Tràng An là khu du lịch nằm trong quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình, gồm có: sông, hang động, rừng ngập nước, rừng trên hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm và các di tích lịch sử của thành Nam cố đô Hoa Lư. Tương truyền rằng nơi này là hậu cứ của triều vua Đinh Tiên Hoàng từ hơn một nghìn năm trước.

Nắng chiều 

Tôi đến Tràng An hai lần, cách nhau 9 năm, đều vào tháng Mười. Lần đầu vào buổi sáng và mới đây vào buổi chiều, cảm nhận hai vẻ đẹp khác nhau trong ngày ở nơi đây.

Ấn tượng về vẻ đẹp của hoa súng vào buổi sáng ở Tràng An

Hôm ấy chúng tôi đi từ trung tâm thành phố Ninh Bình, cách Tràng An khoảng 7 cây số về phía tây theo đại lộ Tràng An.

Những chiếc thuyền neo đậu san sát vòng quanh bến mà người chèo thuyền cho chúng tôi biết là có khoảng 1,500 chiếc. Vào mùa đông khách, thường là sau Tết Âm lịch hay mùa hè, các thuyền hoạt động hết công suất; nhưng mùa vắng khách, có khi mỗi thuyền một tháng mới đến lượt. Ðã có nhiều khách du lịch đến Tràng An vào mùa cao điểm, phải chen lấn xuống thuyền, hay chờ không đến lượt đành phải về. Cũng có người đến đây vào mùa nước lớn, có những hang động không đi qua được nên không có cơ hội khám phá hết vẻ đẹp của Tràng An.

Chúng tôi đi sớm, mặt trời còn dịu. Thuyền chầm chậm trên sông, một vùng non nước mây trời đẹp, nên thơ và không khí trong lành. Hai bên lau lách và hoa súng như tấm thảm màu hồng trên mặt nước tạo cho quang cảnh thêm phần lãng mạn. Dãy núi đá vôi sừng sững bao quanh khiến khí hậu càng mát mẻ. Vài chiếc thuyền của những người vớt rong, họ làm nhiệm vụ làm sạch dòng sông mỗi ngày.

Ðiểm dừng đầu tiên là Ðền Trình, nơi thờ hai công thần nhà Ðinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Ðương triều họ là hai Giám sát Ðại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua.

Viếng Ðền Trình xong, khách xuống thuyền và bắt đầu đi qua các hang động như: hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu… Mỗi hang một vẻ đẹp riêng, đúng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước phía trên lác đác nhỏ xuống. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp thay đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với nhũ đá óng ánh. Người chèo đò bảo với chúng tôi rằng, hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến Vua, chúng tôi thấy trong hang có nhiều bình gốm, hũ, chum…

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Có nhiều hang trần đá thấp đến nỗi chúng tôi phải khom người sát xuống thuyền kẻo va vào đá.

Ðiểm dừng chân thứ hai là Ðền Trần. Theo các tài liệu, Ðền Trần Ninh Bình do vua Ðinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với Ðền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập Hành cung Vũ Lâm, tiếp tục tu bổ bề thế hơn nên được gọi là Ðền Trần. Là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam của Hoa Lư tứ trấn. Lễ hội Ðền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Rời khỏi Ðền Trần thuyền tiếp tục đưa chúng tôi đi thăm các hang động khác như: hang Ba Giọt, Seo, Sơn Dương, Khống… Rồi đến điểm dừng chân thứ ba là Phủ Khống, nơi thờ bảy vị quan trung thần triều Ðinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Ðinh Tiên Hoàng băng hà, bảy vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành Nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của bảy vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.

Cuối cùng là qua hang Quy Hậu và đi ra bên ngoài. Như vậy, chúng tôi đi theo một chiều, không phải quay ngược lại.

Nhìn trên bản đồ, quần thể hang động ở Tràng An giống như một trận đồ bát quái. Những dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Ðiều diệu kỳ nữa là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển nước chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành lũy bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên và được đánh giá như một “bảo tàng địa chất ngoài trời”. Ðặc biệt, do các núi đá vôi cao, khiến dòng sông như một hành lang hút gió, có đoạn đi qua gió thổi rất mạnh.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Một vòng các hang động như vậy mất khoảng ba giờ. Khi chúng tôi trở ra, những bông hoa súng đã khép, người lái đò giải thích rằng, hoa súng này giống như hoa mười giờ, chỉ nở trong khoảng 2-3 giờ. Những chiếc thuyền đưa du khách từ ngoài vào, hai bên vẫy tay chào nhau. Vẫn còn những chiếc thuyền vớt rong. Nắng đã bắt đầu gắt. Chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đã đi sớm, mát mẻ, ít bị nắng. Thủy trình dài nhưng không bị mệt khiến cuộc du ngoạn thú vị hơn.

Mùa thu xanh

Và Tràng An nên thơ lãng mạn vào buổi chiều

Lần vừa rồi, chúng tôi đi từ huyện Nho Quan, cách Tràng An 35km. Con đường dẫn vào Tràng An hai bên cây cao xanh dày, mát và đẹp. Con đường đẹp này dài phải đến hơn mười cây số, khiến mọi người trên xe ai nấy xuýt xoa, không ngờ. Ðiều thay đổi nữa là, lối xuống bến thuyền phải đi qua đường hầm. Tài xế giải thích với chúng tôi, lối xuống hầm này để giải quyết giao thông an toàn giữa người và xe, không hỗn độn như trước kia.

Mùa thu, thời tiết đẹp dịu dàng, mát mẻ. Chúng tôi mua vé đi lại tuyến đường đã đi 9 năm trước. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được ngắm hai vẻ đẹp khác nhau của Tràng An. Hên nữa, hôm chúng tôi đến là ngày đầu tiên Tràng An mở cửa lại sau những ngày mưa dầm. Người chèo thuyền nói với chúng tôi rằng, hai ngày trước nước lên cao, không vào được hang động.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Vẫn những cảnh cũ đã đi qua nhưng lần này vào buổi chiều khá nên thơ. Không còn hoa súng nhưng bù lại được ngắm thỏa thích màu xanh của núi, rừng, cây xanh…. Những con chim le le vẫn ngụp lặn một cách láu lỉnh khiến ống kính của du khách chĩa vào nó đều ngậm ngùi tiếc rẻ vì không được khoảnh khắc nào trọn vẹn. Nước bên dưới trong vắt thấy rõ lũ rong nhởn nhơ ẻo lả khi thuyền đi qua.

Ngồi ở ghế đá chỗ Ðền Trần, tôi như ngây vì màu xanh trước mặt. Một tiếng quẫy của chú cá cũng khiến giật mình. Hít đầy vào lồng ngực không khí trong lành và ngồi mãi không muốn về.

Không như lần đầu háo hức, hết giương máy hình chụp hoa súng rồi đến những cảnh đẹp; lần này cảm giác có khác hơn, suy nghĩ sâu và chín hơn. Chị chèo đò 60 tuổi nói với chúng tôi: “Các chị chụp hình rồi về nhà có cái mà xem lại”.

Giở từng tấm ảnh, ngắm những cảnh đẹp mình đã đi qua mới thấm nỗi cơ cực của nghề chèo đò. Mỗi chuyến đưa khách đi hết các hang động như vậy, chị được hai trăm ngàn đồng nhưng phải chờ đến lượt. Có khi cả tháng không có lượt nào. Những ngày nhàn rỗi thì đi chở đá, vớt rong. Hết chèo tay, chị chèo chân. Có mệt nhọc cũng phải làm vui lòng khách vì sau đó phải nộp cho công ty bản góp ý của khách sau chuyến đi. Trên đò có cây chèo để khách có thể chèo phụ. Nếu có ai đó khòm lưng nặng nhọc đưa mình ngoạn cảnh thì một món quà gửi lại cũng là điều bình thường, tôi nghĩ thế!

Chúng tôi ra bên ngoài đã hơn 4 giờ chiều nhưng vẫn còn khách đi vào. Người chèo đò cho biết, đến 7 giờ tối mới đóng cửa. Tôi nghĩ, nếu chọn vào hôm trăng sớm, có lẽ Tràng An thơ mộng hơn nữa.

Hai lần đến Tràng An với tôi vào  buổi sáng và chiều đủ để khẳng định: Tràng An đẹp, dịu dàng mà hùng vĩ, quay hướng nào cũng thấy cảnh đẹp đến mềm lòng.

Ngược sáng vẫn đẹp

ĐTTT