- Sơ ngộ
Bà cho số nhà lộn một số nên chúng tôi đảo xe một vòng vẫn chưa tìm ra. Vị khách của bà bấm điện thoại gọi lại, nhà ngay mặt đường, chỉ chạy thêm một đoạn là đến. Dừng xe thì bà đã đứng đợi trước ngôi nhà xinh xắn nho nhỏ, vẫy tay chào nhưng không đợi mà bước vào nhà.
Còn đôi năm nữa là bước vào tuổi 90, trông bà vẫn khá khoẻ mạnh và hoạt bát, có phần thời trang với cái nón và chiếc khăn quàng cổ bắt mắt. Gặp bà lần đầu tiên theo lời rủ của một anh bạn nhà báo, chúng tôi cùng đến thăm bà. Không biết gì nhiều về bà ngoài cái tên và chút gia thế đã đọc được đó đây khi bà ra hồi ký đôi năm trước. Tôi cảm nhận ngay nét quý phái, thanh lịch của những phụ nữ trí thức Hà thành di cư lẫn sự gần gũi, ân cần của người miền Nam qua cách bà tiếp đón và xưng hô cùng chúng tôi. Về nhà đọc sách của bà, thấy ấn tượng lần sơ ngộ của mình không sai mấy. Nhưng hãy trở lại điều này sau.
Tôi đảo mắt nhìn quanh phòng khách, rồi theo các anh em đến “thắp nhang cho chú”, theo lời bà. Trên bàn thờ là tấm ảnh người chồng. Phía dưới là ảnh thân phụ mẫu cùng di ảnh bà nội của bà. Vách tường kế bàn thờ treo thêm tấm ảnh một vị tướng 3 sao mang quân phục, vẫn thường được đăng trên báo chí mỗi khi ai đó viết hay nhắc về ông. Ngay phía dưới là tấm ảnh chân dung của bà lúc còn thiếu nữ. Rất đẹp. Tựa như một minh tinh màn bạc nào đó.
Vâng, bà là Nguyễn Tường Nhung, trưởng nữ của nhà văn Thạch Lam, một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là phu nhân của cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 rồi Quân Đoàn 1, một tư lệnh chiến trường được đánh giá là ưu tú nhất của quân lực VNCH. Như vậy cũng có thể nhắc thêm, bà là cháu ruột của hai cột trụ khác trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, các anh trai của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, những nhà văn tiên phong trong trường phái văn chương cách tân về văn hóa và xã hội và có ảnh hưởng nhất nhì trong lịch sử văn chương Việt Nam.
Tôi nói với bà rằng, tôi vẫn còn nhớ những truyện ngắn Gió Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê… của Thạch Lam, thân phụ bà. Thật ra tôi chẳng làm sao nhớ hết những gì đã đọc sau bao năm, ngoài những tựa truyện. Nhưng điều tôi nói là thật lòng, chẳng phải xã giao. Những gì còn sót lại trong tôi về Thạch Lam là một giọng văn đẹp, đầy lòng bác ái, cảm thông. Ngòi bút và tư tưởng của Thạch Lam có phần khác biệt với những nhà văn có xu hướng cách mạng lẫn lãng mạn trong nhóm như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ… Văn phong và những truyện ngắn của ông nhẹ nhàng và tinh tế, thông cảm với phận người cơ cực, lầm than, đọc xong thường để lại những ngậm ngùi, suy nghĩ. Truyện ngắn của ông ở lại cùng tôi là vậy.
Bà giới thiệu vài bức ảnh, dăm tấm tranh và thư treo trên tường. Tôi đọc qua đôi lá thư của Đại Tướng Norman Schwarzkopf, cựu Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Trung Ương Hoa Kỳ, từng là tư lệnh chiến dịch Bão Sa Mạc trong chiến tranh vùng Vịnh, gởi cho tướng Trưởng với lỡi lẽ đầy ngưỡng mộ và kính trọng. Tướng Schwarzkopf từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, là Thiếu Tá cố vấn lực lượng đặc nhiệm Sư Đoàn Dù, dưới quyền của Đại Tá Ngô Quang Trưởng là Phó Tư Lệnh Sư Đoàn Dù trong khoảng thời gian 1965-1966.
Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng bà trước khi được bà mời đi ăn trưa tại một tiệm ăn nho nhỏ của con gái bà cũng gần nhà. Trước khi rời nhà, bà mang vài cuốn hồi ký ra ký tặng chúng tôi.
Ra tiệm, trò chuyện liên quan đến cuốn sách, bà bảo có dăm nơi mời bà ra mắt sách nhưng bà từ chối. Ra vậy. Tôi nhắc tên một chị bạn khá thân ở ngay thành phố tôi cư ngụ, mà bà bảo là người bà con bên tướng Trưởng, đã có lần rủ tôi cùng tổ chức ra mắt sách cho bà. Về sau không nghe chị nhắc lại, lý do là vậy. Có tổ chức mà bà chẳng bay xa tham dự được cũng đâu có ý nghĩa. Có lẽ bà để cho các nhà sách bán. Tiền bán được, bà gởi tặng cho các thương phế binh, người nghèo bên Việt Nam.
Rồi bà bảo chúng tôi đừng động lòng khi nói rằng, bà rất ít khi tặng sách cho người khác, ai thích đọc thì mua. Sách được tặng, người nhận không chắc sẽ trân trọng. Đúng thôi, tôi nghĩ ngay cả mua, có người cũng không hẳn sẽ đọc.
Tôi không biết tại sao bà lại tặng chúng tôi? Có lẽ chúng tôi đến cùng anh nhà báo mà bà thân thiết và quý mến, và anh đã có sách của bà khi phát hành. Hay có thể bà cảm động khi tôi nhắc đến thân phụ bà và nghĩ có thể tôi là người sẽ đọc. Mà cũng có thể vì niềm vui riêng của bà khi có người đến thăm và trò chuyện vì bà nhờ một người bạn, cũng là phu nhân một cựu đại tá không quân, mang bó nhang đến cho chúng tôi thắp tỏ lòng thành kính lên tướng Trưởng. Như vậy đã lâu không mấy ai đến thắp nhang. Tôi không chắc.
Không phải vì sự ưu ái vậy mà về nhà, tôi đọc ngay cuốn hồi ký, mà bà gọi là hồi ức “Tháng Ngày Qua” của bà. Đọc rất nhanh và trọn vẹn. Rồi lại giở tìm dăm trang, đọc chậm lại những điều tạo cho tôi sự xúc động.
Tôi không ngờ cuộc đời phu nhân một vị tướng lại lắm nỗi thăng trầm đến vậy. Những tháng ngày cơ hàn, thiếu thốn khi mồ côi cha từ rất sớm. Hạnh phúc xen lẫn khổ đau, hụt hẫng. Từ một thế giới quyền uy trở thành người vợ bôn ba công việc đời thường, với không ít nghẹn ngào trong những năm tháng đầu tiên trên xứ người. Những chăm sóc, yêu thương dành cho những năm tháng cuối đời của chồng bà. Rồi những tháng ngày và cảm nghiệm bình yên ở chặng cuối cuộc đời.
Tôi còn thêm bất ngờ khi đọc được những trang sách phảng phất giọng văn Thạch Lam, từ một tác giả chưa hề cầm bút trước kia khi đọc hồi ức của bà. Rất chân thật và đầy cảm xúc. Có những đoạn nồng nàn, lãng mạn. Có những trang xót xa, ngậm ngùi. Có những câu văn tả chân vô cùng đẹp. Có những ý tưởng bác ái, nhân văn và thứ tha.
Và hơn hết, tôi hiểu thêm đôi điều về con người một vị tướng, về tâm trạng những người mẹ, người vợ lính trong thời chiến chinh, ly lạc. Và tất nhiên là cuộc đời một người phụ nữ xuất thân từ một gia đình văn chương lừng danh rồi trở thành vợ một danh tướng tài ba, có thể khác xa những gì mà thế hệ đồng thời với bà hay đi sau như chúng tôi đã hình dung.
Hãy thư thả bắt đầu lần giở từng trang sách, đọc mỗi câu chuyện trong hồi ức của phu nhân một vị tướng.
(còn tiếp)