So với nước có tới 4,000 năm văn hiến như nước Việt Nam ta thì nước Úc mới tới tuổi dậy thì! Vì Liên bang Úc mới thành lập năm 1901, cách đây chỉ hơn một thế kỷ và 18 năm hè, nên tràn đầy sức sống.

Lập nước thì phải có quốc kỳ, quốc ca và quốc huy cho giống với người ta.

Nên Úc chọn hình Kangaroo và Ðà điểu trên nền hoa ‘wattle’ làm quốc huy.

Trên quốc huy, còn có huy hiệu của 6 Tiểu bang là: New South Wales (thủ phủ Sydney), Victoria (thủ phủ Melbourne), Queensland (thủ phủ Brisbane), Western Australia (thủ phủ Perth), South Australia (thủ phủ Adelaide) và Tasmania (thủ phủ Hobart).

(Hai Vùng lãnh thổ tự trị là thủ đô Canberra và Northern Territory (thủ phủ là Darwin), mới thành lập sau nầy nên không có trong quốc huy nước Úc.)

Kangaroo mặt giống như con chuột, mang con trong túi trước ngực nên bà con mình mới gọi là chuột túi.

(Mấy tay Úc mới làm Tía cũng phải mang túi như con Kangaroo trước ngực để địu con vì vợ nó biểu!)

Loại Kangaroo đỏ và Kangaroo xám cao đến 2 mét và nặng đến 85 kg. Có những con Kangaroo khổng lồ, cao tới 3 mét và nặng tới 200 kg.

Kangaroo chân dài thòn như người mẫu nhưng hai cái tay lại ngắn ngủn, rất mạnh.

Kangaroo là niềm hãnh diện vì chỉ nước Úc mới có mà thôi. Chính vì vậy mà hãng hàng không Úc, Qantas lấy hình con Kangaroo trắng  cách điệu trên nền đỏ để làm biểu tượng (logo).

Nên có chuyện vui rằng: Tổng thống thứ 43 của Mỹ George W. Bush, dân Texas cái gì cũng bự; một lần đến công du nước Úc được John Howard, Thủ tướng thứ 25 của Úc dẫn đi vòng vòng ở vùng quê để khoe nước Úc mến yêu.

Xe chở Tổng thống Mỹ qua những cánh đồng trồng lúa mì, chạy mút mắt tới tận chân trời. George W Bush bĩu môi chê: “Ôi nhằm nhò gì! Bên Texas quê tui nông trại lớn gấp 10 lần cái nầy!”

Qua những đàn bò sữa vài chục ngàn con, George. W. Bush lại bĩu môi chê: “Ít xỉn hè! Texas tui, một đàn bò chừng cả triệu con, bự hơn nhiều!”

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Nghe thiệt là tức cho cái tự hào dân nước Úc!

Thình lình xe dừng lại cho một đàn Kangaroo dễ chừng có cả ngàn con theo con đầu lĩnh nhảy băng qua lộ.

George W. Bush  hồi nhỏ tới giờ chưa thấy ngạc nhiên hỏi: “Úy con gì mà bự khổng lồ như vậy hở John?

“Thủ tướng Úc cười khè khè nói: “Bên Texas khổng lồ của anh không có con cào cào hay sao cà?”

o O o

Tui hoàn toàn đồng ý việc vinh danh Ðà điểu Úc; vì Ðà điểu Emu cũng là giống đa thê, khi nuôi nhốt chỉ cần ghép một trống với tối đa ba mái. Với tui ba mái hơi ‘bị’ nhiều. Hai là đã đủ!

Dù Ðà điểu Úc, Emu, trai năm thê, bảy thiếp là thường. Nhưng không phải tối ngày chỉ chăm bẳm vào chuyện gái gú không đâu mà kỹ năng sinh tồn của chúng cũng khiến mình phải giở nón ra mà thán phục.

Chuyện rằng: Sau Thế chiến thứ nhứt, chính phủ Australia tìm cách tạo công ăn việc làm cho các cựu quân nhân trở về từ mặt trận bằng cách cấp đất cho họ để trồng lúa mì và nuôi cừu ở ngoại ô thủ phủ Perth, tiểu bang Tây Úc.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh giành lãnh địa giữa người và Ðà điểu đã nổ ra ác liệt.

Hàng chục ngàn con Ðà điểu bản địa ở Western Australia tràn vào nông trại, giẫm nát lúa mì, xơi từ ngọn xuống đến tận gốc, tàn phá mùa màng vô số kể.

Chịu hết xiết, nông dân cầu cứu. Chánh phủ gởi hai trung đoàn đến để tiêu diệt đàn Ðà điểu khổng lồ này.

Nhưng Ðà điểu Úc, Emu không ngu ngốc như mình tưởng. Mỗi đàn đều có con lãnh tụ, thường là màu đen cao tới 1.8m, nặng tới 50 kí lô.

Khi dáo dác ra điều hiểm nguy đang chực chờ, lãnh tụ này sẽ báo động đỏ cho cả đàn chạy vào bụi rậm rồi lãnh tụ mới vọt theo sau.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Thiếu tá Meredith chỉ huy hai Trung đoàn Pháo binh, trèo lên sau một chiếc xe tải có gắn súng máy, đuổi theo xả đạn xối xả! Nhưng đàn Ðà điểu chạy tản trên thế đất gồ ghề, khiến chiếc xe mất thăng bằng đâm vào hàng rào.

Cuộc hành quân thất bại. Vì bắn 2,500 viên đạn, hết 1/4 cấp số đạn mang theo mà chỉ hạ được có 200 con hè.

Chính phủ Australia sau đó tìm cách khác, trang bị súng đạn cho nông dân.

Hiệu quả thấy nhãn tiền. Hơn 57,034 con Ðà điểu chỉ trong vòng 6 tháng của năm 1934 bị bắn hạ.

Ngoài ra, nước Úc còn có koala hay gấu túi, wombat, chuyên ăn lá cây bạch đàn hay khuynh diệp rồi ngủ…(Hổng làm gì hết; hè lè phè như Úc vậy!)

Ngoài ra phải nhắc tới Possum là con Sóc nữa. Chu choa nó phá thấy thương luôn.

Sân trước vườn nhà em yêu có trồng một cây lựu. Mùa hè, trái trĩu cành. Possum, Sóc đến nó cạp ráo trọi hè! Hỏi có tức không chớ?

Sân nhà sau có trồng cây chanh Úc vỏ dầy và the gần chết vậy mà nó nỡ lòng nào cạp hết cái vỏ vàng chỉ chừa lại cái lõi trắng; chắc vì chua quá nên Sóc nó chê!

Mãi tới khi em Úc hàng xóm, đời em cô đơn; nên em có nuôi một con Mèo bốn chưn.

Từ hồi Ðại vương Mèo về trấn thủ; con Possum nầy chịu không thấu nên đã lên đường bôn tẩu. Nên mùa lửa lựu năm nay hoa lại nở; trái lại ra đầy.

Bà con độc giả thân thương nào muốn ăn trái lựu, nghe nói chữa được bịnh sạn thận, thì cứ tự nhiên đến nhà tui mà hái. Tui không méc vợ tui đâu. Hi hi!

Dao-Phuc-Sinh---Phiem-DXT

                                          Bảo Huân

o O o

Có mấy em sinh viên từ các nước khác đến Úc nầy du học cảnh báo mấy đứa sắp tới là: “Dẫu đang mùa hạ nóng cháy da đừng quên mang theo áo mưa!”

Xem thêm:   Kế Sách

Ối! Lo chuyện con bò trắng răng. Tui, hơn hai mươi mấy năm ra đường, có bao giờ đem áo mưa gì đâu; (trừ chuyện khác).

Thời tiết Melbourne không đoán trước được, bốn mùa trong một ngày.

Chính vì vậy mà tánh tình người Melbourne cũng đổi thay loạn xị theo thời tiết.

Mới cười đó; rồi khóc đó. Mới vui như vừa trúng tattslotto; rồi bí xị như đi siêu thị mà bị đứa nào móc túi.

Nước Úc vẫn mến yêu vì Footscray, nơi tui dừng bước giang hồ, đã hơn hai mươi mấy năm nay có một món làm tui rất khoái là Phở!

Lỡ em yêu giận, đình công không nổi lửa lên em, thì tui cũng không đi ngủ với cái bụng lép xẹp bao giờ.

Footscray có hơn chục cái tiệm Phở. Tui thử ăn qua hết trơn nhưng không ai nấu ngon hơn con vợ tui hết ráo, dù em là dân Nam kỳ đặc sệt.

Năm rồi, mùa Ðông. để hâm nóng lại tình ta, tui dắt em yêu ra biển.

Ðêm chập choạng xuống, từng đàn chim cánh cụt, penguin, lũ lượt theo nhau về tổ.

Em yêu càm ràm rằng: “Mấy con chim cánh cụt dễ  thương nầy tối là về với vợ. Còn anh chiều sập tối là về với quán bán beer. Hu hu!”

o O o

Khi bài nầy lên khuôn là mùa Phục Sinh, Chúa Nhựt, mùng Một tháng Tư, lại về trên nước Úc buổi sơ thu.

Các nước Bắc Bán Cầu, như Canada và Mỹ, mùa Ðông vừa dứt, mùa xuân đến. Mùa Phục Sinh, đâm chồi nẩy lộc.

Lễ Phục Sinh (Easter) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Công giáo, Chính thống giáo, Tin Lành, Anh giáo.

Ai cũng biết năm 1722, nhà thám hiểm Hòa Lan, Jacob Roggeveen đã đến và đặt tên Easter, Phục Sinh cho một hòn đảo thuộc đông nam Thái Bình Dương, cách bờ Tây nước Chile bên Nam Mỹ khoảng 300 dặm.

Còn tui vốn bị đọa đày dưới chế độ CS, như người vừa từ cõi chết, may mắn đến được nước Úc phúc  địa nầy đây; phục sinh, làm lại cuộc đời nên tui gọi nước Úc mến yêu nầy là Ðảo Phục Sinh !

DXT – Melbourne