Là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Đan Mạch, Hans Christian Andersen sinh ngày 2 tháng 4 năm 1805 tại Odense, Đan Mạch. Cha ông là thợ làm giày và mẹ ông là người giặt đồ. Cả hai đều kiếm được rất ít tiền nên gia đình gặp khó khăn về tài chính. Cuộc sống đầu đời của Andersen đầy khốn khó nên giáo dục của ông cũng bị hạn chế.
Năm 1819, khi 14 tuổi, Andersen chuyển đến Copenhagen với khát vọng trở thành một diễn viên. Dù gặp khó khăn trong lĩnh vực này, ông bắt đầu được chú ý như một nhà văn. Đến năm 1835, ông xuất bản tập truyện cổ tích đầu tiên, và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Hans Christian Andersen tiếng tăm nổi như cồn: là một người kể chuyện cổ tích tài ba. Những câu chuyện cổ tích của ông thường phản ảnh những khó khăn qua kinh nghiệm cá nhân, kết hợp các yếu tố kỳ diệu với các chủ đề đạo đức tạo nên cảm xúc sâu sắc cho người đọc. Thành công đã giúp Andersen vượt qua những khó khăn về tài chính và sự cô đơn của cá nhân mình. Ông tiếp tục viết và xuất bản truyện cho đến khi qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 1875 tại Copenhagen.
Ngày nay, Andersen được vinh danh là một trong những nhà văn kể chuyện cổ tích vĩ đại nhất, và các tác phẩm của ông vẫn được độc giả ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới cực kỳ yêu thích.
Các tác phẩm nổi bật của ông bao gồm “Nàng tiên cá” (The Little Mermaid), “Hoàng tử ếch” (The Frog Prince), “Bà chúa tuyết” (The Snow Queen), và “Cô bé bán diêm” (The Little Match Girl). Những câu chuyện này thường mang thông điệp về lòng dũng cảm, tình yêu và sự nhân ái.
Cô bé bán diêm (The Little Match Girl) của Hans Christian Andersen xuất bản lần đầu năm 1845. Câu chuyện về niềm hy vọng và ước mơ đã chết của em bé bán diêm trong đêm Giáng Sinh, Thiên Chúa sắp chào đời.
“Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở.
Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa, con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.
Bé bật một que diêm nữa và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, “Ai đó đang từ giã cõi đời…”, em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này.
Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. “Bà ơi!” em khóc nấc lên, “Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ.”
Em vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm em trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau.
Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé đáng thương đang ngồi tựa vào tường, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi. Em đã chết cóng, tay vẫn nắm chặt những que diêm, một nhúm đã cháy tàn…”
Truyện “Cô bé bán diêm” kể về một cô bé mồ côi mẹ, sống với một ông bố khắc nghiệt và phải đi bán diêm để kiếm sống. Vào ngày cuối năm, đã nửa đêm em vẫn không bán được que diêm nào và không dám về nhà. Vì quá lạnh, em đã đốt những que diêm của mình lên để sưởi ấm, mỗi một que đốt lên là một ước mơ của em hiện ra và khi que cuối cùng cháy hết là lúc em lìa đời.
Mùa đông ở thủ đô của Đan Mạch, Copenhagen, thường bắt đầu vào ngày 21 tháng 12 và kết thúc vào ngày 20 tháng 3. Hàng năm, khi những ngón tay giá lạnh của mùa đông về, chạm vào thân thể những người vô gia cư, những mảnh đời càng bất hạnh hơn trong nỗi cơ hàn. Cơ là đói. Hàn là lạnh, rét. Cơ hàn là đói lạnh. Khi bao tử rỗng không, cái lạnh càng thêm khắc nghiệt!
Trong khi đó, Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, Úc Châu nằm ở Nam bán cầu cũng có 4 mùa, ngược với các mùa ở Bắc bán cầu. Mùa xuân (Spring): Melbourne từ tháng 9 đến tháng 11 cây lá đâm chồi nảy lộc lại về. Hàng cây bạch đàn mới hôm qua còn trụi lá mà hôm nay đã bắt đầu những nụ lá xanh non. Còn mùa đông ở thủ đô của Đan Mạch, Copenhagen thì ở Melbourne là mùa hè rực nắng. Cho dù thời tiết có đối chọi với nhau nhưng khi mùa Giang Sinh về: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời”, chúng ta lại nghĩ tới những người cùng khổ.
Triết gia Karl Marx từng phê phán con người trong chủ nghĩa tư bản: “Only the animal turns away from the pain of its fellow to lick its own fur.” (Chỉ có loài súc vật mới quay đi trước nỗi đau của đồng loại để liếm láp bộ lông của mình). Nhưng con người trong chủ nghĩa cộng sản còn tệ hại gấp trăm lần. Chúng ích kỷ và thiếu lòng nhân ái, chỉ quan tâm đến bản thân mình.
Chính lòng tham đã giết con người nghĩa nhân. Nhưng đọc “Cô bé bán diêm”, chúng ta cảm thương tình cảnh tội nghiệp của cô bé và ý nghĩa về hy vọng và sự hy sinh trong cuộc sống khó khăn. Chúng ta không tuyệt vọng trước cuộc đời, vì vẫn còn biết bao nhiêu con người nhân nghĩa.
ĐXT