Trong tác phẩm “Bông hồng vàng”, Paustovsky nói ra suy nghĩ của những người mần văn: “Tôi sống, tôi yêu, tôi đau khổ, tôi hy vọng, tôi ước mơ. Rồi sớm hay muộn, đến một lúc nào đó, tôi sẽ phải viết nó ra. Vì tâm hồn, trái tim, khối óc tôi đòi hỏi tôi phải làm như vậy”.

Ðúng thế! Những kinh nghiệm sống của chính mình hoặc của ai kia, tất cả đều là những hạt bụi vàng nhỏ li ti trong đời. Nhà văn cần mẫn bòn đãi, thu gom những hạt bụi vàng ấy. Xong, khè chúng trong lửa đỏ, tan chảy ra rồi đặc quánh lại thành một bông hồng vàng, một tác phẩm, để dâng hiến cái đẹp ấy cho độc giả, cho đời.

Vì vậy viết là phải đọc. Ðọc mà không hiểu thì làm sao? Không hiểu, không rành thì đi hỏi người khác. Hỏi cho trúng khía. Nghĩa là hỏi cho trúng người, trúng cái chuyên môn của họ thì cái họ trả lời là khả tín, ít trật hơn.

Thời buổi thông tin bùng nổ trên toàn cầu bây giờ cũng có cái hay và cái dở. Hay là mình học được rất nhiều điều bổ ích mà hổng phải móc xỉa, hổng phải tốn tiền. Dở là thông tin rác, thông tin “cát” trên web nó nhiều vô thiên lủng. Mình phải dùng cái đầu của mình để đãi cát tìm vàng mới đặng. Chắc ăn nhứt là tìm lời cố vấn, dạy bảo ngay trong nhà mình. Không biết thì cứ hỏi em yêu (tức con vợ của mình). Em nói A; mình làm B! Cứ làm ngược lại lời em dạy; chắc chắn mình sẽ thành công 100%.

Tóm lại: mần văn là đụng tới chữ nghĩa. Ðụng riết rồi quen. Quen mà thấy chữ gì là lạ, theo ý mình, cho là thiên hạ xài không trúng (nghĩa là trật) thì trong lòng ấm ức, bứt rứt lắm. Không nói ra, để đó sẽ bị sình bụng. Mà nói ra, chỉ ra thì mích lòng. Nhưng ở đời mà sợ mích lòng thì kiếm chuyện khác mà mần đi; đừng có mần văn. Không sửa lưng người khác hoặc bị người khác sửa lưng thì đâu có học được thêm cái gì. Viết lâu tới đâu cũng không tiến bộ chút nào. Như con rùa chậm tiến bò quanh trong cõi văn chương. Chán lắm!

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Phần ông bà mình nói, đời hổng có ai cái gì cũng biết. Ông bà Tàu thì nói “Nhân vô thập toàn”. Còn ông bà Úc thì nói: “No one is perfect”. Chính vì vậy, mình biết tới đâu mình nói tới đó. Cứ nói, cứ cãi sùi bọt mép. Cãi tới cái trúng nó văng ra cái đụi, mình lượm về xài. Người được lượm dĩnh mặt, vênh râu ra vẻ: thế gian có ba bồ chữ về tao hết ráo. Trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Còn chính giữa, tức cái bụng, để đựng mồi và rượu. Còn người cãi nhớ đừng hung hăng quá mà lên cơn nhồi máu cơ tim, rồi bỏ mạng giữa sa trường “cãi” nhe mấy cha!

Trong thế giới văn chương, theo ý tui, nên cư xử như hòn đá lăn (rolling stones) có nhiều góc cạnh. Hay hơn là cư xử như hòn sỏi tròn vo. Một chuyện mà ông nầy nói ngược; bà kia nói xuôi. Hai người chỏi nhau như nước với lửa mà mình đứng chính giữa chàng hảng: ông đúng, bà cũng đúng thì chán lắm. Viết ba phải như vậy là người thừa trong cõi văn chương.

Cãi để học. Cãi trong văn chương là cái cãi tao nhã của tao nhân mặc khách ở chỗ “tao đàn, mầy đàn”. Chỉ cần nhớ nhà văn không phải dân chơi Cầu Ba Cẳng, cãi không phải là cãi lộn.

o O o

Vậy là tui cứ lui cui đọc để đãi cát tìm vàng. Thì thấy bên đất Hoa Kỳ, có một bản tin là: “Tổng thống Biden vào bệnh viện xoi ruột, bà Harris tạm thời lãnh đạo đất nước”.

Cái tít nầy kỳ kỳ sao đâu! Xoi ruột hay soi ruột? Thì lục lạo trên từ điển thì thấy vầy nè: “Xoi, động từ là dùng vật hình que nhỏ chọc vào cho thông, cho hết tắc. Như: xoi cống, xoi thông ống điếu. Hoặc xoi là làm cho thủng, cho có lỗ bằng cách dùng vật nhọn chọc vào.

Như vậy ruột đâu có tắc mà đòi đè ông Biden, Tổng thống Hoa Kỳ, Trùm Ðế quốc Mỹ ra xoi rồi làm lủng ruột của ổng hay sao?

Viết xoi ruột là viết ẩu, viết cẩu thả. Phải viết là soi ruột mới đúng. Tại sao vậy? Vì soi, động từ nghĩa là: rọi ánh sáng vào để nhìn cho rõ hơn bằng dụng cụ quang học. Soi ruột bây giờ bác sĩ còn gọi là làm nội soi.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

o O o

Rồi tui lại đọc trên VOA, cái đài nầy xưa giờ cũng khá là uy tín thì lại thấy chạy cái tít là: “Hay là Tô Lâm bị cài bẫy?”.

Chuyện rằng: Ðại tướng, Bộ trưởng Công An CS, Tô Lâm đi đớp thịt bò bít tết dát vàng tại nhà hàng Thánh Rắc Muối ở thủ đô Luân Ðôn nước Anh. Rồi, trong khi bà con trong nước đang đói nhăn răng vì COVID-19 hoành hành; nên bà con quạu, chửi bới thằng chả um sùm.

Chữ “cài bẫy” nầy lạ quá! Lục tùm lum thì thấy thiên hạ cắt nghĩa như vầy: “Cài bẫy là cài người vào hàng ngũ địch”.

Hồi xưa mình gọi là nội tuyến. An ninh Quân đội bắt được mấy tay ăn cơm quốc gia thờ ma CS nầy là đưa nó ra Tòa án Quân sự Mặt trận.

Thế thì nên viết là: “Hay là Tô Lâm bị gài bẫy?” thì đúng hơn chớ? Vì “gài bẫy” là giương bẫy gài chốt để bắt thú. Là lập mưu gạt bắt kẻ gian. Do đó chỉ cần đổi chữ “cài” qua chữ “gài”, khác nhau chỉ một mẫu tự “c” và “g” mà cái tựa đề của bài báo thâm thúy (chửi xỏ) hay hơn nhiều!

Bảo Huân

o O o

Rồi trong một bài báo, tui cũng có viết là: “Ngày này năm xưa. Vào ngày 24 tháng 11 năm 1971, một người đàn ông mua vé dưới tên “Dan Cooper” đã cướp một chiếc máy bay phản lực của Hãng hàng không Northwest giữa Portland và Seattle. Hắn ta đã tống tiền được 200,000 đô la Mỹ tiền chuộc. Rồi hắn ta tẩu thoát bằng cách nhảy dù khỏi máy bay. FBI từ đó tới giờ chưa bắt được và không xác định chánh xác nhân thân của tên không tặc nầy”. Thì có một độc giả (tình thương mến thương) xỏ ngọt tui như vầy: “Nhà báo bây giờ tiến bộ xài “nhân thân” thay cho lý lịch?”.

Câu xỏ ngọt như vậy làm cả một thời Miền Nam bị CS đày đọa bởi cái chữ lý lịch 3 đời nó hiện về như cơn ác mộng. Tui bèn trả lời ổng như vầy: “Câu nầy có hai mệnh đề phủ định (negative clause) nối với nhau bằng chữ “”, liên từ đồng đẳng (cordinate conjunction). Có thể tách ra làm hai câu là:

  1. “FBI từ đó tới giờ chưa bắt được (tên không tặc); nên chưa biết y là ai”?
  2. FBI không xác định chánh xác nhân thân của tên không tặc nầy. Nhân thân tức gốc gác, vợ con, cha mẹ, anh em họ hàng, FBI cũng không biết luôn.
Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Như vậy “nhân thân” không phải là “lý lịch” mà CS xài sau năm 75. Mà xài chữ lý lịch là sai. Trong từ điển Hán Việt, không có chữ lý lịch (lý viết y dài). Chỉ có chữ lí lịch (lí viết “I” ngắn). Lí lịch là chỉ chung công việc đã làm và hoàn cảnh đã qua. Mà CS biết lí lịch tới ba đời kể cả bên vợ của mình để làm gì? Ðể trả thù chớ để làm gì! Chế độ CS là một chế độ bị bịnh “Bách hại cuồng”. “Bách hại cuồng” là nhìn đâu cũng thấy kẻ thù muốn hãm hại mình. Vì bị bịnh nặng như thế, nên CS mới trả thù quân cán chánh VNCH một cách tàn ác không giống ai.

Nhớ hồi xưa, 16 tuổi trở lên, mình làm thẻ căn cước bọc nhựa. Ðể cho biết: họ tên, ngày, nơi sanh, tên cha mẹ, địa chỉ. CS vô thì bắt làm chứng minh nhân dân. Thiệt là chuyện ruồi bu. Người dân da vàng mũi tẹt, húp nước mắm mà lại phải chứng minh mình là nhân dân!

Sau 46 năm dài, chắc nhận thấy dùng chữ “chứng minh nhân dân” như vậy là ngu lâu, ngu bền vững nên CS lẳng lặng lấy chữ căn cước của VNCH ra xài. Nhưng vẫn còn ngoan cố thòng thêm chữ công dân.

Kết luận là, hồi xưa mình không xài chữ lý lịch mà xài chữ “lai lịch” để chỉ nguồn gốc, gốc gác của một người. Vì thế cho nên thay chữ “nhân thân” của mình hay xài bằng chữ “lý lịch” CS hay xài là trật lất. Ông xúi bậy tui không hè. Chữ của ông bà mình để lại, xin ông đừng có mà giỡn mặt chớ!

ĐXT