Đại dịch COVID-19 từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bên Tàu tràn lan, làm người dân toàn thế giới phải lao đao. Thành phố bị phong tỏa, người dân bị cô lập, không mần hoặc ăn (chơi) gì được hết ráo.

Không đươc phép đi làm để kiếm tiền. Cứ bị nhốt ở nhà với vợ, với con. Con thì khóc nhè. Vợ thì càm ràm, cằn nhằn. Ngày này qua ngày khác, ánh sáng không thấy le lói cuối đường hầm. Càng lúc càng tuyệt vọng, làm mình muốn nổi điên lên.

Biết đem cái ấm ức, cái bực tức này trút về đâu? Trút vô lỗ tai của con vợ, đố cha mấy thằng Úc nó dám. Chỉ còn một cách là đem cái hầm hè nầy trút vào lỗ tai các chánh trị gia. Tại mấy cha mới ra nông nổi này!

o O o

Theo luật lệ của chánh phủ Liên bang đặt ra là: Từ hải ngoại trở về, ai cũng phải cách ly tại khách sạn do chánh phủ chỉ định suốt 14 ngày. Công du Hoa Kỳ trở về, Thủ tướng Scott Morrison không bị buộc phải cách ly tại khách sạn mà được ở nhà với “bà xã”, em yêu. Mặc dù đang bị cách ly không được phép nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison đã tổ chức một cuộc họp báo tại Dinh Thủ tướng The Lodge. Người dân Úc không ai càm ràm gì ráo; vì cho rằng thôi kệ cho ổng xé rào để phục vụ cho nước, cho dân.

Tuy nhiên khi thời gian cách ly vẫn chưa hết, Morrison đã đăng một bức ảnh mình đang nướng đùi gà. Ăn nhậu với bạn bè trên trang mạng xã hội Instagram. Với lời chú thích: “Ngày 13 của tiến trình kiểm dịch gần như đã hoàn thành… Ðêm tối thứ Bảy gà, cà tím, và rau”.

Thịt nướng và rau rác làm mồi! Bù khú hết chai này; vặn nút chai kia. Vui hết biết! Nhậu “chui” với bạn bè, lúc bị cách ly, mà còn đem khoe rùm. Ỷ làm Thủ tướng rồi coi trời bằng vung; ngồi xổm trên luật pháp?

Dư luận dân Úc phân hai. Một nịnh Scott Morrison: “Giỏi lắm! Ngon lắm! Tuyệt vời! Cứ thế nhé!”. Nhưng người khác bực bội đem Thủ tướng Scott Morrison ra làm bao cát. Bài đăng của ông ta không được người dân Úc “hồ hởi phấn khởi” đón nhận gì hết ráo! Họ quạu quọ nói rằng: “Scott Morrison “out of touch” (xa rời quần chúng). Hiện tại, NSW, Victoria và ACT vẫn còn bị phong tỏa. Người Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài khó được trở về nhà. Nếu được trở về, là phải trải qua 14 ngày kiểm dịch trong một cơ sở do chánh quyền quản lý rất chặt chẽ. Thậm chí không thể mở cửa sổ. Tự mình nấu một bữa ăn còn chưa được nói chi đến việc tụ tập để ăn nhậu”.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Một người khác cho biết, bài đăng là một “giai điệu dành cho người điếc” vì không người Úc nào muốn coi, muốn nghe hết ráo trong thời ôn dịch này!

Scott Morison muốn quảng cáo? Dẫu làm Thủ tướng nhưng không sống xa hoa. Cũng ăn nhậu bình thường như thiên hạ. (Scott Morrison bắt chước Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng mang tạp dề rửa chén cho vợ đó mà).

Ai dè bị chúng chửi. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật mà chơi tiêu chuẩn kép. Một cho quan và một dành cho dân ngu khu đen. Chơi kiểu: “Hãy làm những điều tôi nói. Ðừng nói những điều tôi làm”. Chơi như vậy kỳ lắm nhe mấy cha. Nước Úc dân chủ chớ đâu phải là nước độc tài cộng sản!

o O o

Hịch hạc miền Tây, tánh của dân mình, nên tui coi hành động cuối tuần tụ bè, tụ đảng ăn nhậu tưng bừng của ông Thủ tướng trong lúc bị cách ly, dẫu làm dân Úc hầm hè, nó là chuyện nhỏ như con thỏ. Nó là cơn bão trong tách trà.

Vì tui đã biết cái chuyện này nó xảy ra hà rầm trước khi tui đào thoát khỏi chế độ độc tài CS. Tui thừa biết: Tiếng dân kêu khóc mà có lọt tới tai quan thì cũng như đàn khảy tai trâu. Các lãnh đạo  trong chế độ độc tài CS, họ chỉ nghe cái họ muốn nghe. Biết cách lãng tai bất cứ lúc nào họ muốn.

Còn cái chuyện làm bậy, bị bắt gặp quả tang, phải đỏ mặt tía tai, tự mình ên xấu hổ là không có đâu. Vì bà con mình ai cũng biết: da mặt của họ dày cui như miếng da trâu. Nên tui nghĩ chánh trị gia xứ Úc nầy, nó cũng “sêm sêm”. Nhưng lần này, trước cái thái độ quan liêu của quan chức cầm quyền tại tiểu bang Queensland làm tui quạu thiệt nhe!

Xem thêm:   Kế Sách

Chẳng qua chuyện vầy: Cháu Lenny, 6 tuổi, cần phải mổ não nên cha cháu là ông Fabio không còn lựa chọn nào khác là phải đưa con mình ra nước ngoài, đến Mỹ. Cho dù biết trước những khó khăn, ông có thể gặp phải khi đưa con mình từ nước Mỹ trở về nhà. Ông Fabio Silveira đã chuẩn bị và thông báo cho chánh phủ Queensland về tình hình của con mình từ nhiều tháng trước. Nhưng hành trình của hai cha con trở về nhà ở Bokarina, vùng Sunshine Coast, tiểu bang Queensland như ông tiên liệu đã không dễ dàng một chút nào!

Vì chuyến bay ngày trở lại Úc ga cuối là ở Sydney, nên họ bị buộc phải cách ly trong một khách sạn ở Sydney hơn một tuần. Sau ba lần nộp đơn xin đặc cách để được cách ly tại nhà, đều bị chính quyền tiểu bang Queensland từ chối.

“Tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và hậu quả của bất kỳ sự miễn trừ nào, nhưng chúng ta đang nói về một cháu bé 6 tuổi cần một chương trình trị liệu phục hồi cực kỳ chuyên sâu 20 ngày sau khi phẫu thuật”, ông Silveira nói với chương trình Today của Ðài Truyền hình số 9.

Sau khi mời Lenny và ông Silveira làm khách mời trên Today, người dẫn chương trình Karl Stefanovic đã gọi cách giải quyết của chánh phủ Queensland là đáng “ghê tởm”.

Karl Stefanovic đặt câu hỏi, quốc gia kiểu nào lại làm như vậy với một cháu bé đang bị bịnh nặng mới mổ não từ hải ngoại trở về?

Stefanovic nói: “Hãy xem đứa trẻ bị bại não này, đang bị cách ly trong khách sạn. Thật đáng kinh tởm; nếu chúng ta không miễn trừ cho những trường hợp đặc biệt như vậy. Tôi không biết điều gì đã và đang xảy ra với đất nước này. Chánh phủ Queensland cần xem xét vấn đề này và sửa chữa nó ngay lập tức”.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Sau khi xem câu chuyện của Lenny trên chương trình Today, Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt đã thúc giục chánh phủ Queensland cho phép cháu Lenny được trở lại tiểu bang. Cuối cùng trước sức ép dữ dội của dư luận từ tâm, chánh phủ Queensland phải nhượng bộ bằng cách chấp thuận cho Lenny Silveira được đoàn tụ với mẹ ở nhà. Bạn không thể lau sạch nụ cười trên khuôn mặt Lenny khi cháu nhìn thấy mẹ và anh chị em của mình tại phi trường, ngày gặp lại.

Bảo Huân

o O o

Nhưng câu hỏi hiện đang được dân Úc đặt ra là: “Tại sao lại phải xuất hiện trên chương trình Today của Ðài Truyền hình số 9 thì mới được những quan chức cho phép Lenny và Fabio trở lại Queensland?”, “Giám đốc Y tế của Tiểu bang Queensland đã biết từ tháng 7 thì không nên để chuyện đó được lên truyền hình rồi mới đưa ra quyết định”.

Câu trả lời có lẽ là do hành xử quan liêu, máy móc.

Dửng dưng trước cái khổ đau của người khác. Sợ trách nhiệm. Sợ mất cái “job” rất thơm. Lương Giám đốc Y tế của tiểu bang Queensland tới 622,000 đô một năm, nhiều hơn cả lương Thủ hiến. Tất cả những thứ đó hình thành cái thói ích kỷ của kẻ có chức, có quyền.

Dân Úc gọi những công chức cấp cao trong guồng máy điều hành của chánh phủ Úc là những con “Mèo mập”. Chúng chỉ biết ăn no rồi ngủ. Chúng lười biếng, không muốn động móng tay, làm bất cứ chuyện gì mà không có lợi cho mình.

Tiểu bang Queensland tự hào khoe mình là “Sunshine state” (tiểu bang đầy nắng ấm). Nhưng trong trường hợp nầy, chúng ta lại gặp tình người đối xử với nhau lạnh như nước đá.

May phước là ở nước Úc, chúng ta còn giữ được quyền Tự do ngôn luận, giữ được quyền Tự do báo chí, truyền thông. Nếu không có những quyền này, chúng ta, những người dân ngu khu đen cũng phải sống thống khổ, không ai “ke” (care). Sống trong sự dửng dưng của nhà cầm quyền phi nhân, như chế độc tài CS mà chúng ta đã liều chết trốn ra đi.

ĐXT