Anh Ba Trọc là người bị ghét nhứt ở đất Footscray. Ghét vì cái lối nói chuyện hay móc họng người ta của ảnh. Như đa phần bà con người Việt, ảnh họ Nguyễn, con trai lót chữ Văn, tên là Phú. Nguyễn Văn Phú.

Vì hồi xưa, nhà nghèo lắm, tía má ảnh chỉ mơ tiền rủng rỉnh nên chị của ảnh tên Giàu. Nguyễn Thị Giàu, như nghệ danh Ngọc Giàu của một cô gái nghèo ở cái đất Thủ Thiêm, bên kia sông Sài Gòn. Sau Ngọc Giàu đi hát cải lương, tiền công-tra với bầu gánh lên tới cả triệu đồng. Từ nghèo thành Giàu là vậy!

Anh Ba Phú giàu có máu mặt ở Footscray nhờ trúng số cả chục triệu đô. Thiên hạ gọi ảnh là “trọc Phú”. Nhìn cái bản mặt câng câng thấy ghét nên thiên hạ bỏ quách cái tên Phú cúng cơm đi, chỉ còn là Ba Trọc.

Trọc không phải là trọc lóc, không có tóc. Xấu củ nhưng tốt dây, tóc râu của Ba Trọc chỉ cần một năm không hớt, nó dài xọc giống người rừng sông Amazon bên đất Brazil, Nam Mỹ vậy. Mấy ông thợ hớt tóc nói lén, thằng cha Ba Trọc ở dơ.

Cuộc đời của Ba Trọc ly kỳ như tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao, Ðài Loan. Năm 1978, Lê Duẩn sai một tay thợ thiến heo tên Ðỗ Mười từ ngoài Bắc vào Nam đánh tư sản. Mà chữ gọi là cải tạo công thương nghiệp tư sản mại bản. Sau 75, ai mà được cộng sản nó gắn cho chữ “cải tạo” là nát cửa, tan nhà.

Lúc đó, Phú với Giàu ngày đi học, đêm hai chị em đội xề bánh ú đi bán ở chợ Cầu Ông Lãnh. Một bữa, có chú Ba nói tiếng Việt lơ lớ mua mão luôn hai xề bánh ú. Chị Hai Giàu nghĩ bán đắt, sẽ được về nhà ngủ sớm. Khoái chí, chị Hai Giàu chúc bà con (dù đi ghe) thượng lộ bình an. Ai dè đó là ghe vượt biên. Sợ bể, bọn công an còng đầu cả đám; nên mấy chú Ba bắt hai chị em theo luôn. Nhỏ chút éc, Ba Phú đâu có chịu xa tía má. Khi ghe xuôi sông Lòng Tàu ra biển, Phú cứ khóc i ỉ. Chưa có ai chết mà nghe khóc hoài xui thấy mẹ. “Nị mà khóc nữa, ngộ cho một đạp văng nị tuốt xuống sông bây giờ”, nghe bị cho đi thăm Hà Bá, Phú mới chịu nín khóc, lột bánh ú ra ngồi ăn. Sau 5 ngày, 5 đêm, ăn tới cái bánh ú cuối cùng, tính ăn luôn lá chuối thì ghe tấp vô được Pulau Bidong, Mã Lai.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Phái đoàn Úc tới, thấy hai chị em “con bà phước” nên nó ưu tiên bốc ngay về Úc. Ba Phú tính kiếm việc làm ngay để gởi tiền về nuôi tía má gần chết đói ở Việt Nam vì không còn ai đi bán bánh ú hết ráo.

Nhưng Úc nó nuôi. Con nít không cho đi làm, buộc Phú phải học ít nhứt phải hết lớp 10. Chỉ được làm “part time” như giao bánh pizza ban đêm, tuần không quá 20 tiếng.

Ba Phú mới đầu chỉ tính học tiếng Anh đủ để không phải xài động từ “tu quơ”. Ai dè, học riết ghiền; vì trong lớp có mấy em đẹp não nùng. Cuối cùng, Phú cũng lấy được cái bằng cử nhân của Úc. Nhưng thiên hạ nói Ba Trọc gốc dân bán bánh ú chợ Cầu Ông Lãnh thì sức mấy mà có đủ trí thông minh để có được cái cử nhân?

Thiên hạ không tin nhưng tui tin. Mặc dù anh Ba Trọc chưa bao giờ xùy ra cái bằng đại học Úc để nhát tui bao giờ. Tui tin vì có lần nhậu chơi, ảnh đem một câu bằng tiếng Anh ra đố để coi trình độ của tui cao tới đâu.

Câu đó vầy nè: Thầy hỏi: “What has four wheels and flies?”. Trò trả lời là: “A garbage truck!”.

Tui là người rất dốt tiếng Anh nên hỏi: “Mắc cười chỗ nào?” thì Anh Ba Trọc cắt nghĩa: “Cái gì có 4 bánh và biết bay?” Thầy giáo mong học trò trả lời là “chiếc máy bay”. Nhưng học trò lại trả lời là “xe rác”. Như vậy ai đúng? Ai sai? Câu trả lời là: thầy sai, trò đúng. Thầy sai ở chỗ nào? Sai trong cách đặt câu hỏi. Hỏi mà không biết dùng liên từ “and” (và).

“And” là một co-ordinate conjunction (liên từ nối hai chữ đồng đẳng về văn phạm, như danh từ số nhiều phải nối với danh từ số nhiều). Vì thế học trò nó nghĩ “four wheels” danh từ số nhiều của chữ “wheel” ắt phải nối với “flies” là danh từ số nhiều của “fly” (con ruồi). Muốn cho học trò hiểu “flies” là động từ chia ngôi thứ ba số ít của động từ “fly” (bay) thì ông thầy phải thêm chủ từ “it” trước động từ “flies” để chữ “and” nối hai mệnh đề độc lập với nhau. Lúc đó thì học trò hiểu mới trúng theo ý của ông thầy. Cái gì có bốn bánh và nó biết bay là chiếc máy bay.

Bảo Huân

Bằng không có chủ từ “it” của mệnh đề độc lập thứ hai, thì học trò hiểu cái gì có bốn bánh là chiếc xe và nhiều con ruồi (“flies” số nhiều của chữ fly (con ruồi) trước khi đổi qua số nhiều thì phải đổi “y” thành “i” rồi mới thêm “es”. Như vậy, chiếc xe có nhiều con ruồi học trò trả lời là xe rác, là đúng quá xá về văn phạm, đâu có cãi được gì nè.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

“Mổ câu, chữ ra cặn kẽ như vậy để thấy chuyện đùa của Úc dù ngắn gọn, nhưng không thừa, không thiếu. Ý nghĩa của nó rất thâm sâu”, anh Ba Trọc lên giọng thầy đời.

Tiếng Anh, đua không lại anh Ba Trọc. Nhưng tiếng Việt là ảnh phải học của tui. Ba Trọc qua Úc hồi chín, mười tuổi sao bằng tui qua Úc lúc đã quá nửa chừng xuân? Tui đố anh Ba Trọc chữ “tiêm chủng” và chữ “chích ngừa” COVID-19 chữ nào đúng? Chữ nào sai? Anh Ba Trọc trả lời: “Hai chữ giống nhau”.

Trả lời như vậy là trật lất, tui cắt nghĩa: “Tiêm chủng: chích cái chủng, cái giống vi trùng đã làm yếu đi để cơ thể sanh ra kháng thể, ngừa bệnh, như tiêm chủng đậu mùa. Bây giờ bào chế kiểu mới hoàn toàn khác, chích vaccine “mRNA” vào để dạy tế bào tạo protein giúp miễn dịch. Không có “tiêm chủng” gì ráo, phải dùng chữ “chích ngừa” mới đúng”.

Nếu anh Ba Trọc không muốn quên tiếng mẹ đẻ của mình; sợ thành dân mất gốc thì mỗi ngày nên đọc Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam rồi anh Ba Trọc sẽ thấy các nhà văn trẻ ngoài nước và ngay cả trong nước viết trật bấy bá!

Có sắp nhỏ viết tiếng Việt không giống ai là: “Jeep Wrangler giữ giá lâu nhất, Nissan Leaf nhanh mất giá” (?). Ai cũng biết tiếng Việt trạng từ đi sau động từ. Thì “Nissan Leaf nhanh mất giá” (?) phải viết là: “Nissan Leaf mất giá nhanh”. Vì “đi nhanh” viết thành “nhanh đi” nó khác nghĩa với nhau một trời một vực.

Xem thêm:   Kế Sách

Kết luận sắp nhỏ viết tiếng Việt phải dùng Vietnamese Grammar (văn phạm Việt), đừng dùng English Grammar mà viết tiếng Việt kỳ lắm nha!

Hai đứa ngồi nhậu cãi nhau đến sùi bọt mép thì thằng Cu Tèo, con anh Ba Trọc, đi học về gật đầu chào rồi nói: Cô giáo của con muốn gặp bố! (nó kêu anh Ba Trọc bằng bố; vì chị Ba Trọc là dân Bắc Kỳ 9 nút).

Chẳng qua đầu đuôi gốc ngọn vầy nè:

“Tuần rồi Cu Tèo về nhà nói: Bố! Cô dạy toán của con muốn gặp bố!

– Về chuyện gì?

– Cô hỏi con: 7 nhân 9 là bao nhiêu? Con trả lời: 63.

Sau đó, cô ấy hỏi:

– 9 nhân 7?

Con đã hỏi lại cô:

– Có cái quái gì khác nhau đâu?

– Ðúng thế, được rồi. Bố sẽ đi.

Hôm sau, Cu Tèo đi học về và nói:

– Bố đi gặp cô con chưa?

– Chưa!

– Vậy lúc nào đi, bố gặp cô dạy thể dục luôn nhé!

– Về chuyện gì?

– Giờ thể dục, cô kêu giơ tay trái lên. Rồi cô kêu giơ tay phải lên. Sau đó, cô kêu nhấc chân phải lên, con cũng làm tất. Bây giờ cô kêu nhấc chân trái lên. Vì vậy, con hỏi: Cái gì? Cô muốn em phải đứng trên con “cu” của em hả?

– Ðúng thế – Anh Ba Trọc nói – được rồi, bố sẽ đến.

Bữa nay, Cu Tèo lại hỏi:

– Bố đi gặp cô giáo chưa?

– Chưa.

– Khỏi cần bố ạ. Con bị đuổi học rồi.

– Tại sao con lại bị đuổi học?

– Họ kêu con lên văn phòng thầy hiệu trưởng. Và ngồi đó là cô dạy toán, cô dạy thể dục và có cô dạy văn nữa!

– Cô dạy văn làm cái chó gì ở đó vậy? Anh Ba Trọc hỏi.

– Ðó, đó! Chính xác đến từng chữ! Ðó là câu con đã hỏi!”

ĐXT