Đêm trước ngày về, tôi bật truyền hình từ khách sạn thì tình cờ đúng ngay cuộc tường trình trực tiếp cảnh người dân Paris đang biểu tình tại quảng trường Concorde, nơi tập trung các cơ quan chính phủ. Đã gần khuya và trời mưa lạnh nhưng số người biểu tình vẫn còn đông đảo, họ đốt các bao rác và thỉnh thoảng quăng thứ gì đó về cảnh sát. Về đến Mỹ thì thấy tình hình ngày càng tệ hơn, có ngày lên đến vài triệu người đổ ra đường.

Ðó là nỗi nhức đầu của nước Pháp cùng một số nước Châu Âu hiện nay, còn tôi chỉ là một du khách ghé qua vài ngày rồi về. Nhưng lúc ra phi trường mới thấy mình cũng bị ảnh hưởng.

Paris có hai phi trường quốc tế là Charles de Gaulle và Ory, nhưng du khách đến hay rời Paris phần lớn từ phi trường Charles de Gaulle cách Paris chỉ khoảng dưới 20 dặm. Từ trung tâm Paris ra phi trường Charles de Gaulle chỉ vài chục phút nhưng sáng sớm đã kẹt xe, chúng tôi mất gần cả tiếng đồng hồ. Vào trong phi trường là các hàng dài hành khách đang xếp hàng làm thủ tục hay qua cổng an ninh, quan thuế. Vào đến cổng quan thuế đóng dấu thông hành về lại Mỹ mới thấy cuộc đình công ảnh hưởng đến du khách thế nào. Các buồng làm việc của các nhân viên quan thuế Pháp trống trơn, chỉ có vài người làm việc cho rất đông hành khách đang chờ đợi phía sau. Ðình công như một cái quyền chính đáng của người lao động nhằm bày tỏ thái độ phản kháng với chính phủ hay điều bất mãn gì đó, nhưng khi xảy ra thường xuyên, nước Pháp chắc chắn đã bị đình trệ, mất đi hiệu năng công việc rất nhiều.

Vườn Luxembourg thuộc Quận Sáu khu Latin Quarter

Câu chuyện thời cuộc của nước Pháp hay Paris hôm nay là vậy. Còn kiểu “Ngày em đi, Nghe chơi vơi não nề, Qua vườn Luxembourg, Sương rơi che phố mờ, Buồn này ai có mua? Từ chia ly, Nghe rơi bao lá vàng, Ngập dòng nước sông Seine, Mưa rơi trên phím đàn, Chừng nào cho tôi quên?…” (Em ra đi mùa Thu – Phạm Trọng Cầu) hay “Mùa thu Paris, Trời buốt ra đi, Hẹn em quán nhỏ, Rưng rưng rượu đỏ tràn ly (Mùa thu Paris-Cung Trầm Tưởng ) thật thi vị và  lãng mạn thì sao?

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Thưa rằng chúng vẫn còn đó chứ mất đâu. Nhưng tất nhiên đã được thi vị hóa qua ngôn ngữ thi ca.

Sông Seine về đêm

Lần theo những thi sĩ của chúng ta, tôi tìm ghé vườn Luxembourg thuộc Quận Sáu khu Latin Quarter gần đại học Sorbonne danh tiếng xem thử thế nào. Thú thật là nó chỉ là một công viên khá trống trải và chẳng khác bất cứ công viên nào tại thành phố bạn đang ngụ. Hay chắc chắn không thể đẹp hơn vườn hoa Dallas được chăm chút muôn loài kỳ hoa nơi tôi đang ngụ. Và sông Seine cũng là một con sông thông thường với hai bờ tả ngạn, hữu ngạn chắc khó đẹp hơn dòng Potamac mùa hoa anh đào này tại Washington DC. Còn tháp Effiel thì mang tính biểu tượng hơn là công trình kiến trúc đầy ấn tượng khi đến gần. Về đêm Eiffel nổi đèn, sừng sững giữa trời Paris mới thấy được nét độc đáo của nó.

Vậy chẳng lẽ Paris không đẹp và tại sao nó vẫn là thành phố du lịch hàng đầu thế giới, tranh hạng nhất nhì với Bangkok và London với trên dưới 20 triệu du khách nước ngoài ghé thăm Paris hàng năm?

Một con đường nhỏ

Không! Tất nhiên Paris vẫn đẹp và có nét cổ kính, riêng biệt và độc đáo của nó, nhất là những bảo tàng hay cung điện với vô vàn di tích văn hóa và lịch sử đã chu du ra ngoài nước Pháp qua văn chương, thi ca.

Paris được chia làm 20 khu vực hành chánh (arrondissement), tạm gọi là các “Quận” có mã bưu điện kết thúc từ 01 đến 20. Du khách đến Paris lần đầu có thể biết qua điều này nhằm có thể chọn cho mình khu vực và khách sạn sao cho tiện lợi và an toàn. Bắt đầu từ Quận Nhất nơi có bảo tàng Louvre, cùng các quận Nhì, Ba, Tư được xem là khu vực trung tâm Paris. Tháp Eiffel nằm tại Quận Bảy, đại lộ Champs-Elysees với khu thương mại danh tiếng thuộc Quận Tám và Quận 13 là “thủ phủ” thương mại của người Hoa và người Việt. Nếu chọn khách sạn theo mã bưu điện thì nên chọn từ Quận Nhất đến Quận 10 (75001-75010), dù có đắt tiền hơn nhưng là các địa điểm lý tưởng và an toàn, gần các điểm du lịch chính.

Một góc phố

Kiến trúc, mô hình đường phố Paris có thể dễ làm bạn liên tưởng đến Sài Gòn bởi Sài Gòn từng được người Pháp xây dựng thời thuộc địa hay bảo hộ. Paris có những bùng binh, những con đường hẹp một làn xe chạy mà nếu các hẻm Sài Gòn không bị bít lại thì chắc cũng không khác những con đường hẹp thông nhau như vậy tại Paris.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Paris sạch sẽ hơn những gì có thể bạn từng nghe, ngoại trừ những ngày tôi đến thì các bao rác chất đống bên lề đường của những con đường khu dân cư. Nhân viên chính phủ tham gia đình công nên không lấy rác, làm mất đi một phần vẻ đẹp bộ mặt Paris.

Một tiệm Nails

Nhưng chuyện móc túi thì vẫn còn. Chuyên nghiệp và kỳ tài. Chính những người Pháp đã nhắc nhở tôi vài lần về điều này và nhóm bạn sinh viên của con gái tôi đã bị móc túi. Cũng như trước khi sang Pháp, tôi có vào trang mạng Tòa đại sứ Mỹ tại Paris đọc qua vài thông tin trong trường hợp cần thiết. Mỗi năm Toà đại sứ phải cấp lại hơn 2,000 thông hành mới cho những du khách Mỹ bị móc túi hay lấy trộm tại Paris, không kể ước đoán hàng chục ngàn vụ mất điện thoại, tiền bạc, hành lý… mà Tòa đại sứ cũng chẳng làm gì hơn được.

Paris có khá nhiều “quán nhỏ” bán “rượu đỏ” dễ thương, nằm san sát ở mỗi góc phố hay vào tận những con đường hẻm nhỏ. Những tiệm ăn Pháp và khá nhiều tiệm Ý nho nhỏ như vậy, mở cửa đến gần khuya hay quá nửa khuya với các quán bar luôn có đông “trai thanh nữ tú”. Từng cặp hay vài ba người ngồi uống bia hay rượu vang trò chuyện. Thanh lịch, không ồn ào. Nếu ở khu trung tâm như tôi đã nói bên trên, bước ra khỏi khách sạn là bạn có thể gặp những tiệm ăn

Viện bảo tàng Louvre

Mỗi ngày tôi đều vào ít nhất một tiệm như vậy để cảm nhận một phần nhịp sống Paris thế nào. Một đêm tại quán bar ngay trước cửa khách sạn tôi ngụ, đêm đã khuya và chỉ còn ba người bạn cùng vợ chồng chủ quán. Chúng tôi cùng trò chuyện vui vẻ rồi choàng vai hát hò, chẳng phân biệt chủ khách, màu da. Có lẽ đó là một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất về Paris trong chuyến đi.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Vậy còn những câu chuyện văn hóa, lịch sử của Paris hay nước Pháp nói chung thì sao, có lẽ bạn sẽ hỏi tôi không lẽ đến Paris chỉ thấy tiệm ăn, quán bar?

Tất nhiên đó là những giá trị lớn nhất của Paris, một “kinh đô ánh sáng” tráng lệ không chỉ theo nghĩa đen mà từng là một trong những cái nôi văn hóa, nghệ thuật, văn chương, học thuật… của thế giới. Tôi ước rằng mình có thêm nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu thay vì chỉ ghé ngang vài di tích lịch sử mang tính du lịch quen thuộc với du khách.

Tác giả trước kiệt tác Mona Lisa

Với tác phẩm “Thằng Gù nhà thờ Ðức Bà Paris” của Victor Hugo, ai đến Paris một lần mà không ghé đến nhà thờ Notre-Dame de Paris, dù nó vẫn còn đóng cửa và đang được trùng tu sau vụ cháy hồi năm 2019. Rồi ưu tiên khác là phải vào viện bảo tàng Louvre, nơi trưng bày ảnh nàng Mona Lisa quá nổi tiếng, có giá trị xấp xỉ một tỉ đô la hiện nay hay tạt qua chiêm ngưỡng nàng vệ nữ ái tình cụt tay Venus de Milo cùng vô số tranh tượng quý báu khác của nhân loại. Rồi tôi cũng vào nhà ga trung tâm, Gare du Nord lớn nhất Châu Âu tính theo lượng hành khách để sang London.

Tôi là người thích ngao du đó đây, chẳng phải đến Châu Âu lần đầu nên ghé đến và nhìn Paris như nó vốn dĩ, như nhiều thành phố khác từng đi qua. Paris có những nét riêng biệt lẫn thông thường như bất cứ thành phố nào trong ghi nhận và cảm nhận riêng tư của mình.

Dẫu sao thì Paris cũng xứng đáng cho bạn đến với nó một lần và tự mình cảm nhận. Ðể rồi ấn tượng của bạn hay tôi có như thế nào thì Paris đã và vẫn là một thành phố du lịch hàng đầu của thế giới như lâu nay.

ĐYT