Phần 2:   Chiến tranh và 30/4

Năm 1972, anh vừa 21 tuổi và tôi 18, đến tuổi trưởng thành. Ba má tôi tặng cho mỗi đứa một bức tranh hình hai anh em mặc áo dài đẹp đẽ đốt pháo mừng xuân. Thằng anh giơ tay châm ngòi pháo còn con em núp sau anh bịt tai lại. Ba tôi thảo tâm thư, và má tôi chữ đẹp viết vào cho hai đứa:

‘Ðây là hoài vọng của Ba-Má:

Ước mong sau này, dù có hay lúc vắng mặt của Ba, Má, lúc nào hai con cũng giữ kỹ hai bức tranh này, tượng trưng cho lòng trong trắng và vô tư lự, luôn thương yêu nâng đỡ lẫn nhau.

– Ðến khi Ba,Má không còn trên cõi đời này thì hai con cũng nên xem đây như thay lời “chúc ngôn” vậy!

Năm này anh đang học năm cuối Ðại học Khoa học thì Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 bùng nổ dữ dội khắp nước. Cả miền Nam lâm chiến, chết chóc loạn lạc tràn lan. Lệnh tổng động viên ban ra. Anh phải xếp bút nghiên lên đường tòng chinh. Thế hệ các anh là thế hệ “Tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, sự nghiệp học hành luôn bị biến động chiến tranh ngăn trở. Năm đó vô số sinh viên gia nhập quân ngũ nên trường Bộ binh Thủ Ðức không đủ cơ sở huấn luyện tân binh. Các anh ra Nha Trang thụ huấn tại trường Hạ sĩ quan Ðồng Ðế, tạm dùng để đào tạo sĩ quan. Ra trường anh được bổ vào ngành thiết giáp, phục vụ tại Bình Ðịnh. Trước ngày anh ra đi để nhận công tác tôi đang mê mải đọc quyển Jane Eyre do bạn pen pal từ Bỉ gửi cho nên cứ cắm cúi khóc thương cho những trôi nổi bất hạnh của cô Jane, chẳng dành thì giờ cho anh, thật là tệ! Thế rồi bỗng nhiên ngày đó anh trở về vì không có máy bay. Anh ở nhà thêm một ngày nữa khiến tôi còn có dịp quấn quýt bên anh. Sau này tôi mới biết anh có linh tính điềm chẳng lành gì đó nên lẻn về nhà thêm một ngày chứ chẳng phải không có phương tiện di chuyển. Quả nhiên, khi anh vừa đến trình diện đơn vị, ra trận đầu tiên thì lâm nạn. Vị thiếu úy chỉ huy chiến xa của anh vừa gục ngã ngày hôm trước, anh là chuẩn úy mới ra trường lên thay thế điều khiển thì lãnh ngay một quả bazooka bay luôn chân trái phía dưới đầu gối, được trực thăng tải thương về Quân y viện Qui Nhơn. Mọi việc xảy ra chớp nhoáng như một giấc mơ! Chao ơi, tôi chỉ muốn được tỉnh giấc thoát khỏi cơn ác mộng để thấy anh mình lành lặn như xưa. Nhưng thực tế phũ phàng là anh tôi đã vĩnh viễn mất đi một chân!

Tại bệnh viện anh được một bác sĩ quân y tận tình cứu chữa. Không hiểu sao anh lại “lọt vào mắt xanh” của ông bác sĩ khó tính nhưng đầy từ tâm này. Sau khi chữa trị băng bó cho tạm lành, thay vì cho anh xuất viện về Sài Gòn thì bác sĩ lại mang anh về nhà chăm sóc thêm, hằng ngày cho lính bế anh ra biển Qui nhơn tắm biển cho vết thương mau kéo da non. Ngày Chủ Nhật ông sang làm thiện nguyện tại trại cùi do các soeur người Pháp trông coi thì ông mang anh theo để anh được ăn những bữa cơm Tây đầy bổ dưỡng do các bà soeur nấu đãi bác sĩ. Sau khi đã gắn chân gỗ và tập đi được, anh chào từ biệt bác sĩ để về Sài Gòn đi học lại. Bác sĩ dặn: “Cậu về ráng học. Ðừng bao giờ để người khác coi mình là một kẻ tàn phế!”

Năm 1975, cả hai anh em chúng tôi đều đang học năm cuối. Sự học của anh bị gián đoạn mấy năm trong thời gian tại ngũ nên hai chúng tôi sẽ tốt nghiệp cùng năm. Thế rồi miền Nam sụp đổ! Ba tôi ngã bệnh qua đời đầu năm 76. Anh em chúng tôi chưa đứa nào thành tài để gánh vác kinh tế gia đình. Mẹ tôi bám lấy chức thư ký cấp thấp của mình trong Bộ Công Chánh được ngày nào hay ngày ấy.

Trở về trường học lại sau tháng Tư 75, chúng tôi tạm gác những giờ chuyên môn để học  chính trị, chủ nghĩa Mác Lê, duy vật biện chứng, đường lối chính sách của nhà nước CS, v.v. Và sinh viên chân yếu tay mềm phải tập làm quen với lao động vinh quang. Một lần đi lao động cuối năm lớp tôi phải đến trường tập họp bằng phương tiện riêng rồi lên xe đò do trường sắp đặt đi ra biên giới Việt-Miên ở Tây Ninh, tập đắp bờ và cắm chông để bảo vệ biên giới. Thay vì thuê xe đến trường, tôi để anh đưa tôi, chiếc xe đạp mini lăn đôi bánh nhỏ chở theo tôi và ba lô hành trang. Thuở ấy chúng tôi đã bắt đầu để ý đến người khác phái, đứa nào có anh trai thì đều lọt vào “tầm ngắm” của các cô điệu đà nhiều chuyện. Tôi hãnh diện cho bạn bè thấy tôi được anh “cưng” đến thế nào. Giờ đây nghĩ lại tôi thật hối hận đã khiến anh hì hục đạp 5 cây số đưa tôi đến trường với đôi chân thương tật, chỉ để khoe với bạn bè, bắt tội anh khổ nhọc quá độ. Sau này bạn tôi kể lại nó có hỏi anh tại sao lại chiều em quá như thế thì anh bảo: “Nếu anh bỏ thân tại chiến trường năm xưa thì đâu có trở về đây mà chiều đứa em duy nhất của anh được.”

Nhờ cậu tôi dạy tại trường Kỹ thuật Phú Thọ hướng dẫn đề án làm ống cao su để xay lúa trong nội địa thay vì nhập cảng của Nhật, anh được cậu giới thiệu nhận việc trưởng xưởng cao su của một nhà máy làm dụng cụ nông nghiệp trên Thủ Ðức. Nhà máy trang bị tối tân nhưng ngày càng xuống dốc vì không được bảo trì đúng mức và không có phụ tùng thay thế. Các ông cán bộ cứ muốn máy móc làm việc duy ý chí như con người, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua… Lực bất tòng tâm, tình trạng máy móc hư hỏng, sản xuất đình trệ xảy ra như cơm bữa khiến lý lịch thương phế binh VNCH của anh lọt vào mắt xanh của mấy ông. Những người cách mạng thiển cận, thà bắt lầm còn hơn bỏ sót, nhìn vào hồ sơ cựu quân nhân VNCH của anh là thấy hai chữ  to tướng “PHÁ HOẠI!”

Anh Chị cùng con gái, con trai, con dâu và cháu nội

Một ngày anh vừa đến sở, cùng công nhân bước vào xưởng làm việc thì bị chận lại, bắt lên văn phòng ngồi viết tự kiểm. Tại sao để máy móc hư hỏng? Có ai móc nối để phá hoại cơ sở cách mạng? Phải thành khẩn khai ra đủ các đầu mối! Anh viết bản báo cáo giải thích tình trạng thiếu phụ tùng thì bị xé ngay khi vừa nộp lên vì thiếu thành khẩn, ngồi viết lại cho đúng sự thực. Sự việc lặp đi lặp lại cả tuần, mỗi ngày đến sở anh đều bị kêu lên văn phòng điều tra không được xuống xưởng làm việc. Anh không hề hé môi cho gia đình biết, chỉ lẳng lặng dặn một đàn em thân tín là chiều nào không thấy anh ra về thì đến báo cho mẹ và tôi biết anh đã bị bắt.

Rồi đến một ngày công an nhà máy kết thúc điều tra, làm lệnh bắt giam anh, nhưng ông giám đốc hôm ấy đi họp ở Sài Gòn với thành ủy. Họ gọi điện thoại xin ông cho lệnh miệng, hôm sau ông trở về sẽ ký giấy hoàn tất thủ tục. Thời may phúc đức gia đình tôi run rủi khiến anh gặp được một cán bộ còn có từ tâm, người miền Nam tập kết về. Ông quát trong điện thoại: “Tao biết thằng Chương này. Nó không phải là dân phá hoại. Tụi bây dẹp chuyện này đi!” Thế là anh tôi thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc!

Khi mọi việc đã êm xuôi, anh về ngồi quán cà phê với một anh bạn thân. Khi cầm ly đưa lên miệng, tay anh run bắn làm ly cà phê rớt xuống đất vỡ tan tành! Anh buồn rầu bảo chắc không sống được trong chế độ này, phải tìm đường vượt biên thôi! Tôi nghe thì khóc, bảo: “Anh mang chân giả làm sao băng rừng lội ruộng, lỡ ‘bể’ làm sao chạy thoát. Thôi để em đi, anh ở nhà lo cho má và hai bà nội ngoại.”

Thế rồi tôi vượt biên, tưởng đã bỏ thân ngoài biển vì thuyền bị chết máy, trôi lênh đênh suốt 18 ngày, cuối cùng dạt ra Bắc và đến tận… Hong Kong! Rồi tôi định cư tại Mỹ. Phần anh ở lại cũng đành ra khỏi nhà máy quốc doanh và chật vật tìm đường sinh sống trong nền kinh tế tư nhân, thời đó vẫn còn bị chế độ chèn ép đủ mặt. Tôi sang Mỹ bắt đầu lại từ đầu, ban ngày nhận làm công việc thấp để ban tối học thêm lấy bằng 4 năm. Tôi chắt chiu từng đồng để “gửi thùng” về cho gia đình. Anh chị lúc ấy đã sinh con nên rất quý 2 món sữa và tã do cô Thúy gửi về. Sữa bột đầy đủ chất bổ dưỡng cho đứa bé là hàng hiếm quý trên thị trường, giá cả vượt ngoài khả năng tài chính của anh chị. Còn tã mang lại cho bố mẹ giấc ngủ vàng! Anh bảo khi thằng con đầu lòng mới sinh, cả anh lẫn chị đều hốc hác gầy rộc vì đêm không ngủ được, vừa chợp mắt là thằng bé lại tè ướt rồi khóc ré, bố mẹ lại phải dậy thay tã, loại tã may bằng vải của Việt Nam, mỏng dính và thấm ướt cả giường chiếu. Từ ngày có bịch tã Mỹ gửi về, một bọc túm gọn luôn suốt đêm, giường chiếu khô ráo, cha mẹ tha hồ ngủ lấy sức! Ngoài ra năm nào tôi cũng gửi về cho anh một đôi giầy và bịch vớ thẳng đuột không cong lại ở gót chân gọi là tube socks để anh bọc khúc chân cụt rồi mới xỏ vào chân gỗ. Thời buổi khó khăn cả nước, ai cũng kéo lê đôi dép lẹp xẹp, nhưng anh vẫn phải mang giày và vớ vì cái chân gỗ không thể xỏ dép được.

Ðến giữa thập niên 1980 Việt Nam phải mở cửa đón nước ngoài vào làm ăn để cứu vãn nền kinh tế quốc doanh đang kiệt quệ thảm khốc. Anh tìm được việc làm xứng đáng với các công ty ngoại quốc, đầu tiên là hãng Triumph may nội y phụ nữ. Thằng con trai hãnh diện khoe với mọi người: “Ba con đi may đồ lót đàn bà!”. Sau này anh sang làm cho hãng bảo hiểm Anh quốc Prudential, dần dà lên đến chức COO. Cái chân thương tật vẫn liên tục hành hạ anh suốt năm tháng. Anh phải lót, kê bằng những miếng bông mềm nhưng luôn bị trầy sát rướm máu, chân gỗ thì cũ kỹ lỏng lẻo cần phải thay nhưng tình hình tại Việt Nam lúc đó không cho phép. Những lần đi thị sát chi nhánh, những lần đi họp hành, xét duyệt thành tích tại địa phương anh luôn phải cắn răng nhịn đau mà không tỏ lộ ra ngoài để hoàn thành công việc đòi hỏi của chức vụ. “Ðừng bao giờ để người khác coi mình là một kẻ tàn phế!” Lời dặn xưa vẫn còn ghi tâm!

Cũng từ đó gia đình anh chị có của ăn của để, khi hai con đến tuổi đại học thì gửi một đứa sang học tại Canada và một đứa sang Mỹ ở nhà tôi đi học. 

Nay thì anh em tôi đã đoàn tụ tại Mỹ, bước vào thời kỳ “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”. Anh chị đã về hưu, con cái thành tài, đã qua rồi những năm vất vả cơm, áo, gạo, tiền, và những trầm luân khổ nhục trên đời. Nhìn lại cuộc đời hai anh em chúng tôi, đôi khi tôi không ngờ được chúng tôi đã trải qua những cuộc bể dâu không tưởng tượng nổi.

TM