Trước 1975, dành cho con nít có tuần báo Tuổi Hoa, của mấy ông Cha, ở đường Kỳ Ðồng, quận Ba. Nhiều nhà văn cộng tác quá, tui chỉ nhớ tên Hương Kim Long. Chắc người đẹp nầy tên Hương, dân Huế gốc Kim Long. Vì Huế có câu. “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trầm đi!”.

Có giai thoại rằng (vua phải nói ‘vi hành’; không được nói ‘vua đi’) vua Thành Thái chơi đất Kim Long. May gặp Nguyễn Hữu Thị Nga, mới 15 tuổi, nhưng đẹp não nùng, bèn rước về cung làm vợ.

Sau khi CSBV chiếm được Miền Nam, tui có thằng bạn dạy học, quê vợ xã Phước Tỉnh, Phước Tuy vượt biên bị bắt nên bị đuổi. Mất dạy, nhớ học trò, nó bèn đi bán bong bóng trước cổng trường. Nó dạy tui điều này để kiếm kế sanh nhai trong thời CS: “Tao thấy bán kẹo kéo, bán cà rem, bán đồ chơi dụ con nít là dễ nhứt. Con nít không tiền không mua; có tiền là mua; không mua chịu. Mua nhưng không bao giờ kỳ kèo bớt 1 thêm 2 như con vợ tao đi chợ!”

Thằng bạn tui tưởng một mình nó khôn trật búa “Eureka” (tao đã tìm ra) cách dụ khị con nít. Chớ trước nó rất lâu, chí lớn gặp chí mén: ông Nguyễn Vỹ ra tuần báo Thiếu Nhi bán cho con nít đọc. Thiên hạ nói ông Nguyễn Vỹ khá lắm. Hồi làm báo ở Hà Nội, có mượn của ông Nhất Linh 5 đồng bạc, giờ tiền bạc rủng rỉnh, ông Nguyễn Vỹ còn nhớ trả lại đó; dù ông Nhất Linh quên đòi. Còn ông Duyên Anh ra tuần báo Tuổi Ngọc le lói chạy xe ‘Renault Dauphine’.

Nguyễn Vỹ    

Làm công cho Duyên Anh có Ðinh Tiến Luyện chuyên vẽ bìa: hình con gái, ốm nhom, ốm nhách không phải do ‘diet’; vì miệng mắc ngậm một cọng bông hồng gai không; làm sao nhai? Từ Kế Tường làm thơ, viết truyện. Cả bọn đều nhắm vào túi tiền của bọn con nít ‘ke’.

Xem thêm:   Rạp Định Tường

Ông Nguyễn Vỹ mất trong vụ xe lô Minh Chánh chạy Mỹ Tho Sài Gòn gặp nạn gần cầu Tân An năm 1971.

Sau 1975, ông Duyên Anh cùng với Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nhã Ca…bị đại úy CA Cộng Sản Huỳnh Bá Thành dựng chuyện ‘biệt kích cầm bút’ để bắt nhốt trong vụ án Hồ Con Rùa.

Duyên Anh

Bí danh Ba Trung, Huỳnh Bá Thành là họa sĩ Ớt chuyên vẽ tranh biếm (political cartoons) cho báo Tin Sáng, báo Ðiện Tín. Gọi xách mé Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là Tông tông, là Sáu Thẹo; nhưng đâu có ai bắt bớ gì ‘Cu Ớt’ đâu? Trong khi Nhã Ca viết ‘Giải khăn sô cho Huế’ là chuyện thiệt thì bắt nhốt người ta. Về báo chí, chế độ tự do và độc tài khác nhau ở chỗ đó đa.

Nghe nói ông Ðinh Tiến Luyện vì đóng lon thiếu uý, nên bị CS bắt tù cải tạo. Riêng Từ Kế Tường, (sanh năm 1946, tuổi con chó, nhưng bất trung) phẻ re như con bò không phải kéo xe, về làm đệ tử, điếu đóm cho Huỳnh Bá Thành ở báo Công An.

Còn anh bạn văn nghệ của tui sanh năm 1947, tên Nguyễn Ðinh Hợi. Hồi tốt nghiệp khóa 4/72 SQTBTÐ, ảnh được biệt phái qua Cảnh sát, mang lon thiếu úy làm trưởng cuộc ở xã. Tụi tui chọc quê gọi ảnh là hương quản Hèo (Heo huyền).

Bìa Báo Tuổi Ngọc

Mới đây, hương quản Hèo chép bài “Tình làng nghĩa xóm’ của Từ Kế Tường gởi cho tui coi. “…Ðò máy chạy trên sông ghé qua những bến bãi đưa rước khách, gợi nhớ trong ký ức xa xôi những chuyến đi của đứa trẻ 9-10 tuổi một mình trên chiếc đò máy ngược sông Bến Bạ lên Mỹ Tho rồi từ Mỹ Tho đi bộ tới ga xe lửa mua vé lên Sài Gòn là một phần đời vui buồn lẫn lộn và không thể nào quên…”.

Xem thêm:   Bút hiệu Sơn Nam?

Tui hỏi Bến Bạ ở đâu? Hương quản Hèo trả lời: “Hồi 1973, đi chiến dịch Hiệp định Paris ở quận Bình Ðại, tỉnh Kiến Hòa, tui được về xã Tân Phú Trung. Muốn về Mỹ Tho, không có đường bộ an ninh, phải ngồi xe lôi lên phía trên bến xã Lộc Thuận, đò từ Bình Ðại lên mới ghé vô đón khách. Ngồi trên mui, gió sông mát rượi; đò qua rừng Bộ Khuyết, ổ Việt Cộng, lơ kêu xuống khoang. Ngồi trên mui sợ du kích từ giáp rừng dừa bắn ẩu xuống chết dân.

Hương quản Hèo nói: “Từ Kế Tường sanh ở Phú Vang, tên xã thời CS. Viết vậy là trật. Viết thời nào phải xài địa danh thời nấy. Hồi trước, nó thuộc xã Lộc Thuận nằm dọc theo sông Mỹ Tho, chắc Bến Bạ ở cái xã đó”.

Huỳnh Bá Thành

Tui nói: “Một đứa nhỏ 9, 10 tuổi, tối ngủ còn đái dầm, mà một mình đón đò từ Bến Bạ lên Bến đò Bình Ðại Mỹ Tho; rồi còn đi bộ qua sông (Vườn Hoa Lạc Hồng) mua vé xe lửa đi Sài Gòn? Tui e ông nội nầy đặt dóc quá (khứ). 9, 10 tuổi tui khờ căm hè. Xa chưn Má, đi một mình xa cả trăm cây số, tui sợ xe bắt chó bắt lắm!”

Rồi “Người quê sống rất tình nghĩa, đúng với nghĩa ‘tối lửa tắt đèn có nhau’…Lúc dựng nhà không cần nhờ vả, hàng xóm lân cận tới phụ dựng lên rồi lợp mái, dừng vách. Chỉ một bữa cơm đơn sơ gia chủ mời, hoặc một bình trà đưa chuyện, thế là xong.”

Xem thêm:   Melbourne Cup!

Theo tui, thành ngữ ‘Tối lửa tắt đèn có nhau; ông Từ Kế Tường dùng ở đây cũng không đúng. Hồi xưa, ở quê, nhà nào cũng có con cúi để giữ lửa, Lỡ tối lửa (lửa con cúi tắt queo) thì phải đi xin lửa nhà hàng xóm. Nghĩa bóng là ngặt lắm phải nhờ vả lối xóm.

Từ Kế Tường

Còn lợp nhà là chuyện khác. Mái nhà lá dẫu có lợp kỹ nhưng cùng lắm ba mùa mưa mục dột là phải thay. Bà con xúm lại lợp nhà vần công. Nó giống như cấy, gặt, đập lúa đổi công của ông bà mình.

Rồi ông Từ Kế Tường viết “Cảnh hàng xóm xúm xít lợp mái nhà?! Viết xúm xít là dùng chữ trật lất. ‘Xúm xít’ là bu lại làm một chuyện một. ‘Xúm xít’ gói bánh ít. Tui từng kêu ‘con ghệ’: “Xít lại chút coi!” (Là xít lại để tui coi!). Còn kẻ trên lợp, người dưới đưa lá công việc khác nhau. Phải dùng chữ “tụ lại” mới đúng. Dùng chữ ‘bu lại’ cũng sai. ‘Bu lại’ là vì tò mò muốn coi một cái gì đó đang xảy ra.

Chữ của ông bà để lại, phải xài cẩn thận! Hương quản Hèo nói mà không nghe thì coi chừng cây hèo của ổng!

ĐXT