Bạn nghe ba chữ cái cùi chỏ có thấy thô lỗ không? Hồi nhỏ, Hai Quê hay bị mẹ rầy mỗi lần lỡ miệng nói ba chữ này. Mẹ sửa: «Phải nói là cái khuỷu tay!» Hai Quê ngoan ngoãn nghe lời nhưng não bộ phải tiến hành thanh lọc. Mỗi lần định nói về cục xương nối hai phần cánh tay này, ba chữ đầu tiên hiện lên trong đầu vẫn là cái cùi chỏ, xong Hai Quê mới dịch ra thành cái khuỷu tay. Gieo hành vi gặt thói quen, lần nào cũng như lần nấy, có mẹ ở đấy cũng vậy, mẹ vắng mặt cũng vậy, đầu nghĩ cái cùi chỏ, miệng nói cái khuỷu tay. Tại sao lại như vậy? Nhân chi sơ tính bản…thô chăng?

Hỏi thiệt, bình thường bạn để tâm đến bộ phận nào của cơ thể nhất? Chắc không phải là cái cùi chỏ rồi. Cơ mà không có nó thì cánh tay và bàn tay biết làm sao đây? Công dụng quan trọng vậy mà bị cuộc đời lơ là, hắt hủi. Ðâu có nhà văn, nhà thơ nào thèm đưa cái cùi chỏ vô tác phẩm để đời! Trong khi tóc chẳng có chi cần thiết cho sự vận hành của cơ thể, không có tóc cũng chẳng chết con ma nào, còn khỏe thân là đằng khác, khỏi phải cắt, gội, uốn, nhuộm, chải, sấy… vừa mất thời giờ, vừa tốn công, tốn của, vừa có hại cho sức khỏe và môi trường vì hóa chất đầy ắp trong dầu gội đầu, thuốc nhuộm… mà ôi thôi, được từ tục ngữ ca dao đến thi ca tán tụng không tiếc lời: «Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm» (Ca dao), «Cái răng cái tóc là gốc con người»  (Tục ngữ), «Lắng nghe từng sợi mưa dài, cơn mây xõa tóc bên ngoài hè xanh» (Phạm Thiên Thư), «Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi, hay đi tìm dòng suối tóc trên vai» (Văn Phụng).

Sau tóc, các trung tâm gây mê khác thi nhau làm khổ tao nhân mặc khách. Trong Giáng Ngọc, Ngô Thụy Miên chỉ với một câu tôn vinh một lèo bốn món: «Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, vẫn tóc mây bay, má, môi hồng thắm». Trong Chân Dung Mùa Thu, Cổ Ngư cũng chỉ một dòng tấn công tới bốn vùng chiến thuật, cái sờ được cái không sờ được: «Ðan gần những ngón tay ngoan, em quỳ xuống giữa nhân gian, cho hồn bay vút lên cao mênh mang, vai gầy buông mái tóc chùng, xô dạt bao áng mây chiều…»

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Mắt thì thôi, khỏi nói rồi, kể ra hết chắc phải đăng bài này làm ba kỳ, may ra. Thôi kể một hai câu làm bằng chứng: «Bây giờ riêng đối diện tôi, còn hai con mắt khóc người một con» (Thơ Bùi Giáng). Nổi nhất là Mắt Biếc: Cung Tiến một bài, Ngô Thụy Miên một bài, Nguyễn Nhật Ánh một… tiểu thuyết, Victor Vũ một… phim.

Môi đâu thua mắt, chỉ riêng Trịnh Công Sơn, viết mười bài hết chín bài có môi: «Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng» (Ru Đời Đi Nhé), «Một bờ môi thơm một hồn giấy mới» (Đoá Hoa Vô Thường), «Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình» (Ru Ta Ngậm Ngùi), «Có nhớ vài lần những má, môi xinh» (Bay Đi Thầm Lặng)

Trái tim trốn kỹ trong lồng ngực vẫn bị lôi ra lôi vào: Trái Tim Không Ngủ Yên (Thanh Tùng), Trái Tim Mùa Ðông (Trúc Hồ), Trái Tim Ngục Tù (Đức Huy).

Tiếng cười vô hình mà cũng làm hao tốn bao nhiêu là giấy bút: «Tiếng cười đâu đó ròn tan, nụ hôn ngày ấy miên man một đời» (Trần Dạ Từ), «Riêng nét cười, có riêng nét cười, tịnh mặc dưới môi ai» (Hoàng Quốc Bảo), «Cười lên đi em ơi, cười để giấu những dòng lệ rơi» (Lê Hựu Hà), và «Cười lên đi, trăng sắp tàn bóng xế, hát lên đi để rung lòng nhân thế» trong Khúc Ca Ngày Mùa của Lam Phương mà chúng ta vẫn nghe giễu nhại ra thành «Cười lên đi cho răng vàng sáng chói, hát lên đi để cho đời le lói».

Nước mắt buồn thế mà được nhắc đến hoài: Lệ Ðá (thơ Hà Huyền Chi, nhạc Trần Trịnh), Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến), Mắt Lệ Cho Người (Từ Công Phụng), Nước Mắt Mùa Thu (Phạm Duy).

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Bàn chân nằm cuối xóm vẫn được nâng niu như ai: «Người nhón gót thả vầng trăng thứ nhất» (Du Tử Lê), «Mệt quá đôi chân này, nằm xuống chiếc ghế nghỉ ngơi», «Những bước chân mềm mại đã đi vào đời người như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi», «Tôi đưa em về, chân em bước nhẹ trời buồn gió cao», «Xin chân em qua từng phiến ngà», «Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng» (ông Sơn).

Ðến cái mùi, «nhạy cảm» thế mà cũng là niềm ngẫu hứng cho nhiều tên tuổi lớn: «Mỗi mùa, nàng lại cài một bông hoàng lan lên mái tóc. Ðể tưởng nhớ mùi hương» (Thạch Lam), «Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu» (Thơ Lý Thụy Ý, nhạc Phạm Duy).

Viện Cớ của Du Tử Lê là cả một cua Anatomy: «Tim viện cớ đời cho toàn mặt nạ … Mắt viện cớ linh hồn quên mở cửa… Tóc viện cớ khoảng trời xanh khuất mờ… Vai viện cớ gánh đời kia quá nặng, chân đi xa chưa bước khỏi bóng mình…»

Xa Cách của Xuân Diệu tham lam không chừa bất cứ thứ gì, trừ cái cùi chỏ: «Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt! Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng. Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng: Gần thêm nữa, thế vẫn còn xa lắm!»

Cái cùi chỏ tội nghiệp chẳng ai buồn nhắc tới. Không những bị lơ đẹp mà còn bị xem là hung khí. «Lộn xộn ăn cùi chỏ nghe mảy!» Hơn thế nữa, còn bị đem làm công cụ chửi thề. Người Pháp mà giơ một cánh tay lên, gập lại rồi dùng bàn tay kia đập cái chát vào chỗ gập cùi chỏ là phấc du mà không cần mở miệng. Còn trong tiếng Anh, hễ bị bồ tặng cho cái cùi chỏ (give someone the elbow) thì buồn ghê lắm, vì đó có nghĩa là bị đá, bị xù.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Thật khổ thân cái cùi chỏ! Chẳng hiểu vì sao nó lại bị bạc đãi như thế! Xưa nay, Hai Quê cứ thấy thương thương cái cùi chỏ, trời sinh ra cũng hữu ích như ai mà số phận thật hẩm hiu. Tóc, da, móng tay sinh đó rồi diệt đó, vô thường thế mà cũng có hàng tá mỹ phẩm săn đón, không biết bao nhiêu viện thẩm mỹ, tiệm tóc, tiệm nails chăm chút, không biết bao nhiêu nhà sản xuất không ngừng đưa ra sản phẩm mới dù sản phẩm cũ tràn lan mua không xuể, bán không hết. Còn cái cùi chỏ, thật đúng là đồ bỏ xó, chẳng ai thèm ngó.

Giận nhất là cái cùi chỏ còn thua cả… sợi lông mũi: «Lỗ mũi em tám gánh lông, chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho», thua luôn tiếng ngáy: «Ðêm nằm thì ngáy o o, chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà». Cùi chỏ không có một chỗ đứng nào trong văn học nước nhà cả!

Bởi thế cho nên, Covid đáng ghét chỗ nào hổng biết, lại đáng quý cho cái cùi chỏ. Nhờ Covid, cùi chỏ lên ngôi. Mọi người gặp nhau hết hun hít, ôm ấp, bắt tay bắt chân. Chỉ cần cụng cùi chỏ một cái để bày tỏ thân thiện khi chào hỏi là đủ. Khi ho hen, hắt hơi, nhảy mũi, không dùng bàn tay che miệng nữa mà thay bằng cái cùi chỏ. Thêm nữa, thời buổi công nghiệp bận bịu phải ba đầu sáu tay mới kham nổi việc nhà lẫn việc chú bác này, sao ta không nghĩ đến việc trước khi mọc thêm cánh tay nữa, hãy nhờ vả cái cùi chỏ nhiều hơn, ví dụ như việc bật tắt đèn, nó làm giỏi ra phết.

Còn nữa, ăn bánh mì, bạn thích vỏ hay ruột? Riêng Hai Quê, chỉ mê cái cùi chỏ bánh mì. Ðó là phần giòn nhất. Nó đem lại cho Hai Quê cảm giác son trẻ. Chứ sao nữa, không son trẻ răng làm sao đủ khỏe mà gặm cùi chỏ, í quên, khuỷu tay!

HQ