Pháp, đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Nơi đó, họ sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Ðêm xuống, từng tốp người lẻn vào, tìm các chuyến xe công (container) sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào những thùng công bằng sắt. Nếu có tiền trả cho tài xế và may mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân nào đó cho hành khách xuống.

Mỗi ngày có hàng trăm ngàn ‘container’ như vậy. Nước Anh không thể đủ nguồn lực để kiểm tra tất cả, cho dù có dùng công nghệ tiên tiến để phát hiện khí CO2 do con người thở ra, hay dùng cảnh khuyển để đánh hơi người v.v.

Một buổi cầu nguyện diễn ra bên ngoài Văn phòng tại nhà ở Westminster, London, cho 39 người được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải ở Essex. (PA) 

o O o

Khi mở chiếc quan tài di động kia ra, Cảnh sát và giới truyền thông Anh quốc căn cứ vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân (không có một mẫu giấy tùy thân) là người Trung Quốc! Bởi vì hình ảnh kinh hoàng đó gợi người ta nhớ tới thảm kịch tương tự đã xảy ra vào ngày 18, tháng Sáu, năm 2000 tại hải cảng Dover với 54 người đàn ông và 4 phụ nữ Tàu bị chết ngạt.

Việc xác định nhân thân của 39 người xấu số lần này vẫn phải chờ Cảnh sát nước Anh chánh thức công bố. Tuy nhiên một số làng quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang chìm trong tang tóc! Những bàn thờ vọng; những chân dung của người trẻ tuổi có đính ngang một dải băng tang; những buổi cầu nguyện trong giáo đường vì có nghi vấn rằng trong số 39 người đã chết đó có rất nhiều người Việt Nam.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Nỗi đau thương ngập tràn; nước mắt ràn rụa trên những khuôn mặt héo khô trong phập phồng lo lắng đợi hung tin. Vậy mà nỡ lòng nào, trên những tờ báo quốc doanh trong nước lại đăng những lời phê phán rất tàn nhẫn như: “Ở Việt Nam thiếu gì cơ hội học tập và làm việc để kiếm sống thì việc gì phải khổ cực và chui lủi vậy?” Nào là: “Cơm áo gạo tiền mà phải đánh đổi cả mạng sống như vậy có đáng không?” Rồi có người nói: “Ðau xót quá! Mong có sự nhầm lẫn nào, hy vọng không phải người Việt?” (Người nước nào cũng là con người, cũng là nạn nhân; mà đã là nạn nhân thì không có lỗi, ai cũng đáng thương xót như nhau cả mà thôi!)

Có người còn nhẫn tâm hơn, phê phán rằng: “Ði bất hợp pháp, trả giá bằng tính mạng, rồi làm ảnh hưởng tới uy tín của người Việt.” (Trời ạ! Uy tín của người Việt nào ở đây?)

o O o

Theo ông Gareth Ward, Ðại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cho biết  người Việt là nạn nhân của tội ác mua bán người (human trafficking) và nô lệ hiện đại (modern slavery) cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania:

“Những người nước khác do bị dụ dỗ, chèn ép, áp bức để tới nước Anh làm nô lệ thì người Việt Nam lại tự nguyện ra đi bất hợp pháp; giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm quốc tế với giấc mơ về một miền đất hứa, kỳ vọng về cơ hội đổi đời về kinh tế cho bản thân và gia đình mình!”

Ðã làm tới chức Ðại sứ một nước lớn, dĩ nhiên ông biết nhiều hơn thiên hạ. Lý giải của ông cũng đúng chớ hổng phải sai, nhưng chỉ đúng có phân nửa. Tuy nhiên nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, chứ phân nửa sự thực còn hơn là dóc tổ vì định hướng sai công luận.

Xem thêm:   Kế Sách

Hành trình ác mộng từ Việt Nam qua Trung Quốc, rồi cả hằng tháng trời lang thang trong cái lạnh giá ở Nga, Ba Lan, Ðức, Pháp và cuối cùng là trốn trong thùng xe tải vượt biên giới từ Pháp sang Anh để rồi chết vì quá lạnh, vì thiếu không khí trong thùng xe – những người bỏ nước ra đi này có biết không?

Dĩ nhiên là biết, và biết rõ hơn các chánh trị gia phương Tây nhiều, vì họ là người trong cuộc. Nhưng tại sao họ lại chọn cách ra đi? Trong chín tầng địa ngục, nếu ông Ðại sứ đang ở tầng cuối, có cơ hội đi đến một tầng địa ngục khác đỡ khổ hơn thì ông Ðại sứ có đi không?

Họ ra đi vì không còn mảy may sót lại chút lòng tin nào về chế độ đang cầm quyền. Họ ra đi vì tuyệt vọng ở tương lai! Xin đừng lập lờ đánh lận con đen giữa chế độ và đất nước. Cứ ra rả là: “Ðừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước?” Câu hỏi nầy nên dành cho giới cầm quyền đang cai trị dân ta mới phải.

o O o

Khuya đêm thứ Ba, ngày 23, tháng Mười, năm 2019 định mệnh đó, có một người còn rất trẻ, mới 26 tuổi, tên Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, gởi những lời trăng trối bi thương trong giờ phút cuối cùng là: “Con xin lỗi Bố Mẹ nhiều Mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài đã không thành. Con thương Bố Mẹ nhiều. Con chết vì không thở được!”

Lời trăng trối bi thương của một người con gái Việt Nam, một trong những mảnh đời phiêu bạt, làm rúng động thế giới, mà có người cứ hỏi những cái chết tức tưởi nầy là do lỗi tại ai? Tại nhà cầm quyền CS chớ còn tại ai vô đây nữa?

Tin trên trang nhất báo The Times

DXT

Melbourne