Mùa khô, từ tháng Mười Một năm trước cho đến tháng Tư năm sau, cũng là gió mùa Tây Nam. Chính vì thế mà bà con mình ngày xưa vượt biển canh vào mùa biển yên, sóng lặng; (tháng Ba bà già đi biển) để xuôi thuyền về hướng Tây Nam tới Bidong của Mã Lai hay Galang của Indo. Bà con mình ít chọn Thái Lan vì sợ bọn hải tặc dã man.

Mùa mưa, từ tháng Năm đến tháng Mười, cũng là gió mùa Ðông Bắc. Ngoài khơi có gió to, sóng lớn, mùa bão, mùa biển động. Bức bách lắm, bà con mình chực sẵn trên bờ để vuốt theo đuôi cơn bão, lúc biển đồng chung, yên ắng ít nhứt cả hai tuần; mới có nguy cơ có thêm cơn bão khác.

Chính vì thế mà bà con mình vượt biển từ miền Trung hay nhắm hướng Phi Luật Tân hay chếch quá về phương Bắc để tới Hong Kong.

Ðêm 2 tháng Chín, năm 1979, từ Cần Thơ qua Chợ Bà phía bên Bắc Bình Minh của Vĩnh Long tui bế thằng cu, con tui mới 3 tuổi, dắt theo em yêu, chiều sập tối xuống chiếc ghe nhỏ loanh quanh ngược xuôi hoài sông nước, chờ thuyền đánh cá giả danh Côn Ðảo số 36, từ Bằng Tăng, Thốt Nốt xuôi dòng ra cửa Trần Ðề, mà thằng bạn tui làm tài công sông (cho một xì thẩu chủ tàu ở Long Xuyên), hứa hẹn cho canh me, đi ké.

Nhưng hỡi ôi vì chết nhát, nó nỡ quên hết lời thệ hải minh sơn, chỉ chót lưỡi đầu môi trong thời buổi tình người còn rẻ hơn con cá linh mùa nước nổi.

Thuyền vượt biển vượt biên của thằng bạn quý (nghĩa kim bằng) nầy, năm ấy ra đi trước mùa bão tới, chạy 7 ngày 7 đêm qua tới Palawan, Phi Luật Tân rồi nó dông tới Toronto, Canada giờ đã 40 năm.

Ôi! Ước vọng tự do dù phải đổi lấy chính sinh mạng của mình và vợ con mình đã vỡ tan như bọt bóng xà bông. Lòng thất vọng tràn trề, tui dắt em yêu, bế con nhỏ trở về căn nhà rách nát. Chân qua chiếc bắc Cần Thơ mà lòng như kim châm muối xát, đau như cắt.

o O o

Ôi cái miền quê, VC vô là tui đã bỏ ra đi, muốn quên mà năm nào cũng vậy cứ nghe nước tràn bờ quê mình bên ấy là Melbourne, Úc Châu đêm về sau vài ly, tôi lại nhớ.

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Nhớ tha thiết cái vùng quê yêu dấu, sáu tháng đạp trên đất đồng khô, nửa năm còn lại đi trên mặt nước như ‘Thủy thượng phiêu’.

Tháng Năm âm lịch, từ Biển Hồ bao la những con cá linh li ti như bọt nước theo dòng phù sa đục ngầu trôi dạt xuống sông rồi vô rạch.

Khi nước nổi phủ trắng ruộng đồng, cá linh rút vào đồng nước trốn sóng gió. Lúc bấy giờ cá cỡ đầu ngón tay út. Tới tháng 10 âm lịch nước rút, cá đã lớn hơn ngón cái theo kênh rạch tuôn ra sông lớn lội xanh mặt nước.

Chu choa người ta đóng đáy bắt cá linh ra sông nhiều vô thiên lủng. Nhiều là giá nó rẻ! Tuy vậy mùa lụt cá linh ăn không hết rồi mùa khô lại hổng có mà ăn.

ca-linh-mua-nuoc-noi

Bảo Huân

Nên ông bà mình bắt cá linh làm mắm, hay làm nước mắm. Nhà nào cũng có vài ba cái khạp ủ cá linh khoảng 2 tháng, xác cá thấm muối tan rã từ từ là lúc thắng nước mắm cá. Sau khi lấy nước cốt (nước nhứt) có màu vàng sậm, mùi thơm thơm… Xong nấu lấy nước nhì, thường để kho cá.

Nước mắm cá linh ngon không thua gì nước mắm được làm ở Phú Quốc. Nhưng một bên là cá đồng một bên là cá biển. Má tui hồi xưa thì thích cho con mình ăn cá đồng chớ theo khoa học dinh dưỡng của má là: ăn cá biển bị phong (?).

Làm nước mắm xong, xác cá làm phân bón nghĩa là hổng bỏ bất cứ cái gì trong mình con cá hết ráo.

Không làm nước mắm thì làm mắm cá linh nghĩa là có cá linh ăn dài dài, ăn hoài hoài quanh năm suốt tháng để chờ mùa lụt năm tới, chỉ sáu tháng sau thôi.

Nhưng nói nào ngay tui khoái ăn cá linh tươi hè. Bắt lên là quất liền mới đã.

Cuối tháng Bảy âm lịch hàng năm, cá linh nhỏ bằng mút đũa, gọi là cá linh non.

Non nên xương mềm nhai không sợ mắc cổ. Khi nấu, cá không cần đánh vảy, lấy mật. Nhỏ chút tí mà đánh vảy cái gì hè, mật khỏi lấy, ăn nhẩn nhẩn mới ngon chớ.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt đổ vào rổ thưa cho ráo nước.

Hễ có cá linh là đúng lúc so đũa ra hoa đầu mùa còn búp hoặc mới nở, nhặt sạch hết nhụy, cuống ăn rất ngọt. Cuối mùa thì đắng lại có nhiều sâu, cũng là lúc cá linh ăn hết béo.

Cá linh non tươi được làm sạch, ướp thêm ớt và rải ngò gai rồi cho ra đĩa. Bắt nồi nước lên đun thiệt sôi rồi cho me dốt vừa chua vừa ngọt hái từ vườn nhà vào. Me nấu nhừ vớt ra để nêm thêm ít bột ngọt, muối, ớt và gia vị cho vừa. Sau đó cho thêm ít cà chua và rau ngò om xắt nhỏ để lửa liu riu, băm hành phi và tỏi vào cho thơm, sau đó lấy rau thơm rắc lên canh chua cho đều.

Canh chua cá linh có người thích ăn với bông điên điển, mọc vàng ngoài bờ mẫu mùa nầy nước nổi. Nhưng tui lại khoái ăn canh chua cá linh với bông so đũa. Vì mình máu dê mà thấy so đũa thì lại nhớ tới sư phụ, thầy mình.

Cửu Long nước tràn bờ, nước nổi/ con cá linh mùa nước lang thang. Bông so đũa nhà em đã rộ/ cá linh tràn bờ, vượt gieo neo. Ðến nhà em, xin bông so đũa/ nồi canh chua con cá quê nghèo.

Em cười nói: anh ăn bông so đũa/ mắc cỡ gì đâu, sao khoái ăn hoài? Anh lờ khờ, không hiểu lời em nói/ “Bông so đũa mình ăn, có sao đâu?!”

Anh giờ biết xa bao mùa nước nổi/ để một lần con cá đã ra sông. Bao lần thèm canh chua muốn chết/ nồi canh chua… chắp chắp… nhớ trong lòng.

Lời em nói: “anh ăn bông so đũa…”/ đã bao năm, giờ hiểu ý em rồi, thì đã trễ mỗi người đi một ngả/ em có chồng, anh lấy vợ… rồi… xong.

Anh thầm trách: “sao xưa mình ngu quá?!/ cá linh tràn đồng, so đũa trắng bông; nồi canh chua nếu chính tay em nấu/ thì ăn hoài, ăn mãi, tại sao không?

o O o

Ðồng bằng mùa nước nổi! Tui nhớ cái mênh mông đất trời như biển, chỉ còn cây thốt nốt già chót vót ló lên để thở.

Ôi! “Nước không chưn sao kêu nước đứng? Cá không thờ sao gọi cá linh?”

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

(Cá linh, có người nói vì báo điềm bằng cách nhảy ào ào vào thuyền cho Nguyễn Ánh thoát khỏi quân Tây Sơn truy đuổi nên được Vua Gia Long đặt tên là cá linh).

Tui thì không nghĩ vậy. Vì Chúa Nguyễn Ánh khôi phục được ngôi vương chưa tới hai trăm năm thôi. Bộ trước đó hổng có loại cá nầy sao? Có chớ, có nhiều nữa là khác, ắt hẳn nó phải có tên rồi đâu chờ tới Chúa Nguyễn Ánh làm khai sanh đặt tên trong sổ bộ đời của loài cá. Chẳng qua cá linh là vì nó linh đinh theo mùa sông Cửu Long nước đổ đó thôi.)

Một lần tui giang hồ vặt về đất Long Xuyên, có một người em gái đồng bằng chắc muốn trắc nghiệm trí khôn tui cất ở đâu, nên hỏi nhiều câu ngặt lắm như: “Con rắn không chưn đi nằm từng bảy rú. Con gà không vú sao nuôi được chín mười con?”

Tui cười giả lả nói: “Qua hổng biết!”.

Tưởng em chê tui ngu; ai dè em nói: “Em thương người chất phác như anh. Hổng biết là nói hổng biết. Chớ xạo ke là em không chịu rồi hè.”

Tui còn cái máu lưu dân dữ lắm nên “đến đây gặp vịt cũng lùa, gặp gái cũng ghẹo gặp chùa cũng tu”. Bịnh gì mà cữ chớ. Không có con vợ kè kè một bên, nên khi em ướm lời là tui coi như mình hổng có vợ.

Tui nấn ná, sàng tới sàng lui, sàng qua sàng lại, ăn canh chua bông so đũa cùng người em gái chân quê suốt mùa nước nổi năm đó.

Quê nhà, vợ tui sanh nghi, đi coi thầy bói nói: “Thằng nam nầy tuổi con dê, khoái ăn so đũa; con nữ không thể nào cho nó sút chuồng, đi hửi lung tung như thế được. Nếu không muốn mất chồng, hãy tróc nã bắt nó về!”

Em yêu bèn nhắn lên là con mình đang quá xá bịnh. Tui đành từ giã đất Long Xuyên, từ giã con cá linh ngày ấy, để quy cố hương! Rồi hay không bằng hên tui ra biển, đi luôn cho tới tận bây giờ.

Mùa nước nổi năm nay, quê mình xa đã bao năm, đêm nằm chợt nhớ biết bao nồi canh chua cá linh ngày cũ!

ĐXT

Melbourne, Úc