Bò cái tiếng Anh bò là ‘cow’. Cowboy là thằng trên lưng ngựa, chăn bò tại các trang trại Miền Viễn Tây, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Bọn cowboy sống hoang dại khoái làm anh hùng nghĩa hiệp.
Thế nên có chuyện rằng: Hai tên cao bồi ngồi uống trong quán rượu. Một chủ trang trại bước vào! “Tao căm thù bọn da đỏ! Tuần trước những thằng khốn đó đã đốt cháy rụi chuồng trại của tao rồi! Nếu bất kỳ ai mang đến cho tao một con ngựa của tụi dân da đỏ; tao sẽ thưởng một ngàn đô!” Hai tên cao bồi bước ra khỏi quán và phóng lên ngựa. Chẳng lâu sau, họ đuổi kịp một tên da đỏ đẩy tên nầy văng khỏi yên ngựa, lăn tròn xuống khe núi. Nhưng con ngựa trung thành vẫn chạy theo chủ nó. Hai tên cao bồi vội đuổi theo. “Ê nhìn kìa! Nhìn kìa!” “Nhìn cái con khỉ? Hổng lo bắt con ngựa đem về mà lãnh thưởng!”
“Nhìn một cái đi!” “Đâu đâu?” Vòng quanh trên hẻm núi là khoảng 2000 tên da đỏ đang ngồi trên yên ngựa! “Chúa ơi! Hai đứa mình sẽ thành triệu phú!”
Rồi cũng có chuyện rằng: Một tay cao bồi già đi tiệm cạo râu vì mặt ông đầy những vết nhăn, ông không thể tự cạo râu cằm được. Ông thợ hớt tóc lấy trái bóng bàn kêu người khách ngậm vô miệng thì gò má căng lên. Râu được cạo xong, ông cao bồi già khen đúng là mày râu nhẵn nhụi nhưng lỡ tui nuốt phải trái bóng bàn nầy thì sao? Thì vài bữa ông đem nó trả lại cho tui cũng giống như nhiều người khác đã làm thôi!”
Cowboy nổi tiếng nhứt trên màn bạc là: John Wayne của miền Tây hoang dã. Henry Fonda trong vai Wyatt Earp trong ‘My Darling Clementine’ Nhưng con gái ông là tài tử Jane Fonda lại bị các cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam nguyền rủa gọi ‘ả’ là ‘Jane Hanoi’ vì tiếp tay với kẻ thù đâm sau lưng chiến sĩ. Clint Eastwood lầm lì đáng sợ, trừ gian diệt bạo trong các bộ phim “spaghetti western” như “The Good, The Bad and The Ugly”
Nhưng nổi tiếng nhứt trong đám chuyên trị vai cao bồi là Ronald Reagan.
Là kép nhì, đóng vai cao bồi không xuất sắc bằng những tài tử khác nhưng nổi tiếng hơn vì Reagan là Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981- 1989). Reagan góp phần rất lớn vào việc làm chủ nghĩa CS sụp đổ ở Liên Xô và các nước CS Đông Âu.
Cao bồi thường đội nón và mang giày cao bồi, mặc áo khoác dày ngăn gió đồng cỏ, đội nón vành rộng che nắng cháy da miền hoang dã.
Cao bồi mặc quần jean, vải dày mặc lâu chỉ sờn thôi. “Bake” hai nút rất mê, chúng gọi là quần bò. Thằng nào cũng ráng để dành tiền ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng mua một cái quần bò trong hàng thùng về mặc để lấy le.
Thiếu nữ Úc tân thời ở Melbourne, theo thời trang mặc quần jean giặt đá cho nó sờn, rách vài lỗ chỗ vì em muốn làm ‘Lolita bụi’.
Cowboy qua Việt Nam húp nước mắm thành cao bồi vườn là những đứa đua đòi, tánh tình ngang ngược không biết lễ phép là gì.
Ông bà mình thuộc cái văn hoá ‘Cánh đồng lúa nước’ nên cần trâu bò làm sức kéo. Trâu chậm hơn, nhưng mạnh hơn bò nên đi cày, bừa, trục làm đất trước khi sạ lúa.
Bò lẹ hơn trâu nên dùng để kéo xe chở nặng nên có xe bò. Chở nhẹ chạy vù vù đã có xe ngựa. Bài học thuộc lòng xưa: “Thời giờ: ngựa chạy, tên bay. Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm”
Miên có xe bò nhiều hơn Duồn (tức Việt). Năm nào Miên cũng đua bò chạy bụi tung mịt mù ở vùng Tịnh Biên Châu Đốc.
Xe trâu cũng có nhưng có trong bài Xe Trâu của thi sĩ Kiên Giang. “Xe trâu cót két. Cót két xe trâu. Bánh xe nằng nặng in sâu lối mòn”.
Úc không thấy nuôi trâu; chỉ thấy nuôi bò để vắt sữa và ăn thịt. Sữa tươi để làm ‘cappuccino’ cà phê kiểu Ý (Italy) hoặc đóng hộp làm sữa bò; làm cà phê phin (filter) kiểu Pháp.
Con nít dứt sữa mẹ, chưa mọc đủ răng để ăn cơm nhão thì chuyển qua bú sữa bò. Từ đó loài người ngu đi. Vì có chữ ‘ngu như bò’. Bú bò, bú của con ngu thì làm sao khôn cho được? Thế nên muốn chửi đứa nào ngu thì đừng chửi nó ngu như bò! Nó quánh cái mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc về vợ nhìn không ra. Hãy hỏi: “Ông còn bú sữa bò không?
Úc khoái ăn bít tết (beefsteak) với nhiều loại sauce và khoai tây chiên, đôi khi với tomato và cải xà lách. Thịt bò nướng sơ sơ mặt ngoài gọi là ‘rare’ thịt hơi sống, còn máu. (Vì thực khách nầy là ác quỷ Dracula). Thịt bò vừa chín tới, vẫn còn màu hồng nhạt ở giữa là medium. Thịt bò chín hoàn toàn, thịt khô hơn là well done.
Qua tay Mít, thì ít xít ra nhiều, thịt bò tới 7 món như: Bò nhúng giấm. Chả đùm. Bò cuốn mỡ chài (mỡ bò). Bò lá lốt. Bò sa tế. Bò bít-tết. Cuối cùng là món cháo bò.
Nhà phát minh vĩ đại bò 7 món cho giới khoái ăn nhậu, trong đó có tui, là ông Adams Henry, Chà Và Ấn Độ, theo đạo Hồi, quốc tịch Pháp tên Việt là Nguyễn Thành có vợ Việt là bà Huỳnh Thị Quế.
Tháng 4 năm 1930, hai vợ chồng mở nhà hàng Au Pagolac ở quê nội tui là Tân Hiệp trên quốc lộ 4 cách tỉnh lỵ Mỹ Tho chừng 13 cây số.
‘Au’ rút gọn chữ ‘à le’ là ‘tại’. Pagolac? “Pagode” là chùa và “lac” là hồ. Pagolac gần chùa bà Thiên Hậu, phía sau là hồ sen lớn. Pagolac tên Tây gợi trí tò mò; bò chỉ luôn địa điểm cho khách biết đường mà tới.
Hồi xưa, nghèo chết mẹ, đi Au Pagolac ăn bò 7 món nằm mơ còn chưa có. Sau nầy quê người thịt bò là xoàng. Nhưng Footscray (một vùng ngoại ô ở Melbourne) chẳng có nhà hàng nào bán bò 7 món để tui dắt ‘ghệ’ đi ăn!
Lâu lâu em yêu của tui, tức bà chằn của tui, làm món bò lá lốt bỏ sẵn trong ngăn lạnh. Muốn nhậu, xả đá đút vô lò nướng là xong. Bò lá lốt chấm nước mắm nêm giằm khóm thêm ớt hiểm bằm uống beer VB (Victoria Bitter) ngon bá chấy bù chét.
Bài “Bò” xong rồi; hẹn em kiếp sau. Ý quên! Tui chưa chết mà! Xin hẹn em lần sau. Giờ tui đi nướng bò lá lốt nhậu một mình để quên nỗi buồn xa xứ đây!
ĐXT