Sức khỏe của Delon đã suy yếu nhiều trong những năm gần đây sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2019. Bao quanh ông là 3 người con và gia đình, Alain Delon, tài tử điện ảnh người Pháp, vừa qua đời trong tịnh yên vào sáng sớm ngày 18 tháng 8 năm 2024 tại nhà riêng ở điền trang tại Douchy, vùng Val de Loire, Pháp, thọ 88 tuổi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói: “Trầm mặc, nổi tiếng, bí ẩn, Alain Delon không chỉ là một ngôi sao màn bạc mà còn là một biểu tượng của nước Pháp.”
Alain Delon đã được phong cấp bậc Sĩ quan trong Đoàn Quân Danh dự Pháp (Légion d’Honneur) vào năm 2005, cấp bậc này đứng thứ hai trong hệ thống xếp hạng của tổ chức, sau cấp bậc Chevalier (Kỵ sĩ) và trước cấp bậc Commandeur (Chỉ huy). Đoàn Quân Danh dự Pháp (Légion d’Honneur) được Napoléon Bonaparte thành lập vào năm 1802, là tổ chức vinh danh những cá nhân có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quân sự, văn hóa, khoa học, và các hoạt động xã hội.
Sinh ngày 8 tháng 11 năm 1935 tại Sceaux, ngoại ô phía nam Paris, Pháp, tên thật dài xọc là Alain Fabien Maurice Marcel Delon, ông bị ảnh hưởng bởi cuộc ly hôn của cha mẹ nên trải qua một thời thơ ấu bất an, Alain Delon bỏ học và làm các công việc lặt vặt năm 14 tuổi. Năm 1952, khi mới 17 tuổi, ông gia nhập hải quân và tham chiến tại Đông Dương. Vì vô kỷ luật trong quân đội, ông bị bỏ tù một năm và bị đuổi khỏi quân ngũ vào năm 1956.
Alain Delon được nhà sản xuất phim Hollywood David O. Selznick phát hiện tại Cannes (Pháp). Vai diễn đầu tay của ông là trong bộ phim “Quand la femme s’en mêle” (1957), tên tiếng Anh là “Send a Woman When the Devil Fails”, với kịch bản của Jacques Sigurd dựa trên tiểu thuyết của Jean Amila, và do đạo diễn Yves Allégret chỉ đạo.
Alain Delon đã giành giải César của Pháp, tương đương với giải Oscar của Mỹ, cho nam tài tử xuất sắc nhất vào năm 1985 với vai diễn trong phim “Our Story” của Bertrand Blier. Ông cũng được đề cử giải Quả cầu vàng với vai diễn Tancredi trong phim “The Leopard” (1963).
Delon còn xuất hiện trong nhiều bộ phim tiếng Anh như: “The Yellow Rolls-Royce” (1964) và các phim miền Tây như “Texas Across the River” (1966) và “Red Sun” (1971). Dù thành công ở Châu Âu, ông không thể lặp lại thành công đó ở Hollywood.
Sự nghiệp của ông mờ nhạt hơn trong những năm cuối đời, dù ông đã xuất hiện trở lại trên truyền hình vào đầu thế kỷ 21, vào vai các thám tử kỳ cựu trong phim truyền hình 2 tập: “Fabio Montale” (2002) và “Frank Riva” (2003-04).
Alain Delon kết hôn với Nathalie Delon từ năm 1964 đến 1969 và có một người con, Anthony Delon. Ông còn có 3 người con khác: một con trai, Christian Boulogne, với ca sĩ kiêm tài tử Nico, và 2 người con, Anouchka Delon và Alain-Fabien Delon, với nữ tài tử người Hòa Lan Rosalie van Breemen.
Dù là biểu tượng của điện ảnh Pháp và Châu Âu, Alain Delon có cuộc sống cá nhân đầy biến động, với nhiều xì-căng-đan (scandal), trở thành tâm điểm của sự tranh cãi. Ông bị chỉ trích vì quan điểm chính trị và thái độ đối với phụ nữ, đặc biệt là mối quan hệ gần gũi với Jean-Marie Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của Pháp, người mà Delon cho biết có “mối quan hệ bạn bè 50 năm.”
Khi được trao giải Palme d’Or danh dự tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2019, các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ với bản kiến nghị thu thập được hơn 25,000 chữ ký yêu cầu không vinh danh ông bằng cách trích dẫn những phát biểu của ông khi thừa nhận đã tát tai một người phụ nữ.
Dẫu biết rằng sinh ký tử quy, sống gởi thác về, Alain Delon sống tới 88 tuổi cũng đã là thọ vì tuổi thọ trung bình của đàn ông Pháp chỉ khoảng 79 tuổi thôi. Nhưng khi nước Pháp mất Alain Delon, tui cũng bùi ngùi vì chính tui cũng mất đi một thời trẻ trai mới lớn.
Tui nhớ phim “Le Samouraï” (1967), do Jean-Pierre Melville viết kịch bản và làm đạo diễn. Nhân vật nữ chính là Jane Lagrange, do Nathalie Delon, vợ của Alain Delon vào thời điểm đó, thủ vai. Trong phim “Le Samouraï”, Alain Delon vào vai Jef Costello, một sát thủ chuyên nghiệp. Sau khi bị bắn trọng thương, Jef Costello phải đối mặt với nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình và tìm cách sống sót, cố gắng trở về gặp lại con gái mình.
Vai Jef Costello đã giúp Delon khẳng định vẻ đẹp bí ẩn và phong thái lạnh lùng và chính trực như một ‘samurai’ trong văn hóa Nhật Bản. Những yếu tố đó đã biến ông thành biểu tượng quyến rũ và định hình sự nghiệp trong thể loại phim hình sự và tội phạm.
Tui nhớ tháng 3, hoa dầu nở, rồi kết trái. Tháng 5, trái dầu khô, gặp gió sẽ rơi xuống, xoay tít bay bay dọc đường Trần Quang Khải. Tui nhớ xem phim “Le Samouraï” ở rạp Văn Hoa trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, gần Cầu Bông với người con gái đầu đời hò hẹn. Em ở xóm Vạn Chài, Tân Định, là nữ sinh trường Huỳnh Khương Ninh. Em bẽn lẽn theo tôi chui vào cái rạp Văn Hoa tối hù có gắn máy lạnh để hai đứa ngồi chung một ghế dù tui đã phải bỏ ra tới 30 đồng (đau lắm chớ) để mua 2 vé. Tui nhớ cạnh rạp Văn Hoa là một quán cà phê cũng tên Văn Hoa. Quán có dàn âm thanh nổi tối tân ‘chát bùm bum’ nhạc ngoại quốc. Tui nhớ em yêu uống sữa tươi, còn tui, tui uống chanh rum, môi phì phèo thuốc Captain, mặt đờ đẫn nghe nhạc Tây “La plus belle pour aller danser” với Sylvie Vartan; dù tui không hiểu gì vì tiếng Pháp tui học là sinh ngữ hai.
Xem “Le Samouraï”, nên tui cư xử như một ‘hiệp sĩ mù’. Dù thích gái, khoái em gần chết, tôi vẫn cố gắng giữ vẻ anh hùng mã thượng. Tui nhớ em yêu nói nhỏ vào tai tui: “Nếu vào rạp hai đứa ngồi chung một ghế chỉ để xem phim thì anh nên xuống lớp Nhứt trường tiểu học Tân Định mà học; chớ đừng học lớp Đệ Nhứt trường Petrus Ký.” Em mãi mãi xa tui từ độ đó. Ối ông Alain Delon ơi! Ông đi rồi, ông mang theo tình thơ một thuở của tui.
ĐXT